Tìm cơ chế đẩy mạnh XK tôm vào Mỹ
17:12' 26/05/2005 (GMT+7)

(VietNamNet) - Trước tình hình xuất khẩu tôm vào Mỹ gặp khó vì khoản tiền ký quỹ (bond), lãnh đạo Bộ Thủy sản, Bộ Thương mại, đại diện VASEP dự định sẽ kiến nghị Chính phủ có biện pháp quyết liệt hơn để giúp DN.

Chế biến tôm xuất khẩu tại Sóc Trăng. Ảnh Hà Yên.

Theo đó, Bộ Thuỷ sản mong muốn Chính phủ tiếp tục chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có cơ chế bảo lãnh mua bond (khoản tiền ký quỹ, đóng trước một năm đối với các DN bị áp thuế chống bán phá giá) cho các DN Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ để bán hàng theo DDP (Duty Dumping Paid), với tỷ lệ 50:50 (phía Việt Nam chịu một nửa, các nhà nhập khẩu Mỹ chịu một nửa). Điều này có nghĩa là, với số vốn danh nghĩa, NHNN sẽ đứng ra bảo lãnh, mở L/C, yêu cầu ngân hàng nước ngoài tái bảo lãnh, làm việc với các công ty bảo hiểm Mỹ.

Theo một quan chức của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), việc này hoàn toàn khả thi vì đây không phải là việc kinh doanh, mà chỉ là việc đóng trước một khoản tiền (danh nghĩa) do sự thay đổi về chính sách của phía Mỹ. Hơn nữa, việc Hải quan Mỹ yêu cầu các DN đóng thuế trước 1 năm là việc làm hoàn toàn trái với thông lệ quốc tế. 

Trước đây, việc NHNN bảo lãnh cho DN thuỷ sản Việt Nam có công ty con tại Mỹ đã được làm thí điểm đối với Công ty Minh Phú, song lại đang gặp rắc rối. Khi NHNN đồng ý bảo lãnh và ngân hàng Mỹ đồng ý tái bảo lãnh thì Công ty bảo hiểm mà Hải quan Hoa Kỳ chỉ định bán bond lại không chịu bán bond cho Minh Phú (công ty này muốn các DN nhập khẩu thuỷ sản Hoa Kỳ phải mua khoản bond này, nhưng phía Mỹ lại tránh vì sợ rủi ro). Đến nay, một số DN Việt Nam khác cũng chấp nhận xuất tôm theo phương thức DDP đều gặp khó khăn về việc mua bond.

Hiện các nhà nhập khẩu lớn của Mỹ vẫn mua theo phương thức CNF, nhưng yêu cầu DN Việt Nam phải chuẩn bị review tốt và họ sẽ cử luật sư giám sát việc chuẩn bị review của các công ty đối tác phía Việt Nam.

Tháo gỡ những khó khăn do khoản tiền ký quỹ gây ra là việc làm quan trọng, gấp rút hiện nay để đẩy mạnh xuất khẩu tôm sang thị trường Mỹ, nhất là khi chính các DN Mỹ cũng có nhu cầu (vì trong kho đã cạn dần) và các tỉnh ĐBSCL sắp bước vào vụ thu hoạch tôm mới.

Lãnh đạo Vụ Kế hoạch - Tài chính (Bộ Thuỷ sản) cho biết, hiện việc xuất tôm vào Mỹ đang rất khó khăn nên giá trị kim ngạch vào thị trường này liên tục giảm so với các tháng cùng kỳ.

Tháng Giảm về số lượng (%) Giảm về giá trị (%)
1/2005 47,9 42,1
2 46,2 44,5
3 33,4 30,8
4 36,3 35,9

Không những thế, khó khăn từ thị trường Mỹ đã tác động dây chuyền đến các thị trường khác, đặc biệt là việc các DN Việt Nam bị ép giá bán, tạo ra mặt bằng giá thấp. Hiện tôm sú vỏ 16-20 xuất vào Nhật Bản giảm còn 10 USD/kg và đang tiếp tục giảm xuống, trong khi mức thấp của năm ngoái là 11,5 USD/kg (giảm khoảng 14-15%). Vì vậy, đã tác động mạnh đến giá thu mua nguyên liệu tôm. Tại Sóc Trăng, tôm cỡ to 30 con/kg giá khoảng 85.000-90.000 đồng/kg. Trong khi đó, chỉ còn khoảng 1 tháng nữa các tỉnh ĐBSCL sẽ vào vụ thu hoạch rộ. Khi đó, giá tôm sẽ tiếp tục hạ nếu không có các giải pháp kịp thời.

Trước khó khăn của thị trường Mỹ, các DN đang nỗ lực tăng cường xuất khẩu tôm vào các thị trường khác, như EU, 4 tháng đầu năm tăng 143%; Trung Quốc + Hồng Kông tăng 21%; Nhật Bản tăng 8,5%... Tuy nhiên, việc tăng cường xuất khẩu vào những thị trường nhạy cảm như EU cần được xem xét thận trọng, nếu không sẽ dễ bị đưa ra rào cản thương mại để ngăn chặn. Bên cạnh đó, chúng ta cũng đang bị sức ép từ phía Ấn Độ vì nước này thu hoạch sớm hơn và luôn chào bán tôm với giá rẻ.

Bộ Thuỷ sản yêu cầu, để tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu tôm, đặc biệt là vào thị trường Mỹ, cần khẩn trương tiến hành các hoạt động chuẩn bị review.

Bên cạnh việc tăng cường công tác tiếp thị và sản xuất mặt hàng giá trị gia tăng để tăng thị phần xuất hàng vào các thị trường lớn như EU, Nhật Bản, Bộ trưởng Tạ Quang Ngọc cho rằng, cần mở rộng thị trường xuất khẩu sang các nước và khu vực mới, hoặc nước có thị phần thấp, tránh tập trung quá lớn vào thị trường EU hoặc một số thị trường dễ bị các nước này sử dụng biện pháp hạn chế thương mại như kiện bán phá giá hay các rào cản khác.

Đồng thời, triển khai xúc tiến tại các thị trường mới, như các nước Đông Âu, Nga, Nam Phi, Trung Đông... và mở rộng thị trường qua các kênh khác nhau như hệ thống các nhà phân phối.

Đối với vụ thu hoạch tôm sắp tới, Bộ trưởng Tạ Quang Ngọc nhấn mạnh, cần chủ động chuẩn bị các điều kiện để thu mua hết tôm nuôi của dân khi đến vụ thu hoạch, như kho trữ hàng và vốn lưu động. Về kho lạnh trữ hàng, trước hết, cần thu thập thông tin đầy đủ về công suất kho lạnh và tình hình sử dụng kho lạnh hiện nay để xác định khả năng tăng mức bảo quản và trữ hàng trong thời gian tới. Đồng thời, đề nghị VASEP làm đầu mối trao đổi với các đối tác nước ngoài có kho lạnh ngoại quan để các DN chuyển tôm qua các kho của các nước như Bremen (Đức)... từ đó, tìm kiếm khách hàng, mở rộng thị trường xuất tôm và giảm đỡ khó khăn những lúc cao điểm về thiếu hụt kho lạnh.

Một cuộc họp với lãnh đạo các tỉnh có sản lượng tôm lớn, như Sóc Trăng, Cần Thơ, Bạc Liêu, Cà Mau... và các DN chế biến xuất khẩu tôm, các đơn vị dịch vụ sẽ được tiến hành ngay trong tháng 6 tới để bàn biện pháp tháo gỡ khó khăn, cũng như hỗ trợ DN và người nuôi tôm. Trước đó, các địa phương phải thống kê diện tích, sản lượng nuôi, sản lượng dự kiến thu hoạch và thời điểm thu hoạch để có biện pháp xử lý thích hợp.

Hiện nay, mặt hàng tôm và cá tra, basa đang chiếm tỷ trọng lớn trong kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản. Năm 2004, hai mặt hàng này đã chiếm trên 50% kim ngạch (khoảng 1,5 tỷ USD). Do đó, tháo gỡ những khó khăn cho việc sản xuất và xuất khẩu tôm, cá tra, basa đang là yêu cầu cấp bách để ngành thuỷ sản đạt mục tiêu xuất khẩu đề ra trong năm nay.

  • Hà Yên

  Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Thuỷ sản xuất khẩu hướng sang EU, Trung Quốc (26/05/2005)
Đấu giá xong 23,5 tấn thịt gà của Mỹ (25/05/2005)
Bấp bênh cung - cầu cá tra, basa (25/05/2005)
Gần 60% các HTX thuỷ sản hoạt động yếu kém (24/05/2005)
Dự án Dung Quất: Chúng ta đã bị động! (24/05/2005)
Tàu 20 sức ngựa trở lên buộc phải đăng kiểm (23/05/2005)
Giá hạt điều xuất khẩu tăng mạnh (23/05/2005)
Các nhà máy đường đang có lãi (20/05/2005)
Ấn Độ kiện Hải quan Mỹ về khoản tiền đặt cọc (20/05/2005)
Lập Ban điều hành sản xuất và tiêu thụ cá tra, basa (20/05/2005)
Quy định tạm thời về SX nước mắm Phú Quốc (19/05/2005)
Giá gạo xuất khẩu tăng trở lại (19/05/2005)
Sẽ tăng thuế NK ôtô đã qua sử dụng lên 200% (19/05/2005)
Phạt 50 triệu đồng nếu bán vật liệu nổ trái phép (18/05/2005)
Xem tiep Tro ve dau trang