221
442
Kinh tế - Thị trường
kinhte
/kinhte/
236845
Sẽ cổ phần hóa toàn bộ nhà máy chế biến rau quả
1
Article
null
Sẽ cổ phần hóa toàn bộ nhà máy chế biến rau quả
,

(VietNamNet) - Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Sơ kết 4 năm thực hiện Chương trình Phát triển rau quả và hoa, cây cảnh thời kỳ 1999-2010, do Bộ NN-PTNT tổ chức hôm nay (15/4), Bộ trưởng Lê Huy Ngọ cho rằng, các nhà máy chế biến rau quả cần chuẩn bị sẵn tinh thần cổ phần hóa (CPH) do hiệu quả sản xuất thấp.

Cần đẩy mạnh hơn mức tiêu thụ trái cây của người tiêu dùng trong nước.

Chương trình này đã triển khai được 4 năm, song Bộ trưởng Lê Huy Ngọ cho rằng, những thành tích đưa ra trong báo cáo hầu như chỉ là tổng hợp lại những thành tựu mà ngành đã thực hiện được trước đó. Tình trạng thiếu nguyên liệu, các nhà máy luôn chạy không hết nửa công suất, chất lượng chưa đều, sản xuất manh mún, xuất khẩu bấp bênh và rủi ro... cho thấy chương trình giờ mới như thực sự bắt đầu.

Có lặp lại bài học mía đường?

Ông Bạch Quốc Khang, Cục trưởng Cục Chế biến nông lâm sản và nghề muối (Bộ NN-PTNT) cho biết, sau 4 năm phát triển, đến nay, tổng diện tích rau quả đạt 1,27 triệu ha (đạt 97% kế hoạch 1,31 triệu ha năm 2010), sản lượng gần 13,9 triệu tấn (bằng 70% kế hoạch). Tuy diện tích, sản lượng đều tăng, song, tại khu vực sản xuất nguyên liệu tập trung cho chế biến công nghiệp thì năng suất, chất lượng rau quả còn thấp và thiếu sản lượng. Nguyên nhân của tình trạng này, Bộ trưởng Lê Huy Ngọ chỉ rõ, chương trình mới chỉ ưu tiên đầu tư vào xây dựng nhà máy chế biến, mà bỏ ngỏ việc đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu, phát triển công nghệ bảo quản sau thu hoạch, lựa chọn giống cây trồng có chất lượng, năng suất cao... Hệ thống quản lý, cung cấp giống cho nông dân chưa hoàn chỉnh, thiếu đồng bộ.

Bộ trưởng Lê Huy Ngọ: "Tôi đề nghị các địa phương cố gắng đưa ra một vài giống cây trồng đặc trưng để phát triển, tạo hàng hóa lớn cho xuất khẩu, ví như Bình Thuận ưu tiên thanh long, Ninh Thuận phát triển nho, Hưng Yên trồng nhãn...

Bên cạnh đó, công tác quy hoạch vùng nguyên liệu chưa chuẩn xác, chưa tính hết các yếu tố tác động làm thay đổi cơ cấu cây trồng và hiệu quả kinh tế của nông dân. Ông Nguyễn Văn Thành, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Rau quả, lấy ví dụ cụ thể như măng tây, một trong số sản phẩm được xác định là chủ lực, phát triển rất èo uột. Trong khi đó, việc đầu tư cho cây măng ta dàn trải, sản lượng nhỏ và không thể xuất khẩu với lượng lớn.

Công tác quy hoạch, đặc biệt là quy hoạch vùng nguyên liệu, còn nhiều bất cập, chưa có quy hoạch tổng thể và cụ thể cho từng vùng, từng địa phương, từng loại rau quả. Việc xác định quy mô, địa điểm một số cơ sở chế biến chưa chính xác, chưa phù hợp với khả năng cung cấp nguyên liệu trong điều kiện sản xuất nông nghiệp còn manh mún, điểm xuất phát thấp. Thậm chí, một số giám đốc DN chưa coi trọng đến việc phát triển vùng nguyên liệu, đùn đẩy trách nhiệm cho địa phương. Điều này làm cho sản xuất luôn đặt trong tình trạng bị động, thiếu nguyên liệu. Gần như toàn bộ nhà máy chế biến thiếu nguyên liệu, chỉ đạt bình quân 20-25% công suất. Cá biệt như Nhà máy Cà chua Hải Phòng, Chế biến Rau quả Bắc Giang đạt dưới 10% công suất. Theo bà Nguyễn Thị Bảy, chuyên viên Cục Tài chính DN - Bộ Tài chính, thực trạng trên khiến một số cơ sở không có khả năng hoàn trả vốn vay và lãi suất ngân hàng.

Bà Bảy cho rằng, tình trạng trên làm cho chương trình gần như lặp lại bài học ngành mía đường. Do vậy, bà Bảy kiến nghị, ngành nông nghiệp nên thẩm tra, xác định lại tiềm lực thực tế của các nhà máy, và chia thành 3 loại: giữ lại DN chế biến làm ăn có hiệu quả; chuyển đổi sở hữu nhà máy làm ăn thua lỗ nhưng có khả năng vực dậy và sáp nhập; giải thể các DN thua lỗ, không có nguyên liệu sản xuất.

Xa vời mục tiêu 1,1 tỷ USD xuất khẩu

Bà Nguyễn Thị Bảy cho rằng, sau 4 năm thực hiện đề án, so với chỉ tiêu đề ra (xuất khẩu rau, quả và hoa, cây cảnh phải đạt 350 triệu USD vào năm 2005 và 1,1 tỷ USD vào năm 2010) thì kim ngạch thực tế mới đạt 60% (2005) và 20% (2010). Để đạt được mục tiêu trên, những năm tới, ngành rau quả phải phấn đấu kim ngạch hàng năm tăng 100 triệu USD, tức là tốc độ tăng bình quân khoảng 50%/năm. Điều này xem như là không tưởng vì nhìn tổng thể, những năm qua, ngành rau quả về cơ bản vẫn chưa có bước đột phá, tỷ trọng xuất khẩu vẫn chỉ ở mức 3-5% trong tổng sản lượng hàng năm.

Nguyên nhân của tình trạng trên là do việc xuất khẩu dàn trải trên 50 thị trường, nhưng chủ yếu xuất sang Trung Quốc (khoảng 50-80%). Năm 2003, xuất khẩu sang thị trường này đột ngột giảm mạnh bởi Trung Quốc thắt chặt các quy chế mở sau khi gia nhập WTO, rau quả Việt Nam phải chịu mức thuế cao hơn so với Thái Lan và Ấn Độ (ví như mặt hàng rau là 13-15%, trái cây 22-25%). Hai là, 2003 là năm đầu tiên Việt Nam thực hiện lộ trình giảm thuế quan, nên đã gia tăng áp lực cạnh tranh đối với rau quả trong nước, đặc biệt là rau quả chế biến. Việt Nam vấp phải đối thủ cạnh tranh mạnh là Thái Lan, nước xếp hàng đầu thế giới về xuất khẩu quả hộp (nhất là dứa hộp). Trong khi đó, giá thành dứa hộp xuất khẩu Việt Nam lại cao, do phải nhập vỏ hộp, mà chi phí cho vỏ hộp chiếm tới gần 40% giá thành.

Ba là, cơ cấu mặt hàng rau quả xuất khẩu không ổn định, diện mặt hàng rộng nhưng không có mặt hàng chủ lực; số lượng xuất khẩu nhỏ lẻ, chủ yếu theo cách DN gặp khách có nhu cầu gì thì chào bán mặt hàng đó... khiến DN luôn rơi vào tình trạng bị động, lúng túng trong định hướng chiến lược.

TS. Hoàng Thịnh Lâm, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Thống kê (Bộ Thương mại) nhận định, nhu cầu trên thế giới vẫn đang gia tăng đối với rau quả. Theo Tổ chức Nông lương Liên Hiệp Quốc (FAO), trong giai đoạn 2001-2010, nhu cầu tiêu thụ rau quả hàng năm tăng bình quân 3,6%, trong khi sản lượng chỉ đạt 2,8%. Điều này chứng tỏ cung vẫn chưa đáp ứng đủ cầu, và Việt Nam hoàn toàn có cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu. Tuy nhiên, TS. Lâm cho rằng, xuất khẩu rau quả của Việt Nam hiện còn bấp bênh, năm 2002 đạt 250 triệu USD, thì năm ngoái lại giảm còn 151 triệu USD. Đó là do chúng ta chưa tận dụng được thời gian giáp vụ của các nước để đạt ưu thế về giá; chưa có các loại rau quả đặc sản, đã có thương hiệu tham gia xuất khẩu; chất lượng vệ sinh thực phẩm chưa được coi trọng đúng mức. Xác định đây là mặt hàng khó xuất khẩu, ông Lâm  kiến nghị, cần đẩy mạnh hơn công tác xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu cho rau quả Việt Nam và thành lập quỹ bảo hiểm cây trồng, vật nuôi.

  • Hà Yên

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,