Kiểm tra CPH Công ty MTS: Có đến 2 kết luận khác nhau
09:25' 17/11/2004 (GMT+7)

Sau gần một tháng kiểm tra (KT) quá trình cổ phần hóa (CPH)  Công ty trang thiết bị kỹ thuật y tế (gọi tắt là MTS) theo chỉ đạo của UBND TP.HCM, tổ KT quá trình CPH Công ty MTS đã có báo cáo kết quả kiểm tra về vấn đề này. Thế nhưng, có hai thành viên trong đoàn KT đã không thống nhất với báo cáo kết quả KT của tổ và có ngay một báo cáo kết quả KT ngược lại!

Tổ kiểm tra: quá trình CP hóa không sai qui định!

Trụ sở Công ty MTS.

Tổ KT gồm chín thành viên thuộc Sở Y tế, Chi cục Tài chính doanh nghiệp, Cục Thuế, Sở Nội vụ, Viện Kinh tế, Sở Kế hoạch - đầu tư và Ban Quản lý đổi mới doanh nghiệp TP. Tổ KT tập trung vào bảy vấn đề của quá trình CPH.

Nhận xét và kết luận của tổ KT về quá trình CPH ở Công ty MTS cho rằng tuy có kéo dài nhưng đã thực hiện đúng trình tự, qui định cho từng thời kỳ, tương thích với qui trình chuyển doanh nghiệp nhà nước thành công ty CP.

Theo tổ KT thì phương pháp, nguyên tắc và số liệu xác định giá trị doanh nghiệp CPH tại Công ty MTS được Hội đồng xác định giá trị doanh nghiệp TP xác định, thông qua biên bản ngày 13/6/2002, và không phải tính lại giá trị doanh nghiệp tại thời điểm mới là phù hợp.

Tổ KT cho rằng: “Việc ban Giám đốc và kế toán trưởng mua số lượng lớn CP là không phù hợp với khoản 3, điều 13 pháp lệnh chống tham nhũng (sửa đổi). Tuy nhiên, căn cứ theo NĐ 64/2002, tổ KT lại nhận xét: “Thực tế công tác CPH của TP cũng như cả nước đều không hạn chế việc những đối tượng của pháp lệnh chống tham nhũng chỉ được mua CP theo mức bình quân của các cổ đông trong DN”.

Vì thế, tổ KT cho rằng không thể kết luận ban giám đốc và kế toán trưởng đã tranh mua CP. Tuy nhiên, báo cáo của tổ KT cũng ghi nhận chỉ một nhóm người trong công ty luôn được phân bổ số lượng CP mua thêm khá cao, trong đó chín thành viên gồm giám đốc, Phó Giám đốc, kế toán trưởng và một số người khác đã mua tổng cộng 14.942 CP (chiếm 66,35% tổng CP bán theo giá sàn cho CBCNV công ty).

Tổ KT cũng nói thêm: “Nếu cần thẩm định nguồn gốc tài chính của nhóm mua nhiều CP thì thuộc thẩm quyền của cơ quan điều tra”. Kiểm tra vấn đề “có sự vận động nhằm làm cho người trực tiếp quản lý vốn nhà nước không trúng cử hội đồng quản trị”, theo tổ KT, “có dấu hiệu và hiện tượng, song chưa thể vin vào đấy mà nêu chứng cứ để kết luận”... Tiến trình đại hội cổ đông ngày 19/3/2004 tuy có bất đồng nhưng không sai Luật DN...

Báo cáo kết quả KT trên được thông qua toàn tổ KT ngày 3/11/2004, nhưng hai thành viên trong tổ KT đại diện cho Sở Y tế  là ông Nguyễn Xuân Cẩm - Phó Giám đốc Sở - và ông Lê Trúc Phương - chuyên viên Sở - không thống nhất, cùng ngày đã có ngay một báo cáo kết quả KT khác.

Sở Y tế: bộc lộ rõ dấu hiệu tham nhũng

Theo báo cáo KT của hai thành viên Sở Y tế, việc xác định giá trị doanh nghiệp, bán CP theo giá sàn trong nội bộ Công ty MTS không tuân thủ đúng các qui định pháp luật có hiệu lực tại thời điểm thực hiện.

Việc mua CP của ông Nguyễn Hoàng Phúc - giám đốc (2.113 CP), bà Nguyễn Thị Phụng - Phó Giám đốc (2.120 CP) và bà Đặng Thị Minh Châu - kế toán trưởng (1.017 CP)... đã vi phạm khoản 3, điều 13, pháp lệnh chống tham nhũng.

Theo hai thành viên này, NĐ 64/2002 không đề cập đến việc hạn chế quyền mua CP của cán bộ lãnh đạo DN thì không có nghĩa là những người này có quyền mua tùy thích, vì đã có qui định ở văn bản qui phạm pháp luật cao hơn là pháp lệnh chống tham nhũng.

Ngoài ra, đến nay cũng hoàn toàn không có văn bản nào của cơ quan có thẩm quyền cho phép thí điểm không thực hiện khoản 3, điều 13, pháp lệnh chống tham nhũng.

Về việc xác định giá trị DN, theo hai thành viên này, trên thực tế việc định giá Công ty MTS dựa trên cơ sở bảng giá tối thiểu dùng để tính thuế trước bạ được ban hành từ năm 1996 của UBND TP, trong khi Bộ Tài chính đã có TT 76/2002 và TT 79/2002 (có hiệu lực từ ngày 4/7/2002) để thay thế TT 104/1998. Việc vẫn lấy kết quả xác định giá trị DN theo TT 104 để công bố giá trị thực tế của Công ty MTS là không đúng.

Theo ông Cẩm và ông Phương, việc không xác định đúng giá trị DN sẽ phát sinh hiện tượng lợi dụng cơ chế CP hóa để nắm giữ các tài sản có giá trị nhằm tạo siêu lợi nhuận.

Việc Ban Quản lý đổi mới DN tại Công ty MTS tổ chức đăng ký mua CP trước khi giá trị DN và phương án CPH được phê duyệt là “tìm cách chia chác có lợi nhất rồi mới thực hiện CPH”, điều này là vi phạm qui trình tiến hành CPH.

Đặc biệt, có một vấn đề bất thường mà hai thành viên của Sở Y tế đưa ra là tuy chưa tiến hành KT Công ty MTS nhưng tổ KT đã tổ chức họp thông qua dự thảo báo cáo KT công ty này (!?).

Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cũng thống nhất với bản báo cáo của hai thành viên thuộc sở, và ngày 12/11/2004 có văn bản gửi Thường trực UBND TP.HCM khẳng định quá trình CPH Công ty MTS đã bộc lộ rõ dấu hiệu tham nhũng qua việc một số người có trách nhiệm trong Công ty MTS lợi dụng chức vụ, quyền hạn, cơ chế CPH, vi phạm điều cấm của pháp luật để vụ lợi; đề nghị hủy bỏ việc CPH Công ty MTS để ổn định nhân sự.

Sở Y tế cũng cho rằng việc có dự thảo báo cáo KT trước khi tiến hành KT là không khách quan, có ý định từ trước và cần làm rõ đối với hoạt động của tổ KTquá trình CPH Công ty MTS.

(Theo Tuổi Trẻ)

Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Cổ phần hóa hay là... ra đi? (11/11/2004)
Không để lợi dụng mô hình "mẹ - con" nhằm "trốn" CPH (02/11/2004)
Các tổng công ty mong muốn gì? (02/11/2004)
Cải tổ mô hình tổng công ty nhà nước (02/11/2004)
Bộ Công nghiệp tăng tốc cổ phần hóa (01/11/2004)
CPH ở Cần Thơ chậm vì giám đốc sợ mất quyền lợi (29/10/2004)
Kiên quyết không để CPH khép kín (26/10/2004)
Cải cách DNNN: Động lực cần đặt vào bên trong (22/10/2004)
Vất vả cổ phần hóa DN thua lỗ (21/10/2004)
Cổ phần hóa khép kín? (20/10/2004)
Cổ phần hóa May 10: Nhà nước giữ 51% cổ phần (08/10/2004)
Cổ phần hóa - bước tiến hình thành Tập đoàn BCVT (03/10/2004)
CPH hàng loạt các nhà máy nhựa (30/09/2004)
Hà Nội gỡ rối, đẩy nhanh cổ phần hóa (30/09/2004)
Xem tiep Tro ve dau trang