Diễn đàn Thương mại và đầu tư Việt Nam lần thứ nhất:
Dành nhiều ưu ái cho DN vừa và nhỏ
23:03' 30/08/2003 (GMT+7)
 
DN mong biết nhiều thông tin hơn về chính sách ưu đãi đầu tư của các địa phương.

(VietNamNet) - Lần đầu tiên, diễn đàn xúc tiến thương mại và đầu tư chung cho các địa phương được tổ chức tại Việt Nam. Phát biểu tại diễn đàn, khai mạc sáng nay (30/8), Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm cho rằng, đây là một sáng kiến hay.

Diễn đàn không chỉ của DN trẻ, mà còn là cơ hội để các địa phương giới thiệu tiềm năng, chính sách thu hút đầu tư. Phó Thủ tướng đề nghị các địa phương, khi xây dựng chính sách ưu đãi, cần chú trọng hơn đến các DN vừa và nhỏ.

Diễn đàn Thương mại và Đầu tư Việt Nam lần thứ nhất do Hội các nhà DN trẻ Việt Nam, phối hợp cùng Uỷ ban Quốc gia về Hợp tác kinh tế quốc tế, Bộ KH-ĐT, Bộ Thương mại và Trung ương Đoàn tổ chức. Đây là nội dung quan trọng của Cuộc vận động hội nhập kinh tế quốc tế của DN trẻ và thanh niên Việt Nam, do Thủ tướng Chính phủ phát động. Tham dự lễ khai mạc còn có Thứ trưởng Bộ Thương mại Đỗ Như Đính, Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Lại Quang Thực và đại diện 7 tỉnh, thành là Hải Phòng, Thái Bình, Lào Cai, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Nam, Đăk Lăk.

Tại diễn đàn, mỗi địa phương đều có gian trưng bày, có cơ hội tiếp xúc đầu tư riêng và 30 phút để thuyết trình tiềm năng. Theo Hội các nhà DN trẻ, dự kiến có 300 dự án kêu gọi đầu tư được công bố tại diễn đàn. Một CD-ROM tổng hợp các thông tin tư liệu của các tỉnh, thành cũng sẽ được phát hành tại đây. Ngay trong buổi sáng đầu tiên của diễn đàn, thuyết trình của UBND tỉnh Lào Cai, Quảng Nam và Thái Bình đã thu hút được sự quan tâm của đông đảo các DN.

Diễn đàn đã tập trung chủ yếu vào khối DN vừa và nhỏ. Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Lại Quang Thực nhận xét, ngày càng có nhiều DN chủ động hơn vào công cuộc hội nhập kinh tế quốc tế, đặc biệt là các DN trẻ. Trong đó, chủ yếu lại là các DN vừa và nhỏ. Bởi hiện nay, 90% trong tổng số DN thuộc về khu vực dân doanh, đóng góp trên 30% vào GDP quốc gia. Trong số các DN phát sinh tại Việt Nam, có tới 85% là các DN vừa và nhỏ. Các DN này cũng chiếm tới 80% trong lĩnh vực công nghiệp và xây dựng, 62% trong lĩnh vực dầu khí, 83% trong thương mại...

Lễ khai mạc Diễn đàn Thương mại và đầu tư 2003.

Tuy nhiên, ông cũng thẳng thắn nhìn vào nhược điểm của DN vừa và nhỏ tại Việt Nam, đó là quy mô nhỏ, thiếu chính sách ưu đãi cho đối tượng DN này. "Hiện vẫn còn tồn tại khoảng cách giữa DN lớn và DN vừa và nhỏ, giữa DNNN và DN dân doanh trong việc thu hút đầu tư", ông cảnh báo. Ví như, trong chính sách khuyến khích đầu tư của Thái Bình, phần miễn giảm tiền thuê đất mới dành cho đối tượng là dự án đầu tư nước ngoài. Riêng đối với tỉnh Lào Cai, chính sách này được quy định rõ ràng hơn, dành hai mục riêng biệt cho nhà đầu tư nước ngoài và nhà đầu tư trong nước.

Như vậy, trong vòng hai ngày, các chính sách ưu đãi nhằm thu hút đầu tư sẽ lần lượt được 7 tỉnh, thành công bố. Các DN có thể tiếp cận được thông tin kinh doanh, đầu tư và tiếp xúc trực tiếp với lãnh đạo của các địa phương trên chỉ trong vòng 1 ngày, điều mà các DN nhận xét, nếu không có diễn đàn thì họ phải mất hai tháng chưa chắc đã thực hiện được. Phát biểu tại diễn đàn, Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm cho rằng, mỗi địa phương phải là một "mảnh đất lành" để thu hút đầu tư. Diễn đàn Thương mại và đầu tư lần thứ nhất này, ngoài việc tạo cơ hội cho các địa phương trực tiếp gặp gỡ và quảng bá với DN, mà thời gian tới, cần phải được tổ chức thường niên nhằm thắp lên một ngọn lửa về thu hút đầu tư trên khắp 61 tỉnh, thành.

Cũng trong khuôn khổ Diễn đàn, chiều ngày 31/8 sẽ diễn ra cuộc gặp gỡ giữa thường trực Chính phủ và DN trẻ Việt Nam tại nhà A6, Trung tâm hội chợ và triển lãm Việt Nam (Giảng Võ, Hà Nội).

  • Bài: Hà Yên
  • Ảnh: Nguyên Vũ
     
Gửi tin qua Email In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
200 DN Trung Quốc sẽ triển lãm sản phẩm tại TP.HCM (30/08/2003)
Kiểm toán Nhà nước nên trực thuộc Quốc hội (30/08/2003)
Chưa khắc phục được đầu tư phân tán, dàn trải (30/08/2003)
Người bệnh ở nước nghèo chờ thuốc giá rẻ (30/08/2003)
Quy định đảm bảo bí mật trong thông tin thương mại (30/08/2003)
Không ngăn chặn được ''chảy máu'' ngoại tệ (30/08/2003)
''Quá ít DN đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tại nước ngoài'' (30/08/2003)
Giao hạn ngạch dệt may theo tiêu chuẩn hàng tồn (30/08/2003)
Không được bán thép dưới giá thành (30/08/2003)
DN Việt Nam mua lại nhãn hiệu Tobicom (29/08/2003)
Đưa vào hoạt động nhà máy sản xuất gạch Rubistone (29/08/2003)
Việt Nam đang phải đối mặt với hoạt động kinh doanh ''ngầm'' (29/08/2003)
Giá vàng trong nước đạt 684.000 đồng/chỉ (29/08/2003)
Hàng ngàn giấy đăng ký kinh doanh chưa được thu hồi (29/08/2003)
Gạo xuất khẩu Việt Nam đang có lợi thế cạnh tranh (29/08/2003)
Tro ve dau trang