Báo động đỏ về cơn sốt phân bón
10:41' 08/09/2003 (GMT+7)
Dự trữ phân bón đang không còn nhiều.

Cả chục ngày nay, đoàn xe chờ lấy hàng tại các nhà máy sản xuất phân bón ở TP.HCM đã biến mất. Hỏi kỹ ra mới biết, các nhà máy gần như đã đóng cửa vì không còn nguyên liệu. Còn các chuyến tàu nhập khẩu phân bón bao giờ mới cập cảng TP.HCM lại đang là một ẩn số.

Thống kê của Hiệp hội Phân bón Việt Nam cho thấy, từ đầu năm đến nay, cả nước đã nhập gần 1,4 triệu tấn phân bón các loại, trong đó có 625.000 tấn urê, 178.000 tấn SA, 225.000 tấn kali, 261.000 tấn DAP. Tuy nhiên, lượng phân bón này nhập về chủ yếu vào tháng 1, 2 và 4 khi thị trường xảy ra sự biến động đột biến do chiến tranh Iraq. Kết thúc chiến tranh, giá urê trên thế giới giảm từ 167 xuống 153-155 USD/tấn khiến các lô hàng 200.000 tấn nhập trong đợt ấy đã bị lỗ nặng. Giá phân bón xuống, rồi cứ tăng nhẹ dần, đến nay đã cao hơn mức cao điểm của cuộc chiến Iraq nên các DN không dám nhập. Hiện tại, giá urê Nga đã ở mức 147 USD/tấn FOB, tính cước tàu về tới Việt Nam đã lên tới 175-177 USD/tấn, urê hạt Trung Quốc 170 USD/tấn. Các loại phân khác cũng tăng lên, DAP Trung Quốc 210 USD/tấn, DAP Mỹ 220 USD/tấn, kali 143 USD/tấn.

Cũng theo Hiệp hội Phân bón, đến cuối tháng 7, đầu tháng 8, khi thấy không có tín hiệu xuống giá thì các DN mới ký hợp đồng nhập về để chuẩn bị cho vụ đông xuân sắp tới. Đã có khoảng 300.000 tấn phân bón, chủ yếu là urê Trung Quốc, đã được các DN ký kết hợp đồng nhập khẩu nhưng chưa có tàu nào về tới Việt Nam, khiến các DN, nhất là nhà sản xuất NPK, cứ dài cổ trông.

Sự khan hiếm và giá cao của phân bón thế giới được giới kinh doanh giải thích bằng các nguyên nhân:

Trong khu vực ASEAN, chỉ Indonesia có sản lượng xuất khẩu lớn, nhưng các nhà máy của nước này thời gian qua gián đoạn vì phía Mỹ ngưng cung cấp gas với lý do đảm bảo an toàn chống khủng bố. Việc cung cấp gas đã được nối lại, song, sản lượng sản xuất chỉ đủ để cung cấp cho nội địa. Các nhà máy của Nga nghỉ bảo dưỡng định kỳ. Lịch nghỉ này trùng hợp với tình trạng khan hiếm nên đã đẩy sự khan hiếm đến mức cao hơn. Iraq trước đây là nước xuất khẩu phân bón, nhưng từ sau chiến tranh, các nhà máy này chưa phục hồi nên FAO đã quyết định đứng ra nhập khẩu cho Iraq 350.000 tấn để đảm bảo sản xuất nông nghiệp. Ấn Độ cũng đang có kế hoạch nhập 350.000 tấn từ Ảrập.

Hàng cung ứng cho Việt Nam còn duy nhất Trung Quốc. Tuy nhiên, các nhà máy phân bón của Trung Quốc lại nằm phía Bắc. Khu vực này ít hàng xuất khẩu, vì thế, thuê được tàu nước ngoài đến khu vực cảng này để nhận phân về Việt Nam là khó khăn và chủ yếu trông cậy vào đội tàu Trung Quốc, với khả năng hạn chế. Mặt khác, dây chuyền sản xuất của Trung Quốc là tự động đóng bao. Các DN Việt Nam muốn nhập hàng xá là rất khó, và phải chịu giá cao hơn hàng bao (do phải xé bỏ bao trước lúc bơm xuống tàu). Nếu nhập hàng bao về Việt Nam, việc bốc dỡ ở Việt Nam lại chậm (bốc hàng bao chỉ 1.000-1.500 tấn/ngày, trong khi bốc hàng xá  tới 4.000 tấn/ngày). Việc giải phóng tàu nhanh hay chậm cũng sẽ ảnh hưởng nhiều đến giá cả.

Theo ước tính, vụ đông xuân tới cần khoảng 500.000 tấn urê, 500.000 tấn phân các loại khác (DAP, SA, kali). Hiện số phân còn tồn ở các đại lý khoảng 150.000 tấn. Như vậy, phần lớn trông chờ vào các chuyến tàu sắp tới, nhưng các chuyến tàu ấy bao giờ mới cập cảng TP.HCM đang còn là một ẩn số, và chắc chắn sự cung ứng này phải kéo dài như đã phân tích ở trên. Do giá cao nên NPK Hàn Quốc, Philippines gần như đã mất bóng trên thị trường, NPK nội cũng tăng 5%. Mặc dù vậy, theo ông Nguyễn Tấn Đạt, Giám đốc Công ty Phân bón Miền Nam, giá này chưa hẳn giữ được lâu, bởi nếu tính theo giá nguyên liệu như hiện nay, chỉ riêng việc cung ứng cho vụ đông xuân tới, thì công ty ông sẽ lỗ trên 20 tỷ đồng.

Năm nay cũng là năm đặc biệt vì ĐBSCL không có lũ. Điều này không những làm cho nhu cầu về phân bón tăng do ruộng đồng bớt màu mỡ, mà còn làm việc xuống giống vụ đông xuân sớm hơn cả tháng. Điều này khiến vụ đông xuân sẽ dồn dập, trùng hợp với những vùng khác ở miền Đông, miền Trung và Tây Nguyên, làm nhu cầu phân bón sẽ tăng vọt đột biến trong một thời điểm nào đó. Đến lúc này, nếu không có hàng dự trữ của Nhà nước tung ra kịp thời để can thiệp sẽ tạo nên cơn sốt nguy hiểm cho sản xuất và nông dân.

(Theo NNVN)

Gửi tin qua Email In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Mở siêu thị Việt Nam ở Châu Phi (08/09/2003)
Chính phủ 'để ý' đối phó với chuyển giá quốc tế (08/09/2003)
''Người nuôi cá basa ở Việt Nam đang bị bắt chẹt'' (08/09/2003)
Huy động vốn qua trái phiếu chuyển đổi nhà đất? (03/11/2003)
Muốn đầu tư du lịch ở Phú Quốc phải có trên 1 triệu USD (07/09/2003)
Thu hút FDI của VN thiếu bền vững (08/09/2003)
Xây dựng các tuyến du lịch quốc gia (06/09/2003)
Đà Nẵng xây dựng trạm cấp gas LPG đầu tiên cho xe máy và ôtô (06/09/2003)
Tiền lương và hạnh phúc (06/09/2003)
Hà Nội công bố quy hoạch chi tiết khu đô thị mới Cầu Giấy (06/09/2003)
PB Air tăng chuyến trên đường bay Bangkok - Đà Nẵng (06/09/2003)
TV, máy lạnh được sản xuất tại... chợ (03/11/2003)
Tư vấn công trình giao thông thiếu cả ''tài'' lẫn ''tâm''? (06/09/2003)
Đẩy mạnh bán trái phiếu đô thị TP.HCM ở phía Bắc (06/09/2003)
Larry Ellison - Người đe doạ thế độc quyền của Microsoft (06/09/2003)
Tro ve dau trang