(VietNamNet) - Thảo luận về Luật Doanh nghiệp nhà nước (sửa đổi) trong 2 ngày (13-14/8), các đại biểu chuyên trách của Quốc hội đều thống nhất nên quy định chặt hơn việc thành lập mới doanh nghiệp nhà nước (DNNN). Ý kiến của nhiều đại biểu Quốc hội là cần quy định bắt buộc phải lập Hội đồng thẩm định để thẩm định việc thành lập mới DNNN. Luật cần quy định chặt chẽ, rõ hơn trách nhiệm của cơ quan, của cá nhân ra quyết định thành lập mới DNNN; quy định chế tài đối với việc thành lập DNNN không có hiệu quả hoặc không đúng với các quy định về thành lập mới DNNN.
|
''Cần quy định chặt chẽ về ngành, lĩnh vực, địa bàn thành lập mới DNNN''. |
Quyết định lập DNNN không hiệu quả có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự?
Uỷ ban TVQH cũng đã nhất trí tiếp thu và bổ sung vào khoản 2 Điều 93 của Dự luật như sau: ''Quyết định thành lập công ty nhà nước không đúng thủ tục, trình tự vượt thẩm quyền, thành lập DNNN không có hiệu quả thì tuỳ theo mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính, bồi thường thiệt hại hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật''.
Đa số ý kiến các đại biểu chuyên trách đồng ý rằng cần quy định chặt chẽ về ngành, lĩnh vực, địa bàn thành lập mới DNNN. UBTV nhất trí bổ sung thêm vào Điều 6 những ''lĩnh vực, ngành có lợi thế cạnh tranh cao, có lợi nhuận cao''; đồng thời quy định rõ trong Luật trách nhiệm của Chính phủ ''hướng dẫn chi tiết về những lĩnh vực thiết yếu, tạo động lực cao, đòi hỏi đầu tư lớn, nhiều rủi ro, thuộc độc quyền nhà nước" trong từng thời kỳ.
Về hồ sơ thành lập, UBTV Quốc hội tiếp thu ý kiến đề nghị quy định đối với đề án thành lập mới công ty nhà nước ''phải có luận chứng khả thi về khả năng cạnh tranh của sản phẩm, dịch vụ và hiệu quả của công ty''.
Về điều kiện thành lập, bổ sung quy định cơ sở của việc thành lập mới DNNN, kể cả công ty cổ phần nhà nước, công ty trách nhiệm hữu hạn nhà nước phải ''đảm bảo đủ điều kiện về vốn''; không quy định vốn pháp định tối thiểu mà tuân theo quy định chung của pháp luật về ngành, nghề có vốn pháp định.
Giá trị quyền sử dụng đất cũng là vốn của công ty
Đa số ý kiến đại biểu Quốc hội đồng ý đưa giá trị quyền sử dụng đất vào vốn của công ty theo quy định của pháp luật về đất đai. Trong đó nêu rõ mục đích tính giá trị quyền sử dụng đất vào vốn công ty, có cơ chế tính toán cụ thể, có bước đi thích hợp và giao Chính phủ hướng dẫn về vấn đề này. Ngược lại, có một số ý kiến không đồng ý đưa giá trị quyền sử dụng đất vào vốn của công ty mà nên sử dụng biện pháp cho thuê đất và tính chi phí thuê đất vào chi phí kinh doanh.
UBTV Quốc hội đề nghị vẫn nên đưa giá trị quyền sử dụng đất vào vốn của công ty theo quy định của pháp luật về đất đai và bổ sung trong khoản 3 Điều 12: ''Chính phủ hướng dẫn cụ thể về việc xác định giá trị quyền sử dụng đất, phương pháp tính toán và đưa giá trị quyền sử đất vào vốn phù hợp với đặc thù ngành nghề, lĩnh vực hoạt động của các loại công ty nhà nước''.
Các đại biểu cho rằng, Dự thảo cần có chế định mạnh hơn nữa để khắc phục những khó khăn hiện nay với DNNN như ''bó'' DNNN đóng góp nhiều cho xã hội; chưa có cơ chế động lực thích hợp; còn có tình trạng quân bình về lợi ích giữa các doanh nghiệp, giữa các Giám đốc dù làm ăn lỗ hay lãi, làm ra nhiều hay ít lợi nhuận; chế độ lương thưởng chưa linh hoạt; chưa có cơ chế thưởng phù hợp, thưởng công khai, thưởng rõ ràng khi có lợi nhuận nhiều; hệ số giãn cách tiền lương hiện nay quá ít, lương cao nhất cũng chỉ hơn lương bình quân 2-3 lần; chưa có cơ chế để doanh nghiệp huy động thêm nguồn vốn của người lao động.
Thêm nữa, mặc dù Luật DNNN hiện hành không quy định, nhưng trong thực tế Nhà nước vẫn có biện pháp hỗ trợ cho một số DNNN bằng cách khoanh nợ, giãn nợ, xoá nợ, bù lãi suất tiền vay; pháp luật chưa xác định nhiệm vụ quan trọng của doanh nghiệp là đảm bảo tỷ suất sinh lời trên vốn; chưa quy định rõ trách nhiệm của người quản lý doanh nghiệp đối với các khoản nợ.
Mặc dù đã tích cực đổi mới, sắp xếp lại hệ thống DNNN, nhưng cho đến nay vẫn còn trên 5.200 DNNN độc lập và trên 80 tổng công ty nhà nước đang hoạt động theo Luật DNNN hiện hành.
Ủy ban thường vụ Quốc hội cho rằng, việc ban hành Luật DNNN (sửa đổi) lần này nhằm đảm bảo sự bình đẳng về mặt pháp luật trong kinh doanh giữa DNNN và các doanh nghiệp khác, quy định những điểm đặc thù của DNNN, nhất là quản lý phần vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp.
Việc đảm bảo sự bình đẳng trong kinh doanh giữa DNNN và các doanh nghiệp khác đã được thể hiện trong dự thảo Luật. Cụ thể: Đối với các DNNN là công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn do Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ hoặc giữ cổ phần, vốn góp chi phối, về tổ chức, hoạt động đã được quy định theo Luật Doanh nghiệp. Đối với DNNN là nước là công ty nhà nước, thì trong dự thảo Luật về cơ bản đã đề cập khá đầy đủ các đặc điểm của công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên như: Nhà nước chịu trách nhiệm hữu hạn trong phạm vi phần vốn của Nhà nước ở công ty; có quyền và nghĩa vụ như công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên theo Luật doanh nghiệp; về điều kiện kinh doanh, đăng ký ngành nghề kinh doanh, quan hệ với các bạn hàng trên thương trường bình đẳng với các loại hình doanh nghiệp khác... |
|