221
442
Kinh tế - Thị trường
kinhte
/kinhte/
434762
Vì sao giá hàng ở siêu thị cao hơn chợ, cửa hàng?
1
Article
null
Vì sao giá hàng ở siêu thị cao hơn chợ, cửa hàng?
,

(VietNamNet) Siêu thị mở rộng vừa tiện ích cho người tiêu dùng, vừa là cơ hội để hàng hóa VN phát triển. Ở các nước tiên tiến, giá cả hàng hóa trong siêu thị rẻ hơn chợ, cửa hàng, còn ở VN thì ngược lại... Nếu nhà sản xuất và nhà kinh doanh siêu thị nghĩ đôi chút đến thượng đế của mình thì người tiêu dùng đã không phải mua sắm với mức giá bất hợp lý.

  

Hưởng chiết khấu 25-50% giá bán

 

Chọn hàng tại siêu thị. Ảnh N.S

Đối với nhà sản xuất, tìm đầu ra cho sản phẩm là khâu thiết yếu quyết định cho sự thành bại của DN. Ngoài các kênh bán lẻ truyền thống như chợ, cửa hàng, thì siêu thị là nơi phân phối sản phẩm đến tay người tiêu dùng khá hữu hiệu. Do đó, nhiều DN đã bằng mọi giá để chen chân vào siêu thị, bất chấp chiết khấu cao, tiền thuê mặt bằng, chi phí quảng cáo và khuyến mãi… Đó là chưa kể tiền “bôi trơn” cho con đường lưu thông hàng được suôn sẻ.

 

Bà Vũ Thị Hiền - Trưởng chi nhánh Công ty May 10 tại TP.HCM bức xúc cho hay: “Đích thân tôi đã đi hết các siêu thị để chào hàng, nhưng các siêu thị đòi chiết khấu quá cao. Ví dụ như Metro từ 30-50% trên giá bán, Big C (Cora) 30%, Coopmart 25%... chưa kể còn nhiều chi phí khác. Hàng của Công ty May 10 đã có thể xuất đi nước ngoài, nhưng lại không thể vào được siêu thị trong nước” (!?) 

 

 
 

Theo kỹ sư Thái Văn Hải - Giám đốc Công ty Sứ Hải Dương (chi nhánh TP.HCM), muốn đưa được hàng vào siêu thị phải hết sức kiên trì. Chính ông cũng đã từng đeo đuổi, nhờ vả nhiều người giúp đỡ, và phải mất hơn 2 năm mới gặp được lãnh đạo của Saigon Coop để thương thảo cho hàng của Hải Dương có mặt trong hệ thống siêu thị này.

 

Siêu thị có dần thay thế được chợ? Ảnh N.S

Ông Nguyễn Bá Bình - đại diện Công ty Sơn Kim (kinh doanh trang phục lót phụ nữ nhãn hiệu Vera và trang phục nữ nhãn hiệu WoW) cũng ngậm ngùi cho biết: “Mặc dù phân phối hàng ra chợ chiết khấu thấp hơn (khoảng 15-20%), nhưng DN nào cũng muốn vào siêu thị, vì dự đoán trong thời gian tới siêu thị sẽ chiếm vị trí chủ yếu trong các kênh phân phối hàng. Chúng tôi đã đi nhiều siêu thị, mức chiết khấu các nơi đưa ra đều từ 30% đến hơn 50%. Công ty cũng chấp nhận, nhưng đến nay không thấy siêu thị nào trả lời. Phải chăng mức chiết khấu như vậy vẫn chưa hấp dẫn siêu thị?

 

Phản ứng trước những lời than thở của DN về vấn đề siêu thị đòi chiết khấu cao, ông Nguyễn Xuân Hải - Giám đốc Big C Đồng Nai cho hay, ngoài thực phẩm thì các mặt hàng khác trong siêu thị là do DN đề nghị giá bán, siêu thị hưởng chiết khấu. Sỡ dĩ siêu thị đòi chiết khấu như vậy là vì phải chi phí nhiều, nào là thuế GTGT 10%, tiền điện, tiền thuê nhân viên… Hơn nữa giá bán mà DN đưa ra trong siêu thị chắc gì rẻ hơn chợ(?!).

 

 

Chỉ quan tâm tới lợi nhuận?

 

Đại diện một DN đang có hàng bày bán tại các hệ thống siêu thị cho hay, chi phí thuê quầy kệ trong siêu thị hiện quá cao, còn không thuê thì không có vị trí tốt. Sản phẩm muốn được trưng bày đầu quầy hàng với diện tích khoảng 1m2 có khi phải trả chi phí gần 10 triệu đồng/tháng, chưa kể tiền chiết khấu trên giá thành sản phẩm. Phần lớn DN có vốn đầu tư nước ngoài mới có khả năng thuê được những vị trí bắt mắt.

 

Sắp xếp hàng hóa tại  siêu thị Maximart. ẢNh N.S

 

Theo ông Dịp Nam Hải - Đại diện Xí nghiệp chế biến hải sản và thực phẩm xuất khẩu Cholimex, hiệu quả mà siêu thị mang lại cho nhà sản xuất không cao, vì chậm thanh toán tiền cho DN. Mặc dù siêu thị thu tiền mặt từ người tiêu dùng, nhưng phải một tháng trở lên mới trả tiền cho DN. Chưa kể, siêu thị còn đòi hỏi nhà cung cấp phải tổ chức nhiều chương trình khuyến mãi nhằm lôi cuốn khách hàng đến siêu thị.

 

Về phần mình, đại diện một siêu thị cho rằng, việc thanh toán tiền chậm là đương nhiên, vì siêu thị phải mất nhiều thời gian làm giấy tờ, thủ tục, chứ không phải chiếm dụng vốn của DN. Việc chọn lựa DN để mang lại doanh số cao, tăng cao hiệu quả kinh doanh trong siêu thị cũng là điều bắt buộc, vì ngoài việc siêu thị phải gánh một chi phí rất lớn thì việc đầu tư xây dựng thương hiệu, uy tín cho siêu thị cũng không phải nhỏ.

 

Ông Nguyễn Ngọc Hòa - Tổng giám đốc hệ thống Saigon Coop cho biết thêm, bình quân 1 siêu thị kinh doanh vài chục nghìn mặt hàng, mỗi tuần nhận vài trăm mặt hàng mới vào, buộc siêu thị phải chọn nguyên tắc một vào một ra vì diện tích có hạn. Siêu thị cũng ngán ngại mặt hàng mới vào không tạo được doanh thu.

 

Đã có nhận xét cho rằng, hình thức kinh doanh tại các siêu thị hiện nay chẳng khác gì một nhà lồng chợ, mà ở đó người chủ kinh doanh siêu thị chẳng khác nào một anh "cai đầu dài". 

 

Người tiêu dùng lãnh đủ

 

Cùng một sản phẩm, giá bán tại các siêu thị đa phần như nhau. Những siêu thị bán lẻ thì luôn quan sát, dò dẫm giá cả của nhau để khỏi bị “hớ" trong khi cạnh tranh với nhau, nên sự chênh lệch giá trong cùng mặt hàng là rất nhỏ. Riêng hệ thống Metro Cash & Carry, tuy cũng cùng lấy hàng từ một nguồn, nhưng với đặc điểm chỉ bán với số lượng lớn nên giá bán ở đây rẻ hơn các hệ thống siêu thị khác từ 10-20%.

 

Chị Thanh Nga - một người có kinh nghiệm trong việc mua sắm hàng tại siêu thị cho hay, cũng có một số mặt hàng, giá bán giữa siêu thị với chợ, cửa hàng không chênh lệch nhiều, thậm chí đôi khi còn rẻ hơn trên thị trường vài trăm đồng để lôi kéo khách (thực ra đây cũng là "mánh" kinh doanh của siêu thị). Nhưng với đa số mặt hàng như bánh kẹo, sữa, nước giải khát, thực phẩm tươi sống, rau xanh, trái cây, quần áo, trang phục lót… thì giá bán ra tại siêu thị cao hơn giá bên ngoài khoảng từ 0,5-20%.

 

Siêu thị đầu tiên có mặt tại VN vào năm 1994. Sau 10 năm đến nay đã ra đời hơn hơn 70 siêu thị trên toàn quốc, trong đó có 46 siêu thị tại TP.HCM. Theo một chuyên gia kinh tế, tốc độ phát triển như vậy chưa phải là nhanh so với sự tăng trưởng kinh tế của VN trong giai đoạn này. Xu hướng  tới đây, hệ thống siêu thị sẽ dần dần thay thế mô hình chợ như hiện nay ở nhiều nước trên thế giới.

 

Tuy nhiên, để có thể nhanh chóng chiếm lĩnh được thị trường, vấn đề đặt ra  là các siêu thị cần chú trọng đến giá cả và chất lượng hàng hóa. Với những tiện ích nhất định mà siêu thị mang lại thì một số nhóm khách hàng cao cấp có thể chấp nhận giá cả chênh lệch đôi chút. Nhưng đối với người có thu nhập thấp, giá cả vẫn được đặt lên hàng đầu. Do đó, siêu thị chỉ trở thành kênh phân phối lẻ phổ biến nhất ở VN khi đáp ứng được nhu cầu và khả năng của số đông người tiêu dùng.

  • Nguyễn Sa

Giá một số mặt hàng PV VietNamNet đã ghi nhận tại các siêu thị, chợ trong thời điểm này:

 

Tên hàng

Tại chợ, cửa hàng 

Tại Coop mart

Tại Maximart

Thuốc nhuộm tóc Kolestondecore/hộp

    75.000

    84,900

84,900

Cua biển/kg (2-4 con/kg)

    khoảng  65.000

    90.000

0

Nho Mỹ/kg

    50.000

    60.000 

60.000 

Sữa Nuti hộp giấy 400g

    24.000

    26,600

26,900

Bánh ướt Thanh Trì/kg

    12.000

   16.000

0

Dầu gội Head & shoulder

    37.000/1chai

    39.000/1chai

       39.000/1chai

Bột giặt Omo/bịch 1,5 kg

    21.000

    22.000

24,500

Kẹo Hershey's loại 340gr

    65.000

    78.000

0

 

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,