Doanh nhân Mỹ đã thấy một Việt Nam đổi mới
19:12' 26/08/2003 (GMT+7)

Tà áo dài Việt Nam duyên dáng tại buổi trình diễn ở San Francisco.

Quan hệ kinh tế giữa Việt Nam và Mỹ đang ấm lên qua những con số trao đổi thương mại và trong con mắt doanh nhân Mỹ đã thấy được một Việt Nam đổi mới. Đây là nội dung chính của bài viết trên tờ San Francisco Chronicle, xung quanh Chương trình quảng bá du lịch và xúc tiến thương mại Việt Nam tổ chức tại San Francisco hôm 21/8.

Hơn một năm trở lại đây, sau khi Hiệp định Thương mại Việt - Mỹ có hiệu lực, Việt Nam không ngừng nỗ lực thúc đẩy quan hệ kinh tế với Hoa Kỳ nhằm thu hút đầu tư, và du khách đến Việt Nam, đồng thời xúc tiến các hợp đồng kinh doanh giữa các công ty của hai bên.

Nằm ở ven bờ Thái Bình Dương, kinh tế phát triển mạnh, và là nơi có 500.000 trong số 1,2 triệu Việt kiều đang sinh sống, California là một trong những địa điểm Việt Nam luôn mong muốn mở rộng hợp tác. Và San Francisco là thành phố trọng điểm của California, đã có quan hệ với TP.HCM từ những năm cuối thập niên 1990. Vào 12/2001, Hãng Hàng không quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) đã lập văn phòng đại diện đầu tiên tại phố Kearny với hy vọng sẽ mở đường bay thẳng từ Việt Nam sang San Francisco trong năm nay. Ngoài ra, Saigontourist - công ty du lịch thương mại lớn nhất Việt Nam - đang khảo sát khu vực trung tâm thành phố, dự định xây dựng một trung tâm văn hoá du lịch Việt Nam trong lòng San Francisco.

Giám đốc tiếp thị của Vietnam Airlines, ông Dương Trí Thanh cho biết tuyến bay đi San Francisco sẽ bắt đầu khi Việt Nam và Mỹ ký hiệp định hàng không cho phép các hãng hàng không của hai nước được hoạt động trên lãnh thổ của nhau. Ông cũng tiết lộ thêm rằng, hai bên đã tiến hành 3 vòng đàm phán, vòng tiếp theo đã được sắp xếp vào tháng 10 tới.

Tuần trước, Vietnam Airlines đã mua 4 chiếc Boeing 777-200 ER của Mỹ trị giá 700 triệu USD bằng khoản tín đụng do Ngân hàng Xuất nhập khẩu Mỹ (Export-Import Bank) cung cấp. Theo bài báo này, Vietnam Airlines có thể mua thêm 7 chiếc Boeing 777 vào cuối năm tới.

Mặc dù một số hợp đồng giữa Mỹ và Việt Nam vẫn đang trong quá trình thực hiện, thương mại giữa hai nước tăng mạnh. Xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ tăng từ 1,05 tỷ USD năm 2001 lên 2,39 USD năm 2002, sau khi Hiệp định Thương mại Việt - Mỹ có hiệu lực. Hiện nay, Việt Nam đang dần chuyển đổi sang kinh tế thị trường, mong muốn phát triển quan hệ du lịch thương mại hai chiều, thay thế ''ký ức chiến tranh'' bằng các dự án phát triển kinh tế và hữu nghị.

Ông Vũ Thế Bình, Vụ trưởng Vụ Du lịch (Tổng cục Du lịch Việt Nam) phát biểu trong chuyến đi thăm San Francisco tuần trước: "Chúng tôi muốn tất cả hãy gác lại quá khứ hướng tới tương lai, và du lịch là biện pháp tốt nhất để thúc đẩy quan hệ hữu nghị giữa hai nước". Ông cũng cho biết, năm 2002, 265.000 người Mỹ đã đến Việt Nam, chỉ sau lượng khách đến từ Nhật Bản, rất nhiều trong số các khách du lịch này là cựu chiến binh Mỹ.

Trong Chương trình quảng bá du lịch và xúc tiến thương mại Việt Nam ở San Francisco, hàng trăm doanh nhân Mỹ, trong đó có nhiều người thuộc cộng đồng người Việt ở Mỹ đã đến tham dự. Đoàn Việt Nam đến San Francisco có các công ty sản xuất đồ nội thất, nhựa, khách sạn, và rất nhiều công ty du lịch lữ hành khác. Mặc dù đây là những hoạt động kinh tế bình thường nhưng đối với Việt Nam nó lại là một bước ngoặt lớn, thể hiện mong muốn thúc đẩy quan hệ kinh tế với Mỹ của Việt Nam.

Ông James Ferguson, Giám đốc Hiệp hội Du lịch châu Á Thái Bình Dương ở Oakland, đánh giá cao nỗ lực này. Ông nói: "Việt Nam biết họ đang cần gì và quảng bá ở San Francisco rõ ràng là rất quan trọng''.

Anh Nguyễn Quý Đức, người gốc Huế, đang phụ trách tuần báo "Pacific Time", nói rằng anh nhận thấy rất nhiều thay đổi đang diễn ra ở Việt Nam. "Bầu không khí và quan điểm ở đây khác trước rất nhiều, Tôi đang ngồi cùng bàn với nhiều doanh nhân buôn bán với Việt Nam từ những năm 80, 90. Họ thực sự rất phấn khởi'', anh Đức nói.

Tuy nhiên, doanh nhân Mỹ vẫn rất lo ngại do Việt Nam là nền kinh tế đang chuyển đổi, luật pháp chắp vá và nạn ăn cắp bản quyền tràn lan. Về phần mình, các nhà sản xuất Việt Nam cũng đang thất vọng bởi mức thuế cao mà Mỹ đánh vào cá tra, basa xuất khẩu của Việt Nam do phía Mỹ phán quyết Việt Nam bán phá giá sang thị trường Mỹ. Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Nguyễn Tâm Chiến nói: "Việt Nam không bán phá giá. Chúng tôi đang hội nhập vào nền kinh tế thế giới và cam kết tuân thủ các quy định của thương mại quốc tế".

Anh Nguyễn Đức Quý nhận xét: "Khi tôi mới quay trở về Việt Nam từ cuối những năm 80, giữa hai nước vẫn còn nhiều nghi kỵ. Nhưng mọi thứ thay đổi rất nhanh, giới trẻ Việt Nam hiện nay rất hiểu biết và thích làm kinh tế. Thời gian rồi sẽ trôi qua, và vết thương chiến tranh đang được hàn gắn''.

  • Cẩm Tú (lược dịch)
Gửi tin qua Email In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Đầu giá đất ở Hà Nội vẫn còn kẻ hở? (26/08/2003)
TP.HCM thu hồi đăng ký kinh doanh của 417 doanh nghiệp (26/08/2003)
Có thể thanh toán cước điện thoại bằng thẻ ATM (26/08/2003)
Trái phiếu đô thị ''giữ nhiệt'' cho thị trường tín dụng (26/08/2003)
Vòng 4 Hiệp định Hàng không Việt-Mỹ diễn ra vào tháng 10 (26/08/2003)
Thông qua Luật Hàng hải sửa đổi vào cuối năm 2004? (26/08/2003)
Bước ngoặt về phát triển Internet tại Việt Nam (03/11/2003)
Kinh doanh xăng dầu sẽ không được bù lỗ (25/08/2003)
Hai ngày, đạt 60 tỷ đồng đấu giá đất ở Đền Lừ 2 (25/08/2003)
Thanh toán không dùng tiền mặt phải trả thêm phí? (25/08/2003)
Giá tiêu dùng tháng 8 tiếp tục giảm (25/08/2003)
Nhập khẩu ôtô nguyên chiếc giảm mạnh (25/08/2003)
Máy bay ''made in Vietnam'' cất cánh (25/08/2003)
Thuỷ sản "sạch" - yêu cầu số 1 để vào thị trường EU (25/08/2003)
Việt Nam sở hữu chiếc Boeing đầu tiên (25/08/2003)
Tro ve dau trang