|
Giấy ngoại càng rẻ đi đang đe doạ giấy nội. |
Tình hình tiêu thụ giấy trong những tháng gần đây đã có những dấu hiệu khả quan, lượng giấy tồn kho của các DN đang giảm đáng kể. Riêng trong tháng 5, lượng giấy tiêu thụ của 3 công ty giấy lớn là Bãi Bằng, Đồng Nai và Tân Mai đã tăng hơn 1.000 tấn so với tháng trước.
Tổng công ty Giấy Việt Nam cũng rất lạc quan trước khả năng tiêu thụ giấy của DN trong nước tiếp tục tăng sau khi lộ trình AFTA chính thức bắt đầu từ ngày 1/7. Sản phẩm sản xuất trên dây chuyền giấy bao gói xi măng mới của Công ty giấy Hoàng Văn Thụ đã có thị trường và tiêu thụ tốt. Theo Tổng Công ty Giấy Việt Nam, khả năng tiêu thụ giấy trong tháng 7 của các công ty thành viên vẫn giữ được mức khá.
Lượng giấy tồn kho hiện nay của toàn ngành đang là 36.000 tấn giấy các loại, trong đó lượng tồn kho từ năm trước chuyển sang là 25.500 tấn. Như vậy, giấy tồn kho thực của các công ty trong năm nay chỉ ở mức 10.500 tấn so với sản lượng giấy sản xuất cả 6 tháng đầu năm là 100.868 tấn.
Tuy nhiên, lượng giấy nhập khẩu trong thời gian qua vẫn ở mức cao. Tính đến hết tháng 6, giấy nhập khẩu đã lên đến trên 215.000 tấn, trong đó nhiều nhất là các loại giấy bao bì công nghiệp. Sắp tới, ngành giấy sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh quyết liệt hơn khi từ 1/7 tới, thuế suất thuế nhập khẩu giấy sẽ giảm từ 40% hiện nay xuống còn 20% theo lộ trình tham gia khu vực mậu dịch tự do ASEAN (AFTA).
Tháng 7/2003, Công ty giấy Bãi Bằng sẽ ngừng máy để thực hiện dự án mở rộng giai đoạn 1 và một số đơn vị có các dây chuyền mới đầu tư như giấy Hoàng Văn Thụ, giấy Vạn Điểm chưa có khả năng phát huy tối đa công suất thiết bị. Vì vậy, dự kiến cả năm nay, Tổng công ty Giấy Việt Nam chỉ có thể sản xuất 180.217 tấn giấy các loại.
(Theo TTXVN)
|