Quỹ bảo lãnh tín dụng vì sao "sinh khó"?
15:49' 18/09/2003 (GMT+7)

Mang tiền đi vay góp quỹ QBLTD quả là khó khăn đối với ngân hàng!

Việc thành lập Quĩ bảo lãnh tín dụng (QBLTD) cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) đã chậm nay càng thêm khó khăn. Viện Kinh tế TP.HCM, Ngân hàng (NH) Nhà nước TP.HCM đều có chung quan điểm là thành lập quỹ đã khó, vận hành quỹ càng khó hơn vì quy chế hoạt động của quỹ không phù hợp với thực tiễn cuộc sống.

Theo quy định, QBLTD nhằm cấp bảo lãnh tín dụng cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ - DNVVN (gồm cả hợp tác xã, hộ sản xuất kinh doanh, chủ trang trại...) nhưng hoạt động không nhằm mục tiêu lợi nhuận. Từ mục tiêu này, theo hướng dẫn của Bộ Tài chính, nguồn vốn hình thành quỹ được đóng góp từ nhiều nguồn khác nhau: ngân sách nhà nước, DN, NH, hiệp hội ngành nghề, các đại diện của tổ chức cá nhân hỗ trợ DNVVN... Trong đó Nhà nước chỉ góp tối đa 30%.

Thế nhưng trên thực tế, đến nay mới chỉ có NH là “động tay động chân” với các cam kết góp vốn vào quỹ. Song ngay phần vốn góp của NH cũng có lấn cấn. NH không có nhiều vốn tự có nên NH Nhà nước phải vận dụng, trong đó cho phép các NH thương mại được dùng vốn huy động dài hạn để góp vào QBLTD kèm điều kiện là trong thời hạn 10 năm phải thay dần bằng vốn tự có.

Mang tiền vay phải trả lãi đi góp vào quỹ không thu lợi nhuận, quả là vấn đề khá tế nhị cho các NH thương mại! Các NH còn băn khoăn vì tiền mình bỏ ra nhưng sau này lại do một đơn vị khác quản lý. Chưa hết, các chuyên gia cũng cho rằng cơ chế bảo lãnh của QBLTD do Bộ Tài chính ban hành chưa thật sự hỗ trợ DN, chưa thoáng bằng cơ chế cho vay của các NH thương mại. Trong lúc NH thương mại có thể cho DN vay tín chấp hoặc thế chấp bằng tài sản hình thành từ tiền vay, thì QBLTD vẫn đòi phải có thế chấp mới cấp bảo lãnh để DN vay tiền NH.

Quỹ chỉ bảo lãnh để DN vay một phần vốn chứ không phải toàn bộ món vay, buộc DN lại phải chạy vạy để tìm tài sản thế chấp... Và quy trình bảo lãnh của Bộ Tài chính đã đưa DN qua hai cửa, một là QBLTD và hai là NH!

Cho đến nay, đã 20 tháng sau khi Chính phủ cho phép thành lập QBLTD ở các địa phương, mới chỉ có TP.HCM xúc tiến việc thành lập QBLTD. Ông Trần Ngọc Minh - giám đốc NH Nhà nước TP.HCM - cho biết đã thành lập ban trù bị, một số NH thương mại cũng cam kết góp vốn, qui chế bảo lãnh đã soạn thảo hoàn tất nhưng vẫn chưa biết bao giờ QBLTD của TP.HCM mới ra đời!

Ông Minh nói: “Quỹ phải có ít nhất 30 tỷ mới được thành lập, nay mới có 10 tỷ từ NH, còn lại chưa biết trông vào đâu”. Trong khi đó nhiều chuyên gia cho rằng dù quỹ có đủ vốn để ra đời nhưng nếu cứ duy trì qui chế bảo lãnh như Bộ Tài chính đã ban hành, cũng chẳng mấy DNVVN nào được lọt vào “mắt xanh” của quỹ. Đó cũng là lý do khiến các địa phương không mặn mà lập QBLTD.

(Theo Tuổi Trẻ)

Gửi tin qua Email In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Điện thoại di động đầu tiên mang thương hiệu Việt Nam (18/09/2003)
Nguyên liệu nhựa lại tăng giá (18/09/2003)
50% giống lúa sử dụng tại Việt Nam là của IRRI (18/09/2003)
Việt Nam đã nhân nhượng đến mức có thể (18/09/2003)
Buôn bán thuốc ngoại, ''một vốn bốn trăm lời'' (18/09/2003)
Khởi công dự án kim loại màu lớn nhất nước (18/09/2003)
Doanh nhân Việt Nam gặp nạn tại Iraq (18/09/2003)
Cây hồ tiêu trước nguy cơ “vỡ” quy hoạch (17/09/2003)
Giá phân đạm tăng nhẹ (17/09/2003)
Hơn 100 câu hỏi trực tiếp với lãnh đạo TP.HCM (17/09/2003)
Các nước sông Mekong tăng cường hợp tác (17/09/2003)
Nông nghiệp ''ngoại thị' chèn lấn ''nội thị'' (17/09/2003)
Cần 12 tỷ USD cho giao thông vận tải TP.HCM (17/09/2003)
Giá dừa khô "nhảy" từng ngày (17/09/2003)
Hà Nội "thừa" gần 40.000 tỷ đồng vốn (17/09/2003)
Tro ve dau trang