Để có con bò sữa Việt Nam, cần 20 năm nữa
16:52' 16/09/2003 (GMT+7)

Ông Nguyễn Phước Thảo, Phó giám đốc Sở NN & PTNT TP.HCM.

Theo ông Nguyễn Phước Thảo, Phó giám đốc Sở NN & PTNT TP.HCM, để tạo ra được con bò sữa Việt Nam phải mất ít nhất khoảng... 20 năm nữa nếu ngay từ bây giờ chúng ta bắt tay vào làm nghiêm túc. Ông Thảo đã có cuộc trao đổi với báo giới xung quanh vấn đề này.

- Có một số hộ chăn nuôi cho biết họ rất thất vọng về chất lượng của những con bò sữa ngoại nhập. Ông nhận định gì về vấn đề này?

- Trước hết, số bò nhập chủ yếu từ bang Queensland (Australia) là nơi có khí hậu nhiệt đới nhưng có một số điểm khác với Việt Nam, đó là độ ẩm thấp hơn và bò được nuôi theo hình thức chăn thả, thức ăn cỏ... Về đây mình nuôi tập trung chuồng trại nên nếu con giống có tốt, cũng không phát huy đúng năng lực của nó, chưa nói đến chế độ dinh dưỡng phải thích hợp. Tôi nói ngay như những con bò sữa ở Đức Trọng (Lâm Đồng) đưa về thành phố mà việc thích nghi cũng rất khó khăn nên không thể đòi hỏi con bò HF một sớm một chiều có thể đáp ứng được nhu cầu của người chăn nuôi.

Vừa qua, quả thật có một số con bò HF khi đem về thì phát hiện ngay là không đạt yêu cầu, nhưng theo tôi, số này không nhiều. Còn lý do vì sao con bò không đạt chất lượng, có rất nhiều nguyên nhân.

Tôi lấy ví dụ nhu cầu mua của chúng ta mỗi chuyến khoảng 1.000-2.000 con, trong khi mỗi trại bò tại Australia, thường có đàn bò khoảng 500 con, chỉ cho ra hơn 100 bê con/năm. Do đó muốn có đủ số lượng phải đi khảo sát hàng chục trại, khi đã có đủ số lượng rồi thì cán bộ thú y của đoàn chủ yếu kiểm tra chung những con bê tơ, bò chưa mang thai, còn bò mang thai để riêng vì... đã an tâm là bò đẻ được. Như tôi đã nói, số lượng bò mua khá lớn, thời gian lại không nhiều và còn phải tìm kiếm tại nhiều trại bò khác nhau, chưa nói đâu phải chủ trại nào cũng cho vào khảo sát, nên rất khó chọn được đàn bò đồng nhất và tất nhiên có một số con không đạt chất lượng. 

Mặt khác là chuyện gian dối của các chủ trại bò. Thông thường các trại bò sữa tại Australia chỉ nuôi những con bò lấy sữa hàng hóa, sử dụng duy nhất một con đực HF và cho phối tinh bằng phương pháp bò đực nhảy trực tiếp. Thế nhưng đã có một số trường hợp nhập bò mang thai về Việt Nam đẻ ra bê... thịt. Theo tôi, nhiều khả năng chủ trại đã bơm tinh bò thịt vào bò cái với mục đích tăng nhanh số lượng đàn bò cái đang mang thai để bán được giá cao hơn khi nghe thông tin có đoàn muốn đến mua bò.

Tôi đã có dịp vào khảo sát một số trang trại bò tại Australia và cũng phát hiện bò có rất nhiều vấn đề... Chính vì vậy trong hợp đồng giai đoạn sau này với các đơn vị nhập bò, chúng tôi đều yêu cầu ghi rõ nếu trong một thời gian nhất định của quá trình nuôi dưỡng mà con bò không đạt chất lượng thì người chăn nuôi được quyền trả lại.

Tôi cũng xin nói thêm, ở bên Australia, một trại bò muốn tham gia chương trình bán giống phải đăng ký gia nhập Hiệp hội. Những con đăng ký phải được báo cáo cụ thể về "gia phả", sau đó Hiệp hội mới xuống kiểm tra, đánh giá từ ngoại hình đến chỉ số gieo giống... rồi mới công nhận và cấp số tai của Hiệp hội, nhập lý lịch...

Đối với những con đực đã đăng ký theo chương trình giống, chủ bò chuyển tinh của bò đực đó cho một đơn vị sản xuất tinh bò, số tinh này qua nhiều lần khảo nghiệm nếu kết quả đạt yêu cầu mới được công nhận. Tôi nhấn mạnh rằng toàn bộ số bò của công trình giống này đều được tách riêng và chỉ có những con bò này mới có đầy đủ những thông tin về lý lịch. Con số bò nuôi tại các trang trại bò sữa chỉ được nhập lý lịch cho cả hệ thống chứ không có lý lịch cho từng con. 

- Thế tại sao chúng ta không nhập những con bò HF đã đăng ký với Hiệp hội?

- Mục tiêu của chương trình bò sữa là giải quyết về mặt số lượng và từng bước về mặt chất lượng. Làm sao con bò sữa sản xuất ra sữa hàng hóa với giá thành hợp lý, giúp nhà chăn nuôi tăng tỷ suất lợi nhuận tính trên ký sữa. Do đó, nếu nhập bò về làm giống, chúng ta sẽ nhập loại bò chất lượng cao.

Đó là những con bò do Hiệp hội bò sữa ở Australia (HFAA) kiểm soát, chủ yếu phục vụ chương trình giống và có giá cao hơn so với bò sữa hàng hoá tại các trại chăn nuôi bò sữa. Với những con giống, bò cái nhập về để sử dụng kỹ thuật phôi tạo giống, còn bò đực để lấy tinh.

Còn vì sao chúng ta nhập loại bò cấp thấp hơn, theo tôi, có nhiều lý do. Thứ nhất, giá bò này thấp hơn nên phù hợp với túi tiền người nông dân. Thứ hai, đây là chương trình chuyển giao bò sữa cho người chăn nuôi, đồng thời nhằm làm phong phú nguồn gene chứ không phải là chương trình giống. Thứ ba, do áp lực về số lượng đàn bò sữa cung cấp cho nhu cầu của người chăn nuôi, việc nhập bò nhằm giải quyết về mặt số lượng như tôi đã đề cập.

Tuy nhiên tôi cho rằng năng suất cho sữa của đàn bò HF nhập về là một yếu tố quan trọng, nhưng vấn đề quan trọng hơn là đời bê con của nó, chúng ta sẽ chọn những dòng tinh tốt phối cho nó để có được những con bê vừa đảm bảo năng suất sữa vừa thích nghi với điều kiện thời tiết khí hậu cũng như chế độ dinh dưỡng của Việt Nam.

- Thưa ông, đâu là giải pháp tốt để phát triển đàn bò sữa Việt Nam?

- Tôi xin nhấn mạnh rằng năm 2002 đàn bò sữa của thành phố đã cho ra khoảng 9.000 con bê cái, có thể đảm bảo được nguồn cung cấp giống cho nhu cầu tại địa phương. Nhưng rất tiếc do nhiều địa phương khác đổ sô về thành phố mua bò nên nguồn cung cấp tại chỗ lại bị thiếu hụt, đẩy giá thành bò sữa tăng vọt tứ mức giá 14-15 triệu đồng/con lên hơn 20 triệu đồng/con chỉ trong một thời gian ngắn. Về vấn đề tạo nguồn giống, tôi cho rằng không thể cứ loay hoay mãi với việc nhập bò hay sử dụng bò lai mà phải tạo ra được con bò sữa giống Việt Nam.

Hiện TP.HCM đang có phương án xây dựng một trại giống quy mô lớn tại Lâm Đồng. Theo phương án này, thành phố sẽ mua khoảng 500-600 ha đất tại Lâm Đồng để lập một trại "hạt nhân mở", với các yêu cầu hạ tầng kèm theo như trồng cỏ, chọn lựa nguồn tinh, xây dựng trung tâm kiểm định giống... Trong chương trình giống, chúng tôi dự kiến sẽ chọn nguồn tinh bò đực không chỉ đòi hỏi yếu tố năng suất sản xuất sữa mà còn xét đến cấu trúc ngoại hình, chỉ số gieo giống... để đảm bảo thế hệ bò con cháu vừa cho năng suất cao vừa có ngoại hình đẹp.

Tuy nhiên, để tạo ra được con bò sữa Việt Nam, chúng ta phải mất ít nhất khoảng... 20 năm nữa nếu ngay từ bây giờ chúng ta bắt tay vào làm nghiêm túc. Do đó trước mắt vẫn là chọn phương án nhập những dòng tinh tốt, con bò có năng suất cho sữa cao và ngoại hình đẹp, để phối cho những đàn bò sữa hiện có, từng bước tạo ra những thế hệ bò lai tốt, đáp ứng nhu cầu chăn nuôi bò sữa trong nước.

(Theo Tuổi Trẻ)

Gửi tin qua Email In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Nhà nước nắm giữ 80% cổ phần Vinamilk (16/09/2003)
Nâng mục tiêu xuất khẩu gạo năm nay lên 3,9 triệu tấn (16/09/2003)
Mở đường bay thẳng TP.HCM - Fukuoka và Hà Nội - Đài Loan (16/09/2003)
Công trình ở TP.HCM chậm vì chờ "ông" điện, nước (16/09/2003)
Nông dân treo cày vì... dự án nuôi tôm (16/09/2003)
Việt Nam xuất khẩu 160 triệu USD hạt điều (16/09/2003)
Trung Quốc thiệt hại hàng chục tỷ đôla do kiện bán phá giá (16/09/2003)
Hội chợ triển lãm Thực phẩm và Đồ uống (16/09/2003)
Có thể gọi 171 bằng điện thoại di động (16/09/2003)
DN chưa được hưởng thuế ưu đãi tham gia AFTA (16/09/2003)
Hợp tác xã là một đơn vị kinh tế, phải cạnh tranh để tồn tại (15/09/2003)
Vàng lên giá, nhà đất đóng băng - giữ gì có lợi? (15/09/2003)
Nhà máy điện khí Cà Mau chậm tiến độ một năm (15/09/2003)
Tiền đâu để tăng lương? (15/09/2003)
Vật liệu xây dựng nội không thua kém ngoại nhập (15/09/2003)
Tro ve dau trang