(VietNamNet) - Song song với chiến lược đẩy mạnh xuất khẩu vào các thị trường trọng điểm, Bộ Thủy sản đã quyết định chi 1,384 tỷ đồng để xây dựng và quảng bá thương hiệu quốc gia cho 5 nhóm sản phẩm chủ lực, gồm tôm, cá tra - basa, cá ngừ, cá rô phi, nhuyễn thể.
|
Chế biến tôm giá trị gia tăng xuất khẩu tại Công ty Kim Anh (Sóc Trăng). Ảnh H.Y. |
Bên cạnh đó, số tiền này còn dành để hỗ trợ các địa phương và cộng đồng xây dựng, quảng bá các thương hiệu sản phẩm đặc thù, như Tôm Cà Mau; Nghêu Bến Tre; Cá Tra An Giang, Đồng Tháp; Cá ngừ miền Trung...
Thủy sản Việt Nam phải có thương hiệu mạnh
Ông Daniel F. Fegan, Chủ tịch Hiệp hội Thủy sản Thế giới tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, nhận xét, thế giới thật sự ấn tượng với tốc độ phát triển của ngành thủy sản Việt Nam, đặc biệt là hai sản phẩm cá basa và tôm.
Để sản phẩm vươn xa ra thị trường thế giới, thủy sản Việt Nam cần phải có thương hiệu mạnh. Việc đầu tiên thủy sản Việt Nam phải xác định được, sẽ xây dựng thương hiệu cho từng sản phẩm hay thương hiệu quốc gia, và mục tiêu của thương hiệu này. |
Theo Bộ Thủy sản, đây là những đối tượng xuất khẩu chủ lực và tiềm năng của thủy sản Việt Nam. Việc xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm này không chỉ góp phần quảng bá, xúc tiến xuất khẩu, mà còn để bảo vệ hình ảnh của sản phẩm thủy sản Việt Nam trên thị trường thế giới.
Hiện nay, sản phẩm xuất khẩu từ tôm vẫn giữ vị trí chủ lực và tăng lên qua các năm, chiếm khoảng 50% giá trị kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản hàng năm; tỷ trọng giá trị các sản phẩm cá cũng tăng nhanh, từ 14% năm 2001, nay đã chiếm 23%. Các mặt hàng cua ghẹ, nhuyễn thể cũng tăng đáng kể.
Do vậy, trong cơ cấu đối tượng nuôi, chủ lực vẫn là con tôm (mà phần lớn là tôm sú), tiếp đến là các loại cá, trong đó cá tra, basa có xu hướng phát triển mạnh. Nhuyễn thể 2 vỏ bắt đầu có sản lượng lớn, năm 2004 đã đạt 118.945 tấn. Cá rô phi là mặt hàng có khả năng tăng mạnh sản lượng do có thị trường xuất khẩu nhưng việc bảo đảm đủ giống có chất lượng và kỹ thuật nuôi còn hạn chế nên sản lượng đạt thấp.
Bộ Thủy sản cho biết, thời gian tới sẽ tiếp tục hỗ trợ DN và các cộng đồng ngư dân phối hợp xây dựng và phát triển các vùng nuôi có tổ chức, tạo ra sản lượng hàng hoá lớn, chất lượng cao, đảm bảo tiêu chuẩn an toàn vệ sinh, với các đối tượng chủ lực (tôm sú, tôm thẻ chân trắng, tôm càng xanh, cá tra, ba sa, cá rô phi chất lượng cao, các loài cá biển nuôi, nhuyễn thể, rong biển và đặc sản biển) theo các phương thức đa dạng, phù hợp với điều kiện sinh thái và môi trường, với giá thành cạnh tranh.
|