Thị trường cho du lịch Việt Nam: Lời giải còn treo
09:07' 23/06/2003 (GMT+7)
Du lịch Việt Nam vẫn dựa nhiều vào những thứ "ông trời cho"
 

(VietNamNet) - Theo định hướng của Tổng cục Du lịch, các thị trường mục tiêu của du lịch Việt Nam (Việt Nam) những năm tới lần lượt là Trung Quốc, Nhật, Hàn Quốc và ASEAN. Tổng cục "định" là vậy, nhưng các doanh nghiệp (DN) lữ hành xem chừng vẫn chưa xuôi.

Trung Quốc - Số lượng nhiều, doanh thu ít

Dân số Trung Quốc đạt mức 1,3 tỷ đã lâu. Số lượt người đi du lịch trong và ngoài nước lên đến hàng trăm triệu mỗi năm. Nhưng các nước giàu kinh nghiệm đón tiếp khách Trung Quốc đều buồn bã kết luận rằng, lợi nhuận thu được không đáng kể, do các hãng lữ hành Trung Quốc ép giá, do khách du lịch Trung Quốc chi tiêu ít, do DN của chính họ làm ăn kém.

Việt Nam là hàng xóm của Trung Quốc. Hai bên dễ dàng thông thương với nhau qua nhiều cửa, bằng đường bộ, đường biển cũng như đường không. Rõ ràng Việt Nam có nhiều điều kiện thuận lợi khi tiếp cận và khai thác thị trường này. Hiện Việt Nam cũng được các thành viên khác của ASEAN và Diễn đàn Du lịch thế giới đánh giá là nước khai thác tốt nhất thị trường du lịch Trung Quốc trong khu vực.

Tổng cục Du lịch luôn xác định Trung Quốc là một trong những thị trường trọng điểm, lâu dài của du lịch Việt Nam. Đến nay, Tổng cục đã đặt Trung Quốc là thị trường số 1, đầu bảng của thời gian tới. Trên thực tế, hiện Trung Quốc chiếm 25-30% thị phần khách du lịch đến Việt Nam mỗi năm. Khách Trung Quốc chiếm trên 90% khách quốc tế đến Lạng Sơn, trên 70% khách quốc tế đến Hải Phòng, trên 60% khách quốc tế đến Quảng Ninh. Khách sạn, nhà hàng, ôtô, tàu thuyền du lịch Quảng Ninh và một số tỉnh được xây dựng, mua sắm, hoạt động có hiệu quả phần lớn là nhờ nguồn khách này.

Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là hoạt động du lịch liên quan đến khách Trung Quốc của Việt Nam không tồn tại nhiều vấn đề.

Bên Trung Quốc, ngày càng có nhiều đơn vị, cá nhân kinh doanh lữ hành. Họ cạnh tranh nhau hạ giá để thu hút khách, đồng thời lại tìm mọi cách dìm giá mua tour của DN Việt Nam để ăn chênh lệch. Nhiều DN sau đó còn cố tình dây dưa, không trả nợ. Du khách Trung Quốc sang ta thì phần lớn là dân các tỉnh giáp biên, ít tiền nên mới chọn Việt Nam để "thay đổi không khí". Số khách này đông, khá dễ tính nhưng chi tiêu ít.

Tại các DN Việt Nam, tình trạng cạnh tranh, tự hạ giá, bán tư cách pháp nhân còn khá phổ biến. Các công ty lữ hành Việt Nam do tranh giành khách nên chấp nhận bán tour với giá "bèo" để rồi kiếm chút lãi từ việc giảm chất lượng, cắt xén dịch vụ và chương trình tour. Một số DN thì gần như "khoán trắng" cho các chi nhánh, văn phòng đại diện, đơn vị phụ thuộc tự khai thác, tự hạch toán, nộp khoán; thậm chí giao khoán cho tổ, nhóm, cá nhân tự tổ chức tour. Tình trạng nợ nần, chiếm dụng vốn của phía đối tác lữ hành Trung Quốc ngày càng tăng.

Kết quả là giá tour du lịch ngày càng giảm, chất lượng tour và hiệu quả dịch vụ kinh doanh dưới mức trung bình, làm ảnh hưởng đến uy tín, hình ảnh sản phẩm du lịch Việt Nam.

Về phần Tổng cục Du lịch và các Sở, báo cáo của Tổng cục cũng thừa nhận, "công tác quản lý nhà nước về loại hình du lịch này chưa sâu sát, thiếu kiểm tra thanh tra kịp thời, chậm tìm biện pháp tháo gỡ, xử lý thích hợp. Công tác nghiên cứu thị trường, quảng bá xúc tiến chuyên đề ở Trung Quốc còn yếu. Quản lý hoạt động của các DN không chặt. Thông tin không đầy đủ, không kịp thời. Chế độ báo cáo không nghiêm. Công tác đào tạo, bồi dưỡng, cấp thẻ hướng dẫn viên của ngành không theo kịp với tốc độ tăng trưởng lượng khách. Khách Trung Quốc chiếm 30% lượng khách quốc tế vào Việt Nam, trong khi đó, hướng dẫn viên tiếng Trung chỉ có 16% trong tổng số hơn 3.600 hướng dẫn viên có thẻ".

Tình trạng cục bộ, áp dụng những quy định riêng, thiếu thống nhất ở một số địa phương cũng góp phần tạo kẽ hở cho DN, cá nhân lợi dụng, đối phó. Quảng Ninh áp dụng giá sàn tính thuế là biện pháp cứng rắn và cần thiết để tránh trốn lậu thuế, khép các DN vào làm ăn có bài bản, thống kê kế toán, sổ sách rõ ràng, nhưng chỉ áp dụng ở một tỉnh, không tạo ra sự công bằng trong sân chơi chung. Lạng Sơn thu thêm trên đầu khách tại cửa khẩu là biện pháp tình thế của địa phương. Vì trong khi Lạng Sơn phải đầu tư khá nhiều thời gian, kinh phí để đón khách, thì doanh thu, lợi nhuận nộp thuế lại thuộc các tỉnh phía trong. Tuy nhiên, "sách lược" của tỉnh lại tạo lý do cho DN tìm cách cắt giảm chi phí, hạ chất lượng dịch vụ để còn có lãi đôi chút sau khi khấu trừ các khoản.

Trao đổi với VietNamNet, các hãng lữ hành "đại gia" đều nói họ ủng hộ chủ trương coi thị trường Trung Quốc là số 1 của Tổng cục Du lịch, nhưng lại tỏ ra không mặn mà lắm với thị trường này, nhất là với khách đường bộ. Lãnh đạo một công ty du lịch lớn cho rằng: "Tổng cục cần con số để báo cáo này kia. Còn chúng tôi cần thu nhập".

Ông Hồ Hùng Vân, Phó Tổng giám đốc SaigonTourist thì nói: "Nếu Tổng cục muốn chuyển hướng thì dù nhận khách đi đường bộ, chúng ta cũng phải nhận khách Trung Quốc tiêu tiền một cách hợp lý. Chúng ta không nhận khách Trung Quốc với bất cứ giá nào, với bằng giá hay thấp hơn giá thành của mình. Tôi đã nói đi nói lại điều này và tiếp tục nói trong tương lai nếu Tổng cục chưa làm việc với phía Trung Quốc. Chúng ta phải nhận khách trong tư thế người làm kinh doanh, chứ không phải nhận để làm con số".

Ông Vân cũng nói thêm: "Tôi nghĩ chúng ta rất nên tập trung khai thác khách đi đường hàng không, bằng hộ chiếu từ Thượng Hải, Bắc Kinh... Chính khách đó mới giúp chúng ta kiếm tiền vì họ có thu nhập cao nên mua giá tour tương đối cao và chịu mua sắm".

Nhưng những người Trung Quốc có tiền, chịu chi liệu có chọn Việt Nam?

Nhật - Gió sắp đổi chiều?

Mỗi năm có khoảng 17 triệu lượt khách Nhật đi du lịch nước ngoài, trong đó 3,5 triệu người chọn ASEAN. Trong ASEAN, nước đón được nhiều khách Nhật nhất là Thái Lan (1,3 triệu), Singapore (900.000), Indonesia (600.000). Dân Nhật có thu nhập và mức sống cao, người Nhật dù ở độ tuổi nào cũng thích đi du lịch. Họ thực sự là nguồn khách ai cũng muốn hút về mình.

Tại Việt Nam, mùa cao điểm của khách Nhật thường rơi vào những tháng ít khách châu Âu. Khai thác tốt nguồn này, công suất sử dụng phòng, dịch vụ và hiệu quả sẽ cao.

Mùa cao điểm của khách Nhật từ tháng 4 đến tháng 8, mùa thấp điểm từ tháng 9 đến tháng 12, mùa bình thường từ tháng 1 đến tháng 4. Những kỳ nghỉ trong nước mà khách Nhật thường đi du lịch là kỳ nghỉ hè vào tháng 7, kỳ nghỉ thu và tuần trăng mật vào tháng 8, kỳ nghỉ sinh nhật Nhật Hoàng vào tháng 12.

Cả Tổng cục Du lịch và các công ty lữ hành của Việt Nam đều rất coi trọng thị trường Nhật. Không phụ lòng mong đợi, vài năm trở lại đây, khách Nhật vào Việt Nam trở thành một "trào lưu" như lời Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Phạm Từ. Năm 2002, Việt Nam đón được 280.000 lượt khách, tăng hơn 70.000 lượt khách so với năm 2001. Theo ông Trương Công Thắng, Trưởng phòng Du lịch Công ty Du lịch dịch vụ dầu khí Việt Nam, đón 300.000 khách này còn lãi hơn nhiều so với đón 700.000 khách Trung Quốc.

Nhưng e rằng, trong 1, 2 năm tới, trào lưu khách Nhật sẽ "xẹp". Theo thông báo từ Chính phủ Nhật Bản, đến năm 2004, họ sẽ định hướng cho công dân của mình chuyển từ thị trường Việt Nam/ASEAN sang thị trường Trung Quốc. Đây là một tin buồn đối với du lịch Việt Nam vì khả năng hướng đạo của nhà chức trách Nhật Bản trong lĩnh vực du lịch là rất tốt, rất có sức ảnh hưởng.

Còn các hãng Nhật, khi khảo sát thị trường đã đưa ra kết luận: cao trào các cô gái Nhật qua Việt Nam chỉ một năm nữa sẽ rút. Một năm sau đến lượt khách trung niên và các bà nội trợ.

Theo ý kiến của ông Trịnh Quang Thang, Phó Tổng giám đốc Vietnamtourism tại TP.HCM, nếu Việt Nam thật sự là điểm đến hấp dẫn, sản phẩm du lịch của Việt Nam thật sự có tính cạnh tranh, thì khách Nhật sẽ vẫn đến, dù Chính phủ "nói ngả nói nghiêng".

Nhưng có một thực tế đáng ngao ngán: khi khách vào ít, giá khách sạn, dịch vụ giảm thê thảm. Rục rịch khách tăng lên là y như rằng mọi nơi tăng giá, nhà nhà tăng giá. Tăng giá đến mức khi nào khách không vào nữa thì lại giảm.

Mỗi loại khách được "hưởng" một giá riêng. Khách Trung Quốc ít tiền một giá. Khách giàu, lắm tiền như khách Nhật, Mỹ, Pháp có hẳn một giá. Nhân viên một công ty du lịch Nhật từng thốt lên rằng: "Các bạn nói là ưu tiên chúng tôi, nhưng được ưu tiên... tăng giá như thế này thật đáng sợ quá!". Không chỉ có thế, hướng dẫn viên cho khách Nhật thì vừa thiếu, vừa yếu. Tour, tuyến cũng chưa rõ ràng...

Để duy trì được thị trường Nhật, ngoài những biện pháp chung cho ngành du lịch, ông Hồ Hồng Vân cho rằng "nên tiếp tục tập trung các biện pháp quảng bá ở thị trường này, không nên lơi tay". Còn theo đề xuất của Công ty Du lịch Hội An, cần phải xây dựng một chính giá đặc biệt, linh hoạt hơn khi hầu hết thời điểm người Nhật đi du lịch đều rơi vào những lúc thấp vụ...

ASEAN - Gần mà xa

Một thị trường trọng điểm nữa theo định hướng của Tổng cục Du lịch là các nước khu vực ASEAN. Mỗi năm có 1,3 triệu công dân ASEAN đến Thái Lan; 600.000 người đến Singapore; nhưng chỉ có 270.000 đến Việt Nam. Ông Phạm Từ đánh giá: "ASEAN cũng là một thị trường rất quan trọng, rất gần. Trong phát triển du lịch, không nước nào không coi trọng những thị trường gần. Nhưng các doanh nghiệp ta quá coi nhẹ thị trường ASEAN. Đề nghị các nhà làm tour quan tâm đến ASEAN. Nếu có khó khăn gì tỉnh không giải quyết được, xin mời đến Trung ương".

Về phía các doanh nghiệp, ông Hồ Hùng Vân cho rằng: "Khách ASEAN thường có xu hướng đi du lịch các nước châu Âu. Khách qua Việt Nam chủ yếu là doanh nghiệp đi đầu tư, không nhiều người đi du lịch. Đối với ASEAN, thực ra chúng ta chỉ có ba thị trường là Thái Lan, Malaysia và Singapore. Trong thời gian trước mắt, tôi không nghĩ khách ASEAN sẽ tăng nhanh".

Theo ông Trương Công Thắng, khi nào bỏ toàn bộ thị thực nhập cảnh giữa 10 nước ASEAN, khi đó mới nên coi trọng thị trường này. Vậy có lẽ phải chờ đến năm 2005? Vì vào năm đó, 10 thành viên ASEAN sẽ hoàn thành việc miễn thị thực nội vùng.

Việt Nam đã tuyên bố sẵn sàng bỏ thị thực nhập cảnh cho công dân của tất cả các nước ASEAN trên cơ sở có đi có lại. Hiện Việt Nam đã thỏa thuận miễn thị thực hoàn toàn đối với công dân ba nước trong khối ASEAN là Thái Lan, Philippines và Malaysia. Với Thái Lan và Indonesia, khách du lịch Việt Nam được miễn thị thực nhập cảnh nếu lưu trú trong vòng 30 ngày. Với Philippines, thời hạn là 21 ngày.

Sắp tới, trong chuyến thăm Việt Nam vào 25-27/3, Tổng thống Indonesia Megawati Soekarnoputri sẽ ký một bản ghi nhớ với người đồng nhiệm Việt Nam về việc miễn thị thực nhập cảnh cho công dân của nhau. Hiện chưa rõ về thời hạn lưu trú để được hưởng đặc quyền này, nhiều khả năng tối đa là 30 ngày.

Trung Quốc, Nhật, Hàn Quốc hay ASEAN - với mỗi thị trường Việt Nam cần có chiến thuật riêng, cách thu hút riêng. Nhưng ngoài việc quảng bá, tiếp thị hình ảnh một điểm đến an toàn, thân thiện ở xứ người, du lịch Việt Nam còn cần phải làm nhiều việc ở chính trong xứ mình để không còn cảnh "không hiểu tụi này nó vô mình làm gì" như lời một lãnh đạo cao cấp của một hãng lữ hành hàng đầu, khi trao đổi với VietNamNet.

  • Hoàng Lan

 

Gửi tin qua Email In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
VCBS bảo lãnh phát hành 70 tỷ đồng trái phiếu chính phủ (22/06/2003)
Đà Nẵng đón tàu du lịch quốc tế đầu tiên trở lại (22/06/2003)
Để hàng vào Mỹ được thông quan (22/06/2003)
Còn khoảng cách giữa kích thước cái bánh ODA và những gì Việt Nam có thể nhận (21/06/2003)
Đã bán hết 81 lô đất ở Texas (21/06/2003)
Tạm giao Cục Sở hữu Công nghiệp cấp bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa (21/06/2003)
Dự án Dung Quất lại trục trặc (21/06/2003)
Năm nay sẽ có 300.000 du khách Nhật đến Việt Nam (21/06/2003)
Ùn tắc đăng ký nhãn hiệu hàng hoá (21/06/2003)
Sẽ xuất khẩu dược phẩm sang Bắc Mỹ, châu Âu và châu Phi (21/06/2003)
Doanh nghiệp có thể vay 85% giá trị hợp đồng khi nhập khẩu từ OECD (23/06/2003)
Thị trường xe máy TP.HCM: đã ế càng thêm ế (21/06/2003)
Khai mạc Hội chợ CNTT và Viễn thông 2003 tại Đà Nẵng (21/06/2003)
Indonesia tìm kiếm giao dịch thương mại với Việt Nam (21/06/2003)
Gian hàng tham gia vượt quá dự kiến (20/06/2003)
Tro ve dau trang