Một số thông tin kinh tế trên các báo ngày 20/10
08:20' 20/10/2004 (GMT+7)

1.Cá ba sa nghiệt ngã đầu ra

2.Mở đường bay trực tiếp Việt Nam - Ấn Độ

3.TP.HCM: Giá hàng nhựa gia dụng tiếp tục tăng

4.Kỳ vọng vào dịch vụ - thương mại

5.Tính giá dầu kế hoạch 2005 quá thấp!

6.Tăng tính thanh khoản cho người mua trái phiếu

Cá ba sa nghiệt ngã đầu ra

Thương lái lựa cá. Giá cá giảm, lượng cá nuôi bị loại ra càng nhiều hơn... - Ảnh: ĐỨC VỊNH TT - Giá cá tra, ba sa đang giảm. Lần này nguyên nhân lại là: phát triển quá nóng.

Tranh nhau bán

Soạn: AM 175359 gửi đến 996 để nhận ảnh này qua MMS

 Thương lái lựa cá.

Anh Nguyễn Công Long (Châu Phú, An Giang) thu hoạch ao 21 tấn cá tra, bán chỉ có 10.500 đồng/kg. Anh than: “Giảm 3.500 đồng/kg so với tháng trước, may chăng huề vốn!”. Đó là nhờ bán trước, còn hiện nay thương lái chỉ trả giá 9.000- 9.500 đồng/kg.

Chị Nguyễn Thị Bé Sáu (ở xã Mỹ Phú) nuôi một ao sản lượng 50 tấn, kêu bán hơn tháng nay, tìm hết lái này đến lái khác mà vẫn chưa bán được. Chị thở dài: “Với giá đó tôi thiệt mất 70 triệu đồng, chưa kể tốn thêm chi phí thức ăn, thuốc điều trị bệnh...”. Lúc giá cá bè đang 14.500 đồng/kg bắt đầu có chiều hướng giảm, bà Lê Thị Nga - nuôi ba bè cá làng bè Đa Phước, An Phú - đã kêu bán.

UBND tỉnh An Giang và doanh nghiệp thành viên Hiệp hội Nghề nuôi và chế biến thủy sản An Giang đã đề nghị các ngân hàng chỉ hỗ trợ vốn cho các hộ dân đã có hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với doanh nghiệp, tuyệt đối không cho các hộ dân chưa có hợp đồng liên kết vay vốn để tránh tình trạng phát triển quá nhanh vượt quá khả năng tiêu thụ như hiện nay.

Giá cá cứ tụt giảm, người nuôi càng thêm hoang mang. Thêm nữa, đang gần tới mùa lũ rút, nước từ nội đồng sẽ đổ ra mạnh mang theo bao mầm bệnh và cá sẽ dễ nhiễm bệnh, điều trị rất tốn kém, tỉ lệ hao hụt nhiều, lại càng khó bán hơn nên họ cần tranh thủ thu hoạch sớm. Do vậy người nuôi đua nhau bán đưa đến giá cá tra, ba sa càng xuống thấp hơn.

Một cán bộ thu mua của Công ty Agifish cho biết giá cá mua tận nơi vào chiều 18-10 chỉ còn 9.000 đồng/kg (loại nuôi ao), 10.500 đồng/kg (loại nuôi bè) mà mua vẫn không xuể vì rất nhiều chủ, nhiều nơi kêu bán. Còn anh Trần Thanh Phong - Công ty Cataco (Cần Thơ) - bảo: “Một ngày không biết bao nhiêu hộ, một chủ mời đến mua vài ba chỗ”. Từ đó cánh thương lái càng tha hồ làm reo, cứ dìm giá xuống...

Chừng nửa tháng trước hộ anh Phạm Văn Chúng bán một ao 26 tấn giao kèo 11.500 đồng/kg. Thấy nhiều hộ khác cần bán, đang cân nửa chừng mới 13 tấn, cánh thương lái chợt bảo rằng cá anh bị bệnh không chịu mua nữa rồi... chuồn thẳng. Anh gọi nơi khác mua liền bị “đè” xuống còn 9.000 đồng/kg. Anh lắc đầu: “Lỗ nặng, tôi nghỉ nuôi luôn...”. Năn nỉ lái của một công ty vừa đồng ý mua cho một bè 45 tấn, hộ Trương Thị Hòa (Thốt Nốt, Cần Thơ) mừng khấp khởi. Nào ngờ tuần sau bị chê cá bệnh đòi mua giá thấp nữa. Nhiều hộ nuôi phải chi thêm tiền cho “cò” mới bán được cá...

Cung vượt cầu

Giám đốc Xí nghiệp đông lạnh thủy sản Afiex (An Giang) Bửu Huy cho biết do các hợp đồng xuất khẩu của nhà máy đến cuối năm vẫn ở mức bình thường, số lượng hợp đồng xuất khẩu cũng không gia tăng nên công ty chưa tính đến việc tăng thêm khả năng mua nguyên liệu.

Hầu hết doanh nghiệp chế biến xuất khẩu đều cho rằng những tháng đầu năm tình hình xuất khẩu các sản phẩm cá của VN có lợi thế do ảnh hưởng từ dịch cúm gà, người tiêu dùng ở các thị trường EU và Mỹ tập trung chuyển sang ăn cá. Khi đó giá cá nguyên liệu thịt trắng loại 1 mua vào lên đến 14.000-15.000 đồng/kg, nhưng cung vẫn không đủ cầu. Người nông dân đổ xô vay mượn tiền đầu tư đào ao, mua bè... nuôi cá bán cho các nhà máy.

Ông Phan Văn Danh - phó chủ tịch Hiệp hội Nghề cá An Giang - thẳng thắn nhìn nhận: “Cung đã vượt cầu. Đến thời điểm này sản lượng nuôi trong tỉnh đã đạt 160.000 tấn. Đó là con số thống kê, còn thực tế... nhiều hơn thế!”. Không chỉ riêng An Giang vốn là vùng nuôi truyền thống mà khắp các tỉnh ĐBSCL, nơi nơi đều ao liền ao... Sản lượng cả vùng trong năm 2004 này ước gần 300.000 tấn.

Tuy nhiên, nguyên nhân chính vẫn từ tâm lý hoang mang của người dân. Ông Nguyễn Hữu Khánh - phó chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam - khẳng định: “Giá xuất khẩu không giảm, đầu ra vẫn rất thuận lợi, vừa có thêm nhiều thị trường mới. Sản lượng mà các doanh nghiệp thu mua chế biến không hề giảm đi, chỉ có điều thu hoạch cùng trong một thời điểm, cứ ồ ạt kêu bán nên người nuôi bị ép giá...”.

(Theo TT)

Về đầu trang 

Mở đường bay trực tiếp Việt Nam - Ấn Độ

Soạn: AM 175361 gửi đến 996 để nhận ảnh này qua MMS

Theo TTXVN, Việt Nam và Ấn Độ đã quyết định thiết lập đường bay trực tiếp giữa hai nước với tần suất 20 chuyến/tháng. Quyết định này được thông báo trong cuộc gặp giữa Bộ trưởng Du lịch Ấn Độ Chahuri và Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam Võ Thị Thắng đang ở thăm Ấn Độ.

Nhằm gia tăng lượng du khách Ấn Độ đến Việt Nam, Chính phủ Ấn Độ cho biết sẽ sớm dỡ bỏ những rào cản về thị thực nhập cảnh và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho du khách Ấn Độ khi tới Việt Nam.

Ngày 29/10, Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) sẽ chính thức khai trương đường bay thẳng Đà Lạt - Hà Nội và sử dụng máy bay Fokker 70 để vận chuyển hành khách trên tuyến đường này. Đây là đường bay thẳng đầu tiên nối Hà Nội với khu vực Tây Nguyên. Theo Văn phòng Vietnam Airlines tại Lâm Đồng, mỗi tuần sẽ có 3 chuyến bay từ Hà Nội đi Đà Lạt và ngược lại. Máy bay sẽ cất cánh tại sân bay Liên Khương vào lúc 9h30 và tại sân bay Nội Bài vào lúc 11h40 vào các ngày thứ ba, thứ sáu và chủ nhật. Giá vé là 1,4 triệu đồng/người/lượt.

(Theo TN)

Về đầu trang 

TP.HCM: Giá hàng nhựa gia dụng tiếp tục tăng

Soạn: AM 175363 gửi đến 996 để nhận ảnh này qua MMS

Giá dầu thô thế giới đạt mức cao nhất trong nhiều năm qua (trên 55 USD/thùng) đã gây tác động không nhỏ đến giá hạt nhựa nhập khẩu, dẫn đến giá các mặt hàng nhựa gia dụng trong nước cũng đồng loạt tăng theo.

Từ 3 ngày qua, tiểu thương kinh doanh hàng nhựa gia dụng các loại ở chợ Bình Tây (Q.6) liên tiếp nhận được bảng báo giá mới của các cơ sở sản xuất. Trong đó, mặt hàng túi xốp tăng mạnh nhất, khoảng 20%, hiện 25.000đ/kg (tăng 5.000đ/kg). Dép, bàn, ghế, thau, móc áo... tăng 5% - 15%.

(Theo TN)

 

Về đầu trang 

Tăng trưởng kinh tế TP.HCM những tháng cuối năm

Kỳ vọng vào dịch vụ - thương mại

Những tháng cuối năm, dự báo tình hình sản xuất, kinh doanh của TPHCM sẽ gặp nhiều khó khăn, cần những nỗ lực rất lớn của các ngành, các cấp mới có thể đạt các chỉ tiêu tăng trưởng đã đề ra. Một trong những kỳ vọng có thể thúc đẩy tăng trưởng kinh tế những tháng cuối năm là ngành dịch vụ - thương mại.

Soạn: AM 175365 gửi đến 996 để nhận ảnh này qua MMS
Hoạt động thương mại tại TP.HCM luôn sôi động.

Còn nhiều khó khăn Trong 9 tháng đầu năm, kinh tế TPHCM tiếp tục tăng trưởng, tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng 10,7%. Tuy vậy, mức tăng trưởng này vẫn chưa đạt chỉ tiêu đề ra từ 11,5% - 12%. Trong đó, giá trị sản xuất công nghiệp thấp hơn so với cả nước; giá trị sản xuất nông nghiệp giảm so với cùng kỳ; các chương trình mục tiêu phát triển các ngành kinh tế chủ lực triển khai chậm… Nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực đang giảm mạnh, trong đó có ngành may mặc xuất khẩu do hết quota vào thị trường Mỹ, việc phân bổ quota chuẩn bị cho năm tới chưa xong, chưa thể ký kết các hợp đồng sản xuất. Một số mặt hàng nông sản giảm giá, khả năng xuất khẩu thủy sản giảm vì vụ kiện bán phá giá tôm. 

Ông Nguyễn Đức Hoan, Chủ tịch Hội Dệt-May-Thêu-Đan TP cho biết, nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ ngành dệt may đang gặp khó khăn do không có đơn hàng, bắt đầu phải làm giãn ca và cho nghỉ luân phiên. Sự đình trệ trong xuất khẩu ngành dệt may sẽ ảnh hưởng xấu đến phát triển sản xuất công nghiệp trên địa bàn.

Bên cạnh đó, tốc độ xây dựng trong thời gian qua chỉ tăng 4,9%, trong khi cùng kỳ năm ngoái tăng 6,1%. Giá sắt thép, vật liệu xây dựng tăng cao đã ảnh hưởng tới các công trình xây dựng. Tuy nhiên, vấn đề chính là huy động vốn đầu tư xây dựng cơ bản cũng đạt thấp. Tới đây, tình hình triển khai các công trình xây dựng trọng điểm sẽ có những khó khăn nhất định, trong đó một số dự án chưa được khởi công theo kế hoạch. Tất cả những khó khăn này sẽ ảnh hưởng đến tốc độ tăng GDP trong năm nay. Chủ tịch UBND TP Lê Thanh Hải cho rằng, tăng trưởng kinh tế của TP trong những tháng còn lại chủ yếu phải trông chờ vào mảng dịch vụ - thương mại.

Xác định lại sản phẩm và thị trường XK chủ lực Ban Kinh tế và Ngân sách HĐND TP đã làm việc với Sở Thương mại TP, về tình hình hoạt động thương mại TP năm 2004 và chỉ tiêu tăng trưởng xuất khẩu 13%. Báo cáo tại cuộc họp, bà Phạm Thị Kim Hồng, Giám đốc Sở Thương mại cho biết: Kế hoạch thực hiện kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn TP năm 2004 là 8,4 tỷ USD, tăng 15% so cùng kỳ (chỉ tiêu Nghị quyết HĐND TP là 13%). Trong đó, 9 tháng đầu năm TP đã thực hiện được 7,116 tỷ USD, tăng 31,2% so cùng kỳ, đạt 84,7% kế hoạch. Các mặt hàng chủ lực hiện nay gồm dầu thô, dệt may, da giày, nông sản, thủy sản và gỗ mỹ nghệ...

Ông Nguyễn Hữu Thọ, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn cảnh báo: Mặc dù tốc độ tăng trưởng có thể đạt 15% năm 2004, nhưng ngành thương mại -dịch vụ chưa cho thấy sự phát triển bền vững. Chúng ta chưa xác định được sản phẩm chủ lực là mặt hàng nào, thị trường chính là ai, cần gì?

Theo ông Thọ, để thực hiện được những vấn đề này thì con người vẫn là yếu tố hàng đầu. TP phải sớm thành lập một trường đào tạo về thương mại để có những cán bộ thực sự có năng lực. Một vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm là đến thời điểm này TP vẫn chưa có một trung tâm hội chợ triển lãm đúng tầm. TPHCM phải là một trong những trung tâm thương mại, mua sắm, phân phối hàng hóa lớn của cả nước. Nếu chúng ta không nhanh chân thì sẽ mất cơ hội...

Bà Phạm Thị Kim Hồng cho rằng: Việc lựa chọn mặt hàng xuất khẩu chủ lực chủ yếu dựa vào các yếu tố: tỷ trọng kim ngạch, hiệu quả xuất khẩu cao và đạt tốc độ phát triển liên tục trong nhiều năm liền. Quan điểm của Sở Thương mại là không phân biệt đối xử trong hỗ trợ xuất khẩu giữa các thành phần kinh tế. Điều này biểu hiện qua các kỳ tổ chức hội chợ xuất khẩu.

Một trong những nguyên nhân chính khiến ngành thương mại dịch vụ phát triển chưa bền vững là do xuất phát điểm của TP từ nền sản xuất, kinh doanh nhỏ. Cần phải có thời gian để xoay chuyển, nâng cấp chất lượng hoạt động thương mại. Tuy vậy, TP luôn là địa bàn thực hiện sớm nhất các vấn đề liên quan đến quy hoạch, định hướng từ rất sớm như quy hoạch chợ đầu mối, trung tâm thương mại và dịch vụ, hệ thống xăng dầu, giết mổ gia súc gia cầm.

Nhiều chuyên gia cũng cho rằng đã đến lúc TP tính đến phát triển thị trường phục vụ cao cấp, như thị trường tài chính - tín dụng - ngân hàng, bưu chính - viễn thông, bất động sản, kho bãi, cảng, y tế, giáo dục… Theo Viện Kinh tế TP, để phát triển các ngành dịch vụ cao cấp, TP cần hoàn thiện cơ sở hạ tầng vì đây là điều kiện quyết định đối với tăng trưởng kinh tế; thực hiện di dời các cảng từ nội thành ra ngoại thành; phát huy hiệu quả các tiềm năng hiện có như lực lượng doanh nghiệp trên địa bàn, quỹ đất đô thị, vốn trong dân…

Đạt được điều đó, không chỉ thúc đẩy kinh tế TP phát triển những tháng cuối năm mà còn thực hiện mục tiêu chuyển dịch cơ cấu kinh tế TP, đưa tỷ trọng ngành dịch vụ - thương mại hiện nay đang chiếm 40% trong GDP lên 60% vào năm 2010.

(Theo SGGP)

 

Về đầu trang 

Tính giá dầu kế hoạch 2005 quá thấp!

“Tổng công ty Dầu khí VN tính giá dầu kế hoạch năm 2005 là 170 USD/tấn, tương đương 22 USD/thùng là quá thấp; đề nghị rà soát lại để đưa ra mức giá phù hợp hơn”. Bộ Tài chính đã báo cáo Thủ tướng như vậy xung quanh kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2005 của Tổng công ty Dầu khí VN.

Theo Bộ Tài chính, Tổng công ty Dầu khí (PetroVietnam) cần bổ sung cụ thể hơn vào kế hoạch 2005 phần báo cáo về tài chính và đầu tư, trong đó giải trình cụ thể về kế hoạch thu, chi, lợi nhuận, tổng quĩ lương, phần thu của Nhà nước từ thuế; tổng nhu cầu vốn đầu tư (có chi tiết theo từng công trình), khả năng thu xếp từ các nguồn, các quĩ tài chính tập trung của tổng công ty...

Trao đổi với Tuổi Trẻ, một quan chức của PetroVietnam cho biết lãnh đạo PetroVietnam sẽ bàn bạc với các tập đoàn đang khai thác dầu tại VN để xem xét lại vấn đề này. Cũng theo ông này, việc PetroVietnam đưa ra mức giá thấp như vậy là để đảm bảo an toàn cho cân đối ngân sách của bản thân PetroVietnam: “Hiện giá dầu đang diễn biến rất phức tạp, rất khó lường trước được giá sẽ diễn biến như thế nào. Trước đây đã từng có lúc giá dầu vọt lên trên 35 USD/thùng nhưng rồi chỉ một thời gian ngắn sau đó lại tụt giảm xuống 18-19 USD/thùng”.

(Theo TT)

Về đầu trang 

Tăng tính thanh khoản cho người mua trái phiếu

Người mua các giấy tờ có giá cần thu hồi vốn trước hạn có thể bán lại cho ngân hàng (NH) thông qua nghiệp vụ chiết khấu, tái chiết khấu. Qui định này vừa được NH Nhà nước ban hành tại quyết định số 1325 nhằm giúp người dân an tâm đầu tư dài hạn.

Giấy tờ có giá mà các NH được mua lại bao gồm: trái phiếu (TP) kho bạc, TP công trình trung ương, TP đầu tư, TP ngoại tệ, công trái xây dựng Tổ quốc, TP chính quyền địa phương phát hành, các giấy tờ có giá khác do NH thương mại phát hành... Chủ sở hữu giấy tờ có giá có thể bán có thời hạn hoặc bán đứt.

Được biết, ngoài gửi tiết kiệm người dân còn có thể đầu tư vào các loại giấy tờ có giá có lãi suất hấp dẫn hơn, nhưng thời gian qua nhiều người vẫn chưa chuộng hình thức này vì không dễ rút trước hạn như gửi tiết kiệm.

(Theo TT)

Về đầu trang 

Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi