(VietNamNet) - Theo Hiệp hội Chè Việt Nam (Vitas), 6 tháng đầu năm, mặc dù ngành chè có thêm 9 thị trường mới, song lại để mất tới 13 thị trường đã có, với khối lượng và giá trị lớn gấp hơn 3 lần các thị trường mới.
|
Chè Việt Nam đã có mặt tại 52 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. |
Hiệp hội Chè cho biết, so với cùng kỳ năm 2004, các DN đã giữ được 43 thị trường. Trong khi các DN xâm nhập thêm được 9 thị trường mới, xuất khẩu tăng 254 tấn (trị giá gần 315.200 USD) thì chúng ta đã để mất 13 thị trường, làm giảm 784 tấn (tương đương gần 1 triệu USD).
Như vậy, các thị trường mới chỉ đủ bù đắp được 1/3 sản lượng và giá trị của các thị trường cũ, nay đã mất. Trong đó, đáng lưu ý là các DN đã để tuột mất nhiều khách hàng lớn, điển hình như Thái Lan với 170 tấn, trị giá 459.000 USD, Saint Kitts & Nevis 418 tấn, trị giá 360.120 USD.
Trong số 14 thị trường đứng đầu 6 tháng đầu năm 2004 (các DN Việt Nam có khối lượng xuất khẩu từ 500 tấn trở lên), nay chỉ có 6 thị trường tăng, 8 thị trường kia đều giảm.
Có tới 67 doanh nghiệp đã không xuất khẩu được trong 6 tháng đầu năm nay, như Công ty Chè Phú Đa, Công ty TNHH Thương mại Sản xuất Phước Thái. |
Chất lượng đe dọa xuất khẩu
Trao đổi với VietNamNet, ông Nguyễn Văn Thụ, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chè Việt Nam, cho rằng, nguyên nhân chính là do chất lượng chè Việt Nam năm nay không tốt, chưa kể nguyên liệu thiếu trầm trọng. Các cơ sở chế biến tranh mua nguyên liệu. Người trồng chè đã hái, thậm chí cắt chè không đúng quy định (không phải 1 tôm 2 lá, mà 1 tôm tới 5-6 lá, thậm chí không có tôm, chỉ có cành (dài 18-20 cm).
Trên bình diện cả nước hiện nay, tổng công suất chế biến của tất cả các cơ sở sản xuất đã gấp 2 lần tổng sản lượng nguyên liệu, thậm chí có những địa phương nguyên liệu chỉ đáp ứng được 30% năng lực chế biến. "Tranh mua nguyên liệu gay gắt, có những nơi diễn ra ẩu đả, gây thương tích phải cấp cứu tại bệnh viện, chúng tôi và UBND địa phương đã phải họp bàn xử lý", ông Thụ nói.
Đơn cử như vùng chè Thái Nguyên, Giám đốc Nhà máy Trà Đại Từ, ông Nguyễn Văn Nguyên, than thở với báo giới, mặc dù nhà máy đã chấp nhận giá thu mua nguyên liệu cao hơn năm ngoái 25-30%, nhưng cũng chỉ đáp ứng được nhu cầu sản xuất 5-6 tấn trà tươi/ngày (bằng 1/4 cùng kỳ năm ngoái), trong khi năng lực sản xuất là 20 tấn/ngày. Để chủ động nguyên liệu, nhà máy đã ký hàng trăm hợp đồng với 5 xã trồng chè. Song, hợp đồng trở nên vô nghĩa khi người trồng chè không muốn bán cho nhà máy, mà tự chế biến có lợi hơn trong thời điểm giá trà khô tăng cao.
Đó là chưa kể, năm nay, sản lượng chè cũng giảm khoảng 15% so với năm 2004 (khoảng 100.000 tấn) do thời tiết không thuận, nắng hạn kéo dài trên khắp cả nước dẫn đến tình trạng chè bỏ lứa ở một số vùng. Nguyên liệu không dồi dào, giá chè giữa vụ tại một số vùng tăng tới 30-50% so với cùng kỳ năm trước, kéo theo giá chè khô xuất xưởng tăng tương ứng.
Cần đóng cửa các nhà máy mini
Ông Thụ cho biết, năm nay Vitas dự đoán xuất khẩu chè đạt khoảng 95.000 tấn, với kim ngạch 105 triệu USD. Từ nay đến cuối năm, để đẩy mạnh xuất khẩu, Hiệp hội tiến hành hàng loạt các hoạt động nhằm giới thiệu, quảng bá chất lượng sản phẩm, thương hiệu quốc gia chè Việt Nam ở trong nước và ngoài nước, đặc biệt là tại Trung Quốc, Nga, Belarus, Ba Lan, Đức, Anh, Hoa Kỳ, Đài Loan, Ấn Độ.
Trước mắt, từ 17 đến 26/9, Vitas sẽ tổ chức đoàn DN tham gia hội chợ World Food Moscow 2005 nhằm quảng bá chè Việt Nam tại thị trường Nga và Belarus. Hiệp hội cũng sẽ cùng hội viên tham gia Hội nghị Chè Quốc tế và Hội chợ Chè - Cà phê tại Hàng Châu (tỉnh Triết Giang, Trung Quốc) từ 28-30/9.
Tuy nhiên, để có thể tăng sản lượng và giá trị xuất khẩu lại phụ thuộc rất nhiều vào nguyên liệu chè trong nước. Để đảm bảo vùng chè nguyên liệu, Vitas khuyến cáo, người trồng chè không nên chạy theo lợi trước mắt chỉ lo khai thác vườn chè, thậm chí sai quy trình kỹ thuật, làm giảm chất lượng nguyên liệu. Bên cạnh đó, ông Thụ kiến nghị, cần có biện pháp hạn chế các lò chè mini sản xuất chè kém chất lượng, tranh mua chè của các nhà máy. Theo ông, các bộ, ngành cần phối hợp ra quy chế tiêu chuẩn xây dựng nhà máy chè, trong đó nêu rõ phải có công suất bao nhiêu, sử dụng công nghệ, thiết bị nào... , tránh tình trạng nhà máy thì cứ mọc lên, trong khi không có nguyên liệu để chế biến, gây lãng phí tiền của.
Ngoài ra, Hiệp hội Chè cũng nhắc nhở, từ nay đến cuối năm, nhiều thương nhân ngoài nước đang và sẽ tới Việt Nam, trực tiếp đến các cơ sở chế biến để hỏi mua. Do vậy, DN xuất khẩu chè cần thu thập thông tin và cân nhắc kỹ trước khi quyết định giá, nhất là đối với những lô hàng giao sau (2-3 tháng) để khỏi bị thiệt thòi, thậm chí lỗ vốn. Đồng thời, trước nhu cầu tiêu dùng chè nội địa tăng, các DN nên tính toán hiệu quả giữa xuất khẩu và bán trong nước, nhất là vào dịp đầu năm 2006, Tết Nguyên đán. Hiện lượng chè tiêu dùng trong nước khoảng 35.000 tấn/năm.
|