Ùn tắc đăng ký nhãn hiệu hàng hoá
11:42' 21/06/2003 (GMT+7)
Ổn áp Lioa, nhãn hiệu quen thuộc đối với người tiêu dùng
Ngày mai (22/6), Nghị định số 54/CP sẽ chính thức có hiệu lực. Theo đó, Cục Sở hữu Công nghiệp sẽ hết thẩm quyền đăng ký chứng nhận nhãn hiệu hàng hóa (NHHH). Nhưng, Chính phủ cũng chưa giao cho cơ quan nào đảm nhận việc này...

 

Thông tin này đã lập tức khiến cho hàng chục ngàn doanh nghiệp (DN) trong cả nước đang và sẽ tiến hành thủ tục đăng ký chứng nhận NHHH lên cơn sốt. Trả lời với báo chí, ông Phạm Đình Chướng, Cục trưởng Cục Sở hữu Công nghiệp, cho biết gần đây lượng đơn đăng ký NHHH đã tăng đột biến từ 200-300 đơn mỗi tuần, tăng 70-80% so với trước khi Chính phủ ban hành Nghị định 54. 

Sở hữu trí tuệ không bao gồm nhãn hiệu hàng hóa

Bộ Khoa học - Công nghệ có nhiệm vụ và quyền hạn: Về sở hữu trí tuệ (không bao gồm quyền tác giả về văn học, nghệ thuật và nhãn hiệu hàng hóa): tổ chức thực hiện xác lập quyền sở hữu trí tuệ; thực hiện các biện pháp bảo vệ quyền lợi hợp pháp của Nhà nước, tổ chức, cá nhân trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ; quy định và chỉ đạo hoạt động của hệ thống tổ chức quản lý hoạt động sở hữu trí tuệ; chỉ đạo về nghiệp vụ sở hữu trí tuệ đối với các ngành, địa phương, doanh nghiệp và cơ sở.

(Trích điểm 6, điều 2 Nghị định của Chính phủ số 54/2003/NĐ-CP ngày 19-5-2003)

 

Riêng tại TPHCM, theo Phòng Quản lý Sở hữu công nghiệp (Sở Khoa học – Công nghệ và Môi trường TPHCM), lượng đơn đăng ký NHHH chiếm đến 70% tổng số đơn trong cả nước. Chỉ từ tháng 1 đến tháng 4/2003, đã có 942 đơn đăng ký NHHH của DN tại TP.HCM. Kể từ khi Chính phủ ban hành Nghị định 54, hiện mỗi ngày có đến hàng chục DN đến gặp trực tiếp hoặc qua điện thoại chất vấn phòng về việc gián đoạn đăng ký NHHH. 

 

Về phía Cục Sở hữu Công nghiệp, ông Phạm Đình Chướng cũng cho rằng, hiện chưa có đơn vị nào được giao tiếp nhận việc cấp đăng ký chứng nhận NHHH sau khi cục hết thẩm quyền (theo Nghị định 54). Trường hợp Chính phủ giao cho một cơ quan nào khác, chắc chắn cần phải có thời gian dài để chuyển giao và chuẩn bị. Điều đó sẽ gây ra nguy cơ ùn tắc hoặc gián đoạn việc đăng ký NHHH của các DN. Điều nguy hiểm là, việc này dễ gây ra tranh chấp giữa các DN cùng nộp đơn đăng ký NHHH... 

Ông Trần Việt Hùng, Phó cục trưởng Cục Sở hữu công nghiệp:

Đang tồn đọng khoảng 12.000 đơn

 

- Thưa ông, việc tách đối tượng bảo hộ là nhãn hiệu hàng hoá (NHHH) ra khỏi sự quản lý của Cục Sở hữu Công nghiệp (SHCN) có hợp lý không?

- Theo tôi, chuyển giao công tác quản lý NHHH cho bất kỳ một cơ quan nào cũng được, miễn là phù hợp. Tuy nhiên nếu tách riêng bộ phận nhãn hiệu ra khỏi tổng thể sở hữu trí tuệ (SHTT) sẽ bất hợp lý và gây lãng phí vì cả năm đối tượng SHCN (sáng chế, giải pháp hữu ích; kiểu dáng công nghiệp; NHHH; tên gọi xuất xứ hàng hóa) hiện nay đều được nhận đơn, xem xét và cấp bằng theo một dây chuyền đồng nhất. Nếu một đối tượng được tách ra thì hệ thống sẽ chạy không hiệu quả.

 

- Cơ quan nào sẽ đảm nhận nhiệm vụ này và sự chuyển giao có ảnh hưởng như thế nào đối với hoạt động của DN?

- Chính thức chưa thấy nói đến một cơ quan nào nhưng có thể sẽ được chuyển sang cho Bộ Thương mại. Sẽ có ít nhất 3 khó khăn phát sinh. Thứ nhất, thay vì chỉ đăng ký các đối tượng SHCN liên quan đến hoạt động kinh doanh của mình ở một cơ quan, DN lại phải chạy đến 3 nơi khác nhau. Rõ ràng là mất thời gian và tốn kém hơn cho DN. Thứ hai, thực thi quyền SHTT phải đồng nhất, phù hợp với thông lệ quốc tế và có hiệu quả, điều này rất khó đạt được khi có nhiều đầu mối quản lý. Thứ ba, trên thế giới, hầu hết các nước đều chỉ có một cơ quan quản lý SHTT, một số rất ít nước khác có hai hoặc ba cơ quan nhưng họ cũng đang có xu hướng sát nhập lại thành một đầu mối. Còn chúng ta đang có hai cơ quan (gồm Cục SHCN, Cục Bản quyền Tác giả) lại chuyển thành ba.

 

- Vậy thì sau ngày 22/6, trước mắt, quản lý Nhà nước NHHH sẽ bị bỏ trống?

- Cục SHCN sẽ giải quyết dứt điểm những đơn nộp tại cục trước ngày 22/6/2002. Những đơn nộp sau ngày 22/6/2002 sẽ trở thành đơn tồn đọng do cục hết chức năng giải quyết. Hiện có khoảng 12.000 đơn nhãn hiệu tồn đọng gồm: đơn xin đăng ký bảo hộ, gia hạn, sửa đổi. Sau ngày 22/6, Cục SHCN sẽ ngừng tiếp nhận đơn đăng ký NHHH mới. Như vậy sẽ có một “khoảng trống quyền lực” cho đến khi Chính phủ chỉ định cơ quan xác lập quyền sở hữu NHHH mới.

 

- Số đơn tồn đọng sẽ được xử lý như thế nào, thưa ông?

- Toàn bộ đơn tồn đọng sẽ được Cục SHCN chuyển sang đơn vị mới, trong đó giữ nguyên ngày ưu tiên. Các văn bằng liên quan đến NHHH được cấp trước đây vẫn giữ nguyên giá trị pháp lý. Ngày 18/6, Bộ Khoa học - Công nghệ và Bộ Thương mại đã cùng họp bàn về giải pháp khắc phục. Ngay trong tuần này, liên bộ sẽ có văn bản kiến nghị Chính phủ cho phép Cục SHCN tiếp tục được nhận và xử lý đơn NHHH cho đến khi cơ quan mới được thành lập và có đủ năng lực đảm trách công việc này.


(Theo Người Lao Động)

Gửi tin qua Email In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Sẽ xuất khẩu dược phẩm sang Bắc Mỹ, châu Âu và châu Phi (21/06/2003)
Doanh nghiệp có thể vay 85% giá trị hợp đồng khi nhập khẩu từ OECD (23/06/2003)
Thị trường xe máy TP.HCM: đã ế càng thêm ế (21/06/2003)
Khai mạc Hội chợ CNTT và Viễn thông 2003 tại Đà Nẵng (21/06/2003)
Indonesia tìm kiếm giao dịch thương mại với Việt Nam (21/06/2003)
Gian hàng tham gia vượt quá dự kiến (20/06/2003)
Từ 15/7, dán 2 loại tem mới khác nhau cho ruợu nhập khẩu (20/06/2003)
Honda không giảm giá Wave Alpha (20/06/2003)
Lượng hạn ngạch đã giao không khớp với khả năng bổ sung (20/06/2003)
Đà Nẵng thu hút khách du lịch hè 2003 (20/06/2003)
Tribeco có thể không được chia lãi bổ sung (20/06/2003)
Ngành chè vẫn vướng bài toán thị trường (20/06/2003)
"Việt Nam cần thuê lobby để thương lượng" (20/06/2003)
Honda tính chuyện giảm giá Wave Alpha (20/06/2003)
Cấp C/O trong vòng 30 phút (20/06/2003)
Tro ve dau trang