Thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước
Tính giá đất vào vốn: DN phải đổi chiến lược kinh doanh
15:37' 19/11/2004 (GMT+7)

Từ trước tới nay, vốn Nhà nước thất thoát nhiều do bán cổ phần nội bộ, nay nếu bảng giá đất mới không sát thị trường, thì thêm một lần nữa tài sản Nhà nước tiếp tục bị mất.

Soạn: AM 199597 gửi đến 996 để nhận ảnh này qua MMS

Các công ty cổ phần đang ngồi trên “đống lửa” vì không biết diện tích đất mình đang sử dụng sẽ được tính theo giá nào.

Theo Nghị định 181 (có hiệu lực từ ngày 16-11), quyền sử dụng đất (QSDĐ) của doanh nghiệp (DN) Nhà nước do được giao, thuê, nhận là tài sản của Nhà nước tại DN, phải được tính vào giá trị tài sản khi cổ phần hóa (CPH). Giá trị được xác định phải sát với giá chuyển nhượng QSDĐ thực tế trên thị trường nhưng không thấp hơn giá do UBND tỉnh, TP trực thuộc Trung ương quy định tại thời điểm CPH. Thế nhưng đến nay các DN Nhà nước đang tiến hành CPH vẫn lo lắng vì chưa biết mặt bằng đất đang sử dụng sẽ được định đoạt như thế nào.

“Ôm” nhiều đất để kiếm chênh lệch

Bà Nguyễn Thị Hồng, Giám đốc Sở Tài chính TPHCM, nói: Việc điều chỉnh khung giá đất lên sát thị trường sẽ ảnh hưởng hàng loạt đến các loại hình quản lý đất đai, như: tiền đền bù giải tỏa mặt bằng, thuế chuyển QSDĐ, định giá tài sản DN... Để tránh gây sốc cho DN khi tăng giá đất mới, Ban Chỉ đạo xây dựng bảng giá đất đã đề nghị UBND TPHCM kiến nghị lên Chính phủ cho phép TP xây dựng khung giá đất theo lộ trình trong khoảng từ 3 – 5 năm. Từ 1-1-2005 sẽ điều chỉnh tăng bảng giá lên từ 2 – 10 lần so với khung giá trong Quyết định 05. Sau đó sẽ điều chỉnh tăng dần lên để tiếp cận mức giá thị trường trong điều kiện bình thường (không đột biến). Tuy nhiên vì chưa có nghị định và thông tư hướng dẫn nên đến nay UBND TP vẫn chưa quyết định chính thức.

Hiện các DN quốc doanh và DN đã CPH đang thuê đất tính theo khung giá Quyết định 05, do UBND TP ban hành cách đây gần 10 năm, nó đã lạc hậu hơn hàng chục lần (thậm chí trên trăm lần) so với giá chuyển nhượng đất thực tế trên thị trường. Ông Nguyễn Thiềng Đức, Viện Kinh tế TPHCM, nói do giá thuê quá rẻ nên nhiều DN dù không sử dụng hết diện tích cũng cố ôm thật nhiều để bỏ không hoặc cho thuê lại kiếm chênh lệch giá. Điều đó dẫn đến bất công vì có rất nhiều DN (đặc biệt là DN tư nhân) thiếu mặt bằng kinh doanh, sản xuất. Được biết, năm 2004, Công ty Công nghiệp Cao su (TPHCM) tiến hành CPH, giá trị tài sản DN được xác định 30 tỉ đồng (không tính đất). Theo bản công bố thông tin trước khi bán đấu giá cổ phần ra bên ngoài thì trong 4 năm qua công ty đạt doanh thu bình quân 16,3 tỉ đồng/năm, lợi nhuận sau thuế trung bình 471,5 triệu đồng/năm và tỉ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu chỉ đạt bình quân 1,45%/năm. Trong lúc đó, công ty hiện sử dụng 6 khu đất với tổng diện tích 53.979 m2 (gần 5,4 ha) tại quận 5, Tân Bình và Thủ Đức (TPHCM). Đây là những vị trí “ngon” nên giá thị trường rất đắt. Nếu tính theo giá chuyển nhượng thực tế thì các lô đất này trị giá hàng trăm tỉ đồng nhưng từ trước tới nay Nhà nước thu lợi rất ít từ nguồn tài sản đặc biệt này, gây lãng phí lớn.

Tài sản Nhà nước tiếp tục bị mất

Từ trước tới nay, vốn Nhà nước đã bị thất thoát lớn do hội đồng định giá tài sản DN để bán cổ phần cho người nội bộ DN. Nay, nếu bảng giá đất quy định mới không sát thị trường thì lại thêm một lần nữa tài sản của Nhà nước tiếp tục bị mất. Được biết, UBND TPHCM đang chuẩn bị ban hành khung giá đất mới để công bố vào đầu năm 2005. Nếu bảng giá quy định sát với thị trường như tinh thần Nghị định 181 thì có nghĩa giá mới sẽ cao gấp hàng chục lần so với bảng giá quy định trong Quyết định 05. Theo ông Nguyễn Thiềng Đức, khi đưa giá trị đất vào vốn thì các DN phải tính toán để quản lý vừa sức, nhằm tăng hiệu quả sử dụng đồng vốn, số diện tích “thừa”, DN sẽ “nhả” ra để Nhà nước điều tiết cho người khác. Tuy nhiên, nếu giá đất quá rẻ thì sẽ xuất hiện tình trạng mua - bán để kiếm chênh lệch địa tô, sẽ làm giàu thêm cho những người nhiều cổ phần.

Việc đưa giá trị đất vào vốn khi CPH sẽ làm tăng tài sản DN lên nhiều lần so với cách định giá hiện nay. Nhiều người lo lắng lúc đó sẽ xuất hiện tình trạng khó bán cổ phần, giá thành sản phẩm DN làm ra sẽ tăng thêm... Nhưng theo ông Bùi Kế Thiện, kế toán trưởng Công ty Công nghiệp Cao su, khi QSDĐ được tính vào giá trị DN sẽ buộc DN phải tính toán chiến lược kinh doanh cho hiệu quả.

 

Ông Hoàng Nguyên Học - Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính:

DN được quyền lựa chọn mua hoặc thuê đất

Nếu DN chọn thuê đất thì không tính giá trị QSDĐ vào giá trị DN khi CPH. Nếu DN nhận giao đất thì phải tính giá trị QSDĐ vào giá trị DN khi CPH. Giá trị QSDĐ tính vào giá trị DN là giá do UBND các tỉnh, thành trực thuộc Trung ương quy định sát với giá chuyển nhượng QSDĐ thực tế trên thị trường và được công bố vào ngày 1-1 hằng năm. Đối với diện tích đất Nhà nước đã giao cho DN xây dựng nhà để bán hoặc cho thuê; xây dựng kết cấu hạ tầng để chuyển nhượng hoặc cho thuê thì phải tính giá trị QSDĐ vào giá trị DN khi CPH. CPH là việc Nhà nước chuyển các DN Nhà nước thành các công ty cổ phần, trong đó tài sản của Nhà nước sẽ chuyển thành các cổ phần để huy động vốn theo nguyên tắc kinh tế thị trường. Vì vậy việc định giá đất của các DN này cũng phải thực hiện theo giá thị trường và theo Luật Đất đai mới ban hành. Các DN này sẽ không bị tác động nhiều vì DN có quyền lựa chọn thuê đất làm như cũ hoặc mua cả QSDĐ.

 (Theo Người Lao Động)

Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Đan Mạch cam kết ủng hộ VN gia nhập WTO (19/11/2004)
Đổi mới phân phối lợi nhuận của DNNN (18/11/2004)
Kiểm tra CPH Công ty MTS: Có đến 2 kết luận khác nhau (17/11/2004)
Cổ phần hóa hay là... ra đi? (11/11/2004)
Không để lợi dụng mô hình "mẹ - con" nhằm "trốn" CPH (02/11/2004)
Các tổng công ty mong muốn gì? (02/11/2004)
Cải tổ mô hình tổng công ty nhà nước (02/11/2004)
Bộ Công nghiệp tăng tốc cổ phần hóa (01/11/2004)
CPH ở Cần Thơ chậm vì giám đốc sợ mất quyền lợi (29/10/2004)
Kiên quyết không để CPH khép kín (26/10/2004)
Cải cách DNNN: Động lực cần đặt vào bên trong (22/10/2004)
Vất vả cổ phần hóa DN thua lỗ (21/10/2004)
Cổ phần hóa khép kín? (20/10/2004)
Cổ phần hóa May 10: Nhà nước giữ 51% cổ phần (08/10/2004)
Xem tiep Tro ve dau trang