Phân giao hạn ngạch dệt may Việt - Mỹ
Dệt may cần chuyển hướng sang thị trường phi hạn ngạch
09:43' 06/06/2003 (GMT+7)
Dệt may cần tập trung vào các cat. nằm ngoài phạm vi hạn ngạch.

(VietNamNet) - ''Hạn ngạch dệt may Việt - Mỹ chắc chắn sẽ không đủ cho các doanh nghiệp (DN), thậm chí một số cat. bây giờ đã hết hạn ngạch của cả năm 2003. Để tránh tổn thất, các DN cần phải nhanh chóng tìm kiếm các thị trường phi hạn ngạch hoặc tập trung sản xuất các cat. ''lạnh'', cat. nằm ngoài phạm vi hạn ngạch''. Đó là đánh giá của 3 Bộ Thương mại, Công nghiệp, Kế hoạch & Đầu tư trong cuộc Họp báo giới thiệu cơ chế phân giao hạn ngạch dệt may Việt - Mỹ, tổ chức sáng 5/6 tại Hà Nội.

Khi được hỏi về triển vọng xuất khẩu (XK) dệt may vào Mỹ từ nay đến cuối năm, cả 3 Thứ trưởng các bộ Thương mại, Công nghiệp, Kế hoạch & Đầu tư đều khẳng định hạn ngạch dệt may chắc chắn sẽ không thể làm thoả mãn tất cả DN và việc thiếu hạn ngạch là điều không thể tránh khỏi. Việc giao hạn ngạch đợt 1 cũng chỉ có thể được thực hiện sớm nhất là ngày 9/6, trong khi dự tính là cuối tháng 5. 

Ông Mai Văn Dâu - Thứ trưởng Bộ Thương mại -  thông báo, kim ngạch XK dệt may Việt Nam sang Hoa Kỳ 5 tháng đầu năm đạt gần 900 triệu USD, xấp xỉ mức xuất khẩu cả năm 2002. Theo ông, với tốc độ XK đó, đến hết tháng 6/2003, một số chủng loại hàng có thể hết hạn ngạch cả năm 2003, nhiều cat. khác chỉ đủ cho các DN XK hết tháng 8. Như dự kiến XK 1,7 tỷ USD dệt may sang Mỹ năm nay thì kim ngạch còn lại đến cuối năm chỉ còn khoảng 600 triệu USD. 

Tuy nhiên, theo ông Bùi Xuân Khu, Thứ trưởng Bộ Công nghiệp, hạn ngạch chỉ là áp dụng với các cat. chứ không phải là kim ngạch do đó DN Việt Nam hoàn toàn có thể xuất hơn con số 600 triệu USD. Ông phân tích, DN có thể tập trung vào các cat. ''lạnh'' hay các cat. phi hạn ngạch vì tỷ lệ cat. bị áp hạn ngạch chỉ là 38/120. Một số mặt hàng như áo jacket, hàng cao cấp hoàn toàn có thể bù đắp cho sự thiếu hụt hạn ngạch cat. ''nóng''. Năm 2002, kim ngạch XK của riêng các cat. ''lạnh'' là 200 triệu USD. 

Bên cạnh đó, các DN có thể tìm ''lối thoát'' ở các thị trường phi hạn ngạch. EU và Nhật là hai lựa chọn lý tưởng nhất. Ông Mai Văn Dâu khẳng định, DN Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội tại thị trường EU khi Hiệp định bổ sung hạn ngạch được ký kết. Đối với thị trường Nhật, đã có thời điểm thị trường này chiếm 65% xuất khẩu dệt may của Việt Nam. ''Đây là thị trường truyền thống mà DN Việt Nam cần chú trọng nếu không muốn bị mất''- ông Dâu nói.        

Những vấn đề liên quan đến việc phân giao hạn ngạch theo Thông tư liên tịch 3 bộ ngày 27/5 cũng rất ''nóng''. Theo Thông tư, việc phân giao hạn ngạch được thực hiện như sau: dành 65 - 70% hạn ngạch cho những thương nhân đã xuất khẩu trong năm 2002 và 3 tháng đầu năm 2003; dành 23 - 28% cho thương nhân có năng lực sản xuất, năng lực xuất khẩu; 3% ưu tiên cho những thương nhân ký hợp đồng sản xuất và xuất khẩu trực tiếp với các tập đoàn nhập khẩu, phân phối lớn của Mỹ; dành 7% hỗ trợ các thương nhân sử dụng vải sản xuất trong nước để sản xuất hàng XK, hỗ trợ thương nhân thuộc vùng kinh tế khó khăn có năng lực sản xuất và hợp đồng xuất khẩu. 

Theo quy định trên, những DN có thành tích xuất khẩu năm 2002 và 3 tháng đầu 2003 được ưu tiên giao hạn ngạch song thực tế là có các DN (nhất là DN có vốn đầu tư nước ngoài) năm 2002 chưa xuất khẩu nhưng đã đầu tư rất nhiều trong năm 2003, nay áp dụng tiêu chí này thì chắc chắn họ sẽ bị thiệt. Hơn nữa, tiêu chí nào để xác định năng lực sản xuất? Ông Mai Văn Dâu cho biết, năng lực sản xuất sẽ được xác định dựa vào số lượng máy móc, thiết bị, nhân lực và đặc biệt là công nghệ ''Nếu công nghệ cao, sản xuất ra những mặt hàng có giá trị cao, xuất khẩu lớn thì chúng ta phải ưu tiên''. Theo đó, các DN chưa có thành tích XK nhưng có quy mô sản xuất lớn vẫn có thể được phân hạn ngạch. 

Con số 3% ưu tiên cho thương nhân ký hợp đồng trực tiếp với nhà nhập khẩu và phân phối lớn của Mỹ tuy nhỏ nhưng gây ''khó hiểu'' vì nó dành cho các nhà nhập khẩu Mỹ, trong lúc các nhà XK trong nước còn đang ''mất ăn mất ngủ'' vì không có hạn ngạch. Theo lời ông Mai Văn Dâu, đó là ghi nhận sự đóng góp của những nhà nhập khẩu Mỹ trong việc vận động cho Hiệp định Dệt may Việt - Mỹ. Việc hạn ngạch được phân bổ chứ không đấu thầu cũng gây lo ngại về chuyện xin - cho. Ông Dâu giải thích, thời gian quá gấp gáp nên bản thân Hiệp hội dệt may cũng đề nghị Chính phủ không thực hiện đấu thầu hạn ngạch trong năm 2003.  

Cũng trong buổi họp báo, Bộ Thương mại đã đưa ra thông tư 03/2003 hướng dẫn việc cấp VISA hàng dệt may XK sang Mỹ. Ông Lê Văn Thắng, Phó Vụ trưởng Vụ Xuất Nhập khẩu - Bộ Thương mại, lưu ý các DN Việt Nam cần đặc biệt quan tâm đến VISA và C/O vì đây là những thứ dễ bị làm giả và nếu các DN không cảnh giác thì sẽ phải gánh phần thua thiệt. Ông thông tin thêm, Hải quan Mỹ đã yêu cầu 766 DN Việt Nam báo cáo về lượng XK chi tiết các cat. nóng như 338, 339, 347, 348 để điều tra những công ty nước ngoài dùng C/O Việt Nam để xuất hàng vào Mỹ. 

Về mức phí hạn ngạch, Bộ Thương mại đề xuất mức tối đa bằng 50% phí hạn ngạch vào EU, với các cat. không quá nóng là 1/3 phí hạn ngạch EU. Toàn bộ phí sẽ được đưa vào quỹ hỗ trợ xuất khẩu.

  • V.D   
Gửi tin qua Email In tin Gửi phản hồi
TIN LIÊN QUAN:
Tạm giao 80% hạn ngạch dệt may trong đợt 1
Khuyến cáo đặc biệt đối với doanh nghiệp dệt may
Mỗi năm, VN chỉ được xuất 1,7 tỷ USD hàng dệt may vào Mỹ
Hạn ngạch dệt may sang Mỹ sẽ tính cả lượng hàng xuất từ 1/5
AmCham kiến nghị phân bổ hạn ngạch dệt may theo thành tích
Hai phương án phân bổ hạn ngạch dệt may
Bộ Thương mại hướng dẫn xuất hàng dệt may sang Mỹ
Việt Nam muốn hiệp định dệt may có hiệu lực từ 1/7
Lấy tiêu chí phân bổ sang EU để phân bổ hàng dệt may vào Mỹ
Nội dung chính của Hiệp định Dệt may Việt-Mỹ
70% hạn ngạch dệt may vào Mỹ dành cho DN có thành tích
Ký kết Hiệp định dệt may Việt - Mỹ
Hiệp hội Dệt may được tham gia phân bổ hạn ngạch
CÁC TIN KHÁC:
DN TP.HCM về Bình Dương làm thủ tục XNK (06/06/2003)
Nhiều DN nước ngoài tìm hiểu luật để "vòi" tiền DN VN (06/06/2003)
Đã có quy trình cụ thể về đấu giá quyền sử dụng đất! (06/06/2003)
Khai báo hải quan điện tử vẫn... thủ công (06/06/2003)
Vắng bóng doanh nghiệp VN tại ITC Vietnam 2003 (06/06/2003)
Cơ hội để thể hiện tầm vóc mới (06/06/2003)
Hướng dẫn tính thuế nhập khẩu bộ linh kiện (05/06/2003)
Các công ty tiếp tục đồng loạt tăng giá gas (05/06/2003)
Người nước ngoài ở Việt Nam được mua trái phiếu đô thị (05/06/2003)
Sony Ericsson ra mắt ĐTDD gắn camera (05/06/2003)
Các tỉnh miền Trung chưa phối hợp tốt trong phát triển kinh tế vùng (05/06/2003)
Thị trường ximăng sẽ còn nhiều biến động (05/06/2003)
Petrolimex mua tàu chở dầu lớn nhất Việt Nam (05/06/2003)
Hỗ trợ kinh phí đào tạo lại lao động dôi dư khi cổ phần hoá (04/06/2003)
Hội nghị các nhà tài trợ năm nay sẽ diễn ra tại SaPa (04/06/2003)
Tro ve dau trang