(VietNamNet) - Một nhà máy sản xuất ôtô hiện đại và bài bản nhất của Việt Nam đã được xây dựng. Sau 18 tháng nữa, những chiếc xe đầu tiên sẽ ra đời.
Sáng 18/7/2004, Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM) đã chính thức làm lễ khởi công xây dựng nhà máy sản xuất ôtô tại thị xã Bỉm Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Đây được coi là nhà máy sản xuất ôtô hiện đại nhất Việt Nam và có tầm cỡ khu vực, với số vốn đầu tư lên đến trên 30 triệu USD. Toàn bộ nhà máy này được mua lại của hãng Samsung (Hàn Quốc).
Công ty ôtô Samsung có 2 nhà máy sản xuất ôtô con và ôtô tải, được thiết kế theo mô hình hiện đại, hoạt động từ 1996 và ngừng vào tháng 10/2000 vì khủng hoảng tài chính (1997) lan rộng tại châu Á. Khi đó, Chính phủ Hàn Quốc quy hoạch lại ngành công nghiệp ôtô. Do công ty ôtô Samsung ra đời muộn nên Chính phủ Hàn Quốc đã yêu cầu ngừng đầu tư vào sản xuất ôtô, khiến tập đoàn Samsung phải bán tất cả để trả nợ. Toàn bộ nhà máy sản xuất ôtô con đã được bán cho cho hãng Reunault (Pháp), còn nhà máy sản xuất ôtô tải cũng bán nốt vào đầu năm 2004 này.
Nhà máy sản xuất ôtô tải Samsung được đầu tư có bài bản với sự chuyển giao công nghệ của công ty Diesel Nissan Motor Nhật Bản, có vốn đầu tư ban đầu khoảng 100 triệu USD, đã từng sản xuất xe tải nhẹ và xe tải nặng xuất khẩu.
Các dây chuyền sản xuất chính của nhà máy ôtô Samsung gồm: Trung tâm nghiên cứu phát triển với các phòng thí nghiệm ôtô, động cơ ôtô, sức bền vật liệu, các thiết bị đo không gian 3 chiều, máy kiểm tra độ bền phá hủy xe... còn rất mới do ít sử dụng, có thể cho phép thiết kế và chế thử nhiều modern xe mới; Dây chuyền sơn tĩnh điện, sơn phủ; Dây chuyền hàn ca bin; Dây chuyên lắp ráp động cơ xe tải nhẹ và xe tải nặng; Dây chuyền lắp ráp hộp số; Dây chuyền lắp ráp cụm động cơ và hộp số; Dây chuyền lắp nội thất xe; Dây chuyền lắp ráp sát xi ; Dây chuyền rập chi tiết thân xe gồm 1 máy rập thủy lực 1.300 tấn, 800 tấn, và 2 máy rập 500 tấn. (Dây chuyền rập hiện đại nhất Việt Nam hiện nay do Toyota đầu tư 7 triệu USD mới chỉ có 1 máy rập 1.200 tấn); Dây chuyền lắp cụm cầu trước, sau; Dây chuyền sửa khuôn dập và chế tạo khuôn... Tất cả thiết bị của nhà máy được chế tạo vào những năm 1995,1996,1998... tại Nhật, các nước G7 và Hàn Quốc.
Đánh giá chung của các nhà chuyên môn, nhà máy sản xuất ôtô tải Samsung được đầu tư đồng bộ và rất hiện đại, đảm bảo sản xuất được các xe tải nhẹ và nặng đạt tiêu chuẩn quốc tế, không chỉ đáp ứng được nhu cầu trong nước mà còn xuất khẩu.
Qua các thông tin có được, từ cuối năm 2002, VEAM đã bắt đầu nghiên cứu việc mua lại nhà máy này, đến 1/3/2004 đã nộp hồ sơ dự thầu và được xếp thứ nhất ưu tiên trong số 4 công ty để đàm phán hợp đồng mua nhà máy.
Các sản phẩm của nhà máy ôtô Thanh Hóa sẽ gồm xe tải nhẹ (dưới 1 tấn) công suất 25.000 xe/năm, dựa trên công nghệ gốc của Samsung; xe tải trung và nặng (dưới 10 tấn) 5.000xe/năm, dựa trên chuyển giao công nghệ của Daewoo và Nga; xe khách 3.000 xe/năm, dựa trên chuyển giao công nghệ của Yutong (Trung Quốc).
Trong tương lai, nhà máy sẽ nhận các động cơ, hộp số và các chi tiết của hệ thống truyền lực được sản xuất với công nghệ của MWM (CHLBĐức), Daewoo (Hàn Quốc), NMZ (Belasrus)... và các nhà cung cấp phụ tùng Hàn Quốc (do VEAM kêu gọi đầu tư vào Việt Nam) để sản xuất xe có tỷ lệ nội địa hoá đạt tới 70%.
Nhận xét về dự án này, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cho biết: "Đây là nhà máy sản xuất ôtô bài bản nhất, hiện đại nhất từ trước đến nay do DN trong nước tự đầu tư, một dự án điểm nằm trong chiến lược phát triển ngành công nghiệp ôtô Việt Nam từ nay đến 2010, tầm nhìn đến 2020. Việc thắng thầu Quốc tế nhà máy ôtô này là thành công lớn của VEAM, là cơ hội để chúng ta có được nhà máy sản xuất ôtô với giá thấp, nhưng hiệu quả cao".
Theo dự kiến, giá bán xe sẽ thấp hơn xe nhập khẩu và một số loại xe lắp ráp trong nước, chẳng hạn như giá xe tải nhẹ vào khoảng 177 triệu đồng/chiếc. Khi tỷ lệ nội địa hóa càng cao thì giá xe sẽ giảm xuống. Sau 7 năm sản xuất, tỷ lệ nội địa hóa lên được 70% sẽ có 3 lần giảm giá xe.
Hiện nay các dây chuyền thiết bị đang được tháo dỡ tại Hàn quốc để chuyển về Việt Nam lắp ráp. Sau 18 tháng nữa sẽ hoàn tất và đi vào sản xuất. Ban đầu, ôtô ra lò sẽ có tỷ lệ nội địa hóa đạt 30%.
-
Trần Thủy