Cuộc họp giữa kỳ của Chính phủ và các Nhà tài trợ:
Còn khoảng cách giữa kích thước cái bánh ODA và những gì Việt Nam có thể nhận
23:35' 21/06/2003 (GMT+7)

(VietNamNet) - Ông Klaus Rohland, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam tại Hội nghị giữa kỳ của Chính phủ và các Nhà tài trợ cho Việt Nam hôm qua (20/6) đã cho biết, tất cả các đại biểu đã công nhận rằng cần phải xoá bỏ khoảng cách giữa kích thước cái bánh ODA và những gì mà Việt Nam có thể tiếp nhận được. Các đại biểu dự họp đều cam kết thực hiện tốt Chiến lược giảm nghèo (CPRGS) và tăng cường năng lực thực hiện các dự án. 

Các nhà tài trợ tại CG 2002.

''Chúng tôi đều mong muốn được thảo luận kỹ vấn đề này trong hội thảo về hiệu quả ODA tổ chức vào tháng 10 và đánh giá báo cáo tiến triển thực hiện CPRGS tại cuộc họp Nhóm tư vấn các Nhà tài trợ tổ chức vào tháng 12 tới'', ông Klaus Rohland nói.

Trong hội nghị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc đã khẳng định cam kết rằng Việt Nam tiếp tục kết hợp chặt chẽ với các nhà tài trợ để nâng cao tính hiệu quả của hỗ trợ phát triển. ''Cần có những nỗ lực hơn nữa của cả hai phía để tăng hiệu quả phát triển. Việc thực hiện các chương trình ODA cần phải được củng cố để làm giảm bớt sự cách biệt giữa các cam kết tài trợ và hiệu quả giải ngân thực tế''. 

Cuộc họp không chính thức giữa kỳ nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam đã diễn ra hôm qua tại thị trấn Sa Pa, tỉnh Lào Cai và các đại biểu hôm nay đang đi thực địa các dự án ODA/Chính phủ tại địa phương này. Các đại biểu chính phủ Việt Nam, đại diện 25 nước tài trợ, 14 tổ chức quốc tế, 4 tổ chức phi chính phủ quốc tế, và đại diện các doanh nghiệp tư nhân đã tham dự hội nghị.

Hội nghị đã điểm lại tình hình phát triển kinh tế, vấn đề phân cấp cũng như các biện pháp nâng cao hiệu quả của các Hỗ trợ phát triển chính thức và việc thực hiện Chiến lược tăng trưởng và giảm nghèo toàn diện của Chính phủ cũng như mối liên hệ giữa chiến lược này với kế hoạch phát triển 5 năm, ngân sách hàng năm và chương trình đầu tư công cộng. 

Việc thực hiện chiến lược giảm nghèo đang đi đúng hướng

Phó thủ tướng Vũ Khoan đã phát biểu trong diễn văn khai mạc hội nghị. ''Tại Hội nghị Các nhà tài trợ lần thứ 10, cộng đồng các nhà tài trợ đã hoan nghênh những nỗ lực của Việt Nam trong quá trình đổi mới và thừa nhận rằng việc thực hiện chiến lược giảm nghèo đang đi đúng hướng. Tuy nhiên, cần có những nỗ lực hơn nữa để giải quyết những thách thức trong nước cũng như quốc tế đặt ra cho nửa cuối của năm 2003. Tăng trưởng GDP dù tương đối cao vẫn không đạt được mức độ dự kiến, giá cả sản xuất còn ở mức cao, thâm hụt thương mại còn lớn và điều kiện sống của nhân dân ở một số vùng còn hết sức khó khăn''.

Đại sứ Đức tại Việt Nam Wolfgang Massing cũng nói thêm về vấn đề này: "Việt Nam đang đứng trước những rủi ro trên con đường phát triển đầy ấn tượng của mình. Một trong những rủi ro này là khoảng cách ngày càng gia tăng giữa cam kết tài trợ và giải ngân. Một rủi ro khác là vấn đề tham nhũng, làm sao có thể đảm bảo rằng những khoản tiền này được sử dụng một cách tốt nhất? Đảng và chính phủ Việt Nam đã nhận thức được vấn đề này và đã đạt được những kết quả tốt, tuy nhiên chúng ta cần phải tìm ra những giải pháp để đấu tranh với vấn đề tham nhũng một cách có hiệu quả hơn''. 

Trong buổi thảo luận của các đại biểu về tình hình phát triển kinh tế của Việt Nam, đại diện Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), bà Susan Adams cho biết báo cáo số bốn của IMF về tổng quan kinh tế Việt Nam đã hoàn tất trong tuần này. Trong đó IMF nhấn mạnh rằng tình hình kinh tế vĩ mô của Việt Nam tiếp tục phát triển theo chiều hướng tích cực, tuy nhiên một số những thách thức về mặt chính sách vẫn còn đang ở phía trước.

Đối với tăng trưởng, thách thức chủ yếu là phải tiếp tục đảm bảo khả năng ngân sách mạnh trong giai đoạn trung hạn bằng cách đẩy mạnh doanh thu thuế nội địa của các ngành không liên quan đến dầu. Việt Nam cũng phải đảm bảo rằng các nguồn đầu tư công cộng được phân bổ một cách hiệu quả, thông qua các phần thẩm định dự án tốt trong hệ thống ngân sách và thông qua các tổ chức ngân sách phụ thêm như Quỹ Hỗ trợ phát triển (ADF), và các quá trình ra quyết định phải dựa trên cơ sở thương mại trong các doanh nghiệp và khu vực ngân hàng.

Bà Susan Adams cho biết: "Quỹ Tiền tệ quốc tế vẫn luôn cam kết là một nhà tài trợ phát triển cho Việt Nam trong quá trình thực hiện Chiến lược tăng trưởng và giảm nghèo toàn diện, và các hỗ trợ kỹ thuật của IMF hiện đang tiến hành trong các lĩnh vực chính sách thuế và hành chính, củng cố ngành tài chính thông qua Ngân hàng Nhà nước và nâng cao cơ sở thống kê của Chính phủ gắn với cam kết trên''. 

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã báo cáo cập nhật tình hình thực hiện CPRGS và quá trình tiến hành thực hiện CPRGS ở các tỉnh. Ban chỉ đạo thực hiện CPRGS đã được thiết lập theo Quyết định của Thủ tướng chính phủ và một ban Thư ký thường trực CPRGS cũng đã được thành lập.

Những hoạt động tiếp theo của Ban chỉ đạo và ban thư ký là viết báo cáo về tiến độ thực hiện CPRGS, và đưa thêm một chương trình bổ sung về phát triển cơ sở hạ tầng theo hướng có lợi cho người nghèo, phát triển các cơ chế giám sát thực hiện CPRGS, cũng như soạn thảo các tài liệu tập huấn và tổ chức các hội thảo để hướng dẫn các bộ và các tỉnh lồng ghép CPRGS vào các chương trình phát triển xã hội của mình năm 2004 và các năm tiếp theo.

Số liệu thống kê nghèo mới trong năm 2002 đã được công bố sau các cuộc điều tra mức sống dân cư 1993, 1998. Các số liệu thống kê cho thấy tình trạng người dân được thoát nghèo được cải thiện liên tục, tỷ lệ nghèo giảm từ mức 37% 4 năm trước đây xuống còn 29%. Tuy vậy, vẫn còn những bất bình đẳng lớn giữa các vùng với miền núi phía Bắc và cao nguyên miền Trung với tỷ lệ người dân sống dưới mức nghèo khổ ở hai vùng này là 44 % và 52%. 

Các đại biểu thống nhất sẽ họp mặt tại Hội nghị chính thức các nhà tài trợ ở Hà Nội vào tháng 12 năm 2003. 

Các hội nghị giữa kỳ không chính thức trước đây đã được tổ chức tại Huế năm 1998, tại Hải Phòng năm 1999, tại Đà Lạt năm 2000, tại Hội An năm 2001 và tại thành phố Hồ Chí Minh năm 2002. 

  • Hồng Phúc

Gửi tin qua Email In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Đã bán hết 81 lô đất ở Texas (21/06/2003)
Tạm giao Cục Sở hữu Công nghiệp cấp bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa (21/06/2003)
Dự án Dung Quất lại trục trặc (21/06/2003)
Năm nay sẽ có 300.000 du khách Nhật đến Việt Nam (21/06/2003)
Ùn tắc đăng ký nhãn hiệu hàng hoá (21/06/2003)
Sẽ xuất khẩu dược phẩm sang Bắc Mỹ, châu Âu và châu Phi (21/06/2003)
Doanh nghiệp có thể vay 85% giá trị hợp đồng khi nhập khẩu từ OECD (23/06/2003)
Thị trường xe máy TP.HCM: đã ế càng thêm ế (21/06/2003)
Khai mạc Hội chợ CNTT và Viễn thông 2003 tại Đà Nẵng (21/06/2003)
Indonesia tìm kiếm giao dịch thương mại với Việt Nam (21/06/2003)
Gian hàng tham gia vượt quá dự kiến (20/06/2003)
Từ 15/7, dán 2 loại tem mới khác nhau cho ruợu nhập khẩu (20/06/2003)
Honda không giảm giá Wave Alpha (20/06/2003)
Lượng hạn ngạch đã giao không khớp với khả năng bổ sung (20/06/2003)
Đà Nẵng thu hút khách du lịch hè 2003 (20/06/2003)
Tro ve dau trang