Một số thông tin kinh tế trên các báo ngày 14/10
08:31' 14/10/2004 (GMT+7)

1.Khai báo sai sẽ không được cấp hạn ngạch 2005

2.Đề nghị tăng cường thanh tra công chức

3.ĐBSCL: Giá heo hơi, cá tra, cá ba sa sụt giá 

4.Vì sao thép tiêu thụ chậm, tồn kho nhiều?

5.Đến 30/4/2005: 8 chợ đầu mối TP.HCM sẽ dời ra ngoại thành

Khai báo sai sẽ không được cấp hạn ngạch 2005

Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển vừa ký thông báo hướng dẫn việc thực hiện hạn ngạch hàng dệt may sang Hoa Kỳ những tháng cuối năm 2004.

Theo đó, kể từ ngày 12-10-2004 sáu cat. (mã hàng) 332, 333, 345, 359/659-C, 620, 632 sẽ được áp dụng chế độ cấp visa tự động - tương tự với việc cấp giấy phép xuất khẩu (E/L) tự động đối với thị trường EU - theo nguyên tắc: thông báo nguồn hạn ngạch còn lại chưa cấp visa lên website của bộ hằng ngày để các doanh nghiệp (DN) theo dõi, chủ động cân đối kế hoạch ký kết và giao hàng.

Bộ trưởng Trương Đình Tuyển cũng lưu ý các DN đã được giao hạn ngạch cần rà soát khả năng thực hiện hạn ngạch, trường hợp không thực hiện hết hạn ngạch đã được giao phải có văn bản hoàn trả hạn ngạch gửi bộ trong tháng 10-2004. Nếu không sử dụng, làm “khê” hạn ngạch sẽ bị phạt trừ gấp năm lần đối với các cat. “nóng”, và phạt trừ gấp ba lần đối với nhóm cat. tương đối “nóng” vào tiêu chuẩn hạn ngạch năm 2005 của DN.

Đặc biệt, thông báo cũng nhấn mạnh: “Người đứng đầu DN phải khai báo và chịu trách nhiệm về số thiết bị khai báo trong hồ sơ đăng ký hạn ngạch gửi bộ. Nếu khai báo sai sẽ không được cấp hạn ngạch trong năm 2005”. Riêng hạn ngạch cat. 338-339 (áo sơmi nam nữ chất liệu bông) đã cấp hết, với số lượng khoảng 15,618 triệu tá.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Trương Chí Trung vừa ký quyết định ban hành mức thu lệ phí hạn ngạch hàng dệt may sang Mỹ năm 2005. Theo đó, chỉ còn chín cat. thu phí thay vì 19 cat. như trước, với mức phí giảm 70%, chủ yếu là các cat. “nóng”. Cụ thể, cat. 347-348 (quần nam nữ chất liệu bông) có giá 8.000 đồng/tá (năm 2004) nay chỉ còn 2.400 đồng/tá, cat.334-335 (áo khoác nam nữ chất liệu bông) từ 6.000 đồng/tá giảm còn 1.800 đồng/tá. Các DN cho rằng mức thu phí như vậy tương đối phù hợp với nguyện vọng của DN.

(Theo TT)

Về đầu trang 

Đề nghị tăng cường thanh tra công chức

Soạn: AM 170224 gửi đến 996 để nhận ảnh này qua MMS
Cần tạo thêm điều kiện cho các DN làm hàng xuất khẩu.

Cải thiện môi trường kinh doanh là giải pháp có tác dụng lan tỏa lớn đối với khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp (DN) thuộc mọi thành phần kinh tế. Theo chúng tôi, việc xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi trong thời gian tới cần phải tập trung theo những hướng sau:

Một là, tạo sân chơi bình đẳng cho các DN về khuôn khổ pháp lý từ các qui định gia nhập thị trường đến các quyền tiếp cận nguồn vốn, đất đai, công nghệ...

Chúng tôi đang chờ đợi sự ra đời của Luật DN, Luật đầu tư áp dụng chung cho các loại hình DN, chờ đợi những giải pháp thích hợp trong việc công khai qui hoạch sử dụng đất đai.

Hai là, nhất quán trong việc ban hành chính sách để các DN có thể định hướng sản xuất lâu dài. Nhà nước cần có cơ chế trọng tài để tạo niềm tin giữa DN và cán bộ thu thuế, nhất là khi cơ chế hậu kiểm sẽ phổ biến.

Ba là, tiếp tục đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, giảm giá thành vận chuyển. Đa dạng hóa các hình thức đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, cần có sự chuyển hướng cơ bản trong chính sách đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng: Nhà nước chỉ tập trung đầu tư vào những vùng khó khăn mang tính mở đường, còn lại khuyến khích sự tham gia tích cực của khu vực tư nhân.

Bốn là, tạo điều kiện thuận lợi, thật sự hỗ trợ và khuyến khích sự phát triển của DN xuất khẩu, nuôi dưỡng nguồn thu trong tương lai cho ngân sách nhà nước. Khuyến khích xuất khẩu những sản phẩm dịch vụ phức tạp và độc đáo, phục vụ thị trường cao cấp.

Chúng tôi đề nghị tiếp tục rà soát và kiên quyết bãi bỏ các giấy phép kinh doanh không cần thiết, những qui định trái pháp luật, những hành vi nhũng nhiễu của cán bộ công chức gây phiền hà cho DN, không đạt được hiệu quả quản lý nhà nước, ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường và tâm lý kinh doanh, làm tăng chi phí ẩn trong kinh doanh và giảm sức cạnh tranh của DN.

Chúng tôi cũng đề nghị Thủ tướng kiên quyết chỉ đạo việc thực hiện tốt chủ trương “một dấu một cửa”, thực hiện đúng tiến độ chương trình cải cách hành chính quốc gia 2000-2010, tăng cường cơ chế thanh tra công chức bên cạnh việc thanh tra, kiểm tra đối với DN.

(Trích phát biểu của chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp VN Vũ Tiến Lộc tại hội nghị Thủ tướng gặp DN) ngày 13-10

(Theo TT)

 

Về đầu trang 

ĐBSCL: Giá heo hơi, cá tra, cá ba sa sụt giá

Nước lũ ở các tỉnh ĐBSCL đang lên cao, nhiều hộ dân buộc phải bán heo chạy lũ làm giá heo hơi giảm mạnh. Ngày 13-10, giá heo hơi chỉ còn 15.000đ-16.000đ/kg, giảm 1.500đ-2.000đ/kg so với cách đây 2 tháng. Dự báo, giá heo hơi tiếp tục giảm cho đến đầu tháng 11-2004 khi nước lũ rút.

Soạn: AM 170226 gửi đến 996 để nhận ảnh này qua MMS
Chế biến cá ba sa.

Những ngày gần đây, giá cá tra, cá ba sa ở ĐBSCL sụt giảm. Ngày 13- 10, cá tra thịt trắng loại 1 được các doanh nghiệp chế biến thủy sản mua vào với giá từ 12.000 đ- 13.000 đ/kg; cá tra loại 2 giá 11.000 đ- 11.500 đ/kg… Bình quân giảm từ 2.000 đ- 2.200 đ/kg so với đầu năm. Nguyên nhân do các tỉnh ĐBSCL bước vào giai đoạn thu hoạch rộ, nhiều nông dân bán cá vượt quá khả năng chế biến của các nhà máy; dẫn đến khủng hoảng thừa nguyên liệu.

Dự kiến, sản lượng cá năm nay khoảng 180.000 tấn; trong khi năng lực chế biến của 6 nhà máy thủy sản ở An Giang chỉ 120.000 tấn/năm. Nhiều doanh nghiệp dự báo: Từ nay đến cuối năm thị trường xuất khẩu sẽ gặp khó khăn. Giá cá tra, cá ba sa sẽ khó vượt qua ngưỡng 13.000đ - 13.500 đ/kg.

(Theo SGGP)

 

Về đầu trang 

Vì sao thép tiêu thụ chậm, tồn kho nhiều?

Ông Phạm Chí Cường, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam cho biết, tình hình tiêu thụ thép cho đến nay vẫn diễn ra rất chậm, dù đây là thời điểm khởi đầu cho mùa xây dựng nước rút cuối năm. Số liệu thống kê từ hiệp hội cho thấy, mức tiêu thụ thép trong 9 tháng chỉ đạt 80% so với cùng kỳ năm 2003. Riêng trong tháng 9, sản lượng tiêu thụ có tăng lên 12,5% (180.000 tấn) so với tháng 8, nhưng cũng mới chỉ đạt 82% so với tháng 9-2003.  

Soạn: AM 170228 gửi đến 996 để nhận ảnh này qua MMS

Sản xuất thép tại một nhà máy trong nước.

Điều đáng nói là, từ đầu năm đến nay, cả nước đã nhập trên 1,5 triệu tấn phôi, tăng 45,8% so với cùng kỳ năm 2003. Thế nhưng, sản xuất thép trong nước lại giảm 7,8%, và do tiêu thụ chậm, nên lượng thép thành phẩm còn tồn kho hiện đã lên tới 218.000 tấn, lượng phôi tồn kho tới 230.000 tấn.

Theo ông Cường, có rất nhiều nguyên nhân khiến cho thép tiêu thụ chậm, thế nhưng nguyên nhân chính yếu nhất vẫn là do giá thép tăng quá cao trong một thời gian dài đã làm ảnh hưởng dây chuyền đến các hoạt động xây dựng. Rất nhiều công trình xây dựng trọng điểm, những công trình có vốn đầu tư lớn cho đến nay vẫn chưa khắc phục, chưa giải quyết được hậu quả của việc tăng giá thép. Vì khi giá thép tăng, các nhà thầu phải đàm phán, làm lại các thủ tục, hồ sơ giấy tờ bổ sung trình duyệt và chờ quyết toán khá phức tạp, cần phải có một thời gian dài mới giải quyết được.

Chính vì vậy mà ở rất nhiều công trình, các nhà thầu đã có số nợ lên đến cả chục tỷ đồng nhưng vẫn chưa thanh toán cho các đơn vị kinh doanh thép, buộc các đơn vị này phải ngưng cung ứng thép, khiến thép tồn kho nhiều. Một nguyên nhân nữa gây ảnh hưởng đến việc tiêu thụ thép là 2 tháng qua mưa quá nhiều nên các đơn vị xây dựng không thể đẩy nhanh tiến độ thi công. Hơn nữa, không ít nhà đầu tư và cả các hộ dân cứ chần chừ chờ đợi giá hạ, chờ Nhà nước có chính sách mới rồi mới quyết định tiến hành xây dựng.

Trên thực tế, thời gian qua, Nhà nước đã có nhiều biện pháp mạnh tác động vào thị trường thép để giúp cho giá thép bình ổn hơn, như đã giảm thuế nhập khẩu thép thành phẩm từ 20% xuống 10%. Việc giảm thuế như thế này đã tạo điều kiện cho một lượng thép không nhỏ từ Trung Quốc đổ vào Việt Nam giành thị phần, làm cho sản lượng tiêu thụ thép của các doanh nghiệp trong nước giảm đi trông thấy. Điều đáng ngại nhất là thép thành phẩm Trung Quốc có chất lượng không cao nên giá bán khá rẻ.

Cũng theo ông Cường, với tình hình này, nếu cố gắng lắm mức tiêu thụ thép cũng chỉ đạt khoảng 85% so với năm ngoái. Giá thép thời gian tới, theo dự báo của các chuyên gia, cũng sẽ không có biến động. Hiện nay thép xây dựng trên thị trường đang dao động ở mức 7,2-7,4 triệu đồng/tấn (khu vực phía Nam) và 7,6-7,8 triệu đồng/tấn (khu vực phía Bắc), giá phôi nhập khẩu dao động từ 400-420USD/tấn (tùy nguồn nhập), và mức giá này sẽ được giữ ổn định chí ít là đến hết năm nay.

(Theo SGGP)

Về đầu trang 

Đến 30/4/2005: 8 chợ đầu mối TP.HCM sẽ dời ra ngoại thành

Chợ đầu mối nông sản thực phẩm Thủ Đức. (ảnh: Diệp Đức Minh) Hôm qua (13/10), Ban Kinh tế và ngân sách HĐND TP đã làm việc với Sở Thương mại TP về tiến độ di dời các chợ và những giải pháp thúc đẩy phát triển thương mại dịch vụ trên địa bàn.

Soạn: AM 170230 gửi đến 996 để nhận ảnh này qua MMS
Chợ đầu mối nông sản thực phẩm Thủ Đức.

Ông Trần Đình Thọ - Phó giám đốc Sở Thương mại cho biết hai chợ Cầu Muối và Cầu Ông Lãnh đã được di dời dứt điểm ra chợ đầu mối nông sản thực phẩm Thủ Đức (chợ Thủ Đức) và chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn (chợ Hóc Môn). Chợ Thủ Đức có tổng diện tích 20,3 ha, tổng vốn đầu tư 182 tỉ đồng (Nhà nước hỗ trợ 41 tỉ đồng xây dựng cơ sở hạ tầng) với gần 600 tiểu thương kinh doanh có hiệu quả, không còn sạp nào tại chợ bị bỏ trống. Công ty cổ phần Phát triển nhà Thủ Đức (chủ đầu tư) đang tập trung đẩy nhanh tiến độ xây dựng giai đoạn 2 gồm: khu nhà lồng chợ B (dự kiến hoàn thành vào tháng 4/2005) và xây dựng khu chợ ngoài trời sát bờ sông với diện tích khoảng 2.000m2 để phục vụ bán buôn các mặt hàng hải sản. Chợ Hóc Môn có diện tích 9,7 ha, do Công ty cổ phần Thương mại huyện Hóc Môn làm chủ đầu tư với tổng vốn đầu tư 89 tỉ đồng (trong đó Nhà nước hỗ trợ 30%). Gần 200 tiểu thương đang kinh doanh tại chợ cũng dần đi vào nền nếp, lượng hàng nhập chợ bình quân đạt 600 - 650 tấn/ngày. Hiện nhà đầu tư đã hoàn tất việc san lấp nền và lập hồ sơ thiết kế khu nhà lồng chợ B, dự kiến sẽ đưa vào hoạt động từ tháng 1/2005 để tiếp nhận tiểu thương từ chợ thịt Phạm Văn Hai.

Riêng chợ đầu mối nông sản thực phẩm lớn nhất nước là chợ Bình Điền (Q.8) - do Tổng công ty Thương mại Sài Gòn làm chủ đầu tư - với diện tích 65 ha, tổng vốn đầu tư khoảng 1.000 tỉ đồng, đón nguồn hàng nông sản thực phẩm từ các tỉnh miền Tây đang còn ở giai đoạn triển khai thi công. Trả lời câu hỏi: tại sao tiến độ xây dựng chợ Bình Điền lại chậm, ông Thọ nói: "Thứ nhất do đây là công trình sử dụng toàn bộ vốn ngân sách nhà nước nên thủ tục hành chính rất mất thời gian. Thứ hai, do đơn vị tư vấn thiết kế đã thiết kế không chính xác, phải làm lại. Dự kiến đến 30/4/2005 sẽ hoàn thành xây dựng 3 nhà lồng, 2 nhà kho với tổng số sạp trên 1.300. Khi đi vào hoạt động, khu vực này sẽ tiếp nhận tiểu thương từ 8 chợ bán buôn nông sản thực phẩm còn lại trong nội thành di dời ra".

Về tình hình hoạt động thương mại chung, bà Phạm Thị Kim Hồng - Giám đốc Sở Thương mại tỏ ra rất bức xúc về các dự án xây dựng trung tâm hội chợ triển lãm đang bị tắc trong khi nhu cầu có thêm các trung tâm hội chợ triển lãm đạt tiêu chuẩn của thành phố rất bức thiết. Đó là chuyện cụ thể, còn tổng quát hơn, ông Trần Đình Thọ nói: “TP Hồ Chí Minh đúng ra đã hoàn chỉnh bức tranh thương mại từ lâu nhưng do định hướng chung từ đầu không đúng nên phát triển tản mát, cái gì cũng có nhưng không chuyên sâu, có nhiều doanh nghiệp nhất nước nhưng lại mất trật tự nhất. Nhiều doanh nghiệp hoạt động như một nhà "buôn chuyến". Bây giờ thì đã định hướng lại là phát triển thành trung tâm thương mại dịch vụ lớn nhất nước song cũng đã chậm".

(Theo TN)

Về đầu trang 

Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi