|
Cần tạo mặt bằng pháp lý giữa DNNN và các DN khác. |
(VietNamNet) - Đó là tạo mặt bằng pháp lý giữa DNNN và các doanh nghiệp khác; ngành nghề, lĩnh vực, địa bàn được ưu tiên thành lập mới DNNN; vấn đề vốn và tài sản của công ty nhà nước; việc tính giá trị quyền sử dụng đất vào vốn của công ty nhà nước và cuối cùng là vấn đề quyền và nghĩa vụ của công ty nhà nước.
Các vấn đề này được ông Đặng Ngọc Thanh, Phó chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế và Ngân sách Quốc hội nêu ra trong Hội nghị góp ý dự thảo Luật DNNN (sửa đổi) diễn ra sáng nay (28/8) tại Hà Nội.
Theo ông Trần Tiến Cường, Trưởng ban Doanh nghiệp, Viện nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, mục tiêu của bản sửa đổi này là khắc phục những tồn tại của 8 năm thi hành Luật DNNN, luật hoá những điểm dưới luật và quan trọng nhất là hướng tới hội nhập kinh tế quốc tế.
Ông Nguyễn Thanh Giang, Tổng giám đốc Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam đã đưa ra rất nhiều kiến nghị cho ban dự thảo. Ông Giang cho rằng thực tế thì hội đồng quản trị của các công ty đa số là mang tính hình thức, các thành viên hội đồng hầu như không có kinh nghiệm quản lý và vì thế việc quy định các tiêu chuẩn thành viên hội đồng quản trị dường như không mang tính thiết thực.
Ông Phan Văn Giản, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty Đường sắt Việt Nam thì lại cho rằng Hội đồng quản trị không có quyền thực sự khi bổ nhiệm, miễn nhiệm hay các quyết định lương, thưởng đối với các giám đốc.
Theo bản dự thảo này, sẽ có 3 mô hình tổng công ty nhà nước là tổng công ty do nhà nước thành lập (vẫn là mô hình tổng công ty 90-91), tổng công ty do công ty tự đầu tư thành lập (công ty mẹ - công ty con) và tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước nhưng có nhiều ý kiến cho rằng việc quy định 3 mô hình như vậy là không hợp lý.
|