221
442
Kinh tế - Thị trường
kinhte
/kinhte/
460882
''Phân quota cho DN dệt may lớn là thuốc đắng nhưng bổ''
1
Article
null
''Phân quota cho DN dệt may lớn là thuốc đắng nhưng bổ''
,

(VietNamNet) - Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển hôm nay vừa tiếp tục gửi đến Hiệp hội và DN Dệt may Việt Nam bức thư thứ 3 yêu cầu cân nhắc lại phương án 2 phân bổ quota dệt may. Luận điểm của Bộ trưởng Trương Đình Tuyển là phương án phân bổ quota dệt may cho DN lớn tuy là liều thuốc đắng nhưng bổ cho DN và cả ngành dệt may.

DN nhỏ sẽ cạnh tranh ra sao?

Nguyên phụ liệu - yếu điểm của dệt may Việt Nam.

Bộ trưởng Trương Đình Tuyển cho biết: ''Qua báo chí, tôi đã theo dõi sát ý kiến của DN. Tôi không ngạc nhiên và cũng không có phản ứng tiêu cực với các ý kiến này. Trước khi gửi thư cho các DN, tôi hiểu rằng phương án 2 mà tôi nêu ra là một liều thuốc bổ nhưng đồng thời cũng là liều thuốc đắng. Cũng vì lẽ đó, tôi dùng hình thức gửi thư đề nghị các DN thảo luận kỹ và kêu gọi sự ủng hộ của DN cho ý tưởng nêu trong phương án 2''.

Phân tích cho luận điểm ''phương án 2 là liều thuốc bổ'', ông Tuyển lý giải: ''Khi bỏ chế độ quota, bản đồ xuất khẩu dệt may sẽ thay đổi, dòng thương mại dệt may sẽ chuyển sang các thị trường có sức cạnh tranh cao hơn, đến với các DN có khả năng đáp ứng tốt hơn về số lượng, chất lượng, giá bán, thời gian giao hàng; chi phí giao dịch khi nhập khẩu thấp hơn... Trong điều kiện này, các DN nhỏ sẽ khó khăn hơn''. Ông cho biết, khái niệm "nhỏ" hay "lớn" cũng còn mang tính ước lệ và còn phải thảo luận nhiều về khái niệm này. Vì vậy, các DN nhỏ cần phải tìm cách liên kết với các DN lớn, các DN lớn phải hỗ trợ các DN nhỏ nhằm phát huy cao nhất năng lực của toàn ngành. ''Việc phân quota theo chuỗi các liên kết được tính từ các DN trong liên kết dựa trên thành tích của họ không thể tạo ra độc quyền như một số người đã phát biểu''. Phương thức này sẽ cho phép giảm chi phí giao dịch của cả DN nhập khẩu và DN xuất khẩu, tận dụng được khả năng hợp tác giữa các DN trong liên kết. Điều này không chỉ cần cho năm 2005 mà cả những năm sau.

Ông Tuyển cũng đặt ra câu hỏi: ''Thử hỏi, vào năm 2006, các DN nhỏ sẽ cạnh tranh thế nào với các DN lớn, với các nhà sản xuất dệt may nước ngoài đầu tư vào Việt Nam để xuất khẩu. Không hình thành các chuỗi liên kết từ bây giờ, các DN nhỏ sẽ phải tự mình "chiến đấu" không chỉ với các DN nước ngoài trên thị trường xuất khẩu mà ngay cả với các DN lớn trong nước''.

Lý giải cho luận điểm ''thang thuốc đắng và thuốc đắng rất khó uống'' của phương án 2, Bộ trưởng Trương Đình Tuyển nói: ''Ở đây, việc tạo ra chuỗi liên kết đòi hỏi xây dựng cơ chế tỉ mỉ, trên tinh thần chia sẻ lợi ích hợp lý, với thái độ cộng đồng trách nhiệm vì lợi ích của chuỗi cũng như lợi ích của từng thành viên. Làm không tốt việc này sẽ giống như sắc thuốc không đúng quy trình. Chất bổ giảm đi và vị đắng tăng thêm. Nói thật lòng, các DN Việt nam còn rất yếu về khả năng hợp tác, chừng nào chưa thấy nguy cơ bị dồn đến chân tường. Phải khắc phục yếu điểm này. Và, tôi nghĩ có thể làm được''. Và ''chỉ những người thấy được lợi ích lâu dài (không chỉ của chính mình mà của cả ngành dệt may Việt Nam) và có quyết tâm cao mới có thể vượt qua cái đắng đó ban đầu''.

DN chưa nhìn thấu bối cảnh dệt may thế giới 2005!

''Có thể nói rằng ngay cả khi Việt Nam đã là thành viên của WTO, ngành dệt may Việt Nam , cũng như nhiều nước khác, vẫn chịu sức ép rất lớn trước sức cạnh tranh của hàng dệt may Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan... Trong khi đó, dù đang đàm phán khẩn trương, chúng ta vẫn chưa thể khẳng định Việt Nam có thể gia nhập WTO vào năm 2005. Vì vậy, rất cần tính đến khả năng Việt Nam vẫn phải chịu áp đặt quota dệt may trong năm 2005. 

Có dự báo nói rằng sau khi bỏ quota, giá bán các sản phẩm dệt may sẽ giảm khoảng 20% (chính xác đến đâu thì còn phải theo dõi, nhưng xu hướng giảm giá là điều chắc chắn. Một ví dụ cụ thể: Khi Hoa Kỳ bỏ quota cho Trung Quốc 25 cat thì giá trung bình của các cat này giảm 48%, còn thị phần của Trung Quốc ở những cat đó tăng từ 9% năm 2001 lên 61% năm 2004). Đây là sức ép rất  lớn đối với các nhà sản xuất dệt may''.
(Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển) 

Theo Bộ trưởng Trương Đình Tuyển: ''Trước khi lựa chọn  phương án, cần phải thảo luận và trả lời câu hỏi: Liệu năm 2005, khi Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan và nói chung 147 nước thành viên WTO được xuất khẩu không cần quota, cạnh tranh để xuất khẩu sẽ gay gắt hơn, giá xuất khẩu sẽ giảm, các DN nhỏ có khả năng giữ được thị trường và khách hàng Hoa Kỳ không? Một số ít DN nói rằng được! Nếu đúng như vậy, thì đây là điều đáng mừng của tất cả chúng ta. Nhưng tôi e rằng, các DN này chỉ dựa vào thực tế xuất khẩu từ năm 2004 trở về trước mà chưa tính đến bối cảnh của năm 2005, khi mà bản đồ và dòng thương mại dệt may sẽ thay đổi, giá xuất khẩu  giảm, trong khi sức ép về giá nhân công sẽ cao lên''. Khi ấy, các bạn hàng truyền thống của DN Việt Nam nếu thấy bạn hàng mới có thể mang đến lợi nhuận lâu dài, cao hơn Việt Nam, họ sẽ tìm đến bạn mới.

Bộ trưởng Trương Đình Tuyển cũng khẳng định:''Việc lựa chọn phương án nào phải xuất phát từ lợi ích của các DN và của toàn ngành dệt may Việt Nam, không ai có thể áp đặt một cách tuỳ tiện, duy ý chí''.

Ông cũng đề nghị DN tiếp tục thảo luận xem liệu các DN nhỏ có khả năng xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ từ năm 2005 trở đi hay không? Nếu có, có bao nhiêu % DN làm được điều đó. Việc chọn phương án nào sẽ tùy thuộc vào câu trả lời này. Trường hợp chọn phương án 2 thì đương nhiên không chỉ dừng lại ở ý tưởng được mà phải làm rõ cơ chế thực thi. Còn nếu chọn phương án 1 cũng phải xử lý những bất cập hiện có, phải tính đến nhu cầu đầu tư và sự phát triển lâu dài của ngành dệt may Việt Nam, và đặc biệt phải ngăn chặn tình trạng buôn bán quota. Bộ Thương mại cùng với Bộ Công nghiệp, Hiệp hội dệt may sẽ hết sức cầu thị khi lựa chọn và quyết định''.

  • Phương Thanh
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,