221
442
Kinh tế - Thị trường
kinhte
/kinhte/
1005418
Việt Nam có mức rủi ro thấp về nợ nước ngoài
1
Article
null
Việt Nam có mức rủi ro thấp về nợ nước ngoài
,

(VietNamNet) - Báo cáo mới nhất về tình hình phát triển kinh tế khu vực Đông Á và Thái Bình Dương do WB vừa công bố cho thấy, Việt Nam giữ vững mức tăng trưởng trên 8% trong năm nay và năm 2008. Đáng lưu ý, WB đánh giá Việt Nam vẫn là nước có mức rủi ro thấp về nợ nước ngoài. 

WB dự kiến mức tăng trưởng của các nước trong khu vực Đông Á và Thái Bình Dương.

Theo báo cáo này của Ngân hàng Thế giới (WB), tăng trưởng kinh tế Việt Nam vẫn vững chắc năm 2007 chủ yếu nhờ nguồn thu từ xuất khẩu phi dầu khí, đầu tư và tiêu dùng tư nhân. GDP tăng 8,3% trong 9 tháng đầu năm 2007. Trong đó, dịnh vụ đạt tỷ lệ tăng trưởng cao (8,5%) nhờ sự phát triển mạnh của ngành bán lẻ, du lịch, giao thông và dịch vụ tài chính. 

Sau một năm gia nhập WTO, cam kết đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt 9,6 tỷ USD trong 9 tháng đầu năm, tăng 38% so với năm ngoái. Tỷ lệ giải ngân FDI cũng tăng 20%, chiếm khoảng 6,8% GDP. Song, WB cho rằng, tỷ lệ giải ngân từ ngân sách Nhà nước vẫn còn thấp. Điều này cho thấy các dự án đầu tư công được triển khai chậm.

Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam cũng tăng trưởng mạnh (19,4%). Xuất khẩu hiện chiếm khoảng 72% GDP. Đáng lo ngại là song song đó, nhập khẩu cũng tăng tới 30%. Sự tăng trưởng nhanh của nhập khẩu dẫn đến tỷ lệ thâm hụt thương mại cao, dự tính đạt 7% GDP năm 2007. Thâm hụt tài khoản vãng lai dự kiến đạt 3% GDP trong năm nay so với mức 0,3% năm 2006. 

Tuy nhiên, WB nhận xét, tình hình cán cân thanh toán vẫn ổn định và sự thâm hụt tài khoản vãng lai được bù đắp chủ yếu bởi nguồn FDI không tạo nợ, viện trợ phát triển chính thức và nguồn thu của khu vực tư nhân. Ngoài ra, tỷ lệ cam kết cao có nghĩa là nguồn đầu tư có thể tăng lên nếu có nỗ lực giảm những hạn chế ách tắc trong triển khai. Nguồn đầu tư gián tiếp cũng tăng nhanh.

Bên cạnh đó, dự trữ ngoại tệ của Việt Nam đã đạt 11,5 tỷ USD năm 2006, dự kiến tăng lên 20 tỷ USD vào cuối năm 2007. Nợ nước ngoài chiếm 31% GDP theo tỷ lệ danh nghĩa và 22% theo tỷ lệ thực. Theo diễn biến hiện nay, Việt Nam vẫn là một nước có mức rủi ro thấp về nợ nước ngoài

Vấn đề mà Việt Nam đang phải đối mặt là lạm phát đã tăng gần sát mức 2 con số. Do nền kinh tế có độ mở cao và chính sách tỷ giá hiện hành gắn vào đồng đô la, lạm phát tăng một phần do mức giá hàng hoá trao đổi thương mại trên thị trường quốc tế tăng lên. Cũng có những lo ngại một chính sách tiền tệ lỏng lẻo có thể làm tăng giá các mặt hàng không trao đổi thương mại. 

Đánh giá về sự phát triển của thị trường chứng khoán Việt Nam, theo các chuyên gia WB, đến cuối tháng 9/2007, số các công ty niêm yết đã tăng lên 206, tổng giá trị thị trường chứng khoán vượt mức 22 tỷ đô la, tương đương với 32,4% GDP; nhưng vẫn thấp hơn Ấn Độ (45%) hay Trung Quốc (70%). Sau một giai đoạn tăng nhanh, đến tháng 3/2007, thị trường hiện nay đã đi vào ổn định.

"Do xu hướng giảm nhiệt của thị trường, các biện pháp kiểm soát vốn như trước có thể sẽ không được thực hiện nữa", WB tin tưởng.  

Về khu vực Đông Á và Thái Bình Dương, WB khẳng định các nền kinh tế Đông Á chắc chắn sẽ tiếp tục tăng trưởng vững chắc năm 2008 bất chấp những lo ngại đang gia tăng về cuộc khủng hoảng trên thị trường tài chính thứ cấp tại Mỹ và giá dầu tăng trên quy mô toàn cầu. Mức tăng trưởng kinh tế của các nước mới nổi (Ấn Độ, Trung Quốc) dự kiến vẫn vượt mức 8% trong năm nay và chỉ giảm nhẹ năm 2008. 

  • H.Yên
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,