Một số thông tin kinh tế trên các báo ngày 16/10
09:04' 16/10/2004 (GMT+7)

1.Trước áp lực tăng giá: Nhiều giải pháp từ phía các DN

2.Quy định rõ thời gian làm thủ tục

3.DN phần mềm: Hết thời "tham bát bỏ mâm"

4.Giá cao su tiếp tục tăng

5.Mùa vàng từ đôi tay thợ

Trước áp lực tăng giá: Nhiều giải pháp từ phía các DN

Soạn: AM 172673 gửi đến 996 để nhận ảnh này qua MMS
Kiểm tra, đóng gói vỏ xe gắn máy ở Công ty Casumina.

Tình hình giá xăng dầu và hàng loạt các mặt hàng nguyên liệu đầu vào có xu hướng tăng cao khiến cho nhiều doanh nghiệp đang phải đối đầu với một áp lực lớn về tăng giá bán sản phẩm, vậy họ đã chọn giải pháp gì để khắc phục những khó khăn, thách thức này?

“Thắt lưng buộc bụng”

Ông Lê Văn Trí, Phó Giám đốc Công ty Công nghiệp Cao su miền Nam (Casumina) cho biết, ngoài cao su thiên nhiên, còn lại hầu hết nguyên liệu phục vụ cho sản xuất vỏ ruột xe của Casumina đều phải nhập, phần lớn có nguồn gốc từ dầu mỏ (hóa chất, vải mành, than đen…).

Do đó, một khi giá dầu mỏ trên thế giới tăng là Casumina cũng như các doanh nghiệp sản xuất vỏ, ruột xe khác đều gặp khó khăn. Theo ông Trí, về nguyên tắc, khi giá nguyên liệu tăng 5%, thì công ty buộc phải tính toán đến việc nâng giá bán sản phẩm. Tuy nhiên, hiện nay, dù chi phí đầu vào đã tăng quá mức nêu trên, nhưng công ty vẫn chưa điều chỉnh tăng giá bán, vì như thế sẽ gây bất lợi, mất khách hàng. Giải pháp hiện nay của công ty là “thắt lưng, buộc bụng”, tiết kiệm tối đa để không bị lỗ.

Thông thường, vào thời điểm cuối năm, công ty tổ chức các chương trình quảng cáo quy mô lớn. Thế nhưng, năm nay, vì những khó khăn trên nên công ty buộc phải cắt giảm các khoản chi phí về quảng cáo, kể cả hạn chế bớt số lượng lịch cho năm mới…

Cùng quan điểm này, ông Nguyễn Gia Tường, Giám đốc Công ty Cao su Sao Vàng, cho biết, công ty ông cũng đang thực hiện một chương trình “tiết kiệm đến mức không còn gì để tiết kiệm được nữa”. Theo đó, công ty buộc các phòng ban phải dùng nước đun sôi thay vì dùng nước khoáng như trước đây.

Công ty cũng quản lý chặt chẽ việc sử dụng điện thoại, khoán định mức điện thoại cho các cán bộ, phòng ban để tránh việc lãng phí, cắt giảm việc sử dụng máy lạnh, máy in, máy fax trong các phòng làm việc. Ông Tường tâm sự: “Trong bối cảnh không thể tăng giá bán, thì vấn đề tiết giảm mọi chi phí sinh hoạt trong cơ quan là việc làm cần thiết. Doanh nghiệp cũng được ví như một gia đình vậy, nếu gặp lúc khó khăn thì hạn chế chi tiêu”.

Chấp nhận lỗ để giữ chân khách hàng

Trước tình hình giá nguyên liệu đầu vào tăng cao, một số doanh nghiệp đã chọn giải pháp chấp nhận lỗ để giữ chân khách hàng chứ không tăng giá bán.Ông Trần Công Bình, Giám đốc Công ty Sản xuất bóng và dụng cụ thể dục thể thao (quận Tân Bình) cho biết: có đến 80% nguyên liệu sản xuất của công ty phải nhập (như cao su hóa chất, nhựa PP, chỉ, vải mành…).

So với đầu năm, giá các mặt hàng nguyên liệu này đã tăng từ 10% đến 30%. Thế nhưng, vì 90% sản lượng hàng hoá của công ty dùng để xuất khẩu, và hầu hết các hợp đồng đã được ký kết từ đầu năm, thậm chí có hợp đồng kéo dài tới 2-3 năm, nên công ty không thể điều chỉnh tăng giá bán.

Bởi vì đàm phán tăng giá bán trên các hợp đồng đã ký rất phức tạp và cũng rất dễ mất khách hàng. Theo ông Bình, trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu như hiện nay, đôi khi doanh nghiệp phải hy sinh, chấp nhận lỗ trong một thời gian để giữ chân khách hàng. Và theo tính toán của ông Bình, do ảnh hưởng của giá nguyên liệu đầu vào tăng cao, năm 2004 này có khả năng công ty ông sẽ bị lỗ khoảng 2 tỷ đồng.

Ông Phan Văn Thanh, Giám đốc Công ty Nhựa Sài Gòn cũng cho biết, hiện nay, cũng như nhiều doanh nghiệp ngành nhựa khác, Công ty Nhựa Sài Gòn đang gặp khó khăn lớn do giá nguyên liệu nhựa liên tục tăng cao. Từ chỗ chỉ có giá 480USD/tấn (cuối năm 2003), đến nay giá các loại nguyên liệu nhựa thông dụng như PP, PE đã leo lên mức 1.100-1.200USD/tấn.

Mức giá này đã khiến cho các doanh nghiệp nhựa càng sản xuất càng lỗ. Một số doanh nghiệp đã buộc phải điều chỉnh tăng giá bán sản phẩm lên từ 15%-20% tùy chủng loại, thế nhưng mức giá mới vẫn không “theo” kịp sự tăng giá của nguyên liệu đầu vào. Theo ông Thanh, giải pháp lúc này của Nhựa Sài Gòn là chấp nhận lỗ ở một vài mặt hàng như nhựa gia dụng để giữ thị phần. Riêng các mặt hàng nhựa công nghiệp, nhựa kỹ thuật có giá trị cao thì công ty điều chỉnh tăng giá bán nhưng mức tăng cũng chỉ làm nhằm hạn chế lỗ mà thôi, “cốt là để giữ chân khách hàng và tiếp tục duy trì được sản xuất” - ông Thanh nói.

Không chỉ các doanh nghiệp cao su, nhựa, các doanh nghiệp sản xuất xi măng cũng đang phải đối mặt với áp lực tăng giá bán sản phẩm rất lớn. Ông Nguyễn Ngọc Anh, Giám đốc Công ty Xi măng Hà Tiên I cho biết, không chỉ clinke, rất nhiều nguyên nhiên liệu đầu vào phục vụ sản xuất xi măng như thạch cao, giấy kraft, dầu DO, xăng nhớt… đều đang lên rất nhanh (từ 10% đến 20%), riêng cước phí vận chuyển hiện nay đã tăng tới 3,5-4USD/tấn. Thế nhưng, chủ trương của Chính phủ chưa cho tăng giá xi măng trong thời điểm hiện nay, nên các doanh nghiệp xi măng hiện vẫn đang chấp nhận lỗ để duy trì sản xuất, phục vụ thị trường.

(Theo SGGP)

Về đầu trang 

TP.HCM: tạo điều kiện thu hút đầu tư nước ngoài:

Quy định rõ thời gian làm thủ tục

Soạn: AM 172675 gửi đến 996 để nhận ảnh này qua MMS

Công ty Strong Way (KCN Lê Minh Xuân) kiểm tra các phụ tùng xe máy trước khi xuất khẩu

Ngày 14/10, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Hữu Tín đã ký Quyết định số 236/2004/QĐ-UB ban hành Quy định về thủ tục, trình tự và cơ chế phối hợp giải quyết các vấn đề liên quan đến đầu tư trực tiếp nước ngoài trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh. Quyết định có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày ký.

Sở Kế hoạch và Đầu tư làm đầu mối trong việc hướng dẫn, tiếp nhận hồ sơ và phối hợp với các sở – ngành, UBND quận – huyện trong việc thẩm định hồ sơ và giải quyết các vấn đề về đầu tư nước ngoài trên địa bàn thành phố. Sở KH&ĐT có trách nhiệm xác lập phương thức thông tin đảm bảo tính chính xác và kịp thời; các cơ quan có liên quan khi được yêu cầu cung cấp thông tin phải trả lời cho Sở KH&ĐT trong thời hạn 7 ngày làm việc (sau đây chỉ viết tắt là ngày).

Về thời gian cấp Giấy phép đầu tư: kể từ khi Sở KH&ĐT nhận được hồ sơ hợp lệ, các dự án thuộc diện đăng ký được cấp phép trong thời hạn 5 ngày; các dự án đăng ký qua mạng Internet được cấp phép trong thời hạn 2 ngày; các dự án thuộc diện thẩm định được cấp phép trong thời hạn 10 ngày (nếu không hỏi ý kiến các Bộ – ngành) và trong thời hạn 20 ngày (nếu phải hỏi ý kiến).

UBND quận – huyện có trách nhiệm: thông báo cho Sở KH&ĐT về đơn giá bình quân tại khu vực dự kiến bồi thường giải phóng mặt bằng trong thời hạn 3 ngày kể từ khi nhận được yêu cầu, về tính pháp lý, hiện trạng và nguồn gốc khu đất mà nhà đầu tư xin thuê trong vòng 10 ngày; thành lập Hội đồng bồi thường của dự án và chỉ đạo hội đồng lập phương án bồi thường giải phóng mặt bằng, hỗ trợ thiệt hại và tái định cư trong thời gian tối đa 40 ngày v.v…

Sở Xây dựng thẩm định và phê duyệt thiết kế cơ sở theo thẩm quyền trong thời hạn 10 ngày kể từ khi nhận được hồ sơ hợp lệ do Sở KH&ĐT chuyển; chỉ được yêu cầu bổ sung hồ sơ một lần bằng văn bản và thời gian chủ đầu tư bổ sung hồ sơ là trong vòng 30 ngày.

Sở Tài Nguyên và Môi trường có trách nhiệm trình hồ sơ xin quyết định thu hồi đất cho UBNDTP trong thời hạn 5 ngày kể từ khi nhận được hồ sơ hoàn chỉnh và UBNDTP ra quyết định thu hồi đất trong thời hạn 5 ngày. Trong thời hạn 20 ngày kể từ khi nhận được hồ sơ xin thuê đất hợp lệ, Sở TN&MT hoàn tất việc cắm mốc, xác định ranh giới khu đất ngoài thực địa, xác định ranh giới, vị trí, diện tích khu đất trên nền bản đồ địa chính, kiểm định bản đồ địa chính, trình UBNDTP hồ sơ xin thuê đất và UBNDTP ra quyết định cho thuê đất trong thời hạn 5 ngày.

Sở TN&MT cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trong thời gian 3 ngày. Khi nhận được phiếu đăng ký đạt tiêu chuẩn môi trường từ nhà đầu tư hoặc Sở KH&ĐT chuyển đến, Sở TN&MT phải trả lời bằng văn bản trong thời hạn 5 ngày.

Sở Quy hoạch và Kiến trúc duyệt quy hoạch xây dựng chi tiết 1/500 trong thời hạn tối đa 15 ngày kể từ khi nhận được hồ sơ do nhà đầu tư trình; trả lời cho các cơ quan về những vấn đề có liên quan đến quy hoạch khi nhận được văn bản yêu cầu trong thời hạn 5 ngày; xin ý kiến và trả lời kết quả cho nhà đầu tư trong thời hạn 10 ngày đối với các dự án xây dựng có tầng cao trên 15 tầng ở khu vực trung tâm thành phố.

Soạn: AM 172677 gửi đến 996 để nhận ảnh này qua MMS

Công ty Mercedes-Benz là một đơn vị kinh doanh sản xuất có hiệu quả.

Về các thủ tục hành chánh khác được quy định như sau: khắc con dấu - 2 ngày (Công an TP); cấp mã số thuế –8 ngày (Cục Thuế TP); cấp mã số hải quan – 2 ngày (Hải quan TP); cấp giấy phép máy móc, thiết bị, nguyên vật liệu - 2 ngày (Sở Thương mại); cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài – 3 ngày, đối với trường hợp quy định không phải có Phiếu lý lịch tư pháp (Sở LĐTB&XH).

Thủ trưởng các sở - ngành thành phố, Chủ tịch UBND quận – huyện chịu trách nhiệm trước UBNDTP nếu để xảy ra ách tắc, nhũng nhiễu, gây khó khăn cho nhà đầu tư trong công việc liên quan đến đầu tư nước ngoài.

(Theo SGGP)

Về đầu trang 

DN phần mềm: Hết thời "tham bát bỏ mâm" 

Soạn: AM 172679 gửi đến 996 để nhận ảnh này qua MMS

Năm 2004 đã đi hết 3/4 chặng đường, tính đến hết tháng 9, khi thị trường phần cứng sôi động bao nhiêu với chương trình máy tính Thánh Gióng và sự ra quân rầm rộ không những của FPT Elead, CMS, G6... mà của cả HP, IBM, Acer, thì thị trường phần mềm với đặc thù là lặng lẽ và trầm lắng cũng đang "rảo bước".

Người ta đã không nhắc nhiều đến những con số to tát và cụ thể của một kế hoạch vĩ mô nào đó, những người làm phần mềm cứ âm thầm lao động để thêm một lần khẳng định rằng: tiềm năng thị trường phần mềm là vô hạn và họ đang trên đường chinh phục từng cột mốc của chặng đường.

Theo số liệu chưa cập nhật của FPT, doanh nghiệp hiện đang được đánh giá là dẫn đầu trên thị trường phần mềm, đến hết quí III, đã có doanh số phần mềm dịch vụ vượt qua con số 16 triệu USD. Với đà tăng trưởng không lớn, nhưng đều, việc FPT vẫn hy vọng đạt tỷ lệ 10% trong tổng doanh thu là phần mềm và dịch vụ.

Một số liệu khác rất khả quan là nếu tính chung mức tăng trưởng của phần mềm và dịch vụ năm nay so với năm trước là trên 50% thì ở riêng trong lĩnh vực phần mềm (bao gồm cả phần mềm xuất khẩu và phần mềm nội địa) của FPT đến thời điểm này đã có mức tăng trưởng gấp đôi.

Bước đi chậm nhưng chắc

Con số này tuy chưa phải là lớn, nhưng nhìn vào một số hợp đồng của FPT thì thấy rõ một điều họ đã rất biết cách khai thác thị trường theo con đường chậm và chắc. Tại thị trường nội địa, các hợp đồng của FPT thường được "phủ kín" các lĩnh vực cho một hệ thống thông tin. Có nghĩa là bao gồm cung cấp tất tật từ giải pháp, phần cứng, phần mềm, dịch vụ đến ủy thác nhập khẩu, chuyển giao công nghệ quản lý, dịch vụ...

Chu trình khép kín này không những đảm bảo cho doanh nghiệp có thể cung cấp được mà còn thể hiện tính chuyên nghiệp của một doanh nghiệp công nghệ thông tin (CNTT), mặt khác, khách hàng cũng an tâm hơn về tính tương thích trong một hệ thống.

Nhìn một cách cụ thể hơn, tại thị trường nội địa, nhu cầu ứng dụng CNTT đến năm 2005 chỉ cho riêng ngành tài chính ngân hàng là 500 triệu USD; đề án 112 cũng dự chi khoảng 250 triệu USD; nhu cầu của Bộ thương mại khoảng 260 tỷ đồng; cho ứng dụng CNTT của Bảo hiểm xã hội là 800 tỷ đồng, chưa kể vô số các dự án tin học hoá của các bộ, ngành, địa phương... Nhu cầu này tạo cơ hội cho các doanh nghiệp phần mềm vô khối việc.

Vấn đề là họ cần lượng sức mình. Nếu chưa đủ lực theo kiểu "phủ kín" của FPT hoặc CMC thì các doanh nghiệp nên đi theo hướng tinh, sâu như Lạc Việt, Hài Hòa... Điều tối kỵ là không nên "cố đấm ăn xôi" vào các dự án quá sức để rồi tự giết chết uy tín của mình và kéo theo là làm khách hàng nhìn nhận sai về năng lực của phần mềm nội địa.

Để "xơi" được thị trường nội địa, điều kiện tiên quyết mà các doanh nghiệp phần mềm cần phải làm (ngoài nâng cao năng lực về nhân công và chất lượng) là tìm cách nâng cao nhận thức của khách hàng. Vấn đề nan giải của thị trường CNTT hiện nay là tình trạng phổ biến của "cái chết hệ thống". Nghĩa là nhiều nơi trang thiết bị CNTT lớn, nhưng người vận hành lại không chuyên nghiệp và thiếu trình độ khiến hệ thống kém hiệu quả, gây lãng phí và ảnh hưởng đến tâm lý đầu tư.

Như vậy, vai trò tư vấn của doanh nghiệp phần mềm cần được đưa lên hàng đầu để giúp các doanh nghiệp đầu tư đưa được yêu cầu, tiêu chí rõ ràng và cụ thể, tránh tình trạng quá nhiều tiện ích trong một phần mềm trong khi yêu cầu nghiệp vụ lại không cần thiết gây khó cho cả nhà lập trình lẫn người sử dụng.

Cần phải "trông giỏ bỏ thóc"

Một nhược điểm mà qua nhiều năm các doanh nghiệp phần mềm vẫn chưa khắc phục được là tính liên kết trong các dự án lớn. Những bất cập về năng lực chung của các doanh nghiệp phần mềm đã gây tình trạng các dự án dù nhỏ và dễ thực hiện vẫn được chọn mặt gửi vàng cho các doanh nghiệp lớn nên doanh nghiệp nhỏ mất đi cơ hội.

Trong khi đó, các dự án lớn thường rơi vào tay doanh nghiệp nước ngoài. Vấn đề ở đây là các doanh nghiệp nhỏ nên hợp lực để thực hiện những hợp đồng mang tính khả thi vừa tích luỹ kinh nghiệm vừa phù hợp khả năng và tránh cạnh tranh không lành mạnh. Tại thị trường phần mềm xuất khẩu, sau khi "ngộ" ra rằng đã có thời "tham bát bỏ mâm" thì giờ đây các doanh nghiệp phần mềm đã tỉnh táo hơn, họ vẫn túc tắc dùng "mâm" (thị trường nội địa) và song song đấy là tìm cách "vơ bát".

Cũng như tình trạng chung của toàn thị trường CNTT, những con số thống kê về phần mềm xuất khẩu bao giờ cũng chậm chạp và không đầy đủ nên thường buộc người đánh giá phải dựa vào các doanh nghiệp lớn. Theo một con số tương đối đưa ra từ FPT thì doanh số phần mềm xuất khẩu của họ sau 9 tháng đạt con số trên 3,2 triệu USD. Trong số đó, ngoài thị trường châu Âu và Mỹ thì Nhật Bản cũng góp một phần kha khá. Điều này trùng với xu thế chung của thị trường thế giới. Theo Vinasa, hiện Nhật Bản đang chiếm tỷ lệ cao nhất với tỷ lệ hơn 50% trong tổng doanh số phần mềm xuất khẩu.

Cơ hội mở ra với các doanh nghiệp phần mềm Việt Nam khi thị trường trị giá 100 tỷ USD/năm này (chiếm khoảng 20% thị trường phần mềm thế giới) đang áp dụng triệt để chiến lược thuê gia công để cắt giảm chi phí và lại tuyên bố công khai rằng "ưu tiên Việt Nam số 1". Nan giải nhất vẫn là nhân lực, theo tính toán của Vinasa, nếu có được con số 18.229 nhân lực am hiểu tiếng Nhật, văn hóa và cách làm ăn của Nhật vào 7 năm tới (2010) thì doanh số phần mềm xuất khẩu sang Nhật Bản sẽ đạt mức 350 triệu USD (10% thị trường). Trong trường hợp đến 2010 ta chỉ chiếm được 3% thị trường với khoảng 4.875 nhân công thì doanh số đạt được là khoảng 93,6 triệu USD.

Tuy nhiên, vấn đề là làm sao có được nguồn nhân lực y khi vốn của các doanh nghiệp phần mềm của chúng ta quá mỏng mà lại phải áp dụng chiến lược nuôi binh vài năm để dụng binh cho cả tương lai. Theo một số chuyên gia trong ngành công nghệ thông tin, việc áp dụng đúng kiểu "trông giỏ bỏ thóc" như hiện nay, ta cứ túc tắc làm đúng với năng lực của ta, cầu tiến và "chiêu binh mãi mã", thì ta sẽ qua dần từng cột mốc trên con đường gian nan và sẽ leo tới đỉnh.

(Theo TBKTVN)

 

Về đầu trang 

Giá cao su tiếp tục tăng

Các sản phẩm cao su là một trong những thế mạnh xuất khẩu.

Theo Bộ Thương mại, tuần qua lượng cao su xuất khẩu ước được khoảng 7.500 tấn với trị giá 8,5 triệu USD, trong đó loại cao su SVR 3L tiếp tục xuất được nhiều, chiếm tới 57,33% lượng cao su xuất khẩu với khoảng 4.300 tấn (trị giá 5,1 triệu USD).

Giá cao su SVR 3L trung bình xuất tăng thêm 6 USD/tấn so với tuần trước và hiện đang ở mức 1.187 USD/tấn, trong đó giá cao su SVR 3L xuất sang Trung Quốc tăng thêm 18 USD/tấn, đạt mức giá 1.189 USD/tấn. Lượng cao su SVR 10 xuất được 1.800 tấn với trị giá 2,1 triệu USD, xuất chủ yếu sang thị trường Nga. Lượng cao su lỏng Latex xuất vẫn ổn định được 805 tấn với trị giá 624.000 USD. Giá cao su Latex xuất sang thị trường chính Hàn Quốc tăng thêm 18 USD/tấn, đạt mức 775 USD/tấn so với tuần trước.

(Theo TN)

Về đầu trang 

Mùa vàng từ đôi tay thợ

Mỗi năm ngành thủ công mỹ nghệ đem hàng trăm triệu đôla về cho đất nước. Đằng sau những con số đó là sự lao động cần cù, thầm lặng của những người thợ, nghệ nhân.

Soạn: AM 172681 gửi đến 996 để nhận ảnh này qua MMS

Những sợi đay, dây chuối, những thứ dễ tưởng như bỏ đi, qua bàn tay khéo léo của người thợ đã biến thành đôla cho đất nước.

Những “bàn tay vàng”

Trong khu xưởng nhỏ của HTX mành trúc Bình Minh nằm trong con hẻm đường Lê Văn Sĩ (Q.Phú Nhuận, TP.HCM), chị Bùi Thị Thân đang cùng với những người thợ mành trúc khác miệt mài vẽ nên những bức tranh mành trúc lung linh sắc màu.

Mẫu chị Thân đang làm là mẫu chân dung Đức Phật. Chỉ với một miếng mousse xốp được dùng thay cho cọ, đôi tay của chị Thân khéo léo “vuốt ve” từng sợi mành trúc cho bức tranh mờ ảo hiện lên. Chỉ là một màu sơn nâu óng mà tạo được nét đậm, nét nhạt, bóng tối, bóng sáng tạo nên cái thần của bức chân dung.

Việc canh theo mẫu phía sau để “đi” những vệt màu lên từng sợi trúc tưởng chừng đơn giản nhưng đòi hỏi người thợ phải hết sức tỉ mỉ, có óc thẩm mỹ cao. “Chỉ cần khóe mắt hoặc nét miệng lỡ tay phết dài hơn một chút là làm mất cái hồn của bức tranh rồi! Tranh chân dung được trả công cỡ 20.000-30.000 đồng/bức đề tài dễ. Còn chân dung khó hơn thì 40.000 -50.000 đồng/bức. 13 năm trong nghề, chị Thân được xếp vào hàng thợ làm mành trúc bậc cao. Mỗi ngày làm nhanh cũng được bốn bức tranh mành trúc. Một tháng chị Thân kiếm được trên 2 triệu đồng, thuộc loại thu nhập cao.

Ở xưởng sản xuất của Công ty Lạc Phương Nam đặt tại Q.Thủ Đức, cô gái 19 tuổi Huỳnh Trần Thái Dương được xem là có tay nghề làm bình gốm phủ sơn mài “cứng” với hai năm trong nghề. “Công việc khó ở chỗ chấm sơn tạo vân giả đá của nước “áo” sơn mài phủ trên bình gốm. Thường phải 3-4 ngày mới “mặc áo” xong cho một chiếc bình gốm sơn mài!” - Dương kể. Cứ phủ một nước sơn lại phủ một nước bóng để chặn không cho các lớp sơn thấm vào nhau. Chiếc bình gốm Dương đang tạo vân giả đá mới chỉ là lớp đầu tiên.

Dương như lọt thỏm giữa cả chục chén sơn màu nhũ, xanh, cam, vàng..., bàn tay gầy nhỏ thoăn thoắt nhúng miếng bông gòn vào chén sơn say sưa chấm phá từng vệt màu tạo vân đá đỏ trên nền sơn trắng của thân bình gốm. Từ mức lương học nghề 400.000 đồng/tháng, lương tháng của Dương bây giờ được nâng lên 900.000 đồng.

Còn anh Nguyễn Hoàng Phương vừa bước vào tuổi 30, lại được xem là lão làng trong nghề thiết kế gốm, gỗ sơn mài ở Công ty Lạc Phương Nam với 11 năm tuổi nghề. Dù không qua trường lớp mỹ thuật nào, Phương vẫn được đánh giá cao về óc mỹ thuật nên giao trọn khâu thiết kế mẫu phủ sơn mài cho anh. Nhìn một kiểu dáng bình gốm, Phương tung hứng những sắc màu ăn tông với nhau sao cho thật hài hòa.

Tùy mẫu, có ngày thiết kế liền một lúc mấy mẫu bình mới, có ngày chỉ loay hoay với một mẫu. Này là chiếc bình có dạng chai phủ sắc xanh lam ngả sang màu đồng. Kia là chiếc bình cắm hoa miệng loe xanh cốm vân hoa. Lại có chiếc dọc ngang những mảng màu tối hòa quyện như một bức tranh trừu tượng. Làm rất say mê nhưng thu nhập của một chuyên viên thiết kế có tay nghề cao như Phương cũng chưa phải cao lắm: 1,5 triệu đồng/tháng.

Chị Phạm Thị Mến, 45 tuổi, năm năm làm thợ đan hàng thủ công mỹ nghệ cho HTX Ba Nhất. Vừa mải miết gò những sợi lục bình trên khung gỗ để đan chiếc rương, chị Mến cho biết phải đan cần mẫn hai ngày mới xong chiếc rương. Vì vừa đan vừa xe quấn sợi lục bình rất lắt nhắt và mất thời gian. Công đoạn đầu tiên chị đang làm là quấn khung gỗ bằng những sợi lục bình xe lại với nhau, rồi mới sang công đoạn đan lồng lục bình vào những thanh gỗ khung rương.

Chị Mến thuộc mặt cả chục kiểu đan khác nhau. Nào là đan xe, đan hột gạo, đan lồng tôm, đan lóng mốt (đan rổ)... với đủ loại nguyên liệu dây chuối, dây lục bình, cói, mây. Với chừng ấy nguyên liệu và kiểu đan, bàn tay thô ráp khéo léo của chị Mến có thể biến tấu nên rất nhiều kiểu dáng: nào là bình bông cổ cao, đôn ghế tròn, nệm gối tròn, rồi giỏ xách... Lương khoán sản phẩm mỗi tháng chị Mến kiếm được 1,5-2 triệu đồng/tháng. Mức thu nhập này được xem là cao trong xưởng, và chỉ thợ tay nghề cứng cỡ như chị Mến mới có được.

Họ đã đem về hàng trăm triệu USD!

Lô hàng 20.000 bức “tranh” mành trúc vừa được Công ty Sản xuất dịch vụ xuất nhập khẩu Nam Hà Nội (Q.1, TP.HCM) xuất sang Úc, châu Âu. Đây là những mẫu họa tiết hiện đại vẽ trên nền mành trúc do Nam Hà Nội thiết kế. Và những công nhân HTX mành trúc Bình Minh chính là họa sĩ vẽ những bức tranh này.

Sau khi mở thêm một thị trường mới là Morocco, bà Nguyễn Thị Cúc, chủ nhiệm HTX Ba Nhất, lại vừa lên đường tìm kiếm thêm khách hàng mới ở Mỹ. Hành trang của bà là những mẫu hàng đan đay cói mới được những công nhân khéo tay của Ba Nhất hoàn tất. Hiện mỗi tháng Ba Nhất xuất đi hơn 100 container hàng mây tre thủ công mỹ nghệ, trị giá 400.000-500.000 USD.

Còn Công ty Lạc Phương Nam có cả trăm mẫu bình gốm phủ sơn mài mới đang chuẩn bị chào hàng cho khách Mỹ. Đủ các kiểu dáng bình hoa văn đắp nổi, bình có tai xách, bình vại, bình miệng loa, bình miệng túm... Không chỉ kiểu dáng mà màu sắc cũng có những nét mới: xám pha đồng, tím, lam, hồng sẫm... với nền vân giả đá làm chủ đạo.

Ngày càng có nhiều “mùa vàng” được gặt hái từ những đôi tay người thợ khi mà hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu luôn đạt mức tăng trưởng cao hằng năm. Theo Bộ Thương mại, kim ngạch xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ năm 2004 có thể đạt 400 triệu USD.

Có được những “mùa vàng” này cũng là nhờ phần lớn ở những người thợ đã chắt chiu “gieo” từng giọt mồ hôi, bền bỉ khéo léo cho những món hàng thủ công tinh xảo. Những “bàn tay vàng” đó mong ước gì? “Chỉ mong HTX có thêm nhiều hợp đồng xuất khẩu hàng đi các nước, những công nhân như mình có được việc làm ổn định thường xuyên để có thu nhập lo cuộc sống gia đình...”, người thợ đan lành nghề của Ba Nhất - chị Mến - nói.

(Theo TT)

 

Về đầu trang 

Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi