221
442
Kinh tế - Thị trường
kinhte
/kinhte/
494262
Xe đạp và nỗi lo kiện phá giá từ EU
1
Article
null
Xe đạp và nỗi lo kiện phá giá từ EU
,

(VietNamNet) - Vụ kiện tôm chưa hết nóng, việc EU tiến hành điều tra bán phá giá với xe đạp Việt Nam đang gây bất lợi cho một trong những mặt hàng có tốc độ tăng trưởng xuất khẩu cao nhất nước ta. 

Xe đạp Việt Nam rẻ hoàn toàn do lợi thế cạnh tranh của VN.

Riêng quý I vừa qua, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng xe đạp của Việt Nam đạt 43 triệu USD, có mức tăng hơn 72% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là mức tăng trưởng cao nhất về kim ngạch so với các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam trong 3 tháng đầu năm 2004. Việc Ủy ban châu Âu (EC) đang tiến hành điều tra vụ kiện xe đạp Việt Nam bán phá giá vào EU chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến doanh số xuất khẩu của mặt hàng này. Hiện nay, xe đạp Việt Nam vào EU đang chịu mức thuế 15%, nếu bị áp thuế chống bán phá giá một cách phi lý, con số này sẽ bị nâng lên rất nhiều. 

DN Việt Nam cạnh tranh hoàn toàn lành mạnh

Trao đổi với báo chí chiều 30/7, bà Đinh Thị Mỹ Loan, Cục trưởng Cục Quản lý Cạnh tranh, Bộ Thương mại khẳng định: ''Việt Nam đã phát triển nền kinh tế thị trường trong toàn bộ nền kinh tế cũng như đối với ngành công nghiệp xe đạp nói riêng. Các DN được quyết định về chi phí sản xuất và giá bán theo các quy luật của thị trường. Nhà nước Việt Nam không có bất cứ sự hỗ trợ hay trợ giúp nào đối với việc sản xuất cũng như xuất khẩu xe đạp. Các DN Việt Nam có thể bán với giá rẻ là do lợi thế cạnh tranh của Việt Nam như nguồn nhân công nhiều, lương công nhân thấp, năng suất lao động cao... chứ không phải là hành vi cạnh tranh không lành mạnh''. 

Trước đó, ngày 8/7 vừa qua, Bộ Thương mại đã có Công hàm gửi Tổng vụ Thương mại - Ủy ban Châu Âu và phái đoàn EU tại Việt Nam khẳng định quan điểm trên. Bộ đang kết hợp chặt chẽ với Đại sứ quán Việt Nam và Thương vụ Việt Nam tại EU và Bỉ theo dõi diễn biến của vụ việc này, nhằm hỗ trợ cho các DN trong việc giải trình với EU về các vấn đề liên quan đến kinh tế thị trường. 

6 công ty FDI trong danh sách kiện chống bán phá giá của EU gồm: A&J High Ride Bicycle (Bình Dương), Vietnam Sheng-Fa International (TP.HCM), Asama Yuh Jiun (Bình Dương), Dragon Bicycle Vietnam (Đồng Nai), Liyang Industrial (Đồng Nai) và Strongman (Đồng Nai). 

Đối với 3 công ty Việt Nam nằm trong danh sách bị đơn gồm: Xuân Hoà, Thống Nhất và Lê Ngọc Hân, bà Loan cho biết: ''Bộ Thương mại đã tiến hành xem xét số liệu tại phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (cơ quan cấp C/O) và hải quan. Bộ khẳng định, 3 công ty này không hề xuất hàng sang EU''. 

Với 6 công ty FDI còn lại bị EU đưa vào danh sách kiện chống phá giá, Bộ kêu gọi sớm gia nhập Hiệp hội Xe đạp, xe máy Việt Nam để sớm có tiếng nói thống nhất, sức mạnh thống nhất đối phó với vụ kiện.

Sự ủng hộ mới từ Hiệp hội các nhà bán lẻ xe 2 bánh EU  

Một tín hiệu thuận lợi cho phía Việt Nam trong vụ kiện là Hiệp hội các nhà bán lẻ xe hai bánh của châu Âu (ETRA) đã phản đối việc tiến hành vụ kiện chống bán phá giá, và yêu cầu Ủy ban huỷ bỏ đơn kiện của Hiệp hội các nhà sản xuất xe đạp châu Âu (EBMA). Hiệp hội này cho rằng, nếu như EU đưa ra biện pháp chống bán phá giá, điều này có thể dẫn tới mức suy giảm đột ngột xe đạp của Việt Nam vào thị trường EU cũng như hạn chế cạnh tranh. Các nhà nhập khẩu không thể chuyển từ một nhà cung cấp này sang nhà cung cấp khác, các nhà bán lẻ cũng không thể chuyển từ một nhãn hiệu này sang nhãn hiệu khác một cách dễ dàng. ETRA hiện đang đại diện cho khoảng 6.000 nhà bán lẻ xe hai bánh tại 9 nước EU là: Bỉ, Đan Mạch, Pháp, Đức, Anh, Hà Lan, Luxembourg, Thụy Điển và Thụy Sĩ. 

Hiện, do EU cho Việt Nam chưa phải là nước có nền kinh tế thị trường, nên đề xuất so sánh giá xuất khẩu với giá nội địa của sản phẩm tương tự ở Mexico. Tuy nhiên, Công ty Luật đại diện cho các nhà xuất khẩu của Việt Nam đang đề nghị EC lựa chọn Đài Loan làm nước thay thế trong vụ kiện này. 

Ngày 24/5 vừa qua, các nhà xuất khẩu Việt Nam đã đệ trình lên EC bản kê khai xin hưởng quy chế kinh tế thị trường. Căn cứ trên tài liệu của các bị đơn, EC sẽ quyết định có tiến hành điều tra tại chỗ hay không. EU vẫn chưa có quyết định chính thức về quy chế kinh tế thị trường của các công ty này. Bà Loan cảnh báo, ''trong tương lai, Việt Nam còn phải đối mặt với nhiều vụ kiện khác nữa, do đó, chúng tôi cần lưu ý các DN xuất khẩu của VN cần thận trọng hơn trong khi xuất khẩu mặt hàng này vào các thị trường khác''. 

  • Phương Thanh
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,