221
442
Kinh tế - Thị trường
kinhte
/kinhte/
549712
Đà Nẵng "kéo" hàng không quốc tế?
1
Article
null
Đà Nẵng 'kéo' hàng không quốc tế?
,

(VietNamNet) - Nhiều hãng hàng không quốc tế đang "dòm ngó" Đà Nẵng, nhưng xem ra để họ thực sự đặt chân vào, trước hết thành phố phải lôi cuốn được nhiều hơn các nhà đầu tư và khách du lịch.

Soạn: AM 209151 gửi đến 996 để nhận ảnh này qua MMS

Đà Nẵng trông chờ những đường bay quốc tế thường xuyên hơn.

Theo Cục Hàng không Dân dụng Việt Nam, hiện đang có ít nhất 3 hãng hàng không nước ngoài muốn mở đường bay trực tiếp từ các vùng ở châu Á đến Đà Nẵng, bao gồm Silk Air (Singapore), Bangkok Airways (Thái Lan) và CR Airways (Hong Kong). Bangkok Airways và CR Airways chỉ mới dừng lại ở ý định và cần thêm thời gian để khảo sát thị trường trước khi có quyết định chính thức. Riêng Silk Air đã có hẳn kế hoạch mở đường bay trực tiếp đến Đà Nẵng.

Hãng hàng không này đã được Cục Hàng không Dân dụng Việt Nam cho phép và sẽ mở đường bay qua 3 thành phố bao gồm Singapore, Siêm Riệp và Đà Nẵng. Silk Air dự định mở đường bay này sớm hơn vào cuối năm nay, nhưng có lẽ phải dời vào đầu năm tới khi mọi thứ đã được chuẩn bị tốt hơn và sẽ có từ 2-3 chuyến bay của Silk Air đến Đà Nẵng một tuần.

Ngoài những hàng không này, một quan chức của Đà Nẵng cho biết, Korean Air của Hàn Quốc cũng ngắm đến thị trường Đà Nẵng sau khi khảo sát sơ bộ về thị trường miền Trung. Không như những hãng hàng không nói trên, Korean Air hiện đã có những đường bay thường xuyên từ Việt Nam qua Hàn Quốc thông qua hai thành phố lớn là TP.HCM và Hà Nội.

Thị trường tiềm năng nhưng chưa thành công cho hàng không quốc tế 

Soạn: AM 209153 gửi đến 996 để nhận ảnh này qua MMS

Khai trương đường bay Siêm Riệp-Đà Nẵng của liên danh President Airlines và FAT.

Nói đến những thành phố phát triển ở Việt Nam sau TP.HCM, Hà Nội và Hải Phòng, không thể không nhắc đến Đà Nẵng. Thành phố trực thuộc trung ương này là trái tim của cả khu vực miền Trung,  nơi tập trung những vùng kinh tế và du lịch khá trọng quan của quốc gia như Khu thương mại Lao Bảo (Quảng Trị), Khu kinh tế mở Chu Lai (Quảng Nam), Khu kinh tế Dung Quất (Quảng Ngãi). Đặc biệt, nơi đây có Con đường Di sản miền Trung - điểm hội tụ những danh lam thắng cảnh và di sản thiên nhiên nổi tiếng của thế giới như Cố đô Huế, Phố cổ Hội An, Thánh địa Mỹ Sơn, Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng,...

Ông Nguyễn Đăng Trường, Phó Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng, cho biết thành phố rất trông chờ vào những đường bay quốc tế vì đó là cơ hội phát triển không chỉ cho thành phố mà còn cho các tỉnh thành khác trong khu vực.

Theo ông Trường, Đà Nẵng là một thị trường mới và đầy triển vọng đối với các hãng hàng không quốc tế và cả Việt Nam, vì những cơ hội mà khách du lịch sẽ mang lại cho các hãng. "Khách du lịch quốc tế đến với các di sản quốc tế thông qua Đà Nẵng và từ thành phố này họ có thể đến rất nhiều điểm khác của miền Trung", ông Trường phát biểu. Hàng năm, có khoảng 250.000 khách du lịch quốc tế đến Đà Nẵng, chưa kể 600.000 khách du lịch nội địa.

Một cơ hội được đánh giá rất tiềm năng đối với Đà Nẵng, nhưng các chuyến bay quốc tế đến với khu vực này còn ít ỏi. Mở đường bay đến Đà Nẵng hiện nay có thể kể đến là chuyến bay liên danh của President Airlines (Campuchia) và Hãng Hàng không Viễn Đông FAT (Đài Loan). Hai hãng hàng không nước ngoài này bắt đầu bằng đường bay Siêm Riệp-Đà Nẵng và Đà Nẵng-Đài Loan. Tuy nhiên, công ty TYMES Việt Nam, Tổng Đại lý của đường bay liên danh, cho biết hãng President Airlines và FAT đã cho ngưng đường bay Siêm Riệp-Đà Nẵng sau vài tháng hoạt động. Đường bay Đà Nẵng-Đài Loan vẫn được duy trì với hai chuyến một tuần, chủ yếu là chuyến bay của FAT.

CR Airways trước đây cũng từng có những chuyến bay đến Đà Nẵng từ Hong Kong, tuy nhiên hãng này chỉ đánh "du kích" khi có nhu cầu của hành khách, chứ không thường xuyên tổ chức đường bay đến Đà Nẵng. Thai Airways và PB Air cũng liên danh với nhau để mở đường bay đến Đà Nẵng, song cũng "lận đận" không kém. Hẩm hiu hơn cả là Pacific Airlines, hãng hàng không lớn thứ hai trong số ba hãng hàng không ở Việt Nam, đã cho "cáo chung sớm" đường bay Đà Nẵng-Hong Kong, vì không chịu được các khoản lỗ lớn và kéo dài, đe dọa làm phá sản cả hãng nếu "cố gượng".

Vietnam Airlines

Khuyến khích bằng chính sách chưa đủ

Ông Vũ Duy Du, Phó Giám đốc Điều hành của Pacific Airlines, cho biết việc ngưng chuyến bay Đà Nẵng-Hong Kong là vô thời hạn, vì vậy khôi phục lại đường bay là điều bất khả thi đối với hãng hàng không cổ phần này, cho dù các hãng hàng không nước ngoài đang dòm ngó Đà Nẵng.

Ông Trường Sở Du lịch Đà Nẵng nhận định, sự thất bại của những đường bay là vì các hãng phải chịu gánh nặng chi phí cho những chuyến bay ít khách từ Đà Nẵng. Những đường bay đến Đà Nẵng không phải là điều lo ngại của các hãng mà chính là chiều ngược lại.

Hành khách của các hãng hàng không đến Đà Nẵng, sau đó hầu hết đều không dừng lại ở Đà Nẵng mà tỏa đi các khu vực khác ở miền Trung, miền Bắc và miền Nam, để rồi trở về nhà hoặc đến nơi khác từ TP.HCM hay Hà Nội, thay vì quay trở lại Đà Nẵng. Pacific Airlines đã từng đưa ra chiêu dụ khách quay trở lại Đà Nẵng bằng chính sách giá vé thấp, nhưng cũng không ăn thua.

Đường bay quốc nội và quốc tế mới thực sự tạo cơ hội phát triển cho miền Trung mà ở đó Đà Nẵng là trung tâm. Chính phủ ủng hộ rất nhiều cho Đà Nẵng nói riêng và miền Trung nói chung để có đường bay quốc tế. Ông Phạm Vũ Hiến, Cục Phó Cục Hàng không Dân dụng Việt Nam, cho biết, Việt Nam rất khuyến khích các hãng hàng không quốc tế mở đường bay đến Việt Nam đặc biệt là Đà Nẵng, bằng nhiều hoạt động xúc tiến cũng như chủ trương.

Tuy nhiên, chưa có nhiều đường bay thiết lập, ngay cả Vietnam Airlines vẫn còn là người "ngoài cuộc". "Với những khuyến khích về mặt chính sách và tinh thần vẫn chưa có nhiều hãng thiết lập đường bay lâu dài và thường xuyên, vì nhu cầu ở khu vực này quá ít. Vấn đề là chính quyền thành phố phải làm gì đó để thu hút nhiều khách du lịch cũng như nhà đầu tư đến Đà Nẵng", ông Hiến  nói với VietNamNet.

Theo kế hoạch của hãng hàng không quốc gia lớn nhất Việt Nam này, năm 2008 mới có đường bay quốc tế đến Đà Nẵng do Vietnam Airlines khai thác, đặc biệt là từ những thị trường trọng điểm Nhật Bản và Hàn Quốc. Việc mở đường bay quốc tế đến Đà Nẵng nhằm mục đích khai thác cơ hội du lịch là chủ yếu đối với hãng hàng không nhà nước này.

Khi Vietnam Airlines "nhập cuộc", chính quyền Đà Nẵng mở văn phòng đại diện tại Tokyo, Nhật Bản để kéo nhà đầu tư cũng như khách du lịch đến với miền Trung, tin rằng các hãng hàng không quốc tế sẽ thành công hơn với thị trường này.

  • Minh Quang

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,