221
442
Kinh tế - Thị trường
kinhte
/kinhte/
513574
DN dệt may nghi ngờ "chuyện" phân bổ quota 2005
1
Article
null
DN dệt may nghi ngờ 'chuyện' phân bổ quota 2005
,

(VietNamNet) - Cả ngành dệt may VN được 15 triệu tá trong khi có 1DN được 1,2 triệu tá. Cũng DN này xin ứng 47.000 lố cho năm 2005 thì được Bộ cho tới 120.000 lố. 

Hồi đầu tuần này, một sự kiện nghiêm trọng xảy ra trong ngành dệt may Việt Nam khi Vụ phó Vụ Xuất nhập khẩu Bô Thương mại bị bắt giam vì có dấu hiệu liên quan  đến đường dây nhận hối lộ trong phân giao hạn ngạch dệt may vào thị trường Hoa Kỳ.

Chuyện ai cũng biết nhưng không ai dám nói

Các doanh nghiệp dệt may có nhiều hy vọng mới về hạn ngạch?

Sự kiện này không chỉ được bàn tán khá nhiều mấy ngày qua trong giới DN dệt may vì quota là vấn đề sống còn của họ, mà còn được đưa vào chương trình nghị sự của Hội Dệt may thêu đan TP.HCM.

Trong cuộc họp thường kỳ của  hội này, được tổ chức vào chiều 17/9, các thành viên của hội đã dành một khoảng thời gian khá dài để "trút giận" đối với việc phân quota và ông Vụ phó dù nội dung chính trù bị của hội chính là kế hoạch phát triển thị trường dệt may năm 2005.

Các DN tỏ ra rất "hả hê" trước vụ bắt giam ông Vụ phó Vụ Xuất nhập khẩu Lê Văn Thắng, người mà từ nhiều năm nay không có được lòng tin và cả sự kính trọng của các DN dệt may, đặc biệt là DN ở khu vực phía Nam. Họ nói rằng chuyện nhận hối lộ của ông Thắng không lạ, nhưng không nghĩ rằng lại quá sức tưởng tượng như vậy.

Bà Nguyễn Thị Phương Quang, Giám đốc Công ty Cổ phần May xuất khẩu Long An, nói rằng bà không hình dung được vụ việc có liên quan đến lãnh đạo của Bộ Thương mại đã tiếp tay cho đường dây đưa và nhận hối lộ bằng việc ký khống quota theo đề nghị của ông Thắng. Theo bà Quang, chính việc ký khống mà việc phân giao được thực hiện một cách tùy tiện theo chủ quan của người nắm quyền.

Đại diện một số DN khác cho rằng hiện tượng tiêu cực không chỉ tồn tại một, hay hai năm nay mà có nguồn gốc từ những năm trước với các quan chức khác và không chỉ đối với hạn ngạch thị trường Hoa Kỳ mà cả đối với châu Âu. Tuy nhiên việc này chỉ được nói đến trên các phương tiện truyền thông nhưng lại không được phản ánh mạnh mẽ từ giới DN dệt may.

Ông Phùng Đình Ngọ, Giám đốc Công ty Bình Hòa, nói rằng ông cũng như những DN đồng nghiệp khác hiểu chuyện tiêu cực của một số giới chức Bộ Thương mại. "Tuy nhiên DN nào cũng sợ ảnh hưởng đến quyền lợi, hơn nữa chuyện của DN nào thì DN đó biết". Chính vì thế nên không DN nào đủ cam đảm làm điều cần làm để ngăn ngừa.

Quota là vấn đề nóng đối với DN vì nếu không có, DN sẽ bị phá sản. Vì vậy đối với họ có quota dù ít hay nhiều là còn có cơ hội "sống". Họ có xu hướng trông chờ vào sự "ban phát" của cơ quan phân giao nhiều hơn là chống đối họ. Nhưng sự trông chờ này cũng không mang lại cho họ cơ hội được cấp quota nhiều như thành tích họ mong đợi. Thay vào đó các DN đã kêu ca rất dữ dội trước số lượng mà Bộ Thương mại đã cấp trong năm 2004 và cả năm trước đó.

Tuy nhiên các DN chỉ dám kêu ca ở những diễn đàn công cộng bởi lẽ họ sợ bị trù dập mà kết quả có thể là không được phân hoặc phân ít hạn ngạch. Điều này đã từng xảy ra ở một vài công ty. Giám đốc Công ty Minh Châu trong cuộc họp đã kể lại câu chuyện của DN mình về chuyện xin giấy phép của Bộ Thương mại. DN bà mất 8 tháng chờ đợi để cuối cùng được ông Vụ phó Thắng trả lời là "quên" hồ sơ của Minh Châu sau rất nhiều lần yêu cầu DN bổ sung và điều chỉnh chứng từ.  Bà nói rằng các nhân viên làm thủ tục của công ty trách bà vì đã chỉ trích quá nhiều việc phân bổ quota trên diễn đàn nên công ty mới phải gánh chịu hậu quả như thế.

Cần giao cho hội ngành nghề

Các DN thành viên Hội Dệt may Thêu đan TP.HCM đều bức xúc trước việc phân bổ quota của Bộ Thương mại với những dấu hiệu tiêu cực khá rõ ràng. Để minh chứng cho điều này, hội đã đưa ra một ví dụ về DN may nước ngoài ở khu Bình Dương. Ông Nguyễn Đức Hoan, Chủ tịch Hội, cho biết DN này trong 7 tháng đầu năm đã hoàn thành trên 1,2 triệu tá đối với cat 338 (áo sơ mi dệt kim chất liệu bông, cũng là cat nóng nhất hiện nay). DN này chỉ mới thành lập được vài năm, nhưng đã  được phân quota khá nhiều. Cả ngành dệt may VN được 15 triệu tá trong khi DN này được phân tới 1,2 triệu tá (chiếm gần 10%). Các thành viên của hội khẳng định rằng chỉ có "đi đêm", DN này mới được phân nhiều đến thế.

Hiện tượng tiêu cực cũng như không công bằng của giới chức quyền còn thể hiện ở việc ứng quota cho năm 2005. Cũng lấy trường hợp của DN nước ngoài này khi xin ứng 47.000 lố thì Bộ Thương mại "hào phóng" quyết định tạm ứng 120.000 lố cho năm 2005.

"Niềm tin của chúng tôi đã giảm sút và chúng tôi nghĩ rằng cần phải xem xét việc phân quota của năm tới", bà Quang của Công ty May xuất khẩu Long An, bức xúc. Theo bà, việc phân bổ quota cần phải được công khai và minh bạch hơn nữa, việc công bố danh sách các DN với quota thành tích chưa đủ mà còn cả những trường hợp ưu tiên hoặc tiêu chuẩn thưởng. Theo bà, không ai có thể kiểm chứng được những trường hợp đặc biệt này vì không được công bố cụ thể. Điều này dễ dẫn đến chuyện tiêu cực, như chuyện hối lộ của ông Phó Vụ trưởng đã bị phát hiện.

Một DN khác thì cho rằng việc phân quota nên được chuyển giao cho hội ngành nghề vì theo ông đây là vấn đề của DN. Chính hội ngành nghề mới hiểu rõ nhu cầu cũng như năng lực của từng DN trong và ngoài hội. Một DN khác cũng khẳng định sự cần thiết tham gia và tạo ảnh hưởng mạnh hơn của Hội cũng như Hội ngành nghề dệt may khác trong cả nước đối với việc phân quota. Ông xem đó là việc cần làm để tránh tiêu cực.

Không chỉ DN dệt may Việt Nam mà các DN nước ngoài cũng đã từng đề nghị giao việc phân bổ quota cho hội ngành nghề như ở các nước vì hội ngành nghề sẽ thực hiện việc phân giao trên tinh thần chia sẻ chứ không phải xin cho, một loại qui chế rất dễ tạo ra tiêu cực hối lộ và tham nhũng.

  • Minh Quang

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,