|
Dự trữ gạo tại Tiền Giang. |
(VietNamNet) - Giá gạo xuất khẩu tại Việt Nam tuần qua tăng nhẹ so với tuần trước, song, khối lượng giao dịch thấp do các công ty xuất khẩu không còn nhiều gạo để bán. Tổng công ty Lương thực Miền Nam (Vinafood 2) chào bán gạo 5% tấm ở mức 185 USD/tấn, tăng nhẹ so với mức 182 USD/tấn tuần trước. Giá chào bán gạo 15% tấm cũng tăng 4 USD, lên 175 USD/tấn, gạo 25% tấm vẫn giữ giá 163 USD/tấn.
Công ty Lương thực Vĩnh Long cũng chào bán gạo 5% tấm với giá 183 USD/tấn và gạo 25% tấm với giá 163 USD/tấn, cả hai đều không thay đổi so với thứ ba tuần trước. Riêng gạo 15% tấm tăng 1 USD, lên 172 USD/tấn. Một quan chức của Công ty Lương thực Vĩnh Long cho biết, dù nhận được rất nhiều đơn đặt hàng, nhưng họ đã không ký bất cứ một hợp đồng xuất khẩu mới nào, do vào thời điểm này họ không có đủ gạo dự trữ để xuất khẩu trong khi nông dân vẫn găm hàng chờ giá cao mới bán ra.
Thời gian này, Việt Nam cũng đang tích cực mở rộng thị trường xuất khẩu gạo sang một số nước Mỹ Latinh, trong đó có một hợp đồng vừa ký bán 40.000 tấn gạo loại 5% tấm, giao trong tháng 8, cho Brazil. Sau hợp đồng xuất khẩu gạo đầu tiên trên (được thực hiện qua một công ty môi giới), các công ty xuất khẩu gạo Việt Nam đang mong muốn tiếp cận trực tiếp thị trường có nhu cầu nhập khẩu gạo từ Việt Nam và Thái Lan.
Một nhà kinh doanh gạo dự đoán, xuất khẩu gạo của Việt Nam sang Indonesia cũng sẽ tăng lên trong tháng tới. Các nhà phân tích thị trường cho rằng, Việt Nam cần nắm lấy cơ hội hiện nay (khi Mỹ thiếu nguồn cung và Ấn Độ tạm ngừng xuất khẩu gạo do dự trữ thấp và thời tiết bất lợi) để tăng cường tiếp thị và mở rộng thị trường xuất khẩu gạo.
Hiện nay, nguồn cung gạo của Việt Nam vẫn thấp, mặc dù vụ thu hoạch lúa hè thu ở ĐBSCL đã kết thúc. Việc Chính phủ quyết định rút 3.400 tấn lúa dự trữ để giúp nhân dân các tỉnh miền Trung bị ảnh hưởng bởi hạn hán nghiêm trọng đầu năm nay cũng góp phần bình ổn giá lúa. Thêm vào đó, mực nước ở vùng ĐBSCL dự đoán đến cuối tháng 9 hoặc đầu tháng 10 mới lên cao cũng là một nhân tố giúp nông dân giữ lúa lại và duy trì giá lúa ổn định.
|