(VietNamNet) - Bộ Thuỷ sản cho biết, đối với những HTX thuỷ sản thực sự yếu kém, không có khả năng củng cố tổ chức lại thì giải thể, chuyển đổi sở hữu tài sản cho các tổ chức, cá nhân có khả năng quản lý và có nhu cầu thực sự.
|
Các HTX yếu kém chủ yếu là trong lĩnh vực khai thác hải sản. |
Đó là những HTX mà năng lực quản lý của cán bộ quá yếu, lao động không đáp ứng được yêu cầu của nghề nghiệp, không đủ số lượng xã viên tối thiểu theo quy định, xã viên không đóng cổ phần, HTX đã ngừng hoạt động, HTX chỉ là hình thức, tồn tại trên danh nghĩa... Việc giải thể những HTX yếu kém này tuân theo quy định của Luật HTX và Điều lệ HTX.
Theo Bộ Thuỷ sản, đến cuối năm 2004, toàn ngành có khoảng 637 HTX, với tổng số lao động gần 26.000 người. Trong đó, số HTX yếu kém chiếm 59%, chủ yếu trong lĩnh vực khai thác hải sản; số HTX trung bình chiếm 30% và số HTX khá 11%. Khoảng 40% HTX sản xuất - kinh doanh có hiệu quả nhưng tỷ lệ trả nợ Nhà nước đạt thấp, không đạt kế hoạch trả nợ. Một số địa phương HTX yếu kém lâm vào tình trạng giải thể, phá sản nhiều như Cà Mau, Quảng Ninh.
Trong thời gian từ 1997-2001, hầu hết các HTX khai thác hải sản được thành lập mới hàng loạt nhằm mục đích vay được vốn ưu đãi đóng tàu khai thác hải sản xa bờ của Nhà nước. Do vậy, các HTX đã không tính toán đầy đủ và chuẩn bị tốt các điều kiện như trình độ kỹ thuật, hiểu biết về ngư trường, khả năng quản lý; cộng với khó khăn về vốn lưu động, nên sản xuất kinh doanh kém hiệu quả, thua lỗ, trả nợ nhà nước đạt thấp, xã viên tự ý bỏ HTX.
Đến nay, nhiều HTX ở Thanh Hóa, Thái Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh... không bảo đảm đủ xã viên theo quy định của Luật HTX. Một số tỉnh Nam bộ, đặc biệt là Cà Mau, vay vốn ưu đãi khắc phục hậu quả cơn bão số 5 (11/1997) thành lập HTX dịch vụ khai thác thủy sản nhưng đến nay, hầu hết các HTX đều không hoạt động và đang trong quá trình giải thể.
Không những thế, các HTX còn có tư tưởng ỷ lại, trông chờ bao cấp của Nhà nước là rất nặng nề, mà tình trạng phổ biến là xã viên không đóng cổ phần, vốn tự có của HTX không đáng kể. Xã viên không ký cam kết trách nhiệm về kinh tế với HTX. Khoản vốn vay của Nhà nước do chủ nhiệm HTX là người đại diện nên không có gì ràng buộc xã viên với HTX. Vì vậy, xã viên không gắn bó với HTX, làm ăn được thì ở, làm ăn thua lỗ thì bỏ.
Hầu hết các HTX không có sổ sách kế toán, không ghi chép, hạch toán theo Luật thống kê, kế toán; việc ghi chép của các HTX theo kiểu sổ chợ (chỉ ghi chi phí sản xuất hàng ngày và doanh thu). HTX chỉ coi trọng lợi ích của xã viên, lao động mà coi nhẹ việc trả nợ cho Nhà nước và không trích lập các loại quỹ theo quy định của Luật HTX. Cho nên, đa số HTX khai thác hải sản, sau khi trừ chi phí sản xuất (dầu, nước đá, muối, thực phẩm, sửa chữa nhỏ… ), phần còn lại doanh thu đều chia hết cho lao động.
|