221
442
Kinh tế - Thị trường
kinhte
/kinhte/
456982
Một tuần thực thi Luật Đất đai: Lúng túng vì thuế!
1
Article
null
Một tuần thực thi Luật Đất đai: Lúng túng vì thuế!
,

(VietNamNet) - Một tuần từ khi Luật Đất đai có hiệu lực thi hành (1/7), việc tiếp nhận và giải quyết hồ sơ nhà, đất, thực hiện các loại thuế... ra sao khi chưa có Nghị định (NĐ) hướng dẫn của Chính phủ?Dưới đây là ghi nhận của VietNamNet tại một số quận, huyện "nóng" ở TP.HCM và Hà Nội.

Việc tiếp nhận, giải quyết hồ sơ nhà, đất vẫn tiến hành

"Trước 1/7, lượng hồ sơ nhà, đất nộp tăng cao, nhất là diện đền bù. Nhiều người nộp hồ sơ hẹn giải quyết sau 1/7 đã yêu cầu được giải quyết trước ngày này. Nguyên nhân là do tâm lý người dân lo sau 1/7, giá trị đền bù sẽ thấp hơn trước, trong khi thuế mua bán, sang nhượng, sử dụng đất... sẽ cao hơn. Biết là có luật mới, nhưng cụ thể mới như thế nào thì nhiều người dân không rõ". Ông Nguyễn Tấn Trung, Phó Phòng Quản lý Đô thị (QLĐT) quận 2, TP.HCM cho hay.

Hồ sơ nhà, đất chờ giải quyết tại bàn làm việc ông Trung. Ảnh: HN
Tại bàn làm việc của ông Trung, chúng tôi nhận thấy còn tồn khá nhiều hồ sơ. Ông giải thích: "Đây là loại hồ sơ hợp thức hóa nhà ở. Do phải mất thời gian xác minh, thẩm định nên tồn thế này. Còn dạng hồ sơ mua bán, chúng tôi giải quyết nhanh ngay".

Theo ông Trung, dù Luật Đất đai có hiệu lực từ 1/7, nhưng chưa có NĐ hướng dẫn việc tổ chức các công đoạn triển khai, quy trình thủ tục thực hiện. "Nhiều người đâu hiểu là chúng tôi phải chờ có NĐ hướng dẫn mới thực thi. Thế nên phải giải thích để họ hiểu", ông Trung nói. 

Hiện việc giải quyết các thủ tục giao đất, cho thuê, chuyển mục đích sử dụng đất, Phòng vẫn thực hiện theo quyết định 138/QĐ-UB ngày 18/5/2004 của UBND TP.HCM và NĐ hướng dẫn của Luật Đất đai cũ.

Tương tự Phòng QLĐT quận 2, các Phòng QLĐT trên địa bàn TP.HCM cũng đang chủ động giải quyết công việc dựa trên cơ sở những quy định cũ chưa thay đổi, đồng thời tập hợp những vướng mắc để kiến nghị.

Phó Phòng QLĐT quận 9 - ông Phạm Quang Bửu, cho hay, “qua một tuần thực hiện Luật Đất đai mới theo NĐ, hướng dẫn... cũ, chúng tôi vẫn chưa thấy có vướng mắc gì. Nhưng tôi nghĩ, chắc chắn sẽ có. Khi đó chúng tôi sẽ có kiến nghị". Ông Bửu nói.

Còn ông Nguyễn Ngọc Thành, Trưởng Phòng QLĐT quận 7, nêu quan điểm: "Theo tôi, Luật Đất đai năm 2003 đã có những quy định rất cụ thể mà không phải chờ hướng dẫn của Chính phủ, nhưng khi chưa có NĐ hướng dẫn thì ai dám làm?".

Tương tự, tại Hà Nội, ông Trần Văn Chung - Trưởng Phòng Địa chính Nhà đất và Đô thị huyện Thanh Trì Hà Nội cho biết, việc làm thủ tục cấp mới, cũng như chuyển nhượng, sang tên quyền sử dụng nhà, đất đối với cá nhân, vẫn được thực hiện theo các quy định cũ.Tức là các thủ tục vẫn bắt đầu từ khi có đơn của người xin cấp mới, chuyển nhượng đưa lên xã , phường. UBND xã phường tiến hành lập hồ sơ theo quy định rồi chuyển lên Phòng địa chính nhà đất quận, huyện để thụ lý theo trình tự rồi chuyển sang công chứng và thuế...

Nhưng vướng nhất là ở khâu thuế

Theo ghi nhận của VietNamNet, thắc mắc của người dân hiện tập trung vào một số vấn đề liên quan đến cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thủ tục nộp tiền, giao đất và cho thuê đất..., đặc biệt là những vấn đề liên quan đến các loại thuế.

 

 

Đã gần 12 giờ trưa, vẫn còn khá nhiều người dân kiên nhẫn chờ giải quyết hồ sơ nhà đất tại Phòng Thuế Q.7. Ảnh: HN

 

Tìm hiểu tại các phòng Thuế quận, huyện ở TP.HCM cho thấy, vướng mắc chính khi thực hiện theo Luật Đất đai mới là xác định về thu tiền sử dụng đất. Theo quy định tại NĐ 38 ngày 23/8/2000 của Chính phủ về thu tiền sử dụng đất, người sử dụng đất trước ngày 15/10/1993 mà không có giấy tờ hợp lệ về quyền sử dụng đất nhưng phù hợp qui hoạch, không tranh chấp, khi được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất phải nộp 20% tiền sử dụng đất mà khung giá quy định. Cũng như vậy, nhưng nếu thời điểm từ 1993 đến trước Luật Đất đai mới thì mức thuế này lên tới 40% theo khung giá mà Chính phủ đưa ra.

Nay theo Luật Đất đai mới, có nguồn tin cho rằng, người sử dụng đất ổn định trước ngày 15/10/1993 đã có giấy tờ hợp lệ hay chưa đều không phải nộp tiền sử dụng đất. Còn lại các trường hợp sử dụng đất sau ngày 15/10/1993 đều phải nộp tiền sử dụng đất theo mức thu 100% mà khung giá đất quy định. 

 

Theo ông Lâm Thái Bình, Trưởng phòng Thuế quận 7, địa phương đang bị khúc mắc ở khâu xác định mức thuế như thế nào cho loại đất có nguồn gốc hồ sơ từ tháng 10/1993 cho đến 1/7/2004. Ông cho rằng, theo quy định cũ, nếu đất có nguồn gốc như tự khai phá, cha mẹ cho... khi làm thủ tục hợp thức hóa thì phải đóng 100% theo khung giá, còn chuyển quyền sử dụng đất (tức đất được mua bán bằng giấy tay) thì phải đóng 40%. Tuy nhiên, theo Luật mới ban hành thì những trường hợp này đều phải đóng thuế 100%, nhưng vì chưa có NĐ hướng dẫn cụ thể nên địa phương vẫn còn... chờ. Tại phòng thuế, đã gần 12 giờ trưa, chúng tôi nhận thấy vẫn còn rất nhiều người kiên nhẫn ngồi chờ giải quyết, dù không biết đến khi nào mới được giải quyết và giải quyết ra sao (?!)

 

Đây cũng là nỗi bức xúc tại các phòng Thuế khác. Một cán bộ ở Phòng Thuế quận 2, bày tỏ: "Theo quy định, sau 1/7, tất cả các loại thuế, phí... liên quan đến đất đều phải căn cứ vào khung giá mới. Nhưng do chưa có NĐ hướng dẫn và khung giá mới, nên trước mắt, việc thu các loại thuế vẫn áp dụng theo quyết định 05 của UBND TP ban hành ngày 4/1/1995. Làm vậy, nhưng chúng tôi e ngại khi có NĐ và khung giá mới, sẽ có ý kiến đối nhau giữa những đối tượng nộp thuế sau 1/7 theo mức cũ và sau 1/7 theo mức mới, bởi thực tế có sự chênh lệch không nhỏ. Còn không làm thì sẽ tồn đọng hồ sơ, trong khi theo quy định, trong vòng 25 ngày phải giải quyết xong hồ sơ".

 

Từ đầu tháng 7.2004 đến nay, Phòng Địa chính Nhà đất và Đô thị huyện Thanh Trì, Hà Nội ngày nào cũng tiếp nhận và làm thủ tục về nhà, đất theo quy định rồi chuyển sang khâu công chứng và nộp thuế. Nhưng hiện chưa có khung giá đất mới, nên Phòng  Thuế đã tạm ngừng thu thuế để chờ đợi và ắch tắc thủ tục nhà đất chính là tại khâu này.
 
Thời gian làm thủ tục nhà đất ở Phòng Địa chính Nhà đất và Đô thị huyện Thanh Trì thường chỉ mất từ 3-5 ngày, sau đó chuyển sang công chứng và thuế. Khi nhận lại hồ sơ từ Phòng Thuế, các thủ tục còn lại Phòng cũng chỉ giải quyết từ 3-5 ngày nữa là xong. Những hồ sơ nhà đất Phòng làm từ đầu tháng 7.2004 giờ đã chuyển sang công chứng và thuế, chỉ còn đợi trả lại, nhưng do ắch tắc nêu trên, nên cũng chỉ biết chờ đợi.

Nóng lòng chờ NĐ hướng dẫn thi hành

Dù Bộ TN&MT đã ban hành văn bản hướng dẫn sử dụng mẫu giấy quyền sử dụng đất hơn 1 tuần, nhưng có nơi vẫn chưa nhận được.  Ảnh: HN

Theo Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Hùng Võ trước mắt, Chính phủ chưa thể ban hành các NĐ hướng dẫn thi hành Luật Đất đai mớicòn một số nội dung của các NĐ cần được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tế. Chính vì vậy, ngày 2/7, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành văn bản hướng dẫn thi hành Luật Đất đai mới trong thời gian chờ ban hành các NĐ.
Trước tình hình trên, một số địa phương đã gặp không ít lúng túng khi thực thi Luật Đất đai mới. Riêng TP.HCM, ngày 29/6, Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố đã tổ chức buổi triển khai thực hiện Luật Đất đai mới cho toàn thành phố với thành phần tham dự gồm các Phòng QLĐT và tất cả các phường, xã của 22 quận, huyện. Thế nhưng, theo đánh giá của một số người thì “việc triển khai cũng chỉ dừng ở mức độ cung cấp nội dung của bộ Luật là chính, chứ chưa có những nội dung hướng dẫn chi tiết việc tổ chức thực hiện Luật”. 

Một cán bộ Phòng QLĐT Q.6 cho rằng, điều các cơ quan quản lý, cán bộ địa chính cần nhất là được hướng dẫn cụ thể, chi tiết các thủ tục, quy trình, phương pháp tổ chức thực hiện bộ Luật. Luật có nhiều nội dung, nhưng các cơ quan QLĐT, cơ quan địa chính ở địa phương hàng ngày tiếp xúc và giải quyết, xử lý nhiều nhất là các thủ tục về đất đai cho người dân. "Nếu sớm có NĐ hướng dẫn thì cán bộ chúng tôi có cơ sở giải quyết nhanh, đúng. Như vậy thì người dân cũng được nhờ", vị cán bộ này bộc bạch.

  • Nhị Long
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,