(VietNamNet) - Chậm trễ trong việc xây dựng nguồn phát đang làm tăng nguy cơ thiếu điện ở miền Bắc trong năm 2006.
|
Nhiều dự án điện đã không thực hiện đúng kế hoạch. (Ảnh minh họa). |
Theo kế hoạch, năm 2004, Tổng Công ty Điện lực Việt Nam (EVN) cần phải khởi công xây dựng 10 nhà máy điện, tuy nhiên, sau 7 tháng qua, mới chỉ có 2 dự án được khởi công. Các công trình bị trượt khỏi kế hoạch với nhiều lý do. Thủy điện Bản Vẽ chậm 3 tháng do tư vấn thiết kế kỹ thuật, Nhà máy nhiệt điện Hải Phòng phải tiến hành đấu thầu lại....
Công việc của EVN từ nay đến cuối năm rất nặng nề, phải khởi công bằng được 5 dự án nguồn phát điện nữa là Nhiệt điện Quảng Ninh (600MW), Thủy điện Sê San 4 (360MW), Thủy điện Buôn Tuasrah (85MW), Thủy điện Đồng Nai 3 và Đồng Nai 4. Theo EVN, có những dự án vô cùng quan trọng trong việc "cứu" hệ thống điện miền Bắc khỏi bị thiếu điện vào năm 2006 lại chưa được khởi công, chẳng hạn như Dự án nhiệt điện Quảng Ninh. Như vậy, khả năng thiếu điện miền Bắc vào thời điểm nêu trên sẽ càng trầm trọng hơn. Vì thế, EVN đang xin cơ chế chỉ định thầu cho Dự án Quảng Ninh để kịp khởi công trong năm nay, vì nếu làm theo phương án đấu thầu sẽ chậm ít nhất 3 - 6 tháng. Bên cạnh đó, EVN đang đôn đốc nhằm khẩn trương xây dựng Nhà máy nhiệt điện Uông Bí mở rộng (300MW), khởi công Nhà máy nhiệt điện Hải Phòng trong năm 2004 và Thủy điện Sơn La đúng thời hạn, vào tháng 10 năm sau.
Thừa nhận rằng, có những trở ngại cho các công trình nguồn, khó có thể khởi công được đúng theo kế hoạch, nên một lãnh đạo của EVN cho biết, phải tiến hành song song việc "cứu" hệ thống điện miền Bắc bằng cách đưa điện từ miền Nam ra. EVN đang xây dựng đường dây 500KV mạch 2 đưa điện từ miền Nam ra miền Bắc cũng vì mục đích này.
EVN cho biết, nhu cầu điện ở VN tăng khó dự báo trước được, hiện ngành điện đang phải chạy đuổi theo phụ tải, nhất là trong những ngày nắng nóng. Riêng trong tháng 7, điện sinh hoạt tăng cao, sản lượng điện phát trong tháng bình quân đạt 133,7 triệu kWh/ngày. Có thời điểm, công suất sử dụng điện tối đa của hệ thống lên tới 7.800MW, xấp xỉ công suất toàn bộ hệ thống hiện có. Trước đó, theo dự báo của ngành điện, mức sử dụng điện cao nhất của mùa nóng mới chỉ vào khoảng 7.600MW, thấp hơn mức công suất của hệ thống khoảng 5-6%. EVN đã phải tăng sản lượng điện mua của các nhà máy ngoài hệ thống Tổng Công ty gấp 3,6 lần so với cùng kỳ năm trước. Tổng sơ đồ phát triển điện đã từng phải điều chỉnh lại vì sự tăng đến bất ngờ của nhu cầu điện. Trước đây, dự báo phải đến năm 2005 nhu cầu điện mới đạt 46 tỷ kWh, nhưng thực tế, đến nay do kinh tế phát triển, năm 2004 đã đạt đến con số 46,5 tỷ kWh.
Nếu không nhanh chóng điều chỉnh kịp thời, xây dựng những cơ chế thông thoáng hơn để sớm khởi công và vận hành các nhà máy điện, thì Việt Nam có thể lâm vào tình trạng thiếu điện, nghiêm trọng không khác gì vấn đề mà Trung Quốc đang phải trải qua.
|