221
442
Kinh tế - Thị trường
kinhte
/kinhte/
499446
Lạm phát sẽ dần yếu đi
1
Article
null
Lạm phát sẽ dần yếu đi
,

(VietNamNet) - Đó là ý kiến của các chuyên gia tài chính tiền tệ tại buổi hội thảo bàn về tỷ giá hối đoái với lạm phát những tháng cuối năm 2004, diễn ra sáng 13/8, tại Hà Nội.

Giá cả vẫn ở mức cao trong một thời gian dài.

Khi nhận định lạm phát sẽ yếu dần, các chuyên gia cho rằng, từ nay tới hết năm 2004 sẽ không có nhiều các cú sốc về giá cả, hoặc nếu có thì thị trường Việt Nam cũng đã phần nào quen với những biến động này.

Dùng tỷ giá để bình ổn giá

PGS-TS. Nguyễn Thị Mùi - Học viện Tài chính nêu ý kiến, để bình ổn giá, một trong những biện pháp là xử lý tỷ giá hối đoái.

Theo bà Mùi, mối quan hệ giữa sức mua đối nội và sức mua đối ngoại của đồng tiền luôn chịu tác động bởi chỉ số giá tiêu dùng (CPI). Mặc dù gần đây có một số công trình nghiên cứu cho rằng, sức mua đối ngoại của VND có độ co dãn yếu với CPI. Bình quân 1% tăng lên trong CPI chỉ làm sức mua đối ngoại của VND giảm khoảng 0,2%. Nhưng diễn biến giá cả trong nước và quốc tế 5 tháng còn lại của năm 2004 cũng như năm 2005 có thể tạo ra những bất lợi trong tương quan giữa sức mua đối nội và sức mua đối ngoại của VND, bởi áp lực tăng CPI vẫn là lớn, do những nguyên nhân đã phân tích trên cộng với việc tăng lương cho cán bộ công chức vào tháng 10 tới. Giá vàng quốc tế cũng như trong nước đang có xu hướng giảm, rất có thể sẽ là bước bứt phá của tỷ giá ngoại tệ tăng lên. Do đó, một chính sách tỷ giá hối đoái linh hoạt và thận trọng cần phải được duy trì để trong mọi trường hợp, tỷ giá vẫn phản ánh được cung cầu ngoại tệ trên nền tảng một ngang giá tiền tệ, nhằm tạo điều kiện cho hoạt động xuất khẩu, đầu tư thực sự có hiệu quả.

Để ổn định tỷ giá hối đoái, kiềm chế sự gia tăng của chỉ số giá tiêu dùng phải chú ý đến sự gia tăng tích lũy ngoại tệ. Cần tập trung quản lý ngoại tệ vào một đầu mối duy nhất là Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Khi dự trữ ngoại tệ chưa đủ mạnh, thì chỉ nên can thiệp trong trường hợp thị trường có nhiều biến động tiêu cực do những hành vi đầu cơ tạo ra, lượng ngoại tệ tung thêm vào thị trường phải được sử dụng một cách có hiệu quả.

Cũng theo bà Mùi, mặc dù các nhà quản lý tiền tệ Việt Nam đều cho rằng, chế độ tỷ giá hối đoái hiện nay là chế độ không ''neo'' vào bất kì đồng ngoại tệ nào mà dựa vào rổ tiền tệ, nhưng thực tế 80% đến 90% trong cán cân thanh toán của Việt Nam bằng USD. Dự trữ ngoại tệ của NHNN, thanh toán thương mại quốc tế và vấn đề quản lý nợ nước ngoài, cũng như huy động đầu tư nước ngoài trực tiếp vào Việt Nam đều được xác định trên cơ sở USD. Điều đó khó có thể giảm thiểu mức độ ảnh hưởng của đồng USD, khi nước này thay đổi chính sách vĩ mô. Vì vậy, để ổn định tỷ giá, một mặt từng bước thực hiện tự do hóa các giao dịch ngoại hối, mặt khác điều hành tỷ giá hối đoái linh hoạt dựa vào rổ tiền tệ có tính đến quan hệ thanh toán quốc tế, đầu tư trực tiếp, vay nợ nước ngoài... là biện pháp quan trọng.

''Thời gian vừa qua, để ổn định tỷ giá, ổn định sức mua của đồng tiền, chúng ta đã sử dụng một số biện pháp hành chính và mang lại kết quả nhất định. Tuy nhiên, biện pháp hành chính không bao giờ giải quyết được tận gốc vấn đề. Duy trì tỷ giá đạt tới mức cân bằng của thị trường, từng bước tiến tới một VND tự do chuyển đổi, song song với dỡ bỏ dần các biện pháp hành chính, sử dụng đồng bộ các công cụ gián tiếp như lãi suất tái chiết khấu, dự trữ bắt buộc, nghiệp vụ thị trường mở..., là việc làm thiết thực hiện nay ", bà Mùi nói.


''Dự báo mức lạm phát theo CPI của Việt Nam năm nay có thể lên tới 9,1%, cao hơn rất nhiều so với 3% năm 2003 và 4% năm 2002.

Mức độ phá giá VNĐ là 3% so với 2,2% 2003 và 2,11% 2002''.

(Ông Võ Chí Thành - Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương). 

Ông Nguyễn Văn Bảng - Cục Quản lý giá - Bộ Tài chính cũng đồng tình với bà Mùi, ông Bảng cho rằng, điều hành tỷ giá là biện pháp thiết thực nhất Ngân hàng Nhà nước nên làm, bởi CPI  là một trong những chỉ tiêu lâu nay được sử dụng trong phân chia lạm phát ở nước ta, diễn biến của nó trong 7 tháng qua đã thể hiện dấu hiệu lạm phát của nền kinh tế. Tuy nhiên, việc phân tích lạm phát cần quan tâm cả khía cạnh tác động do thiên tai, dịch bệnh gia cầm, sự gia tăng của giá thế giới, cũng như tăng trưởng nhanh trong hoạt động xuất nhập khẩu. 

Bên cạnh đó, việc hội nhập với kinh tế thế giới đã đưa hoạt động xuất nhập khẩu tăng nhanh, nhưng tiềm ẩn tăng nhanh nhập siêu. Số DN có vốn đầu tư nước ngoài lại đang chiếm tỷ trọng ngày càng lớn trong hoạt động xuất nhập khẩu, làm tăng nhu cầu ngoại tệ trong thanh toán thương mại và trong việc chuyển thu nhập về nước của chủ đầu tư. Vì những lý do đó, đòi hỏi chúng ta phải có lượng ngoại tệ cung ứng ngoài lượng ngoại tệ thu về qua xuất khẩu.

Sự gia tăng của nhu cầu ngoại tệ trong hoạt động xuất nhập khẩu cũng như của kiều hối đưa vào trong nước còn đòi hỏi phải có lượng nội tệ nhất định trong trao đổi trên thị trường, vì vậy đã tạo áp lực lớn tới việc cung ứng nội tệ, đồng thời yêu cầu hoạt động của hệ thống ngân hàng phải có hiệu quả cao. Việc áp dụng chính sách tỷ giá linh hoạt, thận trọng trong thời gian qua đã góp phần giảm khó khăn cho sản xuất, giữ ổn định kinh tế.

Có thể nâng dần từng bước lãi suất tiền gửi

Theo kết luận của các chuyên gia, những giải pháp tiền tệ cần quan tâm trong thời gian tới vẫn xoay quanh tỷ giá. Nhưng một việc có thể làm nữa, theo ông Nguyễn Văn Bảng, là: ''Trong điều kiện đang có nhiều áp lực tăng giá hàng hóa, dịch vụ ở thị trường trứng nước, thì có thể nâng dần từng bước lãi suất tiền gửi, đồng thời triệt để tiết kiệm chi phí hoạt động kinh doanh của ngân hàng để trong chừng mực nhất định, góp phần giảm bớt việc đưa lực lượng ngoại tệ dự trữ vào lưu thông. Tuy nhiên, phải xử lý linh hoạt trong chính sách lãi suất giữa tiền nội tệ và ngoại tệ''.

Việc đáp ứng nhu cầu ngoại tệ cần tăng cường thông qua mua - bán bằng ngoại tệ của ngân hàng; xem xét thận trọng khi cung ứng nội tệ để mua ngoại tệ cho tăng dự trữ ngoại tệ, vì cung ứng tiền mua ngoại tệ sẽ đẩy cầu về ngoại tệ tăng, gây sức ép tăng tỷ giá, hơn nữa làm tăng lượng tiền nội tệ trong lưu thông, gây sức ép tăng giá hàng hóa, dịch vụ.

Tiếp tục áp dụng chính sách tỷ giá linh hoạt, thận trọng, có thể từng bước nới rộng biên độ dao động, nhằm tạo điều kiện để các ngân hàng thương mại niêm yết tỷ giá cạnh tranh hơn và bảo đảm mức độ khách quan của tỷ giá; đồng thời thực hiện giám sát và theo dõi chặt chẽ để có sự điều chỉnh tỷ giá giao dịch một cách hợp lý. Cũng cần nghiên cứu tính toán, xác định tỷ giá theo rổ ngoại tệ nhằm đưa ra được một tỷ giá phản ánh tương đối chính xác giá trị đồng Việt Nam trong mối quan hệ cung cầu ngoại tệ trên thị trường.

  • Hồng Phúc

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,