221
442
Kinh tế - Thị trường
kinhte
/kinhte/
1069566
Các ngân hàng bắt đầu thu hoạch từ dịch vụ ATM
1
Article
null
Các ngân hàng bắt đầu thu hoạch từ dịch vụ ATM
,

 - Các ngân hàng trong Hiệp hội thẻ Việt Nam vừa thống nhất sẽ đồng loạt thu phí giao dịch ATM từ 1/7 trên toàn quốc. Sau một thời gian khá dài tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển và cung cấp dịch vụ ATM miễn phí, thu được lượng khách hàng rất lớn qua việc trả lương qua tài khoản của các cơ quan Nhà nước... đã đến lúc các ngân hàng tính chuyện thu phí từ dịch vụ ATM. 

Đồng loạt thu phí

Thông tin từ Hiệp hội thẻ ngân hàng Việt Nam cho hay, trước mắt, các ngân hàng sẽ thu phí tối thiểu 1.000 đồng/giao dịch với các giao dịch rút tiền mặt và chuyển khoản. Mức phí tối đa tuỳ thuộc vào quy định của từng ngân hàng. Các giao dịch khác sử dụng thẻ trên máy ATM cũng sẽ được các ngân hàng xem xét mức thu phí, hình thức thu, thời điểm thu phù hợp vào thời gian tới.

Mô tả ảnh.
Sau khi có thêm hàng triệu tài khoản nhờ việc chuyển lương qua thẻ, các ngân hàng bắt tay vào thu phí. (Ảnh: BIDV)
Hiện nay, các ngân hàng đang bàn bạc về cách thu phí, về cơ bản có 3 cách thu được các ngân hàng đưa ra bàn bạc là: thu theo phí giao dịch, thu theo thường niên và thu phí giao dịch lần thứ hai. 

Phí thu theo giao dịch tức là khách hàng sử dụng giao dịch lần nào thì sẽ thu phí lần ấy. Mức thu thấp nhất mà Hiệp hội Thẻ dự kiến đưa ra là 1.000 đồng/lần, và mức cao nhất có thể là 3.000 đồng/lần. Mức phí giữa các giao dịch dự kiến sẽ khác nhau, trong đó phí để xem số dư tài khoản ít nhất hoặc nếu xem số dư tài khoản mà không in hoá đơn thì sẽ không mất phí.

Thu phí thường niên là thu theo tháng, ví dụ như ngân hàng có thể thu mức phí 5.000 đồng/thẻ/tháng.

 Thu phí theo giao dịch thứ 2 nghĩa là khách hàng chỉ mất phí khi thực hiện giao dịch lần thứ 2. Đối với thẻ rút tiền tự động ATM, với loại bình thường (phổ biến), khách hàng chỉ được rút tiền cao nhất là 2 triệu đồng/lần. Nếu rút nhiều lần/ngày, thì những lần sau sẽ bị thu phí. Cách thu phí này cũng phân biệt được khá rõ rệt giữa các khách hàng với nhau và đảm bảo được quyền lợi của những khách hàng khác nhau. 

Theo giải thích của đại diện Hiệp hội thẻ, trong những năm qua các ngân hàng đã phải đầu tư rất lớn cho công nghệ thẻ. Riêng một máy ATM đã có giá trung bình 30.000 đôla Mỹ. Vì thế, dịch vụ thẻ sẽ không thể mãi là dịch vụ miễn phí. Tiền thu được sẽ dùng để bù đắp chi phí cho ngân hàng và hơn nữa, nó sẽ giúp người dân ý thức được giá trị dịch vụ.

Một thành viên của Hiệp hội thẻ cho biết: "Hiện nay, trên thế giới, nhiều nước cũng thực hiện thu phí duy trì giao dịch thẻ. Nước có thu nhập cao thì mức phí này có thể lên tới 20 euro/tháng/thẻ; thấp nhất là khoảng 5 euro. Như vậy, với mức thu phí mà phía Hiệp hội thẻ đưa ra, thì con số này không đáng kể".

"Đầu tư ATM đang ngốn hàng nghìn tỷ đồng của ngành ngân hàng. Đó là chưa kể những chi phí cho việc tiếp quỹ, nhân viên… Suốt 5 năm qua, ngành ngân hàng đã khấu hao hết một lượt giá trị máy, trong khi giao dịch miễn phí. Đấy là chưa kể việc phát hành thẻ cũng đang miễn phí. Với số phí thu không đáng kể mà được một dịch vụ tiện lợi thì mọi người sẽ thấy đó là sự hợp lý”, giám đốc một ngân hàng cho biết.

Chấp nhận trả phí nhưng dịch vụ phải có chất lượng

Thống kê sơ bộ cho biết, hiện nay, cả nước có khoảng hơn 5.000 máy ATM. Trong khi đó, đến hết năm 2008, sẽ có một lượng lớn máy nữa được đưa vào hoạt động. 

Mô tả ảnh.
Chấp nhận mất phí, khách hàng đòi hỏi dịch vụ cao hơn.

Giả sử một máy giao dịch nhiều nhất là 200 lần/ngày, ít là 50-70 giao dịch. Nếu tính trung bình, khiêm tốn mỗi máy cũng có 100 giao dịch/ngày. Như vậy, trung bình một ngày sẽ có tới 500.000 giao dịch, đem nhân với mức phí tối thiểu nhất là 1.000 đồng/lần giao dịch thì mỗi tháng, ngoài việc lãi lớn vì huy động vốn qua kênh ATM với mức lãi suất chỉ có 0,2%/năm, hệ thống thẻ còn đem về cho ngân hàng mấy chục tỷ đồng tiền mặt.

Còn nếu thực hiện thu phí thường niên, thì với hơn 30 ngân hàng tham gia phát hành thẻ, với khoảng gần 10 triệu thẻ ATM được phát hành nhân với 5.000 đồng/thẻ, mỗi tháng, ngân hàng kiếm một khoản không nhỏ là 50 tỷ đồng. Tính ra con số này mới thấy, mặc dù chỉ lấy phí của khách hàng một ít nhưng các ngân hàng đã có nguồn thu lớn. Đây thực sự là con số thuyết phục của việc đầu tư dài hạn vào dịch vụ.

Tuy nhiên, đối với một bộ phận người sử dụng ATM chủ yếu là công nhân ở các khu công nghiệp, khu chế xuất, cán bộ hưu trí… đơn thuần là nhận lương nhưng lại có mức lương thấp với mức lương trên dưới 1 triệu đồng thì việc thu phí thế nào để người sử dụng không cảm thấy thiệt thòi cần phải tính toán.

Về cơ bản, việc sử dụng ATM là xu thế tất yếu khi các dịch vụ thanh toán bằng tiền mặt ngày càng phát triển. Và người dân chấp nhận việc trả phí để sử dụng dịch vụ. Tuy nhiên, tình trạng rắc rối tại những điểm giao dịch qua thẻ ATM đang là nỗi lo lắng và bất bình cho nhiều khách hàng. Chấp nhận mất phí, khách hàng được quyền đòi hỏi những dịch vụ tốt hơn. Thu được tiền, ngân hàng chắc phải đầu tư mạnh hơn cho dịch vụ này.
 

Cả nước hiện có hơn 30 ngân hàng tham gia thị trường thẻ với trên 130 thương hiệu thẻ khác nhau bao gồm thẻ ghi nợ nội địa, thẻ ghi nợ quốc tế, thẻ tín dụng nội địa, thẻ tín dụng quốc tế và thẻ trả trước.

Tính đến ngày 31/12/2007, tổng số thẻ phát hành đạt khoảng gần 10 triệu thẻ, bao gồm cả thẻ nội địa và thẻ quốc tế, tăng hơn 120% so với cùng kỳ năm 2006. Trong đó, thẻ nội địa chiếm 94,3% và thẻ quốc tế chiếm 5,7%. Hoạt động phát hành thẻ quốc tế, bao gồm cả thẻ tín dụng và thẻ ghi nợ, trong năm qua đã đạt mức tăng trưởng đáng kể với hơn 550 nghìn thẻ, tăng 83% so với năm 2006.

Cuối năm 2007, doanh số sử dụng thẻ nội địa đạt gần 118.000 tỷ đồng, tăng 137% so với năm 2006. Trong đó, doanh số rút tiền mặt chiếm tỷ trọng rất lớn trong khi việc thanh toán bằng thẻ tại các POS và ATM vẫn còn hạn chế. Doanh số sử dụng thẻ quốc tế năm 2007 cũng tiếp tục tăng trưởng mạnh, đạt hơn 6.300 tỷ VND, tăng 72% so với năm  2006.

  • Phước Hà

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,