221
442
Kinh tế - Thị trường
kinhte
/kinhte/
230872
''Không đổi mới sẽ dẫn đến đổ vỡ tràn lan DN nhà nước''
1
Article
null
Thủ tướng Phan Văn Khải:
''Không đổi mới sẽ dẫn đến đổ vỡ tràn lan DN nhà nước''
,

(VietNamNet) - Phát biểu bế mạc Hội nghị toàn quốc đẩy mạnh đổi mới DNNN chiều 16/3, Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải rất lo lắng trước hoạt động kém hiệu quả của nhiều DN nhà nước và nhấn mạnh yêu cầu bức bách phải đổi mới trước thềm hội nhập.

Thủ tướng Phan Văn Khải: ''Từ nay đến tháng 6, 7 tới, thí điểm cổ phần hoá Ngân hàng Ngoại thương''.

''Đem tiền gửi vào ngân hàng còn khá hơn''

Thủ tướng khẳng định DN nhà nước là ''xương sống'' của nền kinh tế, chiếm 70% tài sản quốc gia, 50% vốn đầu tư toàn xã hội, chiếm phần lớn nguồn tín dụng từ các ngân hàng, vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA)... Nhưng lực cản đang nằm trong các DN nhà nước, hiệu quả của DN nhà nước thấp.

Theo Bộ Tài chính, 77,2% số DN nhà nước hiện hoạt động có lãi, số còn lại bị lỗ hoặc hoà vốn. Nhưng nếu tính số DN có lãi cao hơn lãi suất ngân hàng thương mại chỉ khoảng 40%, cũng có nghĩa là ''đem tiền gửi vào ngân hàng còn khá hơn''. ''Đánh giá này vẫn chưa chính xác vì đất đai có giá trị lớn chưa tính đủ vào chi phí DN. Ưu tiên, ưu đãi, bao cấp, bảo hộ mới có lãi, nếu cắt hết thì con số lãi không biết xuống thấp chừng nào'', Thủ tướng nói.

Tổng vốn của các DN nhà nước thời điểm hiện nay khoảng 189.000 tỷ nhưng nộp thuế thu nhập năm vừa qua chỉ đạt 8.000 tỷ, còn lại là thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế gián thu do người tiêu dùng chịu. Tổng số nợ phải trả, phải thu lên đến 300.000 tỷ đồng, gấp 1,6 lần vốn của tất cả các DN nhà nước. Thủ tướng đã 2 lần xử lý con số nợ xấu của DN nhà nước (khoảng 18.000 tỷ đồng), mấy năm sau nợ xấu vẫn ở mức này. Chính phủ thời gian qua vẫn phải ''thả phao'' cứu DN nhà nước bằng các biện pháp tài chính như khoanh nợ, giãn nợ... Các dự án mía đường lỗ hơn 2.000 tỷ đồng nhưng Chính phủ vẫn phải tính các biện pháp sắp xếp lại để ổn định đời sống cho công nhân và nông dân trồng mía.

''Phải nhìn thẳng vào sự thật. Nếu DN nhà nước hoạt động hiệu quả, GDP những năm vừa qua không phải 7,1% mà còn cao hơn, nộp ngân sách cao hơn'', Thủ tướng bức xúc.

''Mở cửa, nguy cơ thua ngay trên sân nhà''

Theo Thủ tướng Phan Văn Khải, thách thức nữa là trên bình diện thị trường thế giới, sức cạnh tranh DN nhà nước nói riêng và nền kinh tế nói chung còn yếu trong khi chúng ta đang đàm phán để gia nhập WTO. ''Phải sớm gia nhập WTO vì để càng lâu càng khó khăn. DN trong nước sẽ không được hưởng các ưu đãi về thuế. Gia nhập WTO, chúng ta phải cam kết xoá hàng rào bảo hộ, xoá ưu tiên, ưu đãi, cạnh tranh tăng lên. Nếu các DN nhà nước vượt qua thách thức này thì nền kinh tế sẽ đi lên'', Thủ tướng nói.

Nhìn từ bên ngoài, Thủ tướng đánh giá các DN nhà nước yếu kém về nhiều mặt. Thứ nhất, năng lực quản lý DN nhà nước kém trong khi các nước quản lý DN được đào tạo cơ bản. Cán bộ quản lý mà năng lực quản lý kém thì không thể đưa DN đi lên. Thứ hai, trình độ công nghệ lạc hậu. Ngoài bưu chính viễn thông và một số ít DN thì đa số còn lại sử dụng công nghệ còn thấp, thậm chí lạc hậu. Những yếu kém này kết hợp với năng suất lao động thấp làm hiệu quả đồng vốn thấp, chất lượng sản phẩm thấp trong khi giá thành cao. Xi măng của Việt Nam so với xi măng nhập khẩu giá còn cao hơn 15% trong khi các nguyên liệu sản xuất xi măng trong nước sẵn có như đá vôi, đất sét, than. Điều này chứng tỏ bộ máy quản lý cồng kềnh, công nghệ thiết bị lạc hậu.

Bên cạnh đó, các chi phí ''tiêu cực'' đang là gánh nặng cho DN. Thủ tướng dẫn chứng: ''Trong chuyến thăm Singapore vừa rồi, DN nước này đầu tư tại Việt Nam kêu rằng chi phí vận chuyển bằng đường biển từ Bình Dương đến Bà Rịa - Vũng Tàu cao hơn từ Bà Rịa - Vũng Tàu đi Singapore. Bao nhiêu ông thổi còi, vào cảng, bốc dỡ phải có tiền. Lương thấp nhưng tiêu cực nhiều nên chi phí cao''.

''Các lĩnh vực bảo hiểm, ngân hàng sẽ mở ra... chậm nhất vào năm 2008 - 2009. Nhưng hiện nay nhiều DN nhà nước dậm chân tại chỗ, thua trên sân nhà khi mở cửa'', Thủ tướng nói.

Ngân hàng Ngoại thương sẽ lên sàn chứng khoán

Thủ tướng nhấn mạnh, đổi mới DN nhà nước là yêu cầu bức bách để vượt qua thách thức, vươn lên gánh nhiệm vụ lịch sử đưa Việt Nam ''cơ bản trở thành một nước công nghiệp vào năm 2020''.

Muốn vậy, Thủ tướng cho rằng phải thực hiện thắng lợi Nghị quyết Trung ương 3 và Nghị quyết Trung ương 9 (khoá IX), đổi mới nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của DN nhà nước, cuả nền kinh tế. Đó là tìm mọi cách để đẩy mạnh tiến trình cổ phần hoá, mở rộng diện cổ phần. Cổ phần hoá không phải phá DN nhà nước hay tư nhân hoá mà làm DN làm ăn có hiệu quả.

''Chính phủ sẽ xoá bỏ bao cấp, bảo hộ, xoá bỏ độc quyền kinh doanh bất hợp lý. Phải xoá cho được. Nếu tiếp tục bao cấp DN làm ăn không hiệu quả'', Thủ tướng nhấn mạnh.

Nghị quyết Trung ương 9 đã mở đường cho một số tổng công ty bán cổ phiếu trái phiếu trên thị trường chứng khoán để huy động vốn. Cổ phiếu, trái phiếu của một số tổng công ty sẽ được đưa lên sàn công khai, minh bạch không khép kín trong DN. ''Từ nay cho đến tháng 6, 7 phải cố gắng thí điểm cổ phần hoá thành công Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam thông qua hình thức phát hành cổ phiếu tăng vốn điều lệ. Ngân hàng nước ngoài vốn hàng trăm tỷ USD trong khi ngân hàng của ta chỉ vài nghìn tỷ đồng'', Thủ tướng cho biết.

Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành địa phương nhanh chóng nghiên cứu và thí điểm mô hình công ty đầu tư tài chính Nhà nước. Thủ tướng cho biết, Singapore tập trung vốn Nhà nước vào tay một công ty đầu tư tài chính. Công ty này thực hiện đầu tư hiệu quả, mang lại tỷ suất lợi nhuận khoảng 18%.

''Không vươn lên mạnh mẽ sẽ dẫn đến đổ vỡ tràn lan của DN nhà nước trong bối cảnh hội nhập và xoá bỏ những ưu tiên, ưu đãi, bảo hộ. Hướng là đúng nhưng thời gian qua chúng ta làm chậm. Cần phải làm quyết liệt hơn, mạnh mẽ hơn'', Thủ tướng nhấn mạnh.

 Đẩy mạnh đổi mới DN nhà nước

Về tiến trình đổi mới DN nhà nước, Thủ tướng nhận xét ''chủ trương, biện pháp đúng nhưng thực hiện chưa tốt''. Các văn bản hướng dẫn ban hành chậm. Quốc hội thông qua Luật Doanh nghiệp Nhà nước sửa đổi có hiệu lực từ 1/7 nhưng đến nay Chính phủ đang ''nợ'' nghị định hướng dẫn, chưa ban hành. Trong quá trình sắp xếp, đổi mới DN nhà nước, ''các bộ, ngành đã làm không đồng bộ''. Hơn nữa, ''khi làm không quyết liệt, thiếu kiểm tra đôn đốc, báo cáo''.

Thủ tướng yêu cầu ngay sau Hội nghị lần này, các bộ ngành và địa phương phải làm Chương trình hành động đẩy mạnh đổi mới sắp xếp DN nhà nước: Phân công ai làm gì, bao giờ phải xong, ai chịu trách nhiệm... Đồng thời, Chính phủ sẽ xem xét phân cấp mạnh mẽ cho các Bộ trưởng, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành như đưa DN nhà nước không cần nắm giữ 100% vốn vào cổ phần hoá, công bố kết quả định giá DN khi cổ phần hoá... Thủ tướng cũng chỉ đạo, ''khâu khó nhất là định giá DN phải làm sao cho nhanh''.

  • Văn Tiến
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,