Một số thông tin kinh tế trên các báo ngày 22/10
08:32' 22/10/2004 (GMT+7)

1.Nuôi cá sấu: người nuôi tăng, lợi nhuận giảm

2.Làm giả 87 giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa

3.Tư vấn quản lý DN: “Thuốc” chưa hiệu nghiệm

4.Thị trường bán lẻ đang bị “tấn công”

5.Bỏ “giấc mơ” bò sữa sang bò thịt

Nuôi cá sấu: người nuôi tăng, lợi nhuận giảm

Theo anh Hồ Văn Bé Hùng, chủ trại nuôi cá sấu Mỹ Hiệp (huyện Cao Lãnh, một trong những trại nuôi lớn nhất tỉnh Đồng Tháp), từ đầu năm 2004 đến nay lợi nhuận từ nghề nuôi cá sấu tiếp tục giảm do đầu ra bị hạn chế.

Soạn: AM 176867 gửi đến 996 để nhận ảnh này qua MMS

Năm 2002, nuôi một con cá sấu đến 1 năm tuổi có thể lời 300.000-400.000 đồng, thế nhưng từ năm 2003 mức lợi nhuận sụt giảm còn 80%, và từ đầu năm 2004 tới nay chỉ còn 40% do giá cá thịt giảm còn 110.000-120.000 đồng/kg.

Hiện chỉ có thị trường duy nhất tiêu thụ là Trung Quốc lại không ổn định. Tuy vậy số lượng người nuôi cá sấu vẫn tăng nhanh. Ước tính trong tỉnh hiện có gần 400 hộ nuôi (có đăng ký với kiểm lâm) với số lượng gần 17.000 con, đó là chưa kể những hộ nuôi nhỏ lẻ tự phát không đăng ký.

(Theo TT)

Về đầu trang 

Làm giả 87 giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa

Cơ quan an ninh điều tra Công an TP.HCM đang thụ lý điều tra vụ làm giả 87 giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) để xuất hàng dệt may đi Mỹ, do Vũ Trần Huy - nhân viên Công ty Trường Nam (TP.HCM) - thực hiện.

Vũ Trần Huy (ngụ P.11, Q. Bình Thạnh) từng là nhân viên xuất nhập khẩu của Công ty may mặc Đề Vương (Long An) và Công ty Trường Nam. Huy dùng các giấy tờ, con dấu… của hai công ty Đề Vương và Doolim Vina để lập hồ sơ gửi Phòng Thương mại và công nghiệp VN tại TP.HCM xin cấp C/O.

Từ tháng tư đến tháng 6-2003, bằng “kỹ thuật” trên, Huy đã được Phòng TM&CN VN cấp 87 giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa. Theo tìm hiểu của chúng tôi, muốn được cấp C/O một hồ sơ phải có nhiều thứ giấy tờ, trong đó có tờ khai hải quan hàng xuất khẩu. Tuy nhiên, khi cơ quan chức năng kiểm tra hồ sơ lưu tại Phòng TM&CN VN, hầu hết hồ sơ của Huy đều không có giấy tờ này.

Theo Cục Hải quan điều tra chống buôn lậu, nhiều khả năng các C/O trên được mang ra nước ngoài. Tại đây, bằng động tác gắn các mác “made in Vietnam” (sản xuất tại VN) lên sản phẩm, các đối tượng dùng các C/O giả trên để xuất hàng sang Mỹ với số lượng lớn. Trong quá trình làm thủ tục, hải quan Mỹ đã phát hiện một số lô hàng gian dối kiểu trên và đã trả về VN.

(Theo TT)

 

Về đầu trang 

Tư vấn quản lý DN: “Thuốc” chưa hiệu nghiệm

Doanh nghiệp có thể giảm nhiều chi phí quản lý nếu được tư vấn tốt Chương trình phát triển kinh tế tư nhân MPDF (thuộc Tập đoàn tài chính quốc tế IFC) vừa đưa ra một bản báo cáo nghiên cứu về dịch vụ tư vấn quản lý tại Việt Nam. Theo kết quả của báo cáo này, dịch vụ tư vấn quản lý cho các doanh nghiệp (DN) vừa và nhỏ tại Việt Nam mới manh nha phát triển và có không ít những chuyện buồn cười xảy ra giữa nhà tư vấn và DN được tư vấn.

Không có thói quen tư vấn

Soạn: AM 176869 gửi đến 996 để nhận ảnh này qua MMS

DN có thể giảm nhiều chi phí quản lý nếu được tư vấn tốt.

Ông Đào Mạnh Chất, Giám đốc Công ty 3C đã sử dụng rất có hiệu quả dịch vụ tư vấn quản lý DN do MPDF giới thiệu nhận xét: "Vấn đề chính là các DN Việt Nam, đặc biệt là các DN vừa và nhỏ không có thói quen sử dụng dịch vụ tư vấn. Họ thường tự làm mọi thứ mà lẽ ra đi thuê tư vấn thì sẽ tốt hơn. Mặt khác, đối với các công ty tư vấn, phần lớn lại có quan điểm "khách hàng là thượng đế" và họ cố làm vui lòng khách hàng trong khi lẽ ra là phải tư vấn điều tốt nhất cho khách hàng".

Công ty TNHH Sơn Hà (chuyên sản xuất bình Inox), một công ty dù đã từng tăng gấp đôi năng suất trong vòng 2 tháng nhờ sử dụng các lời khuyên của công ty tư vấn nhưng cũng không mấy hài lòng về những dịch vụ tư vấn mà mình đã sử dụng. Đại diện của Công ty Sơn Hà nói: "Nhiều công ty chào dịch vụ nhưng thậm chí không thể nói rõ họ có thể tư vấn giúp cho chúng tôi cái gì và kinh nghiệm cụ thể của họ ra sao".

Ông Phạm Ngọc Thanh - Giám đốc Công ty Sytec - một công ty tư vấn về các sản phẩm kỹ thuật trong ngành viễn thông nói về dịch vụ tư vấn quản lý: "Cả hai cùng thiếu chuyên nghiệp (nhà tư vấn và DN) nên mới dẫn tới việc không gặp nhau".

Tư vấn, DN sợ tốn tiền

Theo số liệu của MPDF, Việt Nam hiện có khoảng 100-150 công ty cung cấp dịch vụ tư vấn quản lý (bao gồm tư vấn quản lý chiến lược, nhân sự, marketing, tài chính, kế toán). Đa số các công ty tư vấn Việt Nam hoạt động dưới 5 năm và trung bình có từ 4-5 chuyên gia tư vấn. Phần lớn các nhà tư vấn mới chỉ cung cấp các dịch vụ hỗ trợ kinh doanh như kê khai thuế, tuyển dụng nhân sự, ghi chép sổ sách kế toán... Hầu hết khách hàng tư vấn là các công ty nước ngoài, các công ty liên doanh, các dự án tài trợ nước ngoài hay các DN nhà nước. Chỉ có khoảng 1% DN tư nhân sử dụng dịch vụ tư vấn quản lý.

Ông Phạm Quốc Hưng, Giám đốc Công ty Kiểm toán và tư vấn quản lý ICA cho biết: "Khi chúng tôi vào tư vấn lẽ ra phải có một quá trình đánh giá lại DN: đó chính là quá trình hết sức cần thiết để "khám" và tìm ra "bệnh". Tuy nhiên, hầu hết khách hàng đều từ chối mà chỉ yêu cầu một việc cụ thể nào đó như là giải pháp cho quản lý hàng tồn kho chẳng hạn. Họ chỉ cần "uống thuốc" mà không cần biết đó có phải là thuốc đúng bệnh không. Như vậy thì làm sao mà tư vấn tốt được?". Ông Phạm Quốc Thịnh - Giám đốc Công ty tư vấn MCG thì nhận xét: "Họ sợ tốn tiền bởi việc đánh giá lại rất tốn thời gian và tiền bạc, tốn hơn nhiều so với việc đưa ra một giải pháp cụ thể".

Bà Hồ Bạch Liên, chuyên viên MPDF chuyên hỗ trợ các DN trong dịch vụ tư vấn cho biết: "Tôi biết một DN vừa và nhỏ thuê được tư vấn rất tốt và giám đốc DN đó quyết định làm theo. Thế nhưng, sau đó các nhân viên chủ chốt của công ty này đều bỏ đi vì họ không thấy hài lòng với hệ thống mới, DN bị lao đao mất mấy năm liền". Bà Liên nhận xét: "Nhà tư vấn tốt nhưng những con người trong DN chưa sẵn sàng thì kết quả cũng khó mà tốt được".

(Theo TN)

Về đầu trang 

Thị trường bán lẻ đang bị “tấn công”

Trước thềm hội nhập WTO, nhiều tập đoàn bán lẻ quốc tế đang chuẩn bị đầu tư vào “xâm chiếm” thị trường VN

Soạn: AM 176871 gửi đến 996 để nhận ảnh này qua MMS

Khách hàng mua sắm tại siêu thị Maximark trên đường 3 Tháng 2.

Bà Nguyễn Thị Ánh Hồng, Giám đốc hệ thống siêu thị Maximark, nói: “Mới đây dư luận loan tin rằng chúng tôi muốn bán hệ thống siêu thị Maximark, vì vậy hơn một tuần nay máy điện thoại của tôi bị réo liên tục bởi rất nhiều cuộc gọi từ các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Tuy bị làm phiền nhưng qua đó cho thấy kinh doanh siêu thị, phát triển hệ thống dịch vụ bán lẻ tại VN đang thực sự hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài”.

Thị trường 20 tỉ USD

Doanh thu từ bán lẻ và dịch vụ của VN mỗi năm lên tới 20 tỉ USD và đang tăng trưởng khá nhanh khiến VN trở thành thị trường bán lẻ khá hấp dẫn đối với nhiều nhà đầu tư nước ngoài. Trên thực tế, thành công của tập đoàn siêu thị bán sỉ nước ngoài đầu tiên vào kinh doanh tại VN là Metro Cash & Carry (Đức) cũng đã khẳng định tính hấp dẫn của thị trường bán lẻ nội địa. Còn hệ thống siêu thị trong nước cũng có doanh số bán hấp dẫn. Mức tăng trưởng của hệ thống Maximark từ năm 1993 đến nay trung bình khoảng trên 20%/năm. Còn doanh thu 9 tháng đầu năm 2004 của hệ thống siêu thị Saigon Co.op đạt 1.131 tỉ đồng, tăng 50,8% so với cùng kỳ năm trước. Một trong những nguyên nhân khác khiến nhà đầu tư khi đi khảo sát việc kinh doanh siêu thị tại VN rất lạc quan là lượng khách đến siêu thị ngày càng đông, bình quân một ngày lượng người đến hệ thống Saigon Co.op đạt 42.600 người và 85% người dân thành thị cho biết thích mua sắm ở siêu thị.

Để đón đầu việc VN hội nhập vào WTO, 2 tập đoàn kinh doanh siêu thị lớn ở châu Á là Parkson (Malaysia) và Dairy Farm (Hồng Kông) đang tiến hành những thủ tục cuối cùng để “tấn công” vào thị trường này. Và theo sau đó có thể sẽ có thêm nhiều tập đoàn khác.

Sức mua còn thấp hơn khu vực

Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thị Ánh Hồng, kinh doanh siêu thị ở VN không hẳn là mảnh đất màu mỡ như nhiều người vẫn tưởng. Mức lãi bán lẻ hàng siêu thị ở VN rất thấp, chỉ dưới 10% đối với hầu hết mặt hàng, có những mặt hàng chỉ lãi vài chục đồng. “Thị trường bán lẻ của VN tốt nhưng không phải là béo bở. Nếu nói đúng thực trạng thì hiện nay kinh doanh siêu thị ở VN rất khó có lãi, chúng tôi cũng đang điều đình với nhà cung cấp để nâng cao mức chiết khấu đối với các mặt hàng” - bà Hồng nói. Dù lúc nào cũng có khách ra vào tấp nập nhưng mức chi cho mua sắm hàng hóa tại các siêu thị của khách hàng còn thấp. Ở những khu vực trung tâm đô thị, mỗi hóa đơn mua hàng trung bình chỉ đạt từ 100.000 - 150.000 đồng, ở ngoại thành thấp hơn nhiều. Sức mua như vậy thấp hơn rất nhiều so với những nước trong khu vực.

Đối đầu với cạnh tranh

Trước sự chuẩn bị “tấn công” của nhiều tập đoàn lớn vào thị trường VN, ông Nguyễn Ngọc Hòa, Tổng Giám đốc Saigon Co.op, nói: Chúng tôi đã chuẩn bị các công việc để cạnh tranh khi VN hội nhập đã 5 năm nay. Nhờ có mối quan hệ với Liên đoàn Hợp tác xã Thụy Điển nên chúng tôi đã nhờ đào tạo nâng cao tay nghề cho 5.000 lượt nhân viên trong hệ thống, cử một số cán bộ đi học các khóa học ngắn hạn về quản lý bán hàng do nước ngoài đào tạo. Để nâng cao năng lực quản lý, Saigon Co.op đã đầu tư xây dựng một hệ thống phần mềm quản lý chuỗi siêu thị hiện đại theo tiêu chuẩn quốc tế, với kinh phí khoảng 1,5 triệu USD. Mặt khác, hiện nay chúng tôi đang phát triển chương trình “khách hàng thân thiết” để giữ và phát triển thị phần trong thị trường nội địa. Còn bà Nguyễn Thị Ánh Hồng lạc quan nói: “Họ có thế mạnh về tài chính nhưng chúng tôi có thế mạnh là sự am hiểu thói quen của người tiêu dùng VN. Chẳng hạn như: thói quen mua hàng đơn lẻ, dùng hết mới mua tiếp và coi việc đi siêu thị như một nhu cầu giải trí. Bên cạnh đó, đi sâu vào những sản phẩm gần gũi và tiện dụng cho người tiêu dùng VN. Đó là lợi thế của các siêu thị VN trong việc cạnh tranh khi VN tham gia cuộc chơi thương mại toàn cầu”.

(Theo NLĐ)

Về đầu trang 

Bỏ “giấc mơ” bò sữa sang bò thịt

Trong khi người chăn nuôi lợn chịu nhiều nỗi thăng trầm do giá cả lên xuống thất thường, các trang trại nuôi gia cầm lao đao vì dịch cúm, đàn bò sữa khó sống chung với lũ, nhà nông càng nuôi càng lỗ..., thì nghề nuôi bò thịt ở ĐBSCL mấy năm gần đây luôn phát triển trong thế ổn định. Thật sự bò thịt đang trở thành vật nuôi xoá nghèo, làm giàu hiệu quả của nông dân.

Bỏ "giấc mơ" bò sữa sang bò thịt.

Tính đến thời điểm này tỉnh Đồng Tháp chỉ còn khoảng 400 con bò sữa, An Giang gần 600 con, Trà Vinh 148 con, Long An 3.850 con. Kỹ sư Nguyễn Văn Phương – Phó giám đốc Sở NN&PTNT An Giang nhận định: nông dân An Giang không còn mặn mà với bò sữa.

Hết thời lao đao chuyển hướng sang bò thịt

Trong khi đàn bò sữa giảm sút trông thấy, đàn bò thịt ở An Giang tăng vọt lên trên 60.000 con; Đồng Tháp từ trên 3.500 con (2001) tăng lên trên 20.000 con (2004); Vĩnh Long 25.000 con, tăng 25% so với cùng kỳ năm ngoái; Trà Vinh dẫn đầu các tỉnh ĐBSCL có đàn bò trên 80.000 con.

Việc tăng nhanh đàn bò thịt ở ĐBSCL chứng minh một hướng đi đúng, các tỉnh đã và đang tích cực đầu tư cho nông dân, nông dân hồ hởi thực hiện.

Theo kỹ sư Lâm Ngọc Triết – GĐ Sở NN&PTNT Trà Vinh cho biết: dự án lai tạo và phát triển đàn bò lai Sind từ nay đến năm 2005 tỉnh đang triển khai, có tổng nguồn vốn trên 57 tỷ đồng. Nhiều người nhận đầu tư nuôi bò trong khuôn khổ dự án chỉ cần góp vốn 40% giá trị con bò, đồng thời được hưởng nhiều ưu đãi như: hỗ trợ 50% lãi suất vay ngân hàng để xây dựng chuồng trại; được tập huấn kỹ thuật gieo tinh, tiêm phòng cho bò miễn phí...

Ở tỉnh Đồng Tháp ngoài những ưu tiên miễn phí phòng chống dịch bệnh, hộ nuôi 10 con bò trở lên được hỗ trợ 50.000đ/con trong thời gian 3 năm để xây dựng chuồng trại, trồng cỏ. Tỉnh còn tập huấn kỹ thuật cho hơn 2.000 nông dân và tổ chức tham quan các mô hình nuôi bò thịt, đào tạo, tập huấn cho cán bộ mua sắm trang thiết bị.

Huyện Tân Hồng có đàn bò thịt từ 1.600 con (2001) tăng lên trên 6.000 con (2004), nhiều bò nhất tỉnh. Ngoài những chính sách hỗ trợ của tỉnh, để có giống tốt huyện còn thành lập trại bò giống với quy mô ban đầu 80 con bò cái lai Sind, trồng 5 ha cỏ. Toàn bộ bò giống được cung cấp cho bà con nông dân chăn nuôi.

Tỉnh Vĩnh Long thông qua các tổ chức đoàn thể quỹ XĐGN, quỹ hỗ trợ giải quyết việc làm, chương trình 135 dành cho đồng bào Khmer các chính sách ưu đãi... để phát triển đàn bò. Tính đến trung tuần tháng 10/2004 ngân hàng NN&PTNT Vĩnh Long đã cho trên 7.800 hộ nông dân vay trên 90 tỷ đồng (trung hạn) để đầu tư vào chăn nuôi bò, lợn.

Ưu đãi vay vốn và Sind hoá đàn bò

Huyện Chợ Mới (An Giang) có chính sách ưu đãi vay vốn chăn nuôi bò lãi suất 0,5%/tháng cho hộ gia đình; 0,8%/tháng cho trang trại. Thời gian vay ngắn hạn 1 năm, trung hạn 3 năm, dài hạn 5 năm.

Nhờ có chính sách tín dụng khuyến khích, Chợ Mới hiện có đàn bò gần 10.000 con, bình quân 1 hộ nuôi 2-4 con. Trang trại bò trên 100 con của ông Tám Chuyền ở ấp Mỹ Tân, xã Mỹ Luông vừa là nguồn cung cấp bò giống cho dân địa phương nuôi, vừa là nơi cung cấp bò thịt cho thương lái các tỉnh và Tp.HCM.

Ông Vũ Văn Quân ở ấp 1 xã Trung Nghĩa, huyện Vũng Liêm (Trà Vinh) từ 7 con bò cái nền chỉ sau 2 năm gây dựng đến nay đã có trên 40 con, trong đó có mười mấy bê con. Nếu tính luôn cả phần tăng giá và số đầu bò sinh sản được ông đã có lãi cả trăm triệu đồng. Con bò (thịt) đang là đầu cơ nghiệp của nhiều nhà nông ĐBSCL.

Khoảng 6-7 năm về trước, đàn bò ở Trà Vinh cũng như các tỉnh ĐBSCL: vóc dáng thấp, nhỏ con, chất lượng kém bà con địa phương quen gọi là “bò cóc” (bò vàng). Họ nuôi lấy công làm lãi, ít được ai quan tâm đến. Năm 1996, thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi Trà Vinh chủ trương “Sind hoá” đàn bò bằng phương pháp lai tạo.

Được sự hỗ trợ tích cự của ngành nông nghiệp về giống, chuyển giao khoa học kỹ htuật đến tận hộ nông dân phong trào “Sind hoá” đàn bò phát triển mạnh, lôi cuốn cả giới thương lái (vốn là những nông dân chăn nuôi bò giỏi) vào cuộc. Họ đi khắp nơi trong nước, lùng sục mua gom bò giống chất lượng cao về phục vụ phong trào chăn nuôi tỉnh nhà.

Nhờ vậy, chỉ sau dăm năm từ chỗ đi mua gom Trà Vinh trở thành “thủ phủ”, trạm trung chuyển bò chất lượng cao ở miền Tây; đứng đầu các tỉnh ĐBSCL về số lượng (trên 80.000 con) và chất lượng đàn bò (35% lai Sind).

Cầu Ngang là huyện có đàn bò nhiều nhất tỉnh Trà Vinh, trên 21.000 con, trong đó gần 60% bò được lai Sind. Đây là điểm hấp dẫn nhiều thương nhân các tỉnh tìm đến vì có đàn bò giống chất lượng cao.

Một thương nhân có tiếng trong lĩnh vực cung cấp bò giống cho các tỉnh miền Tây nhận xét: bò cái lai Sind (thế hệ F2 có 1/2 máu Sind) của Trà Vinh rất được nông dân các tỉnh: Vĩnh Long, Tiền Giang, Đồng Tháp, Long An, Tây Ninh ưa chuộng vì vóc dáng cao to, nuôi thịt rất hiệu quả. Hiện 1 bê lai Sind 1 tuổi có giá 3-3,5 triệu đồng; cao hơn 1,5 lần bò vàng địa phương.

Ông Trần Văn Hải nông dân kiêm luôn lái bò phát đạt bộc bạch: ở Trà Vinh có khoảng 200 lái bò, hầu hết họ là nông dân chăn nuôi giỏi, đồng thời buôn bán giỏi vì biết nghề. Riêng trại bò của ông hàng năm mua bán trên 700 con bò. Tính bình quân lãi 100.000đ/con, mỗi năm ông kiếm được cả trăm triệu đồng.

Ở Trà Vinh những nông dân làm ăn giỏi hơn ông Hải không hiếm. Đó là ông Nguyễn Văn Hoàng xã Đa Lộc huyện Châu Thành chủ trang trại nuôi bò sinh sản có gần 100 con bò cái nền lai Sind đồng thời là một thương lái bò có hạng trong lĩnh vực cung cấp bò giống cho các tỉnh miền Tây.

Nuôi bò không lo bằng lo thiếu cỏ

Giữa mùa lũ năm nay, về các huyện đầu nguồn tỉnh Đồng Tháp nông dân vẫn sống khoẻ. Ông Lê Văn Có ở ấp 2 thị trấn Sa Rài huyện Tân Hông kể: “Năm 2002, tôi thuê xáng cạp làm đê bao rộng 2 ha, lập trang trại nuôi bò. Trong đó, tôi dành khoảng 400m2 xây chuồng bò, còn lại trồng cỏ mồm – loại có khả năng chịu lũ. Đầu năm 2003 tôi mua 27 bò cái lai Sind, đến nay sinh thêm được 23 con. Trước mùa lũ nhiều người hỏi mua cả đàn với giá 400 triệu đồng nhưng tôi chưa bán”.

Nông dân Lê Hoài Nam ở thị trấn Tràm Chim huyện Tam Nông nói chắc nịch: “Trồng cỏ, nuôi bò thịt ở vùng đất này hiệu quả gấp 4 lần trồng lúa”.

Theo số liệu thống kê, đàn bò ĐBSCL hiện có khoảng 180.000 con bò. Theo dự án đầu tư phát triển tại các địa phương số lượng bò sẽ lên đến 200.000 con vào năm 2005.

Theo tính toán của những người chăn nuôi bò, không kể các loại thực phẩm phụ (rơm rạ, cây màu) bình quân 1 ngày 1 con bò ăn hết khoảng 30 kg cỏ tươi. Với mức ăn như vậy, ước tính để có đủ cỏ cho đàn bò hiện có tỉnh Trà Vinh cần ít nhất 1.500 ha trồng cỏ chất lượng, năng suất cao.

Ông Lâm Ngọc Triết, giám đốc Sở NN&PTNT Trà Vinh là người có nhiều tâm huyết với chương trình “Sind hoá” ĐB cho biét: năm 1999 ngành đã hỗ trợ cung cấp giống hạt trồng cỏ nuôi bò cho các trang trại huyện Trà Cú. Với các giống cỏ có năng suất cao như cỏ voi, cỏ ruzi nếu trồng nông dân có thể đạt mức thu nhập 40-50 triệu đồng/ha/năm, không tốn nhiều chi phí, công chăm sóc.

Ba năm nay, nhiều huyện ở Trà Vinh đã chuyển đổi diện tích trồng lúa năng suất thấp, hiệu quả kém sang trồng cỏ. Nhưng so với đàn bò hiện nay với 300 ha cỏ hiện có thì cung chỉ mới đáp ứng được khoảng 1/5 cầu. Trong khi đó, đàn bò ở Trà Vinh hàng năm tăng thêm khoảng trên 12.000 con. Nông dân có thu nhập thêm 24 tỷ đồng. Một con số rất có ý nghĩa đối với đời sống nông thôn. Nhưng cũng rất đáng lo vì thiếu cỏ.

Ông Dương Nghĩa Quốc, phó giám đốc Sở NN&PTNT Đồng Tháp khẳng định: ĐBSCL nhiều vùng đã kiểm soát được lũ, vấn đề quan trọng đặt ra hiện nay là các địa phương cần quan tâm đến quy hoạch vùng trồng cỏ và cần nguồn vốn vay trung hạn và dài hạn để phát triển nghề nuôi bò. Đây chính là mô hình xoá nghèo hiệu quả, giúp bà con vươn lên làm giàu.

(Theo TBKTVN)

Về đầu trang 

Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi