221
442
Kinh tế - Thị trường
kinhte
/kinhte/
343545
Mỹ cắt 4,5% quota dệt may của VN năm nay
1
Article
null
Mỹ cắt 4,5% quota dệt may của VN năm nay
,
(VietNamNet)- Hãng tin AP cho biết chính quyền Bush hôm  thứ tư (12/5) đã công bố sẽ cắt giảm 4,5% quota (hạn ngạch) hàng dệt may của Việt Nam trong năm nay vì cho rằng có những lô hàng xuất sang Hoa Kỳ không phải từ Việt Nam.
Quota hàng may mặc của VN vào Mỹ sẽ bị cắt 4.5% năm 2004.

Theo đó, lượng quota mà Mỹ sẽ cắt đối với hàng dệt may của Việt Nam là 80 triệu đô la. Năm 2003 kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may theo hạn ngạch của Việt Nam vào Mỹ đạt  khoảng 1,8 tỷ đô la. Theo thỏa thuận giữa hai bên, hạn ngạch năm sau sẽ tăng thêm 7%.

Quyết định của chính quyền Mỹ đưa ra từ báo cáo của các cơ quan hải quan và kiểm tra của Hoa Kỳ. Theo các cơ quan này, có nhiều lô hàng dệt may xuất vào Mỹ không xuất trình được  chứng từ hợp lệ, đáng chú ý là chứng nhận xuất xứ Việt Nam.

Bộ Thương mại cho biết chưa được thông báo chính thức về chuyện này nên không đưa ra ý kiến về việc cắt giảm hạn ngạch đối với Việt Nam. Trong khi đó, đối với các doanh nghiệp xuất khẩu trong nước thì quyết định vừa rồi của chính quyền Mỹ là một dấu hiệu khó khăn mới. "Với số lượng hạn ngạch hiện tại được xem là quá ít, gây khó khăn cho doanh nghiệp thì việc cắt giảm càng gây khó khăn hơn khi họ tập trung đầu tư nhiều cho thị trường Mỹ", ông Lê Văn Đạo, Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam, phát biểu với VietNamNet hồi sáng nay (13/5).

Năm ngoái một đoàn hải quan Hoa Kỳ phối hợp với các quan chức Việt Nam đã đi kiểm tra gần 100 doanh nghiệp dệt may Việt Nam. Theo Cơ quan Hải quan và Bảo vệ Biên giới Hoa Kỳ (CBP) hầu hết các doanh nghiệp ở Việt Nam có năng lực sản xuất lớn và hầu hết đều có những chứng từ hợp lệ khi đoàn kiểm tra. Tuy nhiên, có khoảng 1 triệu tá hàng may cần phải cắt giảm từ hạn ngạch đã thỏa thuận vì những lô hàng này không được sản xuất tại Việt Nam, hoặc có nhà máy nhưng đóng cửa, hoặc nhà máy không cung cấp đúng chứng từ cần thiết và hợp lệ đối với lô hàng.

Năm ngoái Bộ Thương mại đã phát hiện một số vụ vi phạm trong việc sử dụng hạn ngạch và đã thu hồi hạn ngạch đã cấp cho những doanh nghiệp vi phạm này và chuyển cho những nhà xuất khẩu khác. Đáng chú ý nhất là vụ một công ty tư nhân nhập hàng may hoàn chỉnh từ Trung Quốc và xuất đi Hoa Kỳ.

Năm ngoái, Việt Nam xuất khẩu vào Mỹ khoảng 2,4 tỷ đô la hàng dệt may bao gồm hàng quota và phi quota . Không phải chỉ có những lô hàng may mặc Việt Nam bị phát hiện vi phạm mà rất nhiều lô hàng xuất hàng vào Mỹ từ các nước Châu Á đều vi phạm không có xuất xứ hàng hóa hoặc giả chứng nhận xuất xứ của nước khác. Theo điều tra, có khoảng 28% lượng hàng may mặc vi phạm xuất xứ. Việt Nam được xem là có tỷ lệ vi phạm thấp nhất.

Cắt giảm hạn ngạch là một tín hiệu không vui đối với ngành dệt may Việt Nam, khi mà chỉ tới đầu năm 2005 chế độ quota sẽ được bãi bỏ. Trong lúc các nước đối thủ cạnh tranh của Việt Nam như Trung Quốc, Thái Lan không bị áp dụng hạn ngạch, Việt Nam không chỉ phải duy trì cho đến khi là thành viên chính thức của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) mà còn bị giảm hạn ngạch vào Mỹ, một thị trường xuất khẩu dệt may lớn nhất của Việt Nam (tổng kim ngạch xuất khẩu của VN là 3,5-3,6 tỷ đô la năm 2003). 

Việc cắt giảm quota đối với hàng may mặc Việt Nam cũng là những yêu cầu của các nhà sản xuất hàng dệt may Hoa Kỳ. Rất nhiều nhà máy đang bị đóng cửa và sa thải lao động vì sự cạnh tranh của hàng may mặc từ châu Á, trong đó có Việt Nam.

  • Minh Quang
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,