Tổng Công ty Điện lực VN: Hạ giá mua, tăng giá bán?
09:32' 14/05/2004 (GMT+7)

(VietNamNet) - Từ ngày 1/7/2004, Tổng Công ty Điện lực Việt Nam (EVN) sẽ ưu tiên mua điện của những đơn vị bán với giá thấp nhất. Tuy nhiên, giá điện EVN bán ra lại chỉ tăng, không có giảm...

Tổng Giám đốc EVN Đào Văn Hưng.

- PV: Trước sức ép tăng giá của một số nguyên liệu đầu vào, nhiều ý kiến cho rằng ngành điện đang rục rịch tăng giá?

- Ông Đào Văn Hưng: Ngành điện 3 năm nay không tăng giá và tôi xin khẳng định lại trong năm 2004 giá điện cũng sẽ không tăng. Lộ trình tăng giá điện Tổng Công ty đã trình Chính phủ, theo đó đến năm 2005 sẽ tăng 7 cent/kwh.

- Việc không tăng giá điện trong năm 2004 có phải do phản ứng từ phía người tiêu dùng, thưa ông?

- Là một DN nhà nước cho nên chúng tôi phải có trách nhiệm đối với Nhà nước. Trách nhiệm đó là phải lắng nghe ý kiến của khách hàng, rồi cân đối tài chính của Tổng Công ty. Việc tăng giá điện không phải là ý kiến chủ quan của Tổng Công ty Điện lực VN, mà là một nhu cầu tất yếu để phát triển ngành điện. Nếu xem xét một cách tổng thể, trong giai đoạn này dù không tăng giá thì ngành điện vẫn có lãi. Tuy nhiên, với nhu cầu đầu tư lớn như hiện nay thì cần phải huy động rất nhiều nguồn, trong đó tăng giá điện góp 10-15% vào nguồn vốn này. Nếu mình vẫn còn tự chủ về tài chính trong một thời gian để đáp ứng được nhu cầu đầu tư, thì việc điều chỉnh giá điện chúng tôi sẽ có báo cáo lên Chính phủ.

- Thế nhưng ngành điện vẫn thể hiện độc quyền khi nhiều lần rục rịch đòi tăng giá bán điện?

- Thực tế trên thị trường ngành điện không phải là ngành còn độc quyền nữa vì đã có rất nhiều DN bán điện rồi. Hiện nay ở tại Việt Nam, ngoài EVN còn có 32 nhà máy điện bên ngoài, trong đó có một số nhà máy điện đã được bán trực tiếp cho khách hàng. Tuy nhiên do dịch vụ bán trực tiếp này không có lãi, bởi giá bán điện sinh hoạt cho nhân dân rất thấp, trong khi chi phí quản lý lại cao, cho nên các nhà máy này đều muốn bán cho ngành điện.

Hơn nữa trong việc xây dựng các nhà máy điện để bán điện, tất cả các đơn vị trên toàn quốc đều có quyền xây dựng nếu xét thấy dự án khả thi và được các cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép. EVN cũng khuyến khích các DN VN tham gia vào lĩnh vực này, bởi bản thân ngành điện hiện nay không đủ vốn, đủ sức để xây dựng tất cả các nhà máy. Mà theo nhu cầu thì 1 năm phải có được một nhà máy lớn như thủy điện Hòa Bình.

- Trên thực tế, giá điện hiện nay vẫn do EVN lập phương án quyết định?

- Hiện nay có rất nhiều DN có đơn giá khác nhau rồi bán cho EVN. Việc mua bán điện đối với các nhà máy phát điện thì không có một ràng buộc nào cả, nhưng bán cho dân thì Nhà nước quy định mức giá điện chứ không phải do EVN quyết định. EVN chỉ có trách nhiệm xây dựng và trình cho  Bộ Công nghiệp, Bộ Tài chính... xem xét, báo cáo lên Chính phủ. Từ 1/7/2004, ngành điện sẽ thực hiện chào giá cạnh tranh giữa các nhà máy điện trong EVN. Dự kiến đến đầu năm 2005, EVN sẽ đề nghị được chào giá cạnh tranh trong phạm vi toàn quốc, đơn vị nào bán giá thấp sẽ được ưu tiên mua trước. Đây là biện pháp công bằng nhất trong việc mua bán.

- Ngành điện năm nào cũng lãi nhưng tại sao giá điện không bao giờ được điều chỉnh thấp xuống mà lại cứ tăng lên?

- Đúng là ngành điện năm nào cũng lãi, nhưng lãi rất thấp so với nhu cầu chỉ tiêu kinh tế của một DN. Đúng ra, tỷ suất lợi nhuận đó phải bằng hoặc cao hơn lãi suất ngân hàng thì mới đảm bảo cho DN phát triển, nhưng hiện nay tỷ suất lợi nhuận của EVN chỉ có 5%. Hơn nữa những năm gần đây, nguyên liệu đầu vào của ngành điện bị tác động rất nhiều bởi sự trượt giá, lạm phát...

Trở lại việc tại sao cứ phải tính giá điện tăng lên mà không tính giá giảm xuống. Thực ra đây là quy luật phát triển kinh tế bị chi phối, nếu bây giờ mình muốn xuống cũng không thể xuống được. Mặt bằng giá điện khởi đầu lại được xây dựng rất thấp. So sánh giá điện, than, gạo... và một số giá năng lượng khác ở Việt Nam thì giá điện tăng còn ít, chỉ bằng 1/10 so với giá than. Cũng có ý kiến cho rằng, mỗi lần ngành điện tăng giá là lại tăng lương, nhưng thực chất ngành điện không ăn lương theo giá điện mà ăn lương theo sản phẩm, theo năng suất lao động đã được Bộ LĐTB&XH phê duyệt.

  • Văn Tiến (ghi)
  Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Chưa tăng giá than đối với những ngành tiêu thụ lớn (13/05/2004)
Làn sóng đầu tư dự án thủy điện nhỏ (13/05/2004)
Triển lãm thiết bị sản xuất nhựa, in ấn... (12/05/2004)
Bưu điện không được làm dịch vụ thanh toán (12/05/2004)
Nhà máy đúc ống gang cầu lớn nhất Việt Nam (11/05/2004)
Đà Nẵng: xuất khẩu bao PP sang Nhật (08/05/2004)
Vasco sẽ có chuyến bay đầu tiên vào cuối tuần này (07/05/2004)
Khai trương liên doanh sản xuất cần cẩu tại Bình Dương (07/05/2004)
Thành lập Tổng Công ty Vận tải Hà Nội (07/05/2004)
Nhiều DN sản xuất giấy đang thua lỗ (05/05/2004)
Hỗ trợ Đắc Nông phát triển thủy điện và du lịch (04/05/2004)
Đồng Nai: Thêm một KCN đi vào hoạt động (29/04/2004)
TP.HCM quyết tâm phát triển ngành công nghiệp ô tô (28/04/2004)
Giấy Sài Gòn thêm nhà máy 60.000 tấn/năm (28/04/2004)
Xem tiep Tro ve dau trang