Việt Nam phản đối ý đồ áp đặt mức thuế cao của DOC
11:15' 23/07/2003 (GMT+7)
Bộ Ngoại giao Việt Nam lên tiếng phản đối quyết định tăng thuế của DOC.

(VietNamNet) - Phản ứng trước việc Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) sửa đổi tăng thêm mức thuế đối với các DN xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam, hôm qua (22/7), bà Phan Thuý Thanh, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam, nói: "Quyết định này cho thấy DOC vẫn tiếp tục bỏ qua nhiều thông tin xác đáng về tình hình nuôi, chế biến và xuất khẩu các sản phẩm cá tra, basa của Việt Nam nhằm thực hiện ý đồ áp đặt mức thuế cao hết sức vô lý".

Bà Phan Thuý Thanh nhấn mạnh, chính dư luận Hoa Kỳ cũng không thể đồng tình với những quyết định không công bằng, không khách quan của DOC. Ngày 18/7, các thượng nghị sĩ Hoa Kỳ gồm ông John McCain (đảng Cộng hoà, bang Arizona), ông Chuck Hagel (Cộng hòa, bang Nebraska), bà Diane Feinstein (Dân chủ, bang California), bà Olympia Snowe (Cộng hoà, bang Maine), bà Patty Murray (Dân chủ, bang Washington) và bà Maria Cantwell (Dân chủ, bang Washington) đã gửi thư cho Chủ tịch Uỷ ban Thương mại Quốc tế Hoa Kỳ (USITC) bày tỏ mối lo ngại sâu sắc về ý đồ áp đặt thuế chống bán phá giá cho sản phẩm cá tra, cá basa của Việt Nam nhập vào Hoa Kỳ.

Các thượng nghị sĩ trên cũng yêu cầu Ủy ban thực hiện mọi nỗ lực để bảo đảm rằng, các kết luận về vụ kiện này đều căn cứ trên các dữ kiện thực tế khách quan, theo tinh thần thương mại tự do và cởi mở giữa hai nước, như đã được thể hiện trong Hiệp định Thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ.

"Chúng tôi hoan nghênh và đánh giá cao việc làm đúng đắn này của các thượng nghị sĩ Hoa Kỳ. Chúng tôi mong rằng, USITC sẽ xem xét một cách khách quan, công bằng để đưa ra phán quyết phù hợp với thực tế, góp phần khuyến khích DN hai nước tăng cường quan hệ buôn bán vì lợi ích của cả hai bên, trong đó có lợi ích của chính các DN và người tiêu dùng Hoa Kỳ'', bà Thanh nói.

Cuộc chiến catfish lớn

"The Great Catfish War" là tiêu đề bài báo đăng trên tạp chí New York Times ra ngày hôm qua (22/7). Bài báo mở đầu bằng hình ảnh ông Trần Vũ Long, một người nông dân nuôi cá tra, basa và sống nhờ vào những bè cá này trên dòng Mekong. Khi vụ kiện cá tra, basa xảy ra, ông đã bị lỗ lớn, và bài báo khẳng định, "rủi ro của ông chỉ là một phần của câu chuyện về những nước giàu có, vốn rao giảng những nguyên tắc cơ bản của tự do thương mại khi tìm kiếm thị trường cho hàng hoá của mình, song, lại ủng hộ chế độ bảo hộ mậu dịch khi nông dân của họ vấp phải sự cạnh tranh. Số phận của cá basa Việt Nam là một lời cảnh báo đối với các nước nghèo yếu thế trên cán cân trong hệ thống mậu dịch thế giới".

Đời sống của hàng nghìn nông dân nuôi cá basa Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng.

Ông Long và những nông dân Việt Nam khác đã bị dính vào một cuộc đấu trên hai mặt trận, do Hiệp hội Các chủ trại cá nheo Mỹ (CFA), một nhóm đại diện cho những nông dân nuôi catfish Mỹ tại lưu vực sông Mississippi, phát động. Nhìn chung, họ không phải là những nông thương khổng lồ gì, và nhiều người trong số này đã gặp khó khăn trong việc đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng. Song, không một lời giải thích khả dĩ nào, tại sao Mỹ, quốc gia quán quân thế giới về thị trường tự do cạnh tranh, lại có thể gian lận trong trò chơi catfish nhằm loại bỏ những sản phẩm của người nông dân Việt Nam?.

Năm ngoái, với sự giúp đỡ của Thượng nghị sĩ Trent Lott, khi đó đang là thủ lĩnh phe đa số ở Thượng viện, CFA đã lên kế hoạch thuyết phục Quốc hội lật đổ khoa học. Một dự luật, không chắc là gắn với một đạo luật riêng, đã tuyên bố rằng, ngoài 2.000 loại cá da trơn sinh trưởng tại Mỹ, tên khoa học là Ictaluridae, mới được gọi là catfish. Như vậy, người Việt Nam chỉ có thể đưa sản phẩm của mình vào thị trường Mỹ dưới những cái tên basatra.

Đó cũng chỉ là bước đầu tiên của một cuộc tấn công mạnh của cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa. Marion Berry, một nghị sĩ thuộc Đảng Dân chủ bang Arkansas, đã gia nhập vào một chiến dịch bôi nhọ bằng thông tin sống sượng để chống lại Việt Nam. Ông ta cho rằng, cá của Việt Nam không đảm bảo chất lượng vì nó được nuôi trong những khu vực mà trước đây trải đầy chất độc màu da cam do Mỹ rải trong chiến tranh Việt Nam. CFA, về phần mình, cho đăng những cảnh báo về một ''loài cá trơn tuột'', nói rằng những con cá như vậy ''sống trôi nổi khắp các con sông của Thế giới thứ 3, ăn những thứ mà ai cũng biết''.

Không hài lòng với sự quy chụp này, CFA tiếp tục lên dự định về một vụ kiện chống bán phá giá với con cá da trơn Việt Nam. Và để phục vụ mục đích này, bất chấp sự phân loại đã rõ ràng về tên gọi, loài cá này một lần nữa lại được gọi là "catfish", không phải tra hay basa. Ngành công nghiệp catfish Hoa Kỳ đưa việc kiện bán phá giá ra như cái cớ để được tự bảo vệ trước những sự cạnh tranh hợp pháp.

Trong vụ kiện này, DOC không có bằng chứng nào cho thấy cá nhập từ Việt Nam được bán rẻ hơn ở Mỹ so với ở Việt Nam, hay dưới giá thành sản xuất. Nhưng thay vì từ bỏ yêu cầu của các chủ trại ở Mississippi, DOC tuyên bố đơn giản rằng Việt Nam là một nền kinh tế ''phi thị trường''. Sự quy kết này đã cho phép phía Mỹ nghi ngờ, phải có cái gì đó đáng ngờ đang xảy ra - rằng nông dân Việt Nam không thể che đậy mọi chi phí sản xuất trong nền kinh tế thị trường. Và thế là mức thuế từ 37 lên 64% đã được DOC đập vào cá tra, basa Việt Nam. Trên thực tế, nhiều nông dân Việt Nam từ chối bán cá của họ với giá thấp. Đối mặt với viễn cảnh mất hết nguồn vốn, họ sốc khi biết rằng, DOC phán quyết họ không hoạt động trong nền kinh tế thị trường.

Vấn đề chưa dừng ở đây khi USITC, có thể hôm nay (23/7) sẽ bỏ phiếu quyết định liệu ngành catfish Mỹ có bị ảnh hưởng bởi sự cạnh tranh không công bằng hay không? Một phán quyết đưa ra có thể sẽ làm cho mức thuế trên có hiệu lực.

Khi dẫn việc 6 thượng nghị Mỹ gửi thư lên Chủ tịch USITC phản đối quyết định thiếu công bằng của DOC, bài báo khẳng định: Thượng nghị sĩ McCain đã đúng. Cuộc chiến catfish ít được quan tâm ở Mỹ, nhưng tại Việt Nam, đó lại là tin tức được quan tâm hàng đầu. Sự lo lắng của Washington cho một vài nghìn chủ trại catfish trong nước đã khuấy động tâm lý chống Mỹ ở Việt Nam. Một luật sư trong vụ kiện này đã so sánh sự quan tâm của dư luận Việt Nam như nỗi ám ảnh của người Mỹ về vụ Lewinsky.

Thay mặt Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP), Tổng Thư ký Nguyễn Hữu Dũng lên tiếng: "Chúng tôi yêu cầu USITC lắng nghe thượng nghị sỹ McCain cùng các đồng nghiệp của ông và giải quyết vụ kiện một cách thoả đáng. Nếu không, Việt Nam sẽ trở thành một trường hợp điển hình khác trong cách Mỹ, châu Âu và Nhật Bản đang gian lận luật lệ thương mại toàn cầu để họ luôn là người chiến thắng".

  • Yên - Dũng   
Gửi tin qua Email In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Giá dầu thô giảm do dự báo OPEC tăng sản lượng (23/07/2003)
Hongkong có nền kinh tế tự do nhất thế giới (23/07/2003)
Tỷ lệ người dùng Internet của Việt Nam đạt gần 2% (23/07/2003)
Giá tiêu dùng tháng 7 tiếp tục giảm (23/07/2003)
Đà Nẵng chuẩn bị xây dựng nhà máy đóng tàu (23/07/2003)
Chưa đủ cơ sở khoa học cho "cánh đồng 50 triệu"? (22/07/2003)
Anh thúc đẩy thương mại với Trung Quốc (22/07/2003)
Nhà nước sẽ không trả lại đất đã giao (22/07/2003)
Đông Nam Á đẩy mạnh chấn hưng du lịch hậu SARS (22/07/2003)
TP.HCM phấn đấu tăng trưởng đạt 11% trong năm nay (22/07/2003)
Hà Nội thêm 4 chợ đầu mối và 8 trung tâm thương mại (22/07/2003)
Giảm thuế nhập khẩu xăng dầu (22/07/2003)
Hội chợ xuất khẩu - tiêu dùng - du lịch Đà Nẵng khai mạc 25/7 (22/07/2003)
VASEP phản đối việc DOC tăng mức thuế vô lý (22/07/2003)
Hàng Việt Nam ''chậm chân'' vào thị trường Trung Quốc (22/07/2003)
Tro ve dau trang