- Bất chấp những khó khăn ngắn hạn của kinh tế Việt Nam, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vẫn tiếp tục đổ vào rất mạnh, cho thấy niềm tin của các nhà đầu tư vào tương lai dài hạn.
Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) vừa công bố số liệu đầu tư 5 tháng đầu năm 2008. Một kết quả khá bất ngờ là vốn đăng ký đầu tư trong giai đoạn này đã lên tới 14,724 tỷ USD, tăng 2,6 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Riêng trong tháng 5/2008, trên cả nước đã cấp 130 giấy chứng nhận đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký là 7,498 tỷ USD, đưa tổng số dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư trong 5 tháng đầu năm lên 324 dự án, với tổng vốn đăng ký là 14,724 tỷ USD.
Du lịch và bất động sản tiếp tục thu hút vốn đầu tư mạnh mẽ. (Ảnh: SPtour)
Ngoài ra, trong thời gian này còn có 132 lượt dự án tăng vốn đầu tư với hơn 600 triệu USD. Điều đáng quan tâm là lĩnh vực dịch vụ chiếm đến hơn 83% tổng vốn đăng ký đầu tư. Lĩnh vực công nghiệp và xây dựng chỉ chiếm 16,2%, phần nhỏ còn lại thuộc lĩnh vực nông - lâm - ngư.
Trong kỳ này, Canada tuy chỉ có 3 dự án nhưng đã lần đầu tiên vươn lên đứng đầu trong danh sách các nhà đầu tư vào Việt Nam, với tổng vốn đăng ký lên đến 4,23 tỷ USD. Trong đó, riêng dự án Hồ Tràm (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) do Tập đoàn Asian Coast Development đầu tư đã có tổng vốn đầu tư là 4,2 tỷ USD. Đây là dự án xây dựng khu du lịch nghỉ dưỡng, các khách sạn 5 sao (9.000 phòng), khu thương mại, trung tâm hội nghị quốc tế, văn phòng - căn hộ, biệt thự cao cấp, sân gôn, khu vui chơi giải trí có thưởng cho người nước ngoài.
Nhờ dự án trên, Bà Rịa - Vũng Tàu đã vươn lên đứng đầu danh sách thu hút đầu tư. Đứng thứ hai là TP. Hồ Chí Minh, tiếp đến là Đồng Nai, Kiên Giang, Bắc Ninh...
Theo Cục đầu tư nước ngoài, kết quả thu hút vốn FDI cho thấy, những khó khăn ngắn hạn của Việt Nam như lạm phát, suy thoái chứng khoán... không làm chùn bước các nhà đầu tư.
Tuy nhiên, dòng vốn FDI tăng lên không chỉ mang lại sự lạc quan về triển vọng dài hạn của nền kinh tế, mà còn đặt ra vấn đề gay gắt về giải ngân vốn đầu tư.
Cục Đầu tư nước ngoài cũng cho biết, vốn đầu tư đang có xu hướng chuyển từ Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh sang các địa bàn lân cận, do yêu cầu lớn về đất đai mà hai thành phố này không đáp ứng được.
-
Phước HàÝ kiến của bạn đọc: