(VietNamNet) - Metro, Bourbon và sắp tới là Parkson, Dairy Farm - một loạt nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực kinh doanh siêu thị đang đặt DN trong nước trước sức nóng của cuộc cạnh tranh giành kênh phân phối hàng hóa hiện đại tại Việt Nam.
Thị trường mở
Tại Việt Nam, đặc biệt là TP.HCM, bán lẻ hiện đại dưới hình thức siêu thị tự chọn, các cửa hàng, trung tâm thương mại xuất hiện từ những năm 1994 và phát triển mạnh trong những năm gần đây.
Tốc độ tăng trưởng hàng năm của kênh phân phối hiện đại này khoảng 15%-20%, cao hơn tốc độ tăng trưởng của ngành bán lẻ khác 10% và của nền kinh tế 7%-8%. Từ chỗ chỉ chiếm dưới 3% thị phần bán lẻ, đã tăng lên khoảng trên 10%-25% và tốc độ này đang ngày càng tăng cao, đến 30%-40%. Người tiêu dùng đang ngày càng có xu hướng chuyển từ mua sắm tại chợ truyền thống sang mua sắm tại siêu thị.
Tại cuộc hội thảo về "Chính sách phát triển mô hình phân phối hàng hóa hiện đại", tổ chức tại Hà Nội hôm 24/5 vừa qua, ông Ken Arakawa, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Hà Nội - Seiyu nhận định: ''Tại các thành phố, khu đô thị và khu công nghiệp, sức tiêu dùng cá nhân đã tăng lên nhanh chóng. Số lượng người nước ngoài và Việt kiều đến Việt Nam du lịch, đầu tư làm ăn ngày càng nhiều. Việc đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của các tầng lớp khách hàng này đang trở nên cần thiết''.
Và trên thực tế, các siêu thị, trung tâm thương mại đang ngày càng trở nên quen thuộc với cả tầng lớp bình dân. Khảo sát của Co.opMart ( thuộc Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP.HCM) cho thấy trong những năm gần đây tại các thành phố Mỹ Tho, Long Xuyên, Phan Thiết..., có đến 50% những người mua sắm chính trong các hộ gia đình từng có mua hàng tại siêu thị (mặc dù các thành phố trên chưa có siêu thị) và có đến hơn 85% những người được phỏng vấn sẵn sàng đi mua sắm tại siêu thị nếu có loại hình này tại thành phố của họ. Riêng tại thị trường TP.HCM, mức gia tăng chi dùng của các hộ gia đình cho loại hình siêu thị trong giai đoạn 2001-2003 bình quân khoảng 40%/năm.
DN nước ngoài: khó cũng không bỏ
Theo đánh giá của ông Jame Scott, Tổng Giám đốc Tập đoàn Metro Cash & Carry Việt Nam, khả năng phát triển hệ thống siêu thị tại Việt Nam thấp hơn nhiều so với Thái Lan (năm 1995 chiếm 20%, năm 2005 khả năng là 60% và 2010 là 70%) trong khi những con số này của Việt Nam chỉ là 5%, 10% và 30%. Mặt khác, do tập quán tiêu dùng của người Việt Nam, việc mở rộng phân phối các mặt hàng tươi sống tương đối khó khăn. Tuy nhiên, Metro vẫn đặt nhiều hy vọng vào thị trường Việt Nam. Hai nhãn hiệu quen thuộc của tập đoàn này trên thị trường trong thời gian qua là siêu thị bán buôn Metro và siêu thị Marko. Trong chiến lược kinh doanh của mình, Metro C&C đặt mục tiêu, trong 5 năm đầu chỉ giới thiệu kênh bán sỉ, 10 năm tiếp theo sẽ phát triển kênh siêu thị và giới thiệu kênh đại siêu thị.
Hiện, tập đoàn này đã có 3 trung tâm đang hoạt động tại Việt Nam (2 ở TP.HCM, 1 ở Hà Nội) và theo kế hoạch, sẽ mở thêm 1 trung tâm TP.HCM và 1 trung tâm ở Cần Thơ vào cuối năm nay; đồng thời mở tiếp 2 trung tâm (1 ở Hà Nội và 1 ở Hải Phòng) vào năm 2005. Trung tâm thứ 8 sẽ mở tại Đà Nẵng vào năm 2006.
Còn với Bourbon, mặc dù tập đoàn này kêu ca nhiều về môi trường đầu tư ở Việt Nam, từ hàng lậu, giấy phép đầu tư tới những phân biệt trong chi phí quảng cáo... nhưng vẫn cho biết sẽ tiếp tục mở rộng thêm hệ thống siêu thị trong thời gian tới. Bourbon đã có mặt tại Việt Nam từ năm 1994 và đã đưa vào hoạt động 3 đại siêu thị. Ông Guy Lacombe, Tổng Giám đốc Công ty Espace Bourbon Đồng Nai khẳng định: ''Từ nay đến năm 2008, chúng tôi sẽ mở tiếp 7 đại siêu thị mới. Ba dự án hiện đang thực hiện và những dự án còn lại sẽ tiếp tục được thực hiện khi có điều kiện về đất đai''.
Áp lực với DN Việt Nam
Chỉ với sự xuất hiện của hai đại gia nước ngoài là Metro và Bourbon đã tạo ra một sức hút lớn đối với người tiêu dùng Việt Nam. Trước tình trạng này, Thứ trưởng Bộ Thương mại Phan Thế Ruệ đã cảnh báo: ''Các DN trong nước phải nhanh chóng xây dựng hệ thống phân phối để cạnh tranh với các tập đoàn nước ngoài. Hệ thống phân phối của Việt Nam hiện nay rất lạc hậu. Nếu cứ giữ hệ thống phân phối truyền thống tự phát này thì các DN sẽ rất khó khăn trong thời gian tới, đặc biệt sau khi Nhà nước bỏ bảo hộ''.
Ngay Co.opMart, nhà phân phối hiện đại hàng đầu trong nước, với 14 siêu thị tại TP.HCM, Cần Thơ và Quy Nhơn, cũng không khỏi lo lắng. Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Tổng Giám đốc Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP.HCM nhận định: ''Tốc độ và số lượng của các nhà đầu tư này ngày càng tăng, trong khi chúng ta chưa có những công ty phân phối quy mô lớn, có đủ sức cạnh tranh và chiếm lĩnh thị trường. Còn rất ít thời gian để các DN Việt Nam tiến hành xây dựng và tổ chức các hệ thống phân phối hiện đại. Nếu không có một chiến lược phát triển thị trường nội địa đúng đắn, nỗ lực phấn đấu hình thành những DN bán buôn, bán lẻ hiện đại, có mạng lưới rộng, phát triển nhanh, vững chắc, không ngừng củng cố, đổi mới và hoàn thiện hoạt động theo hướng hiện đại và chuyên nghiệp cao thì khó có thể cạnh tranh''.
Còn ông Nguyễn Văn Sáng, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thị trường trong nước (Bộ Thương mại) mong muốn kênh phân phối hiện đại của DN trong nướcsớm cạnh tranh được với các đại gia nước ngoài khi đặt dấu hỏi : ''Bao giờ chúng ta có những 'nhà buôn chuyên nghiệp' kiểu Metro?''.
-
Phương Thanh