221
442
Kinh tế - Thị trường
kinhte
/kinhte/
550570
5 nguyên tắc khi làm ăn với Trung Quốc
1
Article
null
5 nguyên tắc khi làm ăn với Trung Quốc
,

(VietNamNet) - Trung Quốc là thị trường tiềm năng của các DN Việt Nam. Tuy nhiên, để thành công ở Trung Quốc, DN Việt Nam phải chú ý 5 "nguyên tắc".

Trái cây nhiệt đới là mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam vào Trung Quốc.

Ông Vương Long Hổ, Lãnh sự Kinh tế thương mại thuộc Tổng Lãnh sự quán Trung Quốc tại TP.HCM đã cho biết như thế trong buổi hội thảo được tổ chức hồi sáng nay (2/12)  tại TP.HCM. Theo ông Hổ, 5 nguyên tắc cơ bản như 5 bí quyết để làm ăn với DN Trung Quốc.

Thứ nhất là DN Việt Nam phải biết giữ chữ tín vì theo ông đây là yếu tố căn bản trong làm ăn, không riêng gì đối với DN Trung Quốc. Thứ hai là đôi bên cùng có lợi. Ông Hổ cho rằng không thể nói đến làm ăn mà chỉ một bên có lợi, thay vào đó phải biết chia sẻ cái lợi với nhau. Nếu DN Việt Nam hiểu được điều này và thực hiện khi làm ăn với DN Trung Quốc thì họ có thể thành công trên thị trường lớn nhất thế giới này.

Nguyên tắc thứ ba, là hợp tác tích cực. Điều này có nghĩa, khi DN xác định được mối quan hệ hợp tác với DN Trung Quốc thì phải tích cực thực hiện hợp tác đó để kết quả nhanh chóng đạt được và đúng như mong muốn của hai bên.

Nguyên tắc thứ tư mà DN Việt Nam cần chú ý là cung cấp những sản phẩm chất lượng cao. Ông Hổ cho rằng, không phải sản phẩm nào cũng có thể chinh phục được người tiêu dùng Trung Quốc. Hơn nữa, thị trường Trung Quốc tập trung rất nhiều loại sản phẩm từ nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có sản phẩm của Trung Quốc vốn có sức cạnh tranh mạnh, nên sản phẩm chất lượng cao sẽ dễ dàng làm cho người tiêu dùng chấp nhận.

Nguyên tắc cuối cùng là chung thủy với đối tác. Theo ông Hổ, DN chạy theo lợi nhuận và dễ dàng chia tay với đối tác cũ để làm ăn với những đối tác mới có lợi nhuận cao hơn. Điều này sẽ làm cho DN Trung Quốc không hài lòng, vì họ luôn đề cao "sự chung thủy", khả năng hợp tác bền vững và lâu dài trong làm ăn.

Khi đưa ra những nguyên tắc này, ông Hổ cũng đề cập đến những điểm yếu của DN Việt Nam về chất lượng hàng hóa. Ví dụ như đối với hàng nông sản vốn là mặt hàng Việt Nam xuất khẩu khá nhiều vào Trung Quốc, nhưng chỉ được hai bên mua bán theo giao dịch biên mậu với số lượng ít và nhỏ lẻ. Theo ông Hổ, không phải Trung Quốc không có nhu cầu nhập với số lượng lớn, mà họ lo ngại cho tính chất không đồng đều của lô hàng từ Việt Nam. Vì vậy, họ đã chọn cách tốt nhất là giao dịch với số lượng ít để kiểm soát chất lượng.

Kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc gia tăng đáng kể trong những năm qua. Dự kiến, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa 2 nước sẽ đạt 5 tỷ trong năm 2004 thay vì 2005, như mục tiêu mà Chính phủ hai nước đã xác lập. Theo đó đến năm 2010, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa 2 nước sẽ là 10 tỷ USD.

  • Minh Quang
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,