(VietNamNet) - Giá ôtô có thể sẽ tiếp tục tăng cao, các doanh nghiệp (DN) ôtô có thể mất thị trường nếu không ''tiến bộ''. Bộ Tài chính sẽ áp thuế linh kiện rời với ôtô từ năm 2005, thị trường ôtô trong nước dự báo sẽ có nhiều biến động... Đó là những thông tin mới mà Thứ trưởng Tài chính Trương Chí Trung vừa cho biết trong một cuộc trao đổi thẳng thắn với các phóng viên.
Các nước đang yêu cầu giảm hàng rào bảo hộ ôtô
- Thứ trưởng nghĩ sao về ý kiến cho rằng ngành công nghiệp ôtô Việt Nam quá yếu?
- Đúng là mười năm nay, ngành ôtô Việt Nam đã được bảo hộ cao so với tình hình các nước. Nhà nước rất mong qua phát triển ngành công nghiệp này, ngành cơ khí sẽ phát triển theo. Cơ khí vốn là ngành có khả năng phát triển ở Việt Nam do có nhiều lao động khéo léo, đặc biệt các DN vừa và nhỏ.
Các DN ôtô, chủ yếu là DN nước ngoài, mới sản xuất được vài chủng loại ôtô mang tính chất tiêu dùng thôi. Tỷ lệ nội địa hoá rất thấp không đạt yêu cầu đặt ra. Tuy nhiên, cũng có khó khăn vì thị trường ôtô Việt Nam hiện nhỏ bé, nếu đầu tư cao thì sẽ chậm hoàn vốn. Tuy nhiên, với chính sách bảo hộ như vậy nếu DN ôtô cùng chia sẻ với Chính phủ thì sẽ làm được nhiều hơn, nhưng ngành ôtô Việt Nam chưa thực hiện được điều đó.
- Lỗi do các DN ôtô hay do phía Chính phủ?
- Thực ra một phần là do thị trường nhỏ, còn các nhà đầu tư luôn muốn tối đa hoá lợi nhuận. Thứ hai, thị trường ôtô chưa có sự cạnh tranh cao như thị trường xe máy. Nếu có nhiều DN trong nước cũng đầu tư ôtô thì sẽ khác, giống như xe máy, khi các DN trong nước vươn ra thì giá thành hạ thấp ngay. Chính phủ cũng đã cho các DN trong nước phát triển ôtô nhưng chưa làm được.
- Chính phủ hình như đã nuông chiều ngành công nghiệp ôtô quá mức?
- Đây cũng không phải quá nuông chiều mà do chính sách đối với ôtô không chỉ là mục tiêu phát triển ngành mà còn để cân đối với hạ tầng giao thông. Nếu là mặt hàng khác thì không có vấn đề gì nhưng với ôtô thì phải bảo hộ để hạn chế tiêu dùng trong nước, bởi không phải chỉ năm một năm hai chúng ta sẽ giải quyết ngay được vấn đề hạ tầng. Đó là một bài toán phức tạp.
Những năm gần đây, Nhà nước đã có các chính sách quyết liệt như bãi bỏ thuế SKD, sau đó là CKD và IKD. Trước đây, các DN ôtô trong nước hầu như được miễn thuế TTĐB nhưng bây giờ thì đã có lộ trình. Chính phủ đã đưa ra tín hiệu rất rõ là sẽ cắt giảm bảo hộ. Việc này cũng là thực hiện cam kết quốc tế, nếu giảm thuế TTĐB cho ôtô trong nước mà không giảm cho ôtô nhập khẩu thì không đúng nguyên tắc của hội nhập với ASEAN, Trung Quốc, WTO. Các nước cũng đang yêu cầu Việt Nam giảm hàng rào thuế ôtô xuống.
- Khả năng cạnh tranh của các DN ôtô sẽ thế nào khi hội nhập?
- Với AFTA, mình vẫn đưa ôtô vào trong danh mục loại trừ hoàn toàn, nhưng các nước đang yêu cầu Việt Nam loại ra khỏi danh mục này và phải đưa vào danh mục cắt giảm. Vì vậy, việc bảo hộ cho ôtô sẽ không lâu dài hơn được nữa.
Với WTO, các nước cũng bắt Việt Nam phải nói đến chuyện bỏ bảo hộ. Tất cả vấn đề này đang được đưa vào đàm phán và rõ ràng các DN ôtô nếu cứ duy trì thế này sẽ không thể cạnh tranh nổi.
- Theo ông, các DN ôtô phải làm gì để đối phó với nguy cơ mất thị trường?
- Có hai vấn đề lớn: Hiện 95% linh kiện phải nhập với giá rất cao, nếu Nhà nước giảm bảo hộ, phải nộp thuế TTĐB, mà DN cứ giữ giá sản xuất như hiện nay thì giá sẽ đội lên và người tiêu dùng sẽ không mua. Theo tôi, các DN phải tính đến điều chỉnh lại cơ cấu sản xuất và cơ cấu nguyên liệu của mình mới có thể cạnh tranh được. Thị trường ôtô Việt Nam vẫn có tiềm năng rất lớn.
- Cụ thể nên điều chỉnh ra sao?
- Nếu cạnh tranh, các DN ôtô phải tính đến chuyện mình cạnh tranh với ai, có đủ sức không, phải tính xem sản xuất cái gì, loại gì để đáp ứng thị trường. Trong kế hoạch phát triển ôtô của Việt Nam, nếu sản xuất xe nông dụng, xe tải nhẹ sẽ rất phù hợp với thị trường. Bởi trước mắt, nếu hội nhập, các nước khác sẽ không có sở trường đó vì họ chuyên sản xuất xe du lịch. Thứ hai, các DN trong nước phải phối hợp với nhau tạo ra thế mạnh, phải liên kết rất chặt trong vấn đề sản xuất thì mới cạnh tranh được, ví dụ như anh lắp ráp, anh sản xuất chẳng hạn.
- Bộ Tài chính có lường trước được rằng thuế nhập khẩu linh kiện sắp được thay thế phương thức tính thuế IKD sẽ tác động đến giá ôtô trong nước?
- Nếu anh cứ nhập như cũ thì giá sẽ tăng lên, còn nếu anh nhập theo xu hướng rời ra, chỉ nhập những linh kiện trong nước chưa sản xuất được thì giá ôtô sẽ giảm rất nhiều. Áp thuế linh kiện rời chúng ta cũng được một cái là thuế thấp đi rất nhiều (có thể 0-3%) nhưng lại phát triển được phụ tùng trong nước. Còn nếu nhập cả bộ thì thuế cao hơn. Chính sách cần hướng đến phát triển công nghiệp hỗ trợ, giữa anh khách hàng sản xuất linh kiện và những nhà lắp ráp.
- Nhưng các DN vẫn chưa đồng tình hoàn toàn với chính sách này?
- Hiện các nhà sản xuất khó tìm được sản phẩm phù hợp để lắp vào xe ôtô tạo được chất lượng tốt và đồng bộ. Đó là vấn đề khó hiện nay.
- Vừa qua VAMA cũng đã đề nghị mức thuế linh kiện rời thấp hơn nhiều so với mức thuế IKD hiện nay. Bộ Tài chính liệu có đồng tình?
- Việc chuyển sang thuế linh kiện rời không phải là nâng thuế cao hơn thuế IKD cũ mà về cơ bản giữ tương đương hiện hành. Nhưng đây là tách ra để khuyến khích trong nước sản xuất phụ tùng bởi nhiều đơn vị trong nước hiện có khả năng sản xuất được.
Sẽ điều tra đâu là lợi nhuận thực, đâu là lợi nhuận sổ sách
- Việc đổi thuế liệu có ảnh hưởng đến lợi nhuận của các DN ôtô hiện khá cao không?
- Hiện Bộ Tài chính đang có khảo sát và sẽ tính toán lại đâu là lợi nhuận thực và đâu là lợi nhuận trên sổ sách của các DN ôtô tại Việt Nam.
Đã đến lúc phải điều tra lại lợi nhuận của các DN ôtô vì lợi nhuận của họ có cả chuyện thông qua việc mua lại nguyên liệu của các công ty con thuộc cùng một tập đoàn với giá rất cao. Cần phải xem lại giá bán của các DN ôtô để có biện pháp đấu tranh với mục tiêu đảm bảo quyền lợi thuế của quốc gia. Thứ hai, để đảm bảo các DN hoạt động kinh doanh theo hướng công bằng và minh bạch.
- Ông nghĩ gì khi có ý kiến cho rằng Bộ Tài chính đã để các DN ôtô móc túi người tiêu dùng và chuyển lợi nhuận về nước?
- Lợi nhuận của các DN ôtô cũng chỉ tăng cao trong vài năm trở lại đây. Chính sách của mình là khuyến khích đầu tư. Khả năng lợi nhuận của các DN nước ngoài cũng là yếu tố quảng bá rất tốt cho môi trường đầu tư của Việt Nam. Thành công của họ cũng là thành công của Chính phủ trong thu hút đầu tư nước ngoài, để cạnh tranh với nước khác thì phải đảm bảo môi trường tốt cho đầu tư. DN ôtô có lợi nhuận sẽ kéo theo hàng loạt tín hiệu tốt về đầu tư. Họ vào Việt Nam cũng giải quyết nhiều vấn đề tuy nhiên cũng có những bất cập.
- Nhưng quá trình bảo hộ ôtô cũng đã kéo dài mười năm rồi?
- Tổng cộng là mười năm nhưng cũng có những DN mới vào và mới chỉ làm ăn được trong một vài năm gần đây. Tuy nhiên, những DN vào trước không thu lợi nhuận cao bằng những DN vào sau.
- Trong kiến nghị về thuế linh kiện rời với ôtô, VAMA muốn kéo dài thêm đến một năm để các DN ôtô chuẩn bị?
- Đầu tháng 11, tôi có họp với VAMA và các DN ôtô trong nước. Họ cho rằng việc chuyển sang hình thức đánh thuế theo linh kiện rời sẽ rất phức tạp bởi ôtô có hàng nghìn loại linh kiện. Việc phức tạp nhất là khai hải quan. Thực ra bản thân các DN và chính những người làm khai hải quan cũng không biết mà khai. Bộ Tài chính sẽ phối hợp với các DN ôtô tổ chức những khoá đào tạo cho cả hải quan lẫn DN. Khi đào tạo xong sẽ áp dụng ngay thuế linh kiện rời.
- Khoảng thời gian chuyển đổi đó sẽ là bao lâu?
- Các DN cũng đã đồng ý nhưng hiện chưa có một dự án đào tạo cụ thể. Về nguyên tắc là đào tạo xong sẽ làm. Càng để chậm bao nhiêu càng thiệt hại bấy nhiêu.
- Vậy khoảng bao giờ thì chúng ta sẽ áp dụng chính sách thuế linh kiện rời?
- Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Tài chính phải làm ngay. Văn bản chính thức sẽ ban hành ngay trong tháng 12 tới để có thể thực hiện trong năm 2005.
Trong đàm phán với WTO vừa qua, một số nước đã đề nghị Việt Nam kéo dài việc đánh thuế theo bộ linh kiện từ ba-năm năm. Đó là do các DN ôtô đã báo cáo lên công ty mẹ ở các nước và họ đã yêu cầu như vậy.
Hội nhập: Không thể duy trì bảo hộ lâu hơn nữa
- Vậy khi nào thuế với ôtô sẽ được áp dụng theo lộ trình AFTA?
- Có lẽ đầu 2005, buộc Việt Nam sẽ phải có đàm phán cuối cùng với ASEAN về việc có để ôtô trong danh mục loại trừ hoàn toàn không. Xu thế phải loại ra là tương đối rõ rồi. Rồi sẽ phải đàm phán tiếp là thời hạn cắt giảm thế nào, các mức cắt giảm là bao nhiêu và thuế suất cuối cùng của nó sẽ ở năm nào (không thể đang từ 100% tụt ngay xuống 5% được). Đó là cuộc đàm phán còn rất vất vả.
- Khoảng bao giờ sẽ đàm phán xong, thưa ông?
- Chắc là 2005 thôi chứ không chậm hơn được nữa. Mấy năm nay ta cứ "lội dần xuống ao", 2005 nước đến cổ và 2006 thì phải bắt đầu bơi, không biết bơi sẽ chìm!
- Quan điểm của Bộ Tài chính về việc đưa ôtô theo lộ trình này thế nào?
- Sẵn sàng thôi, vì trong khối ASEAN mình cũng là nước quan trọng nên mình cũng phải có một vị thế đi đầu. Thứ hai nữa, với ôtô thì cũng bảo hộ quá lâu rồi nên không duy trì thêm được nữa. Đưa ra vấn đề này thời điểm này là hợp lý.
- Việc dự định tăng thuế ôtô thời gian qua dẫn đến tình trạng đầu cơ và tạo cơ hội cho người ta đầu cơ ôtô. Nó dẫn tới tình trạng thuế không thu được nhiều nhưng giá cả ngoài thị trường lại biến động rất lớn. Mức thuế thu được quá ít so với những thiệt hại mà người dân phải gánh chịu?
- Thuế thì vẫn thu tốt.
- Thuế chỉ tăng thêm khoảng hơn 10% theo tính toán của Tổng cục Thuế, nhưng giá xe trên thị trường đã tăng tới 15-20%, như vậy chỉ có lợi cho những đối tượng đầu cơ?
- Nói thực ra sản phẩm tăng giá do rất nhiều nguyên nhân không chỉ vì thuế. Giá ôtô hiện nay đúng là bất hợp lý vì giá thành sản xuất quá cao và trong giá thành cao đó thì chi phí nhập khẩu nguyên liệu cũng rất cao. Rõ ràng cần phải điều tra lại và để có kết luận cuối cùng là cả một vấn đề. Nhưng các số liệu ban đầu cho thấy giá nhập phụ tùng ôtô nếu cộng lại thì năm năm gần đây không thay đổi, ổn định ở mức cao, cộng lại cao hơn cả giá xe nhập khẩu nguyên chiếc. Đây là một bất hợp lý. Thuế TTĐB tăng lên là nhằm giảm bảo hộ và việc đó mọi người đều mong muốn.
- Nhưng hiện nay ta không giảm bảo hộ ngay, không mở cửa cho hàng nhập khẩu vào, mà vẫn để thuế suất cao một cách kinh khủng (300%)?
- Thuế ôtô không phải hàng điện tử. Giá cuối cùng của ôtô đến người tiêu dùng trong thời điểm hiện nay mình phải cân đối với cơ sở hạ tầng giao thông của đất nước.
- Bảng giá tính thuế đầu vào của Bộ Tài chính cũng để rất cao so với xe nhập khẩu vô hình trung vẫn bảo hộ ôtô trong nước?
- Bảng giá tính thuế bây giờ theo GATT rồi.
- Nhưng vẫn còn bảng giá kiểm tra?
- Bảng giá kiểm tra là của hải quan, nó chỉ là căn cứ để chống gian lận. Bảng giá đó có thể cao nhưng nó không phải là văn bản pháp lý và DN có quyền chứng minh ''giá của tôi là đúng''. DN có bị oan họ cũng kiện đến cùng.
- Theo ông, có nên duy trì thuế TTĐB không hay thay bằng việc khi họ đăng ký xe ôtô ta sẽ đánh thuế rất cao. Làm thế Nhà nước sẽ thu được tiền thuế thực chứ không phải để các DN ôtô dựa vào thuế để tăng giá bán?
- Thực ra thu như thế cũng khó, mình thu thuế TTĐB tập trung ở khâu sản xuất là rẻ nhất cho chi phí quản lý thuế. Còn nếu thu rải ra thì bộ máy rất lớn và mất thêm tiền để nuôi nó.
- Thế nghĩa là người tiêu dùng vẫn sẽ phải chấp nhận giá ôtô cao theo lộ trình thuế?
- Tôi nghĩ là trong vài năm tới, khi hạ tầng giao thông cuả mình vẫn như thế này thì giá ôtô nhập khẩu và giá ôtô trong nước đều phải có mức cao hơn để không tăng trưởng sử dụng quá mức. Năm 2007 ta sẽ áp thuế TTĐB ôtô nhập khẩu và trong nước bằng nhau.
- Ôtô là mặt hàng đặc thù, phải đăng ký mới được sử dụng. Vậy tại sao Nhà nước không áp phí đăng ký và phí chạy xe trong thành phố cao như một số nước để hạn chế xe ôtô thay vì thuế?
- Quản lý đô thị của mình mà được như các nước, mới nói như thế được, biện pháp quản lý phải gắn với năng lực quản lý thế nào. Nó còn gắn với văn hoá mỗi nước, thói quen tập quán của con người và hạ tầng quản lý nó. Mỗi quốc gia có chính sách khác nhau. Nhiều lúc phải có bước đi cụ thể.
- Giá xe trong thời gian tới nhiều khả năng sẽ còn tăng và các DN sẽ còn nâng giá lên nhiều hơn so với những gì Bộ Tài chính nhận được nếu tăng thuế TTĐB. Làm thế nào để khắc phục tình trạng giá bán ôtô vô tội vạ?
- Tất cả các loại ôtô tăng giá thì là vấn đề lớn, nhưng đây chỉ là đối với những người có tiền để mua chứ không phải xe phục vụ cho số đông hoặc phục vụ cho sản xuất. Đó chưa phải đại diện cho đa số dân Việt Nam.
Đất nước mình rất dài, công nghiệp ôtô cần được khuyến khích phát triển để tạo tăng trưởng GDP cũng như tạo công ăn việc làm, kéo theo các công nghiệp khác như cơ khí, may mặc, da giày... Vì thế, công nghiệp ôtô đáng ra phải phát triển hơn nhiều.
- Xin cảm ơn Thứ trưởng!
-
Hồng Phúc