Điện thoại di động đầu tiên mang thương hiệu Việt Nam
15:47' 18/09/2003 (GMT+7)

ĐTDĐ nước ngoài đang độc chiếm thị trường Việt Nam.

Ngày 17/9, Công ty cổ phần Dịch vụ Phú Nhuận (Maseco) chính thức bán ra thị trường TP.HCM và HN điện thoại di động (ĐTDĐ) mới mang thương hiệu Việt Nam: V.Fone-V-88. Maseco là công ty đầu tiên tại Việt Nam đặt mua công nghệ mới, hiện đại, sản xuất ĐTDĐ của một hãng nổi tiếng của Hàn Quốc để xây dựng một thương hiệu Việt Nam cho ĐTDĐ.

Một số hãng sản xuất máy tính mang thương hiệu Việt Nam dã có chỗ đứng trên thị trường trong nước và ngày càng có sức cạnh tranh với các hãng máy tính khổng lồ trên thế giới, sao lại không xây dựng thương hiệu cho ĐTDĐ? Còn ở Trung Quốc, khoảng 80% thương hiệu ĐTDĐ là thương hiệu nội địa. Đó là nỗi trăn trở hơn một năm qua của những kỹ sư đã tốt nghiệp Đại học Bách khoa TP.HCM và hiện là những "ông chủ" của Công ty Maseco.

Anh Trịnh Ngọc Minh, Uỷ viên HĐQT, Phó giám đốc Công ty Maseco cho biết: Sau khi xây dựng phát triển thành công thương hiệu Việt Nam cho sản phẩm karaoke vi tính Arirang chất lượng cao với thương hiệu Hàn Quốc, Maseco đưa ra một quyết định khá táo bạo và mạo hiểm là đầu tư vào ĐTDĐ mang thương hiệu Việt Nam.

Trên thực tế, Maseco đã có nhiều kinh nghiệm quý báu khi xây dựng thương hiệu Việt Nam (Karaoke vi tính Arirang). Lúc đầu vào cuối năm 1997, Maseco quyết định mua lại công nghệ tiên tiến sản xuất karaoke vi tính của một hãng Hàn Quốc rồi sản xuất một số bộ phận của máy tại Việt Nam nhưng đặt tên Việt Nam cho "đứa con" của mình ngay từ lúc "chào đời". Sau gần 5 năm tính đến cuối tháng 8/2003, Karaoke vi tính Arirang của Maseco đã chiếm lĩnh được 70% thị phần ở TP.HCM với tỷ lệ nội địa hoá trên 50%.

Thị trường ĐTDĐ ở Việt Nam lớn hơn nhiều lần thị trường Karaoke nhưng cũng khó khăn thâm nhập hơn rất nhiều. Sau nhiều tháng nghiên cứu thị trường, tâm lý người tiêu dùng, nhất là giới trẻ, công nghệ của các nước trong khu vực, những chuyên viên và kỹ sư của Maseco phát hiện ra rằng người Việt Nam ngày càng bớt dần đi tâm lý sính hàng ngoại và dùng nhiều hàng Việt Nam, nhất là những loại hàng chất lượng cao, sản xuất theo công nghệ tiên tiến của thế giới. Thế là ĐTDĐ công nghệ mới "Dáng Việt", khá trang nhã, thời trang, chất lượng cao và mang thương hiệu Việt Nam V.Fone-V-88 ra đời.

Chữ V là viết tắt từ Việt Nam nhưng còn có nghĩa là Victory (chiến thắng). Tham vọng của những kỹ sư ở Maseco khá lớn, đó là từng bước nội địa hoá các loại ĐTDĐ V.Fone, giảm giá thành để chiếm lĩnh thị trường trong nước và tiến tới xuất khẩu ra nước ngoài.

Công ty Maseco đã đăng ký độc quyền sử hữu thương hiệu V.Fone và ĐTDĐ V-Fone-V-88 đã được Cục Quản lý chất lượng bưu chính viễn thông và CNTT Việt Nam cấp Giấy chứng nhận hợp chuẩn vật tư, thiết bị BCVT số A0737200803AA04B2, ngày 28/8/2003.

ĐTDĐ V-88 có hai màu đỏ và màu bạc với dáng vẻ bề ngoài khá tao nhã, mềm mại, duyên dáng và rất thời trang, đồng thời nhỏ nhẹ vừa vặn trong lòng bàn tay. V-88 có hai màn hình màu tinh thể lỏng: màn hình bên ngoài máy với 256 chi tiết màu và màn hình bên trong máy với 65.000 chi tiết màu nên tạo được hình ảnh đẹp, trung thực và độ phân giải cao. V-88 cho phép người sử dụng lựa chọn 9 cảnh nền cài sẵn trong máy để trang trí cho màn hình điện thoại theo ý thích của riêng mình. V-88, chương trình giải trí với 4 Games hấp dẫn, có tới 60 kiểu nhạc chuông phong phú với 40 âm sắc để người sử dụng lựa chọn, từ giai điệu Jazz sôi nổi đến nhạc cổ điển, từ các âm thanh thiên nhiên đến giọng nói con người.

Đặc biệt V-88 hơn hẳn ĐTDĐ khác là có 10 bài nhạc chuông Việt Nam đang được ưa chuộng, kể cả bài "Vì một thế giới ngày mai" sẽ trình diễn trong lễ khai mạc SEA Games 22 sắp tới và người sử dụng có thể thay đổi hoặc cập nhật thêm những giai điệu mà mình ưa thích đang thịnh hành ở Việt Nam và trên thế giới. V-88 còn có các chức năng đặc biệt khác như: phát âm giọng nói khi quay số (tiếng Anh, tiếng Hoa), ghi iâm được 10 cuộc gọi, quay số nhanh với 4 số cuối, nhận diện các cuộc gọi đặc biệt bằng nhạc chuông riêng biệt, lưu được 20 số gọi đi và 200 số danh bạ gồm các thông tin ĐTDĐ, số điện thoại nhà, công ty, số fax, email của từng cá nhân.

Giá bán lẻ V-88 đến tay người tiêu dùng là 4,8 triệu đồng/chiếc, mức giá này rẻ hơn 10-15% so với ĐTDĐ cùng chủng loại, cùng chức năng nhưng mang thương hiệu nước ngoài.

(Theo TBKTVN)

Gửi tin qua Email In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Nguyên liệu nhựa lại tăng giá (18/09/2003)
50% giống lúa sử dụng tại Việt Nam là của IRRI (18/09/2003)
Việt Nam đã nhân nhượng đến mức có thể (18/09/2003)
Buôn bán thuốc ngoại, ''một vốn bốn trăm lời'' (18/09/2003)
Khởi công dự án kim loại màu lớn nhất nước (18/09/2003)
Doanh nhân Việt Nam gặp nạn tại Iraq (18/09/2003)
Cây hồ tiêu trước nguy cơ “vỡ” quy hoạch (17/09/2003)
Giá phân đạm tăng nhẹ (17/09/2003)
Hơn 100 câu hỏi trực tiếp với lãnh đạo TP.HCM (17/09/2003)
Các nước sông Mekong tăng cường hợp tác (17/09/2003)
Nông nghiệp ''ngoại thị' chèn lấn ''nội thị'' (17/09/2003)
Cần 12 tỷ USD cho giao thông vận tải TP.HCM (17/09/2003)
Giá dừa khô "nhảy" từng ngày (17/09/2003)
Hà Nội "thừa" gần 40.000 tỷ đồng vốn (17/09/2003)
Sẽ cần trên 1 triệu tấn muối công nghiệp (17/09/2003)
Tro ve dau trang