221
442
Kinh tế - Thị trường
kinhte
/kinhte/
549818
Dự báo thị trường tiền tệ cuối năm
1
Article
null
Dự báo thị trường tiền tệ cuối năm
,

Trong tháng 11, kinh tế - chính trị thế giới có nhiều biến động gây ảnh hưởng tới nền kinh tế toàn cầu trong cả ngắn hạn và dài hạn. Đô la Mỹ liên tục mất giá so với các đồng tiền chủ chốt trên thế giới. Giá vàng tăng mạnh và đạt mức đỉnh điểm trong vòng 16 năm qua.

Soạn: AM 208454 gửi đến 996 để nhận ảnh này qua MMS

Các nền kinh tế lớn trên thế giới đều có động thái theo đuổi chính sách "hy sinh mục tiêu tăng trưởng để kiềm chế lạm phát". Ngày 11/11/2004, Fed đã quyết định tăng lãi suất cơ bản từ mức 1,75% lên 2%, lần tăng thứ 4 kể từ tháng 6/2004.

Điểm bất ngờ nhất là ngày 28/10/2004, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đã tăng lãi suất cho vay (thời hạn 1 năm) từ mức 5,31% lên 5,58%, còn lãi suất tiền gửi tăng từ 1,98% lên 2,25%, đây là lần tăng lãi suất ngân hàng đầu tiên tại Trung Quốc trong vòng 9 năm qua.

Ảnh hưởng tới thị trường tiền tệ trong nước

- Giá vàng: giá vàng thế giới leo thang dẫn tới giá vàng trong nước cũng tăng đột biến lên 864.000 đồng/1 chỉ (ngày 18/11/2004), đây là lần tăng cao nhất kể từ đầu năm. Tuy nhiên, lượng giao dịch trên thị trường là rất thấp.

- Tình hình tín dụng và lãi suất: Trong tháng 11, vốn khả dụng của các tổ chức tín dụng giảm đáng kể do nguồn vốn huy động của dân cư tăng chậm, tiền gửi của doanh nghiệp và kho bạc Nhà nước giảm, trong khi theo qui luật nhu cầu thanh toán vào cuối năm tăng mạnh và một số ngân hàng phải thanh toán cho Ngân hàng Nhà nước các khoản nợ cho vay khoanh nợ cà phê, cho vay cơ cấu lại nợ...

Do vậy, trong tháng 11, nhiều ngân hàng thương mại đã áp dụng các mức lãi suất tiền gửi hấp dẫn cho các kỳ hạn và có kèm theo khuyến mại, dự thưởng, mức lãi suất tăng trung bình khoản 0,03% tháng đối với các kỳ hạn 6 tháng, 9 tháng, 1 năm.

Điểm đáng chú ý là FED tăng lãi suất cơ bản USD nhưng các ngân hàng trong nước chưa có động thái tăng lãi suất ngoại tệ trong nước, nguyên nhân do chỉ số giá tiêu dùng tăng cao (chỉ số giá tháng 11 tăng 0,2% so với tháng 10, đưa chỉ số giá cả 11 tháng đạt tăng 8,8% so với tháng 12 năm 2003) khiến cho lãi suất thực của VND có xu hướng giảm từ mức 4% năm 2003 xuống còn khoảng 0,7%, cùng với kỳ vọng về tỷ giá đã khiến người dân có xu hướng muốn gửi ngoại tệ hơn gửi bằng VND.

- Tỷ giá hối đoái mua bán trên thị trường liên ngân hàng và thị trường tự do ổn định ở mức 15750 + 25 VND/1USD, điều này cho thấy tỷ giá hối đoái trong nước tiếp tục không chịu ảnh hưởng của chính sách đồng Đôla yếu của Mỹ.

Tóm lại, tình hình thị trường tiền tệ trong tháng 11 xuất hiện hiện tượng thiếu nguồn vốn huy động tiền đồng và có xu hướng người dân, doanh nghiệp chuyển dịch tiền gửi từ VND sang USD. Giá vàng trong nước tăng theo chiều hướng tăng cao của giá vàng thế giới nhưng ít có ảnh hưởng tới tình hình kinh tế trong nước.

Dự báo tình hình thị trường tiền tệ cả năm 2004

Từ tình hình thị trường tiền tệ trong 11 tháng, kết hợp với qui luật vận động của thị trường qua các năm, chúng ta có thể dự kiến một số chỉ tiêu kinh tế và thị trường tiền tệ trong tháng 12 và ước thực hiện cả năm 2004 như sau:

- Giá dầu thế giới trong tháng 12 sẽ có chiều hướng giảm dần và có thể giảm nhanh trong quí I/2005, vì: thứ nhất, do lãi suất tăng tại các nền kinh tế lớn dẫn tới sản xuất sẽ giảm, kéo theo nhu cầu về nhiên liệu giảm; thứ hai, lượng dầu dự trữ ở Mỹ đã đủ dùng cho mùa đông; thứ ba, đã có sự rạn nứt trong OPEC, với việc Inđônêxia có đơn xin ra khỏi OPEC.

- Chỉ số giá tiêu dùng: Chỉ số giá tiêu dùng tăng chậm trong tháng 11, nhưng tháng 12 sẽ tăng cao hơn, dự kiến tăng khoảng 0,4 + 0,1%, vì theo qui luật thì chỉ số giá tháng 12, tháng 1 và tháng 2 sẽ tăng mạnh nhất so với các tháng trong năm do nhu cầu tiêu thụ hàng hoá trong dịp tết. Tính chung cả năm 2004, chỉ số giá sẽ tăng 9,2 + 0,1% so với tháng 12 năm 2003.

- Giá vàng trong nước hoàn toàn phụ thuộc vào giá vàng thế giới mà hiện nay theo các chuyên gia kinh doanh vàng trên thế giới thì giá vàng thế giới là rất khó dự đoán, vì các căn cứ là không rõ ràng.

- Lãi suất ngoại tệ trong tháng 12 sẽ không tăng, còn lãi suất VND tiếp tục nhích lên do tăng nhu cầu huy động vốn nhằm phục vụ khả năng thanh toán và nhu cầu rút tiền trong dịp tết.

- Tỷ giá hối đoái sẽ tiếp tục ổn định trong tháng 12, tính chung cả năm bình quân trên thị trường liên ngân hàng chỉ tăng khoảng 0,63% so với đầu năm, giảm so với mức tăng 1,52% của năm 2003; tỷ giá USD/VND trên thị trường tự do tăng khoảng 0,7% so với đầu năm (năm 2003 tăng 1,62%).

- Huy động và cho vay. Do mất cân đối về cung cầu vốn tiền đồng nên dự kiến tháng 12 các ngân hàng thương mại sẽ đẩy mạnh việc huy động VND trên thị trường bằng 2 hình thức tăng lãi suất và khuyến mại. Tuy tăng mạnh trong tháng 12 nhưng ước cả năm 2004, huy động vốn của hệ thống ngân hàng sẽ chỉ tăng khoảng 20 - 21% so với 31/12/2003, thấp hơn mức tăng của năm 2003 (24%); dư nợ cho vay ước tăng khoảng 23 - 24% so với 31/12/2003, thấp hơn mức tăng năm 2003 (28%).

- Cán cân thanh toán tổng thể thặng dư khoảng 1.000 triệu USD, giảm so với mức thặng dư của năm 2003. Trong đó:

+ Cán cân vãng lai thâm hụt 1.400 triệu USD, giảm so với mức thâm hụt của năm 2003, nguyên nhân chủ yếu do thâm hụt cán cân thương mại giảm mạnh so với năm 2003; thâm hụt cán cân dịch vụ và cán cân thu nhập dự kiến không thay đổi nhiều so với năm 2003; chuyển tiền ròng tăng mạnh chủ yếu do lượng kiều hối và lượng tiền của người lao động ở nước ngoài gửi về nước.

+ Cán cân vốn dự kiến thặng dư khoản 2.800 triệu USD, thấp hơn mức thặng dư của năm 2003. Giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, vay ngắn, trung và dài hạn đều tăng; riêng lượng tiền và tiền gửi ròng của hệ thống ngân hàng thương mại ở nước ngoài giảm mạnh so với năm 2003 do lãi suất đồng USD trên thị trường thế giới tăng.

(Theo Thời báo Kinh tế Việt Nam)

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,