|
Số nông trường làm ăn có lãi chiếm tỷ lệ 30,7%. |
Ngày 30/7, ngày đầu phiên họp thường kỳ tháng 7, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Phan Văn Khải, Chính phủ đã tập trung thảo luận về Chương trình hành động triển khai thực hiện Nghị quyết 28/NQ-TW của Bộ Chính trị (khóa IX) về "tiếp tục sắp xếp, đổi mới và phát triển các nông, lâm trường quốc doanh".
Trong quá trình xây dựng và phát triển, các nông, lâm trường đã có những chuyển đổi quan trọng cả về tổ chức quản lý và nội dung, phương thức hoạt động, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, cải thiện đời sống người lao động. Tuy nhiên, các nông, lâm trường vẫn còn nhiều yếu kém như hiệu quả sử dụng đất đai còn thấp, quản lý đất đai, tài nguyên rừng còn nhiều yếu kém, hiệu quả sản xuất kinh doanh thấp. Số nông, lâm trường làm ăn có lãi chưa nhiều. Nhiều nơi thực hiện khoán theo kiểu "phát canh thu tô", đời sống cán bộ, công nhân viên còn nhiều khó khăn, việc đóng bảo hiểm xã hội chưa được thực hiện nghiêm túc.
Theo con số khảo sát thực tế gần đây, hiện cả nước có 314 nông trường (giảm 143 đơn vị so với năm 1999), 173.900 lao động (giảm 200.000 người), quản lý 637.780ha đất đai (giảm 200.000ha), bằng 1,6% tổng diện tích tự nhiên của cả nước. Đáng chú ý là mới có 85% số đất đai do nông trường quản lý được sử dụng và trong số đất đã được sử dụng cũng chỉ có phân nửa là tự sản xuất, còn lại là khoán dưới nhiều hình thức. Số nông trường làm ăn có lãi, mới chiếm tỷ lệ 30,7%.
Các lâm trường quốc doanh quản lý 26.800 lao động và 5 triệu ha đất rừng, trong đó có 3,5 triệu ha đã có rừng, còn 1,5 triệu ha đất trống (năm 1991 các lâm trường quản hơn 6 triệu ha đất rừng, sau đó đã giao về các địa phương 1,1 triệu ha). Tỷ lệ đất rừng được sử dụng là 83% diện tích, trong số đất đã được sử dụng cũng mới có 83% là lâm trường tự làm, còn lại là khoán, cho thuê, mượn.
Để sớm khắc phục những mặt yếu kém nói trên, nhiều phần việc được Chính phủ đề cập và thảo luận tại phiên họp, trước hết là phân loại các nông, lâm trường (với số đã được tiến hành sắp xếp) và rà soát phương hướng, nhiệm vụ của từng nông, lâm trường để có biện pháp củng cố hoặc giải thể. Về cơ chế quản lý, Chính phủ yêu cầu đổi mới một cách cơ bản khâu quản lý, sử dụng đất đai và giải pháp bảo đảm thực hiện có hiệu quả các hình thức khoán trong nông, lâm trường. Về chính sách, các thành viên Chính phủ nhấn mạnh yêu cầu khuyến khích khoa học công nghệ, chính sách tài chính, chính sách đối với người lao động và phân cấp quản lý nông, lâm trường.
Chính phủ đồng thời đòi hỏi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; các tổng công ty, công ty và các nông lâm trường phải xây dựng được các đề án cụ thể trong sắp xếp, đổi mới và phát triển nông, lâm trường theo tinh thần Nghị quyết 28/NQ-TW.
Theo Thủ tướng Phan Văn Khải, vấn đề đặt ra cấp thiết là phải sắp xếp, chấn chỉnh hoạt động của nông, lâm trường quốc doanh. Các nông, lâm trường phải chuyển mạnh sang đảm nhiệm các khâu dịch vụ cho công nhân về giống cây - con, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Riêng đối với các nông, lâm trường ở Tây Nguyên thì thực hiện theo cơ chế đặc biệt hơn, giao đất cho dân để dân tự sản xuất canh tác.
Các thành viên Chính phủ đã thống nhất rằng: với phương hướng, mục tiêu và các giải pháp đã bàn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cần khẩn trương nghiên cứu, bàn bạc cùng các ngành hữu quan xây dựng những đề án có tiêu chí và nội dung cụ thể, phân công phân nhiệm rõ ràng để trình Thủ tướng ra quyết định thực hiện, bảo đảm thực sự thành công trong thực hiện Nghị quyết 28/NQ-TW.
Cùng ngày, các thành viên Chính phủ đã góp ý kiến vào ba Dự thảo văn bản dưới Luật: Pháp lệnh Thi hành án dân sự (sửa đổi) do Bộ trưởng Tư pháp Uông Chu Lưu trình; hai Dự thảo Pháp lệnh Giống cây trồng và Pháp lệnh giống vật nuôi do Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Huy Ngọ trình.
Hôm nay, Chính phủ sẽ nghe báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 7 và 7 tháng đầu năm 2003, báo cáo tình hình giải quyết khiếu nại và tố cáo quý II/2003.
(Theo TTXVN, Tuổi Trẻ, Thanh Niên) |