"Một vài tuần trở lại đây, Cục Sở hữu công nghiệp đã nhận được 200-300 đơn xin đăng ký mỗi tuần, trong khi chúng tôi còn khoảng 12.000 đơn chưa xử lý xong. Tuy nhiên, theo quy định, thời gian giải quyết một đơn là 12 tháng nên từ nay đến hết ngày 21/6, chúng tôi chỉ phải cấp đăng ký cho các đơn đã nộp từ ngày 21/6/2002 trở về trước"- ông Phạm Đình Chướng, Cục trưởng Cục Sở hữu công nghiệp cho biết.
- Vậy những đơn sau này sẽ xử lý thế nào, thưa ông?
- Những đơn nhận sau này sẽ chuyển sang đơn vị khác.
Theo nghị định 54/2003/NĐ-CP của Chính phủ về việc quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Khoa học và Công nghệ, từ ngày 22/6, Cục Sở hữu công nghiệp sẽ đổi tên thành Cục Sở hữu trí tuệ và không còn nhiệm vụ cấp chứng nhận nhãn hiệu hàng hóa. |
- Đơn vị nào sẽ tiếp nhận việc cấp đăng ký nhãn hiệu hàng hóa sau khi cục hết thẩm quyền?
- Cho đến nay chưa có đơn vị nào được giao. Nếu Chính phủ chỉ định bằng nghị định thì phải đăng ký công báo, ấn định thời gian có hiệu lực, như thế sẽ có khoảng thời gian trống mà không có nơi nào nhận đơn. Đấy là chưa nói đến việc cơ quan đó đã tồn tại hay chưa, hay phải thành lập mới. Nếu thành lập mới sẽ phải chuẩn bị cán bộ chuyên ngành đăng ký nhãn hiệu hàng hóa.
Do đó, chúng tôi đang rất lo nguy cơ ùn tắc đơn sau khi Cục Sở hữu công nghiệp hết thẩm quyền. Một cơ quan mới không thể làm ngay được việc. Rất dễ xảy ra gián đoạn quá trình đăng ký mà mỗi ngày có ít nhất 50 đơn nộp đăng ký nhãn hiệu. Người chịu thiệt thòi sẽ là doanh nghiệp, còn hệ thống sở hữu trí tuệ Việt Nam thì mất uy tín.
- Xin cảm ơn ông.
(Theo Tuổi Trẻ)
|