Cảnh báo nguy cơ cạn kiệt nguồn hải sản
06:29' 27/04/2005 (GMT+7)

(VietNamNet) - Trong khi chúng ta đang nỗ lực đánh bắt, nuôi trồng thuỷ sản để đẩy mạnh xuất khẩu thì cùng với đó, nguy cơ cạn kiệt nguồn lợi biển đang lớn dần.

Khai thác ven bờ tại Thanh Hoá. (Ảnh Nguyên Vũ).

Tại Hội nghị chiến lược cho quản lý thuỷ sản và phát triển nghề khai thác cá biển, (do Bộ Thuỷ sản tổ chức hôm 26/4, tại Hà Nội), ông Vũ Văn Triệu, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, cho biết, để đạt tốc độ tăng trưởng ngành 11,2%, trước hết trong 5 năm tới, Việt Nam cần duy trì ổn định lượng khai thác cá biển như hiện nay là 1,7 triệu tấn/năm; đồng thời phấn đấu đến năm 2010, sản lượng nuôi trồng thuỷ sản đạt 2 triệu tấn.

Song, đi cùng với việc đạt mục tiêu tăng trưởng là những nguy cơ cạn kiệt đang đe dọa tới sự phát triển của ngành. Trong vòng 10 năm (1994-2004), tổng công suất máy tàu tăng từ 1,44 triệu CV lên 4,7 triệu CV, gấp 3,3 lần nhưng sản lượng khai thác chỉ tăng từ 848.000 tấn lên 1,7 triệu tấn, tăng có 1,96 lần. Điều này có nghĩa, sản lượng khai thác của một mã lực bị giảm sút liên tục, từ 0,61 tấn/CV/năm xuống còn 0,36 tấn/CV/năm. Số lượng lao động nghề cá cũng tăng tới gần 100%, nhưng học vấn rất thấp (68% chưa tốt nghiệp tiểu học).

Nghề cá hiện là một trong những ngành phát triển nhanh nhất và năng động nhất của nền kinh tế Việt Nam. Trong thời kỳ 1990-2004, tổng sản phẩm đánh bắt và nuôi trồng tăng gần 2,9 lần, đạt đến hơn 3 triệu tấn và giá trị xuất khẩu tăng gần 12 lần, đạt 2,4 tỷ USD năm 2004.

Không chỉ thế, ta chủ yếu mới khai thác nguồn lợi thuỷ sản gần bờ. Trong khi sản lượng khai thác bền vững ở vùng nước có độ sâu nhỏ hơn 50m ước tính chỉ khoảng 600.000 tấn, thì hiện Việt Nam đã đạt mức khai thác 1,1 triệu tấn. Điều này cho thấy sức ép khai thác quá lớn. Trên thực tế, khoảng 7 năm về trước, sản lượng khai thác ven bờ đã vượt mức cho phép và cứ tiếp tục tăng lên.

Bên cạnh đó, nguồn lợi thuỷ sản ven bờ không chỉ chịu ảnh hưởng của các hoạt động đánh bắt, mà còn bị tác động của nuôi trồng, với diện tích ngày càng tăng, từ khoảng 500.000 ha (1990) lên 955.000ha (2003).

Còn trên thế giới, theo ông Anton Rychener, đại diện FAO tại Việt Nam, nhu cầu tiêu thụ thuỷ sản ngày càng tăng cùng với sự gia tăng dân số. Cá cung cấp ít nhất 1/5 nhu cầu đạm cho hơn 2,6 tỷ người. Hàng triệu hộ gia đình có thu nhập trực tiếp hoặc gián tiếp từ nghề đánh bắt thuỷ sản. Kết quả là, 52% trữ lượng đã bị khai thác hoàn toàn, 16% bị khai thác quá mức, 8% bị cạn kiệt do việc đánh bắt thâm canh và quản lý nguồn tài nguyên biển không thích hợp.

Ông Anton Rychener cho rằng, tại Việt Nam, cường độ đánh bắt vẫn tiếp tục tăng, nhưng sản lượng tính theo đơn vị đánh bắt lại giảm. Khoản thu được từ các hoạt động đánh bắt ngày càng giảm và đôi khi không đủ để bù chi. Nguồn lợi vùng ven bờ đang bị khai thác quá mức, xảy ra sự mất cân đối lớn và có những hoạt động khai thác bất hợp pháp. Trong khi đó, Việt Nam lại chưa tận dụng hết tiềm năng nguồn lợi hải sản xa bờ.

Tại hội nghị, các đại biểu đã cùng thảo luận để hoàn thiện dự thảo chiến lược nhằm quản lý và phát triển nghề cá biển bền vững tại Việt Nam trong 10 năm tới. Theo đó, điều chỉnh khai thác vùng ven bờ hợp lý, khôi phục và bảo tồn nguồn lợi nghề cá ven bờ cũng như hệ sinh thái của chúng, nâng cao mức sống của cộng đồng sống phụ thuộc vào nguồn lợi ven bờ...

  • H.Yên

  Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Tôm Thái Lan,Ấn Độ được xét lại mức thuế phá giá (26/04/2005)
Nhập thiết bị kiểm tra chất Green Malachite (23/04/2005)
Sẽ thiếu hơn 200.000 tấn phân bón nếu DN ngưng nhập khẩu (17/04/2005)
Mắm Phú Quốc được đóng chai tại TP.HCM thêm 3 năm (16/04/2005)
Xuất khẩu tôm vào Mỹ: Phải "đặt cọc" hàng chục triệu USD (15/04/2005)
WTO đe doạ sinh kế của nông dân các nước nghèo (13/04/2005)
Xuất khẩu cá tra, basa phải đúng tên sản phẩm (11/04/2005)
Khánh thành 5 nhà máy tại trung tâm điện lực Phú Mỹ (10/04/2005)
TQ bỏ hỗ trợ xuất khẩu thép, VN khó nhập phôi (08/04/2005)
Tốc độ tăng trưởng sản phẩm công nghiệp thấp (08/04/2005)
Phân bón tăng giá nhưng không "sốt" (07/04/2005)
SEAFDEC giúp VN phát triển nghề cá bền vững (06/04/2005)
Cần Quỹ đầu tư mạo hiểm đểđổi mới công nghệ dệt may (03/03/2005)
Giá thép sẽ lại tăng? (17/02/2005)
Xem tiep Tro ve dau trang