Dự án nuôi tôm công nghiệp vùng triều Nông Cống, Thanh Hoá
Chuyện đầm tôm và nỗi lòng ông chủ tịch huyện
18:16' 28/06/2003 (GMT+7)

(VietNamNet) - Vùng đất bán chua mặn nằm cạnh sông Yên, sông Hoàng thuộc xã Trường Giang, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa hàng bao đời bỗng chốc như bừng lên bởi quyết định của UBND tỉnh hình thành một vùng nuôi tôm công nghiệp rộng 66ha, được xem là lớn nhất xứ Thanh từ trước tới nay. Vốn đầu tư gần 15 tỷ đồng, đem lại công ăn việc làm thường xuyên cho hàng nghìn người, chủ yếu là lao động tại chỗ. Câu chuyện đầm tôm trở thành tâm điểm cho mọi vấn đề của người dân nơi đây...

"Được mùa Nông Cống sống mọi nơi", bao đời nay câu ca này cứ đeo đẳng lấy người dân nơi đây. "Vùng đồng trũng nhất tỉnh này có bao giờ có một vụ thu hoạch gọi là được mùa đâu. Đây là vùng thuần túy sản xuất lúa, năng xuất bình quân chỉ đạt vài chục cân thóc/sào. Song đây lại là vùng đất rất thuận lợi cho việc hình thành một vùng nuôi trồng thủy sản công nghiệp, đặc biệt là nuôi tôm", chủ tịch UBND xã Trường Giang, ông Đậu Minh Hùng vừa chỉ tay trên vùng đầm rộng lớn vừa nói. "Trước kia đã có một số bà con nuôi tôm quảng canh, nhưng năng suất thấp. Nay dự án này mở ra, tạo điều kiện rất lớn cho chúng tôi để đảm bảo an ninh trật tự, người dân có công ăn việc làm, thu nhập ổn định, đời sống được cải thiện sẽ không còn phải đi tứ xứ kiếm ăn nữa".

Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá đã phê duyệt Dự án xây dựng đồng nuôi tôm công nghiệp xã Trường Giang, tổng diện tích 66ha. Dự án có tổng mức vốn đầu tư là 14,819 tỷ đồng. Chủ đầu tư là UBND huyện Nông Cống, nguồn vốn được huy động từ ngân sách và vốn vay kích cầu. Người dân nơi này tham gia vào dự án như đóng góp cổ phần, ưu tiên thầu các ao nuôi khi hoàn thành bước đầu của dự án, được giao đất canh tác ở nơi khác.

"Dự án đầm nuôi tôm công nghiệp tại xã Trường Giang là một chủ trương lớn của Tỉnh, huyện và xã Trường Giang. Người dân ở đây cũng rất phấn khởi với dự án này, cơ hội thay đổi cuộc sống đang ở phía trước. Hiện tại dự án đã hoàn thành khối lượng xây dựng cơ bản trên 80%", ông Hùng cho biết.

"Chúng tôi hy vọng rất lớn vào dự án này. Người dân bao lâu nay sử dụng đất nhưng chưa tận dụng được. Họ biết vậy, chúng tôi biết vậy song vốn không có, khoa học kỹ thuật không. Hỏi rằng nếu không có sự quan tâm của tỉnh, huyện thì đến bao giờ người dân mới mở mày mở mặt được. Vậy mà đến nay vẫn có một số người xuất phát từ động cơ cá nhân kiện về dự án này. Đây là việc làm không đúng, đi ngược lại với chủ trương lớn của Tỉnh, của huyện", chủ tịch Hùng nói khi chúng tôi rời đầm tôm trở về huyện. 

Vụ kiện đầm tôm và nỗi lòng ông chủ tịch huyện.


Kể chuyện "vụ kiện đầm tôm", chủ tịch UBND huyện Nông Cống Trần Văn Tâm cho biết từ những năm 90, tận dụng vùng triều rộng lớn của xã Trường Giang (106 ha), một số hộ dân đã khoanh vùng đắp thửa để nuôi trồng thủy sản, trong đó có hộ ông Nguyễn Ngọc Châu.

Sau khi Nhà nước đầu tư xây đắp đê sông Yên thuộc dự án đê Quốc gia thì lợi thế vùng triều càng được khẳng định. Ông Châu đại diện cho một số hộ đã trúng thầu khu đồng Vuông với diện tích 8,31ha. Rồi dự án nuôi tôm công nghiệp hình thành. Ngày 29/11/2002, Chủ tịch UBND huyện Nông Cống có công văn số 20 thông báo cho các hộ dân có đất trong khu vực dự án (66ha) thu hoạch cây trồng, vật nuôi và ngừng sản xuất để giao đất cho dự án trong đó có khu đồng Vuông của ông Châu.

Vậy nên, ngày 25/2/2003 UBND xã Trường Giang đã ra Quyết định yêu cầu ông Châu và các hộ thành viên thu hồi sản phẩm trên đồng Vuông để bàn giao mặt bằng cho việc thi công dự án. Do việc chấm dứt hợp đồng trước thời hạn nên UBND xã Trường Giang thực hiện đền bù những thiệt hại kinh tế. Cụ thể là 60 triệu đồng đền bù cho chủ thầu về những đầu tư nuôi trồng thuỷ sản, 12 triệu đồng hỗ trợ chủ thầu tìm kiếm việc làm mới khi kết thúc hợp đồng, trả lại toàn bộ số tiền mà chủ thầu đã đóng năm 2003 là 40,9 triệu đồng.

Nhưng ông Châu đã không đồng ý và quyết định khởi kiện UBND xã Trường Giang vi phạm cam kết hợp đồng và yêu cầu đền bù, bồi thường thiệt hại gần 1 tỷ đồng. Việc này không được ban quản lý dự án chấp nhận vì ông Châu đòi bồi thường vô lý. Dựa vào đây, ông Châu đã không thực hiện thu hoạch đầm tôm để bàn giao đất cho dự án. Sau khi nhận được đơn khởi kiện của ông Nguyễn Ngọc Châu, TAND huyện Nông Cống đã thụ lý vụ án dân sự. Tuy nhiên, để kịp tiến độ thực hiện dự án, mặc dù đã nhiều lần thông báo cho ông Châu thu hoạch tài sản nhưng không chấp hành, TAND huyện Nông Cống đã ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời “cho thu hoạch toàn bộ vật nuôi tại đồng Vuông xã Trường Giang" của ông Nguyễn Ngọc Châu. Nhận được quyết định này, ông Châu vẫn không thực hiện.

Chủ tịch Tâm nói tiếp: "Không phải huyện nói cưỡng chế là cưỡng chế ngay. Nhiều luồng dư luận không nắm hết vấn đề lại cho rằng chúng tôi ép dân, gây thiệt hại cho dân là không đúng". Ông cho biết huyện đã thành lập đoàn kiểm kê tài sản có sự tham gia của Sở Thuỷ sản để xác định số tài sản thực dưới mặt nước: "Thời điểm tháng 12 âm lịch, theo ngành thuỷ sản thì trên toàn bộ miền Bắc nước ta không phải là thời điểm nuôi trồng thuỷ sản. Còn việc ra quyết định cưỡng chế thu hoạch thì TAND huyện Nông Cống đã thực hiện đúng pháp luật".

Kết quả kiểm kê tài sản dưới mặt nước khu đồng Vuông bắt được số lượng tôm, cua... quy ra tiền chỉ được 1,04 triệu đồng. Vậy số tiền còn lại theo đơn khởi kiện của ông Châu là gần một tỷ đồng thì ông Châu căn cứ vào đâu để xác định? 

"Dự án đầm tôm công nghiệp ở Trường Giang là chủ trương lớn của cả huyện, chúng tôi quyết tâm thực hiện nhằm mang lại bộ mặt mới cho vùng nông thôn còn nghèo này. Không thể vì một vài cá nhân mà làm ảnh hưởng đại cuộc", giọng chủ tịch Tâm vang lên quyết liệt như thế khi chúng tôi chia tay ông. 

  • Lâm Phong
Gửi tin qua Email In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Từ nay đến 2005, TP.HCM sẽ cổ phần hoá 117 DNNN (28/06/2003)
Giao hạn ngạch dệt may đợt chót (28/06/2003)
Thay đổi cơ quan đăng cai hội nghị AFPI do thông tin sai lệnh (28/06/2003)
Chấm dứt chế độ hai giá vào cuối năm nay (28/06/2003)
Một nông dân ở Trà Vinh sáng chế máy hút bùn (28/06/2003)
Hạn chế tự phát nuôi cá tra, cá basa (27/06/2003)
Nguyên liệu hạt nhựa lại tăng giá (27/06/2003)
Các nhà tài trợ bổ sung hơn 133 triệu USD cho Việt Nam (27/06/2003)
Chuẩn bị đấu thầu dự án nhà máy lọc dầu Nghi Sơn (27/06/2003)
Thay đổi cơ quan đăng cai Hội nghị thường niên AFPI (27/06/2003)
''Tăng thu đồng thời với giảm chi phí, thất thoát'' (27/06/2003)
Giao dịch nhà đất ở TP.HCM giảm mạnh (27/06/2003)
Thiếu nghiêm trọng nhân công ngành điều (27/06/2003)
Xe máy khuyến mãi, giảm giá vẫn… ế! (27/06/2003)
Trên 21.000 tỷ đồng được cam kết đầu tư vào Thanh Hóa (26/06/2003)
Tro ve dau trang