VietNamNet) - Bộ Tài chính thừa nhận: Việc giá tăng ''đã tác động không nhỏ đến nền kinh tế, đời sống xã hội, tác động xấu đến sản xuất kinh doanh, đến chính sách kinh tế vĩ mô, ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của hàng hóa, dịch vụ''.
Tại Hội nghị triển khai các giải pháp thực hiện thắng lợi nhiệm vụ tài chính - ngân sách 2004 và xây dựng dự toán ngân sách 2005 diễn ra hôm qua (23/6) tại Hà Nội, báo cáo của Bộ Tài chính cho biết, biến động giá cả năm nay đặc biệt khác với tất cả các năm trước. Mức tăng giá của 5 tháng đầu năm 2004 có mức tăng cao nhất trong các năm. Nếu các năm trước thường tăng giá trong hai tháng đầu năm, các tháng còn lại đều giảm hoặc giữ ổn định nhưng năm 2004 giá tăng liên tục trong cả 6 tháng; diện mặt hàng tăng giá nhiều hơn các năm trước. Giá nhóm hàng lương thực - thực phẩm cũng có sự biến động theo chiều hướng trên.
Bộ Tài chính cũng thừa nhận, việc giá cả thị trường 6 tháng đầu năm diễn biến phức tạp đã tác động không nhỏ đến nền kinh tế, đời sống xã hội, ''tác động xấu đến sản xuất kinh doanh, đến chính sách kinh tế vĩ mô, giá đầu ra, ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của hàng hóa, dịch vụ''.
Chỉ số giá tăng có ảnh hưởng không tốt đến thu nhập, đời sống nhân dân. Tuy nhiên, Bộ này cho rằng ''giá hàng lương thực thực phẩm tăng đã giảm bớt thiệt hại cho nông dân vì dịch cúm gà, nhờ đó đã tăng sức mua của khu vực nông nghiệp làm tổng mức bán lẻ xã hội 5 tháng qua tăng cao, tới 16,9%. Đây cũng là một thuận lợi cho thị trường tiêu thụ hàng công nghiệp, góp phần cho tốc độ tăng trưởng công nghiệp vừa qua khá cao... Việc tăng giá hàng phi lương thực thực phẩm khoảng 3-4% cũng là tạo điều kiện cho sản xuất công nghiệp phát triển và giảm bớt khó khăn do nguyên nhiên liệu đầu vào tăng cao. Nếu giá hàng phi lương thực thực phẩm không tăng, chắc chắn rằng công nghiệp sẽ rất khó khăn''.
Các đại biểu cũng đi vào phân tích những nguyên nhân của việc tăng giá, trong đó nhấn mạnh đến các yếu tố... khách quan (?). Thứ nhất là dịch cúm gà xảy ra trên diện rộng. Thứ hai giá nhập khẩu nhiều loại vật tư nguyên liệu tăng cao (phân bón, sắt thép, xăng dầu,chất dẻo...) trong khi hàng nhập khẩu đang đáp ứng nhu cầu trong nước: 90% nhu cầu thép, 100% nhu cầu xăng dầu, 90% nhu cầu về nguyên liệu thuốc bệnh... Hơn nữa, tỷ giá giữa đồng USD với đồng Việt Nam cũng trong xu hướng tăng nhẹ, từ 15.600 đồng/USD (12/2003) lên tới 15.780 đồng/USD (5/2004) nên đã làm tăng giá vốn và tác động làm tăng giá thị trường trong nước. Thứ tư, nhu cầu có khả năng thanh toán của dân cư gia tăng.
''Người dân nên quen dần với tình hình mới của giá cả''
''Không thể điều khiển hoàn toàn được giá cả. Chúng ta nên hướng dẫn người dân quen dần với tình hình mới, đó cũng là đặc điểm của môi trường hội nhập...'' - Đó là phát biểu của Phó Thủ tướng Vũ Khoan tại Hội nghị này.
Phó Thủ tướng cho rằng, nhiệm vụ quan trọng hàng đầu hiện nay của ngành Tài chính là điều hành về giá cả. ''Vấn đề giá cả theo tôi là vấn đề nóng bỏng nhất hiện nay. Trong hoàn cảnh hiện tại, giá cả của nước ta phụ thuộc hầu như hoàn toàn vào giá thế giới, nhất là một số mặt hàng thiết yếu như sắt thép, dầu xăng, xi măng... nên theo tôi, không thể điều khiển hoàn toàn được giá cả. Nếu không nhận thức phù hợp về vấn đề này sẽ không giải quyết được vấn đề giá cả chứ không phải cứ thắt chặt giá cả là đúng''.
Thêm nữa, theo ông Vũ Khoan: ''Giá cả biến động mạnh cũng một phần do dự báo của ta chưa tốt, chúng ta chưa dự báo được ở mức tối đa. Khó khăn là làm sao điều hành ổn định được ở mức vĩ mô. Những cân đối vĩ mô về thu chi ngân sách, tiền hàng, cân đối ngoại tệ... dứt khoát phải duy trì được. Bài học những năm 80 đã dạy cho ta rồi...
Khi xử lý giá cả bằng phí, thuế chúng ta cần linh hoạt. Xoá bỏ dần bao cấp chứ không phải trước biến động lại tăng bao cấp dẫn đến một mặt hàng nhiều loại giá và giá cả lổn nhổn. Hiện một số trường hợp còn bao cấp về giá nhưng chủ trương của Chính phủ sẽ tiến tới xử lý theo giá thị trường, không bao cấp nữa''.
''Điều hành giá còn chưa theo kịp yêu cầu''
Bộ Tài chính đã thừa nhận, ''Trong điều hành quản lý còn có phần chưa theo kịp yêu cầu, nhất là trong hệ thống phân phối lưu thông như hệ thống cung cấp, phân phối thuốc chữa bệnh; hệ thống phân phối thép. Việc độc quyền trong nhập khẩu thuốc và nguyên liệu sản xuất dược đã làm cho một số đơn vị lợi dụng giá cả thị trường biến động để đầu cơ tăng giá. Về cơ bản, một số sản phẩm sản xuất sức cạnh tranh yếu, hiệu quả thấp nên bị tác động mạnh khi giá thế giới tăng cao''.
Bộ Tài chính cũng đã đặt ra những biện pháp để quản lý giá cả 6 tháng cuối năm như đẩy mạnh sản xuất trong nước, điều hành tốt cung cầu, không để xảy ra những mất cân đối cục bộ làm tăng giá; Sử dụng linh hoạt có hiệu quả chính sách tài chính- tiền tệ; Tăng cường năng lực điều hành quản lý thị trường nhằm chống đầu cơ, độc quyền hoặc liên kết về giá. Theo đó, Nhà nước tôn trọng quyền định giá của DN nhưng những mặt hàng độc quyền (điện, dịch vụ hàng không, bưu chính viễn thông) Nhà nước sẽ thực hiện kiểm soát chi phí, kiểm soát giá độc quyền thông qua hình thức định giá chuẩn. Những hàng hoá có ảnh hưởng lớn tới quốc kế dân sinh (thuốc chữa bệnh, lương thực...) sẽ thực hiện định giá giới hạn (khung giá bán lẻ đối với một số loại thuốc chữa bệnh thiết yếu, giá sàn định hướng đối với thóc..), áp dụng hình thức thặng số lưu thông bán buôn, bán lẻ trong kinh doanh thuốc, xăng dầu, sắt thép, phân bón...
Bộ Tài chính cũng yêu cầu các DN, nhất là các Tổng công ty nhà nước, các hiệp hội ngành nghề có trách nhiệm tham gia bình ổn giá, thực hiện xây dựng và hoàn chỉnh mạng lưới phân phối hàng của ngành mình sao cho kiểm soát được lưu thông, không để cho các đại lý đầu cơ nâng giá (thuốc chữa bệnh, sắt thép...), tránh tình trạng mua đứt bán đoạn như trong thời gian qua.
Bên cạnh đó là công tác thu thập, phân tích, dự báo giá cả thị trường thế giới và trong nước, tuyên truyền để nhân dân hiểu rõ việc điều hành giá cả của Nhà nước, ngăn ngừa tâm lý đẩy giá lên cao.
Nói về vấn đề này, Phó Thủ tướng Vũ Khoan cũng yêu cầu ngành Tài chính hướng nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm vào việc bình ổn giá. ''Có biện pháp xử lý kịp thời đối với các mặt hàng xăng dầu, khí hoá lỏng, xi măng, sắt thép, thép xây dựng, phân bón, lúa gạo, cà phê bông vải, mía cây, muối, một số thuốc thiết yếu phòng và chữa bệnh cho người; Kiểm soát chặt chẽ việc định giá đối với một số sản phẩm dịch vụ hiện còn độc quyền như vận tải, viễn thông, hàng không, điện...
Trong thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ thường xuyên theo dõi diễn biến giá thị trường tại địa phương và đề xuất các giải pháp trình lãnh đạo để bình ổn giá; Đẩy mạnh hoạt động thẩm định giá. Đáng chú ý là ngành này sẽ xúc tiến việc thành lập DN thẩm định giá tại địa phương để kiểm soát tốt chi mua tài sản, hàng hoá từ nguồn ngân sách, góp phần phục vụ cổ phần hoá DN Nhà nước, phục vụ bán đấu giá tài sản tại địa phương...
- Hồng Phúc
Chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế có "lung lay"?
Tăng giá xăng dầu kể từ 19h tối nay
Xăng tăng giá, vận tải khách tăng theo ngay!
Giá dầu tăng: Nghề cá xa bờ chồng chất khó khăn
Xăng tăng giá, hàng xuất khẩu càng kém sức cạnh tranh